VÀI KHÁI NIỆM VỀ THÁNH HIẾN VÀ THÁNH HIẾN ĐA MINH
Được uỷ thác soạn thảo bản văn về đời sống thánh hiến, một câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: “đời sống thánh hiến” gồm những yếu tố nào? Phải chăng chỉ có ba lời khuyên Phúc âm? Trong bản thăm dò ý kiến, “đời sống thánh hiến” còn bao gồm cả “đời sống cộng đoàn” và “đời sống phụng vụ” nữa. Nhưng nếu đối chiếu với SHC thì thấy có một cái thừa và một cái thiếu. Thực vậy trong bản mục lục của SHC, dưới đề tài “Thánh hiến tu trì” (Đoạn I của Chương thứ nhất) ta thấy liệt kê 5 điểm: 1) đời sống chung, 2) tuân phục, 3) khiết tịnh, 4) thanh bần, 5) nếp sống tu trì (thiếu); “Phụng vụ và cầu nguyện” nằm ở một đoạn khác (thừa). Như vậy đời sống thánh hiến bao gồm cái gì và chấm dứt ở đâu?
Trong bài này, tôi xin gợi ý hai điểm:
1) Vài khái niệm về Thánh hiến và Thánh hiến Đa Minh.
2) Vài thách đố.
I. VÀI KHÁI NIỆM VỀ THÁNH HIẾN
Trong phần thứ nhất, xin phép ôn lại trước hết là khái niệm về Thánh hiến nói chung, rồi tiếp đến là Thánh hiến Đa Minh nói riêng.
A. Thánh hiến
Thần học đang tranh cãi rất nhiều về ý nghĩa của thánh hiến (consecratio). Đừng kể câu hỏi: sự thánh hiến “tu trì” có gì khác với sự thánh hiến “phổ quát” (chung cho tất cả các Kitô hữu, do bí tích Thánh tẩy), còn nhiều khúc mắc khác nữa liên quan đến bản chất của đời tu.
1) Thánh hiến hay tận hiến?
Trong Kinh Thánh, danh từ consecratio (latinh) có thể hiểu về hai phía: Thiên Chúa và con người.
a) Từ phía Thiên Chúa: ngài yêu ai đó, nên đã chọn lựa họ, dành riêng họ cho mình (xc. Gr 1,5).
b) Từ phía con người: ý thức được tiếng gọi của Chúa, đương sự dâng hiến trót đời cho Chúa.
Dịch ra tiếng Việt, “thánh hiến” muốn nói đến sáng khởi về phía Thiên Chúa; “tận hiến” nói đến sự đáp trả về phía con người. Dĩ nhiên, đề tài mà chúng ta muốn thảo luận là “tận hiến” (những cam kết về phía chúng ta) hơn là “thánh hiến (bàn về sáng khởi của Chúa).
2) Thánh hiến và sứ vụ
Mỗi khi bàn về “đời sống thánh hiến”, người ta thường chỉ giới hạn vào ba lời khuyên Tin Mừng, bởi vì qua đó chúng ta dâng hiến cho Chúa toàn thân ta, tượng trưng nơi những gì quý giá nhất (tự do, tình yêu, tài sản). Nhưng nói thế thì chưa đủ, cần phải đi xa hơn nữa: tại sao hiến dâng? hiến dâng để làm gì?
Đến đây, chúng ta lại thấy sự lúng túng của việc dịch thuật danh từ consecratio:
a) Nếu dịch là “tận hiến” thì câu trả lời sẽ là: vì yêu mến Chúa cho nên con đã hiến dâng tất cả! (“Từ ngàn xưa, Cha đã yêu con, Cha chọn con giữa muôn người, giờ đây con hân hoan...”). Ý tưởng này quá đẹp đối với thi ca (thơ mộng), nhưng xem ra lại không phù hợp với Kinh Thánh!
b) Khi nói đến việc Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn (nghĩa là “thánh hiến”) Kinh Thánh gắn liền với một sứ vụ (missio): Chúa “để ý” người nào là vì muốn trao cho họ một công tác nhắm đến Dân của ngài. Hai bản văn điển hình: Lc 4,18 “Thần khí ngự xuống trên tôi, đã xức dầu cho toi để mang Tin Mừng đến với người âu sầu. Người sai tôi đi công bố giải phóng cho người bị tù đày...”. Ga 10,36: Đức Giêsu là kẻ “Chúa Cha đã thánh hiến và sai đi vào trần gian”1.
Vì thế, sự thánh hiến không thể nào chỉ dừng lại ở ba lời khấn nhưng còn phải bao gồm cả sứ vụ nữa. Nếu thiếu sứ vụ thì sự tận hiến mất ý nghĩa!
