Ngày 27 tháng 9
THÁNH VINH SƠN ĐỆ PHAOLÔ
1. Đôi dòng tiểu sử
Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô sinh ngày 24 tháng 4 năm 1580, mất ngày 27 tháng 9 năm 1660, là một vị thánh của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ngài sinh tại Pouy, Landess, Gascony, nước Pháp trong một gia đình nông dân nghèo khó. Lễ kính ngài trước đây là ngày 19 tháng 7 nhưng hiện nay được cử hành vào ngày giỗ của ngài 27 tháng 9 hằng năm.
Vinh Sơn thụ phong linh mục năm 1600 và lưu trú tại Toulouse cho đến khi đi Marseille để nhận thừa kế. Trên đường về từ Marseille, ngài bị người Turk cướp và bắt cóc đưa đi Tunis và bị bán làm nô lệ. Sau khi cảm hoá người chủ để trở thành một Kitô hữu, linh mục Vinh Sơn được trả tự do vào năm 1607.
Sau đó, ngài quay trở lại Pháp và nhận nhiệm sở tại một giáo xứ gần Paris. Ngài đã thành lập các dòng từ thiện như Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, với sự cộng tác của bà Louise de Marillac, và Tu hội Truyền giáo hay còn được gọi là Lazarist.
Khi được vua Louis XIII bổ nhiệm làm Tổng Tuyên úy của những tù nhân khổ sai chèo thuyền chiến, ngài có cơ hội để cải thiện đời sống những tù nhân ở Pháp.
Thánh Vinh Sơn Phaolô qua đời ngày 27 tháng 9 năm 1660 tại Paris thọ 80 tuổi.
Vào năm 1705 tu viện trưởng Tu hội Truyền giáo Lazarists đề nghị tiến hành hồ sơ phong thánh cho đấng sáng lập. Vào ngày 13 thánh 8 năm 1739, Vinh Sơn Phaolô đã được Đức Giáo Beneđictô XIII phong chân phước và ngày 16 tháng 6 năm 1737 ngài được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong ngài lên hàng hiển thánh. Năm 1885 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đặt ngài làm bổn mạng hội Nữ tu sĩ Bác ái. Đồng thời ngài cũng trở thành thánh bổn mạng của hội Nam tu sĩ Bác ái.
2. Những nét nổi bật trong đời sống
+ Đầu tiên là việc phục vụ cho những người nghèo khó: Cuộc đời của Ngài, ngay từ hồi còn thơ ấu đã nổi rõ nét là một con người đầy vị tha, bác ái và hay thương xót những kẻ nghèo khó. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn Phaolô đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Dù với bất cứ chức vụ nào: Bề trên Dòng Thăm Viếng, Bề Trên Tu Hội triều hay trong cương vị của một mục tử, thánh Vinh Sơn Phaolô đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan. Ngài yêu thương các người nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ lao động vất vả, đặc biệt Ngài lưu tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ. Lời Chúa trong bài giảng tám mối phúc thật (x. Mt chương 5), đã được Ngài thực hiện cách tận căn: đi và dạy người ta bước đi trên con đường hiến chương nước trời. Ngài đã sống tận cùng lời Chúa: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ bị tù đày v.v...(x. Mt chương 25).
Chúa đã dạy mọi người bài học yêu thương. Yêu thương tận cùng và yêu thương không ngừng. Chính Chúa đã sống tận cùng sự yêu thương bằng cái chết trên thập hình. Chết mới nói lên lời. Trên thập giá, Chúa đã nói lên tất cả: yêu thương và tha thứ. Chúa đã trở nên nghèo, để sống với người nghèo. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã yêu thương người nghèo, những kẻ bơ vơ vất vưởng, đầu đường xó chợ, không nhà không cửa. Theo gương Chúa, thánh Vinh Sơn Phaolô đã luôn cứu giúp người nghèo, sống như người nghèo trong việc phục vụ, lao động để gần gũi Chúa. Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa. Sống như người nghèo là sống như Chúa. Gặp gỡ người nghèo là gặp gỡ Chúa.
+ Thứ đến là lo cho họ, những người nghèo khó có các mục tử coi sóc họ. Chính vì thế mà năm 1625, ngài đã sáng lập ra Tu hội “Linh mục thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sỹ theo tinh thần công đồng Trente, và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng quê. Như vậy, công việc giúp đỡ người nghèo của thánh nhân đã hội tụ được những nguồn lực có tính quyết định cho cả lộ trình đồng hành với người nghèo của ngài. Việc phục vụ những người nghèo khó theo tinh thần Tin Mừng đã trở thành một linh đạo sống cho những ai muốn hiến thân phục vụ người nghèo trong Chúa Kitô.
Theo Ngài, con đường nên thánh phải được khởi đi từ việc nhận ra hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo: “… Chính chúng ta phải cảm nghiệm được điều đó, cũng như phải xử sự như Đức Kitô là quan tâm đến những người nghèo túng, an ủi, giúp đỡ và bảo lãnh cho họ… Quả thật, Đức Kitô đã muốn sinh ra là người nghèo, đã kết nạp những người nghèo làm môn đệ. Người đã trở thành kẻ phục vụ người nghèo, nên đã chia sẻ thân phận của họ…”
Việc phục vụ người nghèo đối với Thánh nhân, không phải theo một vài hình thức ban ơn phô trương, mà phải được xuất phát từ chính con tim biết hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ. Sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động như Thánh Phaolô tông đồ, khi Người nói: “Tôi trở nên tất cả cho mọi người…”
Đức ái với những người nghèo trong linh đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô còn hệ tại ở việc hành động phục vụ và nhận biết những nhu cầu cấp thiết nơi những người nghèo: “phải ưu tiên phục vụ người nghèo, không được trì hoãn… Vậy khi chị em bỏ đọc kinh nguyện để giúp đỡ người nghèo thì hãy nhớ rằng, đó là chị em phục vụ Thiên Chúa” (Kinh Sách, Các bài đọc).
Cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta một tấm gương sáng trong việc phục vụ những người nghèo khó mà Chúa luôn yêu thương họ.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn tin: https://tgpsaigon.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 123 | Tổng lượt truy cập: 4,165,406