Thánh vịnh: Lời cầu nguyện của Vua Đavit

  • 14/01/2022 18:44
  • Thánh Vịnh là lời của Thiên Chúa mà con người chúng ta dùng để nói chuyện với Ngài. Thánh Vịnh là một “hình thức” cầu nguyện, một bộ sưu tập gồm một trăm năm mươi thánh vịnh mà truyền thống Kinh Thánh ban tặng cho những người tin vào Chúa, để họ trở nên chính Chúa qua cách thức và những lời cầu nguyện với Ngài.

    THÁNH VỊNH: LỜI CẦU NGUYỆN CỦA VUA ĐAVIT

    Vua Đavit – một mẫu gương về việc cầu nguyện bằng thánh vịnh

    “Đa-vít là Vua theo lòng mong muốn của Thiên Chúa”

    (1 Sm 13: 13-14)

    1. Thánh Vịnh: Sách Cầu Nguyện

    Thánh Vịnh là một “hình thức” cầu nguyện, một bộ sưu tập gồm một trăm năm mươi thánh vịnh mà truyền thống Kinh Thánh ban tặng cho những người tin vào Chúa, để họ trở nên chính Chúa qua cách thức và những lời cầu nguyện với Ngài.

    Thánh Vịnh: cuốn sách dạy cho chúng ta biết cầu nguyện

    Thánh Vịnh – là một cuốn sách truyền đạt cách cầu nguyện theo truyền thống Cựu Ước, vốn chứa đựng những lời cầu nguyện cá nhân của Vua Đa-vít, sau trở thành lời cầu nguyện của dân Israel. Qua sách Thánh Vịnh, Thiên Chúa dạy chúng ta cầu nguyện vì ở đó Lời Chúa trở thành lời cầu nguyện. Thiên Chúa muốn chúng ta cầu nguyện với Ngài bằng chính những lời mà Ngài dạy dỗ chúng ta.

    Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Thánh Vịnh là một phần của các sách Khôn Ngoan, vì nó truyền đạt ‘cách cầu nguyện’ qua kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa. Trong các Thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy tất cả các cảm xúc có trong cuộc sống thường ngày của con người: vui, buồn, đau khổ, nghi ngờ, hi vọng, yêu thương… Những cảm xúc đó tô màu và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm phong phú. Bằng cách đọc và suy ngẫm các thánh vịnh, chúng ta sẽ học được các ngôn ngữ của lời cầu nguyện”.

    Thật vậy, Thiên Chúa là Cha, với Thần Khí của Ngài, đã soi dẫn trong lòng Vua Đa-vít những lời cầu nguyện tuyệt vời, để dạy những người nam và người nữ cách thức chúc tụng, cảm tạ, và ngợi khen Chúa. Đó chính là Cách cầu khẩn Chúa trong niềm vui và sự đau đớn, cách tôn vinh các công việc vĩ đại và lề luật của Chúa… Tóm lại Thánh Vịnh chính là lời của Thiên Chúa mà con người chúng ta dùng để nói chuyện với Ngài.  

    Theo Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: “Sách Thánh vịnh được trao cho người tin Chúa như một bản văn cầu nguyện, có mục đích duy nhất là trở thành lời cầu nguyện của những ai mặc lấy chúng và hướng về Chúa. Bởi vì đó là Lời của Thiên Chúa, nên bất cứ ai cầu nguyện bằng thánh vịnh đều là nói với Chúa bằng chính Lời của Chúa, nói với Ngài bằng chính những lời mà Ngài ban cho chúng ta. Vì vậy, bằng cách cầu nguyện qua các thánh vịnh người ta sẽ học biết được thế nào là cầu nguyện”. Thánh vịnh là “một cuốn sách gồm những lời cầu nguyện, một cuốn sách đã trở thành quê hương, sân tập và nơi cư ngụ của vô số lời cầu nguyện. Đây là cuốn sách thánh bao gồm 150 thánh vịnh để cầu nguyện.

