Tuyên khấn để thi hành sứ vụ – Phần 2

  • 05/07/2022 20:13
  • WĐMTH (04.7.2022) - Trong Mùa Thánh Hiến năm nay của Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Ban Truyền thông xin trích đăng lại một bức thư rất hay của cha Cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh – Timothy Radcliffe, OP đã được đăng trong tập sách “Hát lên bài ca mới” – Chân Lý 2000. Những ý tưởng của cha sâu sắc và giọng văn dịch thuật nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu giúp cho độc giả có thêm chất liệu để hiểu về đời sống thánh hiến, lời khấn và sứ vụ của một người sống trong Ơn gọi của Dòng Thuyết Giáo.

     

    Trong bài này, xin mời quý độc giả xem phần 2 của bức thư, đề cập đến lời khấn thứ hai trong Ba Lời Khấn Dòng: KHÓ NGHÈO / THANH BẦN

     ********************

    ĐỨC THANH BẦN: LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA NHÂN TỪ

    Đức thanh bần là lời khấn rất khó tìm được từ ngữ diễn tả cho chính xác, vì hai lý do. Những anh chị em thực sự sống khó nghèo nhất lại là những người ngại nói đến cái nghèo nhất. Họ biết chúng ta nói nhiều đến nghèo khó, và “sự lựa chọn đứng về phía người nghèo” là những từ hoa mỹ rỗng tuếch như thế nào. Họ biết cuộc sống của những người nghèo kinh khủng ra sao, thường là những người không có hy vọng, bị đè bẹp bởi bạo lực hàng ngày, lo lắng, bất an, lệ thuộc. Ai trong chúng ta đã từng thấy – dù là xa xa – nghèo khó giống với cái gì, thì thường không tin vàọ những từ ngữ dễ dãi. Bản thân chúng ta đã thực sự biết sống trong tình trạng bị tước đoạt, bất an và vô vọng thì khổ như thế nào chưa?

    Lý do thứ hai khiến cho việc viết về sự khó nghèo rất khó, đó là ý nghĩa sống nghèo trong mỗi xã hội đều khác nhau, lệ thuộc nhiều vào bản chất của những mối liên hệ gia đình, kiểu mẫu kinh tế, những điều kiện xã hội của một quốc gia, v.v … Ở Ấn Độ, khó nghèo là điều thuộc về truyền thống lâu đời coi khất thực là chuyện thánh thiêng, còn ở châu Phi, nơi đa số nền văn hóa coi sự giàu sang là phúc lành của Thiên Chúa, thì khó nghèo lại mang ý nghĩa khác, và trong xã hội tiêu thụ Tây phương lại khác nữa. Đối với chúng ta, ý nghĩa việc tuyên lời khấn thanh bần còn rõ rệt về phương diện văn hóa hơn là tuân phục và khiết tịnh. Khuôn khổ và nơi chốn của cộng đoàn, các việc tông đồ của anh em, đặt ra những bó buộc khác nhau khiến chúng ta không thể phán đoán quá dễ dãi về chuyện những người khác sống lời khấn này như thế nào.

    Cũng như các lời khấn khác, trước hết, đức thanh bần là một phương tiện. Đức thanh bần cho chúng ta sự tự do để đi giảng thuyết khắp nơi. Anh em không thể là một nhà du thuyết nếu anh em phải chở theo mọi đồ đạc mỗi khi lên đường. Trong sắc chỉ Cum Spiritu Fervore ban hành năm 1217, Đức Giáo hoàng Honorius III viết rằng: thánh Đa Minh và các anh em của người được tinh thần hăng say khích lệ, đã giũ bỏ gánh năng của những người giàu có ở thế gian này, và khi nhiệt thành rong ruổi đi truyền bá Tin mừng, các ngài đã nhất định thi hành nhiệm vụ giảng thuyết trong hoàn cảnh khiêm tốn của đức thanh bần tự nguyện, sẵn sàng chịu lấy vô số những khổ đau và nguy hiểm, để phục vụ ơn cứu độ tha nhân.

    Chúng ta được mời gọi từ bỏ không những của cải giàu sang để theo Chúa Kitô, mà còn cả “anh em, chị em, cha mẹ, vì lòng yêu mến Thầy”. Sự từ bỏ đem lại cho chúng ta tự do, nhưng cũng hàm ẩn một thái độ đoạn tuyệt triệt để với những mối dây ràng buộc gia đình, kể cả quyền thừa kế. Cần phải hình dung những hệ quả của vấn đề này một cách vô cùng tế nhị, vì bản chất những mối dây ràng buộc gia đình đã thay đổi nhiều trong xã hội. Ngày nay, trong các gia đình thường gặp chuyện ly dị và tái hôn, rồi trong một số xã hội, anh chị em của chúng ta trở thành những người con duy nhất trong gia đình. Chúng ta có nghĩa vụ thực sự đối với cha mẹ, nhưng làm thế nào để dung hòa với việc hiến dâng triệt để bản thân khi – qua các lời khấn trong Dòng – chúng ta dâng hiến cuộc đời để rao giảng Tin mừng. Quả là mâu thuẫn khi các phần tử của gia đình đã tuyên khấn tu trì lại được coi là những người “tự do”  trong việc giúp đỡ cha mẹ già yếu hay bệnh tật. Chúng ta sẽ suy nghĩ về vấn đề tế nhị này.