Điều này dẫn chúng ta đến điểm thứ hai “thánh hiến Đa Minh”.
B. Thánh hiến Đa Minh
Cách đây 20 năm, một câu hỏi thường được nêu lên giữa anh chị em Đa Minh Việt Nam: Linh đạo Đa Minh là gì? (Có linh đạo Đa Minh không? Phải chăng linh đạo Đa Minh bàng bạc?)
Thế hệ của đầu thế kỷ XXI xem ra không còn băn khoăn với các câu hỏi đó nữa, bởi vì trên thực tế “Dòng nào cũng như Dòng nào” thôi! Các xơ thì đi coi vườn trẻ, các cha thì đi coi xứ.
Tuy nhiên, trong các bản văn chính thức của Dòng, người ta không ngừng đặt câu hỏi: “đâu là căn cước của dòng Đa Minh”? Thực ra dòng Đa Minh đã hiện hữu gần 800 năm rồi, và đã có một căn cước rõ rệt (chỉ cần đọc Đạo Kười thì rõ), nhưng đến khi muốn diễn tả thành học thuyết thì mỗi thời đại tìm câu trả lời khác nhau.
– Khi được hỏi về khẩu hiệu, thì người ta đưa ra: “Veritas”, “Contemplata aliis tradere”, “Laudare - Benedicere - Praedicare”.
– Khi được hỏi về linh đạo, thì người ta đưa ra: “Cum Deo vel de Deo loqui”
– Khi được hỏi về đặc sủng, thì người ta viết “Hiến Pháp nền tảng”. Bản văn này cũng có thể dùng để trình bày linh đạo.
Ngày nay, vấn đề căn cước được phát biểu dưới một hình thức mới: Có sự “thánh hiến” (hay “tận hiến”) Đa Minh không? Phải chăng chúng ta cũng được tận hiến giống như bao nhiêu Dòng khác?
Xin thưa rằng: cái tận hiến của dòng Đa Minh khác với cái tận hiến của các dòng khác. Hỏi tiếp: Khác ở chỗ nào? Phải chăng khác ở chỗ chúng ta chỉ khấn vâng lời (chứ không khấn khiết tịnh thanh bần)? Phải chăng khác ở chỗ vâng lời Đa Minh mang tính “dân chủ” (quyền bính do dân và vì dân) và “sáng mặt” (chứ không vâng lời tối mặt)? Xin thưa rằng: đó mới chỉ là những tiểu tiết thôi, cần phải đi xa hơn nữa.
Để vắn gọn, tôi xin giới thiệu hai cách trả lời: 1) Tận hiến cho chân lý; 2) Tận hiến cho sứ vụ giảng thuyết.
1) Tận hiến cho Chân lý
Lối trả lời này dựa trên Kinh Thánh, theo Tin Mừng thánh Gioan 17,17-19: “Lay Cha, xin thánh hiến họ trong chân lý; lời Cha là chân lý. Như Cha đã sai con vào trần gian, và vì họ mà con đã tận hiến chính mình ngõ hầu chính họ cũng được tận hiến trong chân lý”.2
Với lối tiếp cận này, người ta giải thích rằng đặc trưng của sự tận hiến Đa Minh ở chỗ là “tận hiến trong chân lý” (hay “tận hiến cho chân lý”, “hiến thánh bởi chân lý”). Công thức này nói lên nhiều điều:
– Chân lý chính là Lời Chúa; hay nói chính xác hơn, chân lý chính là Đức Kitô (Ga 14,6). Các tu sĩ Đa Minh dâng hiến đời mình để rao giảng Lời Chúa.
– Chân lý cũng nói lên đặc trưng “trí thức” của Dòng. Dòng Đa Minh nổi bật về việc truy tầm chân lý qua việc học hành.
– Chân lý cũng có thể hiểu là “thành thực”: chúng ta sống chân thành với nhau, trong tình huynh đệ, giúp nhau khám phá chân lý, cố gắng sống phù hợp với chân lý.
– Nói gì đi nữa, ta đừng nên quên rằng: mình không chiếm đoạt chân lý, nhưng hãy để cho chân lý chiếm đoạt mình. Vì thế chúng ta phải biết khiêm tốn, lắng nghe, thuần thục, để cho chân lý dìu dắt mình.
“Hiến thân cho chân lý” là như thế đó. Công thức này được sử dụng trong những lời cầu của Kinh Chiều lễ thánh Đa Minh.
Hiểu như vậy, đời sống thánh hiến Đa Minh ngoài ba lời khấn, còn bao hàm việc cầu nguyện, học hành, giảng thuyết nữa.