    Vậy, Cầu nguyện là gì? Trước hết, cầu nguyện là một mối quan hệ sống động và cá vị mà người tín hữu có với Thiên Chúa. Như Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã khẳng định, “đối với tôi, lời cầu nguyện là sự thúc đẩy của trái tim, đó là một ánh mắt đơn sơ hướng về thiên đàng, đó là một tiếng kêu của lòng biết ơn và tình yêu trong thử thách cũng như trong niềm vui sướng”. Hay như lời Thánh Gioan Damasceno đã từng nói, “Cầu nguyện là sự nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa hoặc xin Thiên Chúa ban cho những nhu cầu phù hợp”.  Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì dạy rằng: “Chúng ta không được quên rằng để cầu nguyện tốt, chúng ta phải cầu nguyện như chính mình, không trang điểm. Bạn không cần phải trang điểm để cầu nguyện. “Lạy Chúa, con là như thế này”, và đi trước mặt Chúa như mình là, với những điều đẹp đẽ và cả những điều xấu xa mà không ai biết, nhưng chúng ta biết”.

    Trong các thánh vịnh, chúng ta nghe thấy những tiếng cầu nguyện bằng xương bằng thịt, vốn thể hiện trong cuộc sống, giống như của mọi người, đầy rẫy những khó khăn, nỗ lực và không chắc chắn. Tuy nhiên, trong thánh vịnh, đau khổ biến thành câu hỏi (?) và trong số rất nhiều câu hỏi, có một câu vẫn bị treo lơ lửng, giống như một tiếng kêu không ngừng xuyên suốt cuốn sách từ bên này sang bên kia. Một câu hỏi mà chúng ta lặp đi lặp lại nhiều lần: “Bao lâu, thưa Chúa? Cho đến khi nào?”. Mỗi nỗi đau đòi được giải thoát, mỗi giọt nước mắt gợi lên một niềm an ủi, mỗi vết thương chờ lành. “Thưa Chúa, con sẽ phải chịu đựng điều này trong bao lâu? Lạy Chúa, hãy nghe con: Đã bao lần chúng con cầu nguyện như thế này: “Cho đến bao giờ?”, Lạy Chúa!...

    Chúng ta bắt đầu cầu nguyện từ đâu? Từ trên cao của niềm kiêu hãnh và ý chí của chúng ta hay “từ trong sâu thẳm” (Tv ​​130,1) của một trái tim khiêm tốn và đầy nghị lực? ai hạ mình xuống sẽ được nâng cao. Sự khiêm tốn chính là nền tảng của cầu nguyện. “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rô-ma 8:26). Khiêm nhường là đức tính cần thiết để nhận ơn cầu nguyện miễn phí: bởi vì, con người là kẻ ăn xin từ Thiên Chúa” (GLCG, số 2559).

     

    2. Đa Vit: Một Con Người Cầu Nguyện – Phụng Vụ

    Truyền thống Do Thái cho rằng phần lớn các thánh vịnh là của Vua Đa-vít. Mối liên hệ của thánh vịnh với vị vua của Israel này rất quan trọng, bởi vì ông là nhân vật Thiên sai, được Thiên Chúa xức dầu và phong vương, người mà theo một cách nào đó, mầu nhiệm của Đấng Ki tô được báo trước. Chính vì vậy, Đavít là một gương sáng của việc cầu nguyện, ngay cả khi ông không phải là một người gương mẫu về hạnh kiểm.

    Đa vit là một vị vua theo lòng mong muốn của Chúa: (1 Sm 13, 13-14)

    Đa-vít là người dẫn dắt dân Chúa trong lời cầu nguyện. Để dẫn dắt dân tộc này cầu nguyện, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng và chỉ dạy con người cầu nguyện. “Vì vậy, Đa-vít là một vị vua, với tất cả những yếu đuối của mình, theo lòng mong muốn của Thiên Chúa, tức là một người say mê cầu nguyện, một người biết rõ ý nghĩa và giá trị của lời cầu xin và ngợi khen. Do đó, mà mối liên hệ của các Thánh Vịnh với vị vua nổi tiếng của Israel này rất quan trọng, bởi vì ông là một nhân vật thiên sai, được Chúa xức dầu, mà theo một cách nào đó, mầu nhiệm của Đấng Kitô được báo trước”.