    Lời khấn thanh bần cho ta sự tự do để dâng hiến chính bản thân chúng ta mà không giữ lại điều gì, hầu có thể đi rao giảng Tin mừng, nhưng thanh bần không chỉ là một phương thế hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa tiện ích. Tương tự như các lời khấn khác, thánh Thomas viết: đức thanh bần hướng đến caritas, tình yêu, tức là chính sự sống của Thiên Chúa. Phải sống thanh bần như thế nào để chúng ta có đủ uy tín mà nói về Thiên Chúa?

    Có lẽ một cách trả lời các hỏi trên là xét xem đức thanh bần liên hệ đến những khía cạnh căn bản của bí tích tình yêu, tức là Thánh Thể, như thế nào. Vì Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất, sự hiệp nhất mà khó nghèo phá hủy. Đây là bí tích của sự tổn thương, là tính chất mà người nghèo phải chịu đựng. Đó là giây phút dâng hiến, điều mà xã hội tiêu thụ chống đối. Khi hỏi chúng ta có thể và phải sống nghèo như thế nào, tức là hỏi xem chứng ta phải sống bí tích Thánh Thể làm sao.

    TÍNH CHẤT VÔ HÌNH

    Đêm trước ngày chịu chết, Đức Kitô qui tụ các môn đệ để cử hành giao ước mới. Đó là lúc khai sinh một căn nhà mà mọi người có thể vào ở, bởi vì bây giờ Đức Giêsu đón nhận tất cả những gì có thể hủy hoại cộng đoàn nhân loại: sự phản bội, chối từ, và cả cái chết. Sự vấp phạm của cái nghèo là nó xé rách những gì Chúa Kitô đã hiệp nhất. Nghèo khó không chỉ là một tình trạng kinh tế, là thiếu thốn lương thực hoặc việc làm. Nghèo khó làm tan nát gia đình nhân loại, làm cho chúng ta trở nên những người xa lạ đối với anh chị em mình. Ông Ladarô nằm trước cửa nhà người giàu có, không chỉ có nghĩa là không được chia sẻ lương thực, mà còn bị loại ra khỏi bàn ăn. Vực thẳm ngăn cách đôi bên sau khi chết chỉ là hình ảnh cho thấy tình trạng ấy đã kéo dài suốt cả cuộc đời của họ. Trong thế giới chúng ta hôm nay, hố ngăn cách nước giàu với nước nghèo và ngăn cách ngay trong những quốc gia ấy, ngày càng trở nên sâu rộng. Ngay trong những nước giàu có thuộc cộng đồng châu Âu, có gần hai mươi triệu người thất nghiệp. Thân thể Chúa Kitô đang bị chia cắt.

    Đức thanh bần tự nguyện mà chúng ta tuyên khấn có giá trị không phải vì – theo một nghĩa nào đó – sống nghèo là một điều tốt. Nghèo là điều đáng ghê tởm. Nghèo chỉ có ý nghĩa khi nó giúp người ta vượt qua những ranh giới phân cách con người với nhau, khi nó là sự hiện diện bên cạnh anh chị em chúng ta. Lời giảng dạy của chúng ta về sự hiệp nhất trong Chúa Kitô sẽ có giá trị thế nào nếu chúng ta không dám khai phá con đường này? Hồi năm ngoái, tôi đã thấy các chị em nữ tu có thể cho các anh em một bài học đáng giá như thế nào, khi các chị âm thầm hiện diện giữa những người nghèo ở nhiều miền đất trên thế giới. Họ hiểu tầm quan trọng của việc chỉ cần hiện diện ở đó như một dấu chỉ của Nước Trời.

