Tiếng chuông nhà thờ rất đỗi thân thương, quen thuộc với chúng ta và thường vang lên nơi thị thành, nơi thôn quê, và có khi vang lên ngay cả tại các vùng sơn cước…
Ngay từ tấm bé, tiếng chuông trở nên một phần máu thịt trong tôi bởi vì nhà tôi ngay sát bên nhà thờ của giáo xứ. Tính ra mỗi ngày chuông đổ từ 3 cho đến 5 lần : ấy là vào lúc sáng sớm, 12 giờ trưa và giờ kinh lễ ban tối. Thường thì khi nào có lễ thì người ta sẽ báo chuông hai lần: chuông thứ nhất báo hiệu có lễ và chuông thứ hai sát giờ lễ. Do đó, nếu ai đó chưa đi lễ mà nghe thấy chuông hai thì cần nhanh chóng tới nhà thờ.
Còn nhớ khi dịch tới thì ở nhiều nơi tiếng chuông nhà thờ tạm thời không vang lên nữa. Tại Sài Gòn, tôi vẫn may mắn nghe được tiếng chuông từ một số nhà thờ vọng lại cho dù số lần tiếng chuông vang lên ít đi hẳn do việc hạn chế tụ họp đông người. Nếu không còn nghe thấy âm thanh đặc biệt ấy thì quả là thiêu thiếu một thứ gì đó.
Và rồi giờ đây, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các nhà thờ được tổ chức thánh lễ trở lại, tiếng chuông nhà thờ lại vang lên như trước. Tạ ơn Chúa thật nhiều!
Thường thì chúng ta dễ dàng nghe thấy tiếng chuông phát ra từ các nhà thờ hay các ngôi chùa. Giữa chuông nhà thờ và chuông chùa có sự khác biệt ở cung điệu và độ trầm bổng cũng như tốc độ.
Với bạn, tiếng chuông có đơn thuần chỉ là tiếng chuông hay không? Trong sách “An lạc từng bước chân”, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng: ngài chưa hề nghe tiếng chuông chùa kể từ khi ngài sang Châu Âu. Tuy nhiên, ngài lại sử dụng sử dụng chính tiếng chuông nhà thờ để tiến hành thực tập chánh niệm, nhất là khi ở Thụy Sĩ:
“Khi nghe tiếng chuông đổ, tôi dừng nói chuyện và khuyên thiền sinh để hết lòng lắng nghe tiếng chuông. Khi nghe tiếng chuông, chúng tôi dừng lại, theo dõi hơi thở và tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm ở xung quanh, hoa lá, các em bé nhỏ, những âm thanh tuyệt diệu. Mỗi khi chuông ta quay trở về để tiếp xúc với cuộc sống trong giây phút hiện tại.”
Tiếng chuông nhà thờ rất đặc biệt. Đó không chỉ là âm thanh vang lên từ thứ được gọi là “chuông” mà thôi. Tiếng chuông vang lên, để lòng ta được bình an, thư thái. Không biết đã bao giờ bạn có cảm giác như vậy chưa? Giữa bao lo toan của cuộc sống trong lao động, học hành..., tôi chắc hẳn, nếu mọi người biết lắng đọng để cảm nhận đôi chút, để hòa mình vào âm điệu du dương, ngân nga ấy, thì tựa như mình đang được nâng lên khỏi mặt đất vậy.
Ngoài ra, tôi được nhắc nhớ về biến cố truyền tin của sứ thần Gabriel cho Đức Maria khi tiếng chuông nhà thờ vang lên. Do đó, những lúc ấy, tôi thường thầm thĩ cầu nguyện với Đức Trinh nữ Maria để biết sống khiêm nhường như Mẹ hơn mỗi ngày.
Theo tôi, tiếng chuông còn là tiếng lòng của con người. Những hồi chuông ngân vang mang theo tâm tư nguyện vọng của con người lên tới tận cõi trời cao xanh, như để thân thưa, tỏ lộ cùng Thiên Chúa tối cao.
Đặc biệt, tiếng chuông còn là tiếng Chúa mời gọi mỗi người rằng giữa bộn bề của cuộc sống, hãy đến với Ngài để “được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Tuy nhiên, không ít lần con người đã hờ hững trước âm thanh thánh ấy. Khi đó, với họ, tiếng chuông chỉ là một loại âm thanh như bao âm thanh khác mà thôi. Thậm chí không ít người dù ngay sát nhà thờ nhưng vẫn “giả điếc làm ngơ”, không hề muốn đến nhà thờ cho dù đã được phép tụ họp thờ phượng. Ước gì, chúng ta luôn nhận ra lời mời gọi ấy và mau mắn đáp lại trong tinh thần hân hoan.
Cuộc sống đã trở lại bình thường, đại dịch đã được kiểm soát, tiếng chuông từ các nhà thờ vẫn hằng vang lên. Liệu rằng chúng ta có nghe, có cảm nghiệm được lời mời gọi của Chúa không hay vẫn còn vịn cớ dịch dã để rồi không muốn mở tai, mở lòng ra?
Kính chúc mọi người mọi sự tốt lành bằng an trong tình yêu thương của Chúa và Mẹ Maria!
Vj Vu
Nguồn tin: https://tgpsaigon.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 147 | Tổng lượt truy cập: 4,165,920