2) Tận hiến cho sứ vụ giảng thuyết
Đây là lối trình bày của Tổng hội 2010. Thay vì làm một “tự ngôn” (proemium) cho mỗi chương, tổng hội làm một tự ngôn chung cho toàn thể cuốn Công vụ (Chương I), nhằm nêu bật sự thống nhất của nếp sống Đa Minh. Dòng Đa Minh được mang danh là Dòng Giảng bởi vì được thiết lập để giảng Lời Chúa. Việc thực hiện sứ vụ này đòi hỏi cả một nếp sống cộng đoàn (bởi vì đây là một công tác của Dòng chứ không phải của cá nhân).
– “Giảng” mang nhiều hình thức khác nhau: giảng trong thánh lễ, giảng trong học đường, giảng bằng lời hay bằng sách, giảng bằng tác phẩm nghệ thuật, giảng bằng việc đối thoại (trao đổi lời), vv. Dù dưới hình thức nào đi nữa, điều kiện đầu tiên để giảng là phải “tin” điều mình nói. Vì thế phải bắt chước Đức Maria, biết lắng nghe Lời.
– Thánh Đa Minh không coi việc giảng chỉ như là một “chức năng”, nhưng còn là một lối sống: vita apostolica. Chúng ta không phải là những chuyên gia đi giảng, nhưng chính cuộc đời chúng ta là một bài giảng. Sứ vụ giảng thuyết định hướng toàn thể cuộc sống của chúng ta: cầu nguyện và phụng vụ, chiêm niệm và học hành, kỷ luật, các lời khuyên Tin Mừng. Nếu sứ vụ giảng thuyết được duy trì ở mức độ cao, thì các yếu tố khác cũng cao độ (và ngược lại).
– Việc giảng thuyết được uỷ thác cho cộng đoàn. Cộng đoàn mang trọng trách thực hiện sứ vụ, phân phối công tác cho anh em. Cộng đoàn cũng trở thành một bài giảng về khả năng cải hoán của Tin Mừng.
Như vậy, một lần nữa, chúng ta thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa tận hiến và sứ vụ. Riêng đối với Dòng Đa Minh, lại còn thêm yếu tố cộng đoàn nữa. Sách Hiến pháp và Chỉ thị (SHC) muốn nêu bật đặc trưng đó khi đặt cộng đoàn ở mục đầu tiên: chính tại cộng đoàn mà chúng ta sống ba lời khuyên Tin Mừng, cầu nguyện, cử hành phụng vụ, học hành, thảo kế hoạch tông đồ.
Vì thế, trước khi “xét mình” về từng chi tiết, thiết tưởng nên kiểm điểm sự định hướng căn bản: sứ vụ giảng thuyết. Như Công vụ tổng hội 2010 đã nói ở số 51: nếu sự tận hiến lè phè thì sứ vụ cũng lè phè. Cũng có thể nói ngược lại: bởi vì sứ vụ lè phè cho nên sự tận hiến cũng lè phè!
II. VÀI THÁCH ĐỐ
Tôi xin dựa trên bản văn Công vụ Tổng hội (giới hạn vào chương III: Sequela Christi) cũng như bản tường trình của Bề trên tổng quyền (Relatio, viết tắt R) để gợi lên vài điểm mang tính cách thách đố đối với anh em Việt Nam.
A. Đời sống cộng đoàn
1) Hiến pháp (số 311 §II, trích theo nguyên bản latinh) nói đến việc soạn thảo dự phóng cộng đoàn của mỗi tu viện và tu xá (do tu viện hội). Tổng hội 2010 ra một chỉ thị đòi hỏi thực hiện nghiêm túc dự phóng cũng như những mục tiêu cần nhắm đến (Rôma, số 62).
– Nhiều cộng đoàn không họp tu viện hội (Rôma, số 80; R số 71; 102). Nên nhớ là SHC dự trù nhiều hình thức hội (colloquia et capitula) tu viện (số 6-7): có thứ để học hỏi, có thứ để thảo luận, có thứ để kiểm thảo. Nhịp độ của các buổi hội này thay đổi tuỳ hạng: có thứ hằng tháng, có thứ đôi ba lần một năm. Bản tường trình nhận xét rằng khi những vấn đề chung không được đem ra bàn luận thẳng thắn công khai, thì sẽ phải nhường chỗ cho những tin đồn hành lang, những tiếng xì xèo lẩm bẩm.