    Lời cầu nguyện mà Vua Đa-vít dạy chúng ta trên hết là sự ngợi khen và ăn năn sám hối. Đa-vít là vị vua xuất sắc “theo lòng Chúa”. người mục tử cầu nguyện cho dân Ngài và nhân danh Ngài, sự phục tùng ý muốn của Đức Chúa, sự ngợi khen, sự ăn năn sẽ là mô hình cầu nguyện cho dân chúng. Được Thiên Chúa xức dầu, nên lời cầu nguyện của Đavit là sự trung thành tuân theo Lời hứa của Thiên Chúa, (2 Sam 7, 18-29) một sự tin cậy tràn đầy tình yêu và niềm vui vào Người là Vua và là Chúa duy nhất. Trong Thánh Vịnh, Đa-vít được Chúa Thánh Thần soi dẫn, là nhà tiên tri đầu tiên trong lời cầu nguyện của người Do Thái và Cơ đốc giáo. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Mê-sia thật sự và là con vua Đa-vít, Ngài sẽ bày tỏ và làm tròn đầy ý nghĩa của lời cầu nguyện này (GLCG. 2579).

    Cuộc đời của Đa-vít - một cuộc đời mang tính phụng vụ: ông biết cách ca tụng và ăn năn.

    Toàn bộ cuộc đời của Đa-vít vốn được thể hiện trong vui sướng và trong đau khổ, trong tội lỗi và trong lòng đạo đức đối với Thiên Chúa, đã trở thành phụng vụ. Cuộc đời của vua Đa-vít đã trở thành bài ca trong thánh vịnh và bài ca này trở thành cuộc sống cho những ai dựa vào sự khôn ngoan của thánh vịnh.

    Thánh vịnh ca tụng

    Đức giáo hoàng Biển Đức XVI khẳng định rằng mặc dù có nhiều cách diễn tả nhưng các Thánh Vịnh được phân chia thành hai loại chính, có thể được xác định ngắn gọn với những lời cầu nguyện của Thánh Vịnh: cầu khẩn, kết nối với than thở và ngợi khen. Hai khía cạnh này liên quan và gần như không thể tách rời. Bởi vì lời khẩn cầu được làm sinh động bởi sự chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời, và điều này mở ra để ngợi khen và cảm tạ; và sự ngợi khen và cảm tạ lại bắt nguồn từ kinh nghiệm về ơn cứu rỗi đã nhận được, điều này cho thấy một nhu cầu được giúp đỡ mà lời cầu xin đã bày tỏ.

    Trong sách Samuen quyển thứ hai, có một đoạn tuyệt đẹp về cầu nguyện mà trong đó vua Đavit được làm nổi bật. Đây là câu chuyện thuật lại việc rước Hòm Bia vào thành Giê-ru-sa-lem: Đa-vít dâng lễ toàn thiêu và các điệu múa trước mặt Chúa. Đó là một trong những ví dụ đẹp nhất về lời cầu nguyện ngợi khen, một lời cầu nguyện trong đó con người cởi bỏ tất cả bản thân để nhận ra sự vĩ đại và uy nghiêm của Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện mà kẻ kiêu ngạo và tự cao sẽ không bao giờ hiểu được.

    Trường hợp thánh vịnh 63: Thánh vịnh về sự ăn năn sám hối.

    Đa-vít phạm tội ngoại tình với vợ của Uria, và khi bị tiên tri Na-than tố cáo, ông đã cầu xin sự tha thứ cho tội ác lớn lao của mình. Lời cầu nguyện này của Đa-vít cho thấy lòng trung thành và sự tin cậy của ông nơi Đức Chúa. Điều đó cũng cho thấy rằng sự trung thành và tin cậy này không giúp chúng ta tránh khỏi sự cám dỗ và tội lỗi, nhưng đời sống cầu nguyện chắc chắn giúp chúng ta nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa và sự hoán cải, đổi mới tâm hồn (2 Sam, 11, 2- 17).