    Thánh Thể là nền tảng ngôi nhà của toàn thể nhân loại. Người nghèo có thể cảm thấy mình đang ở trong nhà mình, và được người nhà tiếp đãi tử tế ở trong các cộng đoàn của chúng ta không? Họ có cảm thấy phẩm giá của họ được tôn trọng không? Hay là họ cảm thấy sợ và thấy hèn kém? Nhà cửa của chúng ta thu hút họ đến hay xua đuổi họ đi? Đối với người nghèo, một trong những cách bị loại ra ngoài cộng đoàn nhân loại, đó là trở thành những người không ai nhìn thấy và không ai nghe biết. Họ biến mất, giống như ông Ladarô ở trước cửa nhà người phú hộ. Khi hành khách đến nhà ga chính ở Calcutta, những người hành khất ùa đến và phô bày mọi thứ dị dạng. Họ muốn người ta nhìn thấy, họ muốn trở nên hữu hình. Chúng ta có dám nhìn thẳng vào nỗi đau khổ của anh chị em chúng ta không?

    CHẤP NHẬN BỊ TỔN THƯƠNG

    Trong Bữa Tiệc ly, Chúa Kitô đã nhận lấy đau khổ và cái chết, Người đã chấp nhận vết thương cuối cùng nơi con người, tức là khả năng bị thương tích và phải chết. Lời khấn thanh bần chắc chắn cũng mời gọi chúng ta nhận lấy vết thương đau đó. Trong sắc chỉ của Đức Giáo hoàng Honorius III tôi vừa trích dẫn ở trên, thánh Đa Minh và các anh em của người được khen ngợi không phải chỉ vì các ngài là những người nghèo, nhưng vì các ngài “sẵn sàng chịu lấy vô số những khổ đau và hiểm nguy để phục vụ ơn cứu đô của tha nhân”. Chúng ta phải chia sẻ vết thương đau của người nghèo như thế nào, dù chỉ là một chút xíu?

    Cho dù có ăn uống ít, chúng ta vẫn còn một lối thoát nếu chúng ta không thể chịu đựng nổi nữa. Dòng sẽ không để chúng ta phải chết đói đâu. Thế nhưng, tôi đã gặp những anh chị em dám đi xa hơn những gì họ có thể, chẳng hạn như ở một trong những làng nhỏ đầy bạo động ở Caracas, Các anh chị em ở đó phải chịu đựng nguy hiểm và kiệt sức vì hàng ngày phải sống trong một thế giới mà nhìn chỗ nào cũng thấy bạo lực. Đó là sự chấp nhận có thể bị tổn thương thật sự, phải trả giá bằng chính mạng sống của anh chị em. Tôi nghĩ đến các anh chị em ở Haiti: can đảm bênh vực công lý khiến cho mạng sống của anh chị em bị đe dọa. Ở Algeria và Cairo, anh em chúng ta chọn giải pháp ở lại, bất chấp mọi hiểm nguy, như là một dấu chỉ cho niềm hy vọng vào sự hòa giải giữa các tín đồ Kitô và tín đồ Hồi giáo, ở Guatemala, các chị em người bản xứ mặc y phục như dân thường, nhờ đó chị em có thể chia sẻ sự nhục nhã thường ngày của họ. Nếu chị em mặc tu phục theo truyền thống, chị em sẽ không bị như thế. Không phải tất cả mọi người chúng ta đều đưực kêu gọi đạt tới mức độ sẵn sàng như vậy đâu. Trong Dòng có nhiều trách nhiệm khác nhau. Nhưng chúng ta có thể nâng đỡ, lắng nghe, và học hỏi nơi những người đang lãnh trách nhiệm. Kinh nghiệm của các anh chị em đó chính là môi trường cho nền thần học của chúng ta.

    Lời Đức Kitô mời gọi chấp nhận bị tổn thương phải chất vấn chúng ta về cách thức chúng ta cùng nhau sống đức thanh bần. Liệu chúng ta có dám sống tinh thần bị tổn thương mà đời sống chung đòi hỏi không? Chúng ta có thực sự sống bằng túi tiền chung không? Chúng ta có chấp nhận sự bất ổn bằng cách giao cho cộng đoàn tất cả những thứ chúng ta nhận được, cho dù có nguy cơ là cộng đoàn có thể không cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần không? Làm sao có thể nói về Chúa Kitô, Đấng đã phó mình vào tay chúng ta, nếu chúng ta không thực hành điều đó? Cộng đoàn của chúng ta có bị phân chia thành những giai cấp kinh tế không? Có ai trong chúng ta có nhiều tiền hơn những người khác không? Giữa các cộng đoàn trong Tỉnh dòng, hoặc giữa các Tỉnh dòng với nhau, có thực sự chia sẻ nguồn lợi cho nhau không?