– Relatio của BTTQ lưu ý đến sự khác biệt thế hệ trong các cộng đoàn với những lối nhìn khác nhau về đời tu (R số 11-12). Chắc chắn điều này càng rõ rệt trong Tỉnh dòng Việt Nam: thế hệ trước hoặc sau 1975; trước hoặc sau 1995, vv. Một hệ luận cụ thể là việc đón nhận các anh em mới ra trường: họ cảm thấy lạc lõng (lần bổ nhiệm đầu tiên: Rôma, số 68).
– Đời sống chung có những niềm vui nỗi buồn của nó. Có người coi đó như gánh nặng và tìm cách trốn tránh; nhưng đời sống chung cũng là một quyền lợi và niềm vui của tu sĩ Đa Minh: không ai được tước mất quyền đó (Rôma, số 66). Thực vậy, Rôma, số 65 tuyên bố rằng đời sống chung là một yếu tố cốt yếu và không thể từ khước của đặc sủng giảng thuyết.
B. Các lời khuyên Tin Mừng
1) Vâng lời
Bản tường trình của BTTQ nhấn mạnh đến tính cách sứ vụ của vâng lời.
– Sự vâng lời của chúng ta là một lời khấn công, đặt chúng ta trong tương quan với Hội thánh. Điều này đòi hỏi sự hiệp thông với Hội thánh (R số 30-31).
– Sự vâng lời hàm ngụ thái độ sẵn sàng được sai đi (R số 38-39). Điều này có nghĩa là từ bỏ (chết đi) những ước muốn riêng tư để tham gia vào kế hoạch của Dòng (hay tỉnh dòng, tu viện).
– Sứ vụ của Dòng không hạn chế trong ranh giới của tỉnh dòng, nhưng mở rộng đến toàn cầu. Tình liên đới trong Dòng đòi hỏi sự san sẻ nhân lực và tài lực giữa các tỉnh dòng (R số 41-44). Liệu anh em ta có sẵn sàng giúp các tỉnh dòng khác, hoặc tham gia vào những kế hoạch chung của Dòng không?
2) Khiết tịnh
Lời khấn này chi phối đời sống tình cảm của chúng ta. Vì thế không nên chỉ đề phòng những tội nghịch điều răn thứ 6, nhưng cũng nên quan tâm đến những biểu hiện khác: cô đơn, nghiện ngập (rượu, xì ke, hay những thứ khác), đồng thời tìm những biện pháp trị liệu (Rôma, số 70-71).
3) Thanh bần
Ở Việt nam, lời khấn này được diễn tả như là “khó mà nghèo”. Công vụ số 72 nhắc nhở việc tuân giữ thanh bần “affective et effective”, như dấu chỉ khả tín của việc giảng thuyết. Lời khấn thanh bần đòi hỏi việc góp phần vào đời sống chung, tránh tư hữu.
4) Kỷ luật tu trì: thinh lặng, nội vi, áo dòng, khổ chế
Tuy những yếu tố này không phải là thành phần cốt yếu của đời tu trì, nhưng góp phần rất hữu hiệu cho tác vụ tông đồ (Rôma, số 81). Các yếu tố này giúp chúng ta (cộng đoàn và cá nhân) trở thành lời giảng bằng cuộc sống (R số 85-87). Mỗi tu viện là domus contemplationis, sancta praedicatio (Thư ban hành công vụ của tân BTTQ).
C. Phụng vụ và cầu nguyện
– Việc tham gia các buổi cầu nguyện chung cũng là thành phần sứ vụ của Dòng. Nhiều anh em tự chuẩn chước vì lý do công tác tông đồ. Có lẽ anh em quên rằng việc chúc tụng Thiên Chúa chính là “làm việc của Chúa” (opus Dei), còn các “công tác tông đồ” đôi khi chỉ là “làm việc của mình” (R số 88).
– Khía cạnh kỹ thuật: việc dịch sách phụng vụ (Phần riêng của Dòng) ra tiếng bản quốc (Rôma, số 75; R số 89). Thiết tưởng nên duyệt lại các bản văn phụng vụ cũng như các kinh chung của chúng ta.
KẾT LUẬN
Tôi xin đưa ra vài cảm nghĩ.
1) Định hướng
Trong phần đầu của bài viết, tôi cố gắng xác định ý nghĩa vài từ ngữ “thánh hiến, tận hiến, tận hiến Đa Minh”.