     

    3. Tôi Sống Lời Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh Như Thế Nào?

    Khi khẩn cầu, người ta thường phàn nàn và mô tả tình trạng đau khổ, nguy hiểm, hoang tàn của mình, hoặc như trong Thánh thi sám hối, họ thú nhận tội lỗi của mình để xin được tha thứ. Họ bày tỏ với Chúa tình trạng cần thiết của mình với sự tự tin khi được lắng nghe, và điều này cũng ngụ ý tin tưởng vào Thiên Chúa - Đấng giàu lòng nhân hậu và sẵn sàng giúp đỡ, cứu rỗi, cùng tha thứ.

     Tương tự như vậy, trong các Thánh vịnh cảm tạ và ngợi khen, khi nhớ lại món quà đã nhận được hoặc suy ngẫm về sự cao cả của lòng thương xót của Đức Chúa, chúng ta cũng nhận ra sự nhỏ bé của chính mình và nhu cầu được cứu rỗi đến từ Thiên Chúa. Vì vậy, khi một người cầu nguyện với Thiên Chúa về thân phận yếu đuối, mỏng dòn phải chết của mình, thì cũng chính là lúc thể hiện khát vọng sống khôn nguôi của họ (Đức Giáo Hoàn Biển Đức).

                 Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Mọi người đều đau khổ trong thế giới này: cho dù bạn tin vào Chúa hay từ chối Ngài. Nhưng trong Thánh Vịnh, nỗi đau trở thành mối quan hệ, tiếng kêu cứu chờ đợi chặn lại một đôi tai lắng nghe. Nó không thể vẫn vô nghĩa, không có mục đích. Ngay cả những nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu cũng không thể chỉ là những trường hợp cụ thể của một quy luật phổ quát: chúng luôn là những giọt nước mắt của “tôi”. Hãy suy nghĩ về điều này: nước mắt không phải là phổ quát, chúng là nước mắt “của tôi”. Mọi người đều có của riêng mình. Nước mắt “của tôi” và nỗi đau “của tôi” thúc đẩy tôi tiếp tục cầu nguyện. Chúng là những giọt nước mắt của “tôi” mà chưa ai từng rơi trước tôi. Vâng, nhiều người đã khóc, nhiều người, nhưng nước mắt của “tôi” là của tôi, nỗi đau của “tôi” là của tôi, đau khổ của “tôi” là của tôi.

    Khi chúng ta muốn an ủi ai đó, chúng ta khó tìm được lời lẽ cho thỏa, bởi vì sao? Bởi vì chúng ta không thể chạm tới nỗi đau của người đó, bởi vì nỗi đau của “người đó” là của người đó, nước mắt của “người đó” là của người đó. Đối với chúng ta cũng vậy: những giọt nước mắt, nỗi đau “của tôi” là “của tôi”, và với những giọt nước mắt này, với nỗi đau này, tôi hướng về Chúa.

    Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là những người xa lạ, hay những con số. Chúng ta là những khuôn mặt và trái tim, được biết đến từng người một với từng cái tên cụ thể.

    Trong thánh vịnh, người tin Chúa tìm thấy câu trả lời. Anh ấy biết rằng ngay cả khi tất cả các cánh cửa của con người đều bị khóa, thì cánh cửa của Thiên Chúa vẫn mở. Ngay cả khi cả thế giới đã ra phán quyết kết án, thì trong Chúa vẫn có sự cứu rỗi và giải thoát. Ngay cả lúc tuyệt vọng vẫn loé lên một ánh sáng đầy hy vọng nơi chính Chúa. Hãy Can đảm lên, tiếp tục với lời cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta.

     


    Tài liệu tham khảo:

    1. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, trong buổi dạy Giáo lý cho đại yết kiến ​​ngày 22 tháng 6 năm 2011.

    2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong buổi dạy Giáo lý cho đại yết kiến chung ngày 14/10/20.

    3. Cha Osirio Citoro. Imc, trong bài giảng “Lời cầu nguyện của Vua Đavit” ngày 8/1/2022.

    Nt. Maria Mai Thị Thoa, OP.

    Bài viết liên quan