    DÂNG HIẾN

    Trung tâm điểm cuộc đời chúng ta là việc cử hành giây phút chấp nhận bị tổn thương hoàn toàn và quảng đại trao ban, đó là lúc Đức Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, bị trao nộp vì anh em.” Trọng tâm của Tin mừng là giây phút dâng hiến tinh tuyền. Đó là nơi Caritas – tình yêu của Thiên Chúa – trở thành cụ thể nhất. Đó là sự quảng đại mà xã hội chúng ta khó lòng lãnh hội, vì xã hội này là một thị trường, ở đó người ta mua bán mọi thứ. Đối với xã hội ấy, một Đấng Thiên Chúa đã kêu lên: “Hãy đến với tôi, hỡi tất cả các ngươi là những kẻ đang khát, và tôi sẽ cho các ngươi lương thực mà không phải trả tiền” có nghĩa là gì? Đã là xã hội loài người thì đâu đâu cũng có chợ búa, mua bán và trao đổi hàng hóa. Xã hội Tây phương khác ở chỗ chính nó là một cái chợ, một thị trường khổng lồ. Đó là khuôn mẫu căn bản đang chế ngự và hình thành quan niệm của chứng ta về xã hội, về chính trị, thậm chí về con người nữa. Mọi cái đều được rao bán. Thiên nhiên phong phú vô tận, đất, nước, đều là hàng hóa. Ngay cả con người của chúng ta cũng ở trên “thị trường lao động”. Thứ văn hóa tiêu thụ này đang đe dọa xâm lăng toàn thể thế giới, và nó có quyền làm như thế nhân danh tự do, trong khi nó giam hãm chúng ta trong một thế giới không có gì là tự do cả. Thậm chí khi chúng ta ý thức về cảnh cùng quẫn của người nghèo và tìm cách đáp ứng, thì caritas – lòng bác ái – thường bị tiền tệ hóa thành “việc từ thiện”,  qua đó người ta trao tặng tiền bạc thay vì chia sẻ sự sống.

    Làm sao chúng ta có thể là người giảng thuyết về một Thiên Chúa nhân từ và đại lượng, Đấng ban cho chúng ta sự sống của Người, nếu chúng ta lại bị giam hãm trong nền văn hóa xâm chiếm tràn lan như thế này? Một trong những đòi hỏi căn bản nhất của lời khấn thanh bần chắc chắn là chúng ta phải sống đơn giản để có thể nhìn thế giới một cách khác và nắm bắt được đôi nét về một Thiên Chúa tuyệt đối yêu thương. Cuộc sống trong các cộng đoàn của chúng ta phải đơn giản để giúp chúng ta thoát khỏi những hứa hẹn hão huyền của nền văn hóa tiêu thụ, và khỏi “quyền thống trị của của cải” (Hiến pháp 31.1). Một người ngồi trên băng sau chiếc xe Mercedes lộng lẫy và một người ngồi trên chiếc xe đạp cọc cạch chắc chắn sẽ có cái nhìn khác nhau về thế giới và những người chung quanh. Chân phước Jordan nói rằng thánh Đa Minh là “một người thật sự yêu quý đức thanh bần”, có lẽ không phải vì thanh bần tự nó đáng yêu, nhưng vì nó có thể gợi cho chúng ta những khát vọng sâu xa nhất. Tôi thường rất cảm kích trước niềm vui và sự thanh thoát của các anh chị em sống trong cảnh đơn sơ và nghèo khó.

    Tại một vài nơi, ngay ngôn ngữ chúng ta sử dụng để nói về đời sống chung cũng khiến chúng ta phải chú ý đến những nguy cơ bị thế giới công việc nhận chìm các giá trị. Các tu sĩ được gọi là “nhân sự”, rồi một “phòng tổ chức”, bề trên thì đảm đương vai trò “điều hành”, “quản trị”, còn chúng ta thì học những “kỹ thuật điều hành”. Chúng ta có thể tưởng tượng ra thánh Đa Minh như là đệ nhất Chủ tịch của công ty Dòng Anh em Thuyết Giáo không? Có bao nhiêu lần vị Giám tỉnh ngăn cản một anh em tìm những phương cách mới mẻ có tính sáng tạo để giảng dạy, bởi vì Tỉnh dòng phải chi trả cho công việc ấy?

    Nhà cửa chúng ta đang ở đều là hồng ân. Chúng ta có ở và sử dụng với lòng biết ơn hay không? Chúng ta có tinh thần trách nhiệm đối với những gì được ban cho chúng ta, đối với các công trình kiến trúc, đối với những gì chúng ta đã nhận hay không? Chúng ta có cần những cơ sở chúng ta hiện đang có không? Nhà cửa của chúng ta có thể sử dụng hữu ích hơn không? Các anh em quản lý là những người phải lo một trách nhiệm bạc bẽo, dẫu họ giữ vai trò sinh tử để giúp chúng ta chu toàn trách nhiệm đối với những người đã tỏ lòng đại lượng đối với chúng ta.

    Fr. Timothy Radcliffe, OP

    Cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh

    Nguồn tin:  https://daminhtamhiep.net/

    Xem thêm: Tuyên khấn để thi hành sứ vụ – Phần 1

    Bài viết liên quan