– Dù nói gì đi nữa, sự “tận hiến” bao hàm một sự tách rời khỏi sự phàm tục (separatio mundi : GL 607 §3; R số 67)và để dành riêng cho Chúa. Chúng ta thường than trách là thế giới bị “tục hoá”; nhưng thử hỏi: người đời có nhận thấy lối sống của chúng ta (cách suy tư, cư xử, nói năng, ăn uống, v.v..) phản ánh Tin Mừng hay không, hay là cũng “thô tục” như bao người khác? Làm sao chúng ta có thể mang Tin Mừng vào xã hội tục hóa khi mà đời sống chúng ta cũng đã bị tục hóa?
– Thánh Đa Minh đã sống vào một thời chuyển biến của xã hội châu Âu thế kỷ XIII: từ nông thôn (nơi mà người ta sử dụng quyền lực để thống trị, dù là quyền đời hay quyền đạo) lên thành thị (nơi mà người ta tranh luận tự do, và chỉ khuất phục trước chân lý và gương sáng). Người đã làm một cuộc cách mạng trong nếp sống tu trì: không chấp nhận những thứ phô trương hoành tráng của các đặc sứ Tòa thánh (dòng Xitô) nhưng sống “ăn mày” (đến nỗi song thân thánh Tôma Aquinô nghĩ là xúc phạm đến danh giá gia đình). Thánh Đa Minh đã chọn lựa một lối sống khắc khổ: ngoài kỷ luật ăn chay kiêng thịt của các dòng đan tu cổ truyền, ngài còn du nhập nhiều điều “kỳ cục” chẳng hạn như cấm đi ngựa (trong lúc anh em phải xê dịch thường xuyên để đi giảng). Tại sao vậy? Có lẽ bởi vì muốn đề cao rằng sự khôn ngoan và quyền lực của Thiên Chúa được biểu lộ nơi sự yếu hèn của con người (xc. 1Cr 2,1-5)? Việc cải hoán các linh hồn không dựa trên tài năng của chúng ta nhưng dựa trên ân sủng Thánh Linh. Liệu chúng ta có dám đi theo thánh Đa Minh trong bối cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay không? Người ta có thể nhận ra nơi chúng ta những “vir domini” (người của Thiên Chúa) không?
– SHC đề cao vai trò của cộng đoàn như một trong những yếu tố của thánh hiến và có liên hệ mật thiết với sứ vụ. Việc hội họp thường xuyên để kiểm thảo, định hướng và dự phóng sứ vụ là một đòi buộc đối với các cộng đoàn. Các công vụ tổng hội, tỉnh hội gần đây thường xuyên chỉ thị và nhắc nhở điều này, không những đối với các cộng đoàn địa phương, mà kể cả cấp tỉnh dòng nữa: ban cố vấn tỉnh dòng, ban cố vấn đào tạo, uỷ ban sinh hoạt trí thức, uỷ ban sứ vụ, v.v...(xc các tham chiếu và trích dẫn ở dẫn nhập các câu hỏi 9 và 15 của “Bản thăm dò ý kiến”). Liệu từ tỉnh dòng đến địa phương, chúng ta đã thực hiện nghiêm túc việc hội họp này, cũng như nội dung của việc hội họp này chưa? Hay chúng ta lý luận rằng ai cũng có công việc rồi, chẳng cần phải hội họp gì nhiều, vì vậy 2 tháng, thậm chí 3 tháng họp tu viện hội một lần cũng được!? Hoặc một số ban ở cấp tỉnh dòng chẳng cần phải hội họp nữa trong suốt 4 năm!? Những thiếu sót đó thuộc trách nhiệm của ai, người đứng đầu hay tất cả anh em? Liệu Tỉnh hội tới có lập lại các chỉ thị của các tỉnh hội trước, rồi mọi sự lại “vũ như cẩn” (vẫn như cũ) không?
2) Kế hoạch
a) Công vụ 2010 lặp lại nhiều bản văn của các tổng hội trước. Bản tường trình của BTTQ cũng vậy. Theo chiều hướng đó, thiết tưởng nên xét mình xem chúng ta đã thực hiện được Công vụ tỉnh hội 2007 hay chưa (Đời sống thánh hiến được bàn ở chương II, số 101-141). Tham chiếu: CVTH 2003 (chương II, số 85-117); CVTH 1999 (chương II, số 64-105). Tỉnh hội lần này có nên viết thêm bản văn mới về đề tài này nữa không?
b) Trung ương Dòng đã lên kế hoạch 9 năm chuẩn bị mừng 800 năm lập dòng (2007-2016). Thử hỏi có nên lên một chương trình chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh dòng (2017): mỗi năm một đề tài vừa mang tính cách thường huấn vừa giúp vào việc canh tân cho anh em không?
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Lm. Đa Minh Trần Minh Thông, OP.
Nguồn tin: http://daminhvn.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 232 | Tổng lượt truy cập: 4,164,494