“Vấn Đề” và “Huyền Nhiệm” trong đời sống cộng đoàn

  • 05/09/2023 19:32
  • Đón nhận, trao ban và sống trọn vẹn ý nghĩa “quà tặng” này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi người đều thuộc về nhau trong một cộng đoàn. Chính cảm thức “thuộc về” này sẽ thúc đẩy chúng ta sống yêu thương và biết cách làm sáng lên huyền nhiệm đời người khi nhìn cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau

     

    Cộng đoàn, theo tác giả Jean Vanier, chính là “nơi thuộc về, là nơi người ta tìm gặp đất sống và căn tính của mình…”[1]. Quả vậy, tính cộng đoàn là một trong những đặc nét bao trùm mọi sinh hoạt của đời sống con người. Đó là nơi quy tụ của những con người với những tính cách, văn hóa, lối sống… khác nhau, nhưng có chung mục đích sống. Tuy vậy, đời sống chung trong cộng đoàn, mặc dù luôn mang lại những ý nghĩa nhất định, song vẫn được coi là một tổ chức phức tạp khi đối diện với những thực tế và những thang giá trị của cuộc sống…. 

    1.Cộng đoàn của những vấn đề.

    Mỗi người đều có một trang sử cuộc đời làm nên những cá tính rất độc đáo và cũng rất riêng của mình. Vì thế, để trở thành một thành viên của cộng đoàn và sống với những cá tính riêng của những người bên cạnh, mỗi cá nhân phải chung tay xây dựng cộng đoàn trong một sự liên kết mật thiết với nhau. Tuy nhiên, đối với đời sống chung, người ta thường nói với nhau rằng “ở sao cho vừa lòng người; ở rộng người cườiở hẹp người chê“. Thế nên, trong quá trình xây dựng và thiết lập mối dây liên kết trong cộng đoàn, chắc chắn sẽ có rất nhiều cái gọi là “vấn đề” nảy sinh, khiến người ta luôn phải tìm cách giải quyết.

    Thật vậy, nơi đời sống cộng đoàn, chúng ta thường bắt gặp những trục trặc trong những tương quan giữa các cá nhân với nhau, bởi vì đây là nơi quy tụ của nhiều loại tính khí khác nhau. Người có óc tổ chức thì luôn nhanh nhẹn, nguyên tắc và chính xác, khác hẳn với những người mềm mỏng và hạn hẹp về khả năng; còn người hướng ngoại, lạc quan và thích giao tiếp với người khác lại không mấy thiện cảm với người suốt ngày chỉ trầm lắng, ít nói chuyện với mọi người. Trong cộng đoàn, chúng ta cũng có thể nhìn thấy một quy định nào đó có thể là phù hợp với người này, nhưng với người khác lại không thích hợp. Ngoài ra, cũng phải nói đến những “va chạm” không thể tránh được của những tranh luận vì bất đồng quan điểm sống, không cùng ý kiến hay thậm chí là hiểu lầm nhau…. Tất cả những điều này nói lên tính chất giới hạn và yếu đuối, rất “con người” của chúng ta, xem ra chúng rất bình thường nhưng trong đời sống chung, chúng lại trở thành những “vấn đề cộng đoàn” và mỗi thành viên phải đối diện cũng như tìm cách giải quyết để có thể chung sống hòa hợp với nhau trong một sợi dây hiệp nhất.

    Như thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta nhìn thấy trong cộng đoàn ít nhiều cũng xảy ra những mâu thuẫn hay bất hòa trong công tác, giận dỗi hay ghen tuông trong tình cảm, hoặc có khi là cuộc khẩu chiến nảy lửa cũng có thể xảy ra trong một cuộc họp căng thẳng…. Thế nhưng, cộng đoàn vẫn được coi là nơi gặp gỡ của con người và nơi đó, người ta có thể chia sẻ, học hỏi và đặc biệt là thể hiện sự yêu thương, quan tâm và dấn thân vì người khác. Do đó, người ta cũng sẽ rất mau chóng tìm ra những hướng giải quyết cho vấn đề rất “con người” của mình, nếu người ta hiểu được rằng đó chỉ là những bài toán cuộc đời của con người và là điều khó có thể tránh được trong đời sống chung.

    1. Cộng đoàn huyền nhiệm.

    Con người, theo định nghĩa của G. Marcel, đó là “một huyền nhiệm”! Bởi đó, sự liên kết giữa các nhân vị trong đời sống chung sẽ kiến tạo nên một “tình huynh đệ” với tất cả ý nghĩa huyền nhiệm của cộng đoàn huynh đệ… Quả vậy, con người huyền nhiệm không thể nói đến “cái tôi” biệt lập là tôi, nhưng cái tôi phải nằm trong đời sống chung, đời sống cộng đoàn. 

    Tác giả Jean Vanier đã nhấn mạnh “cộng đoàn không phải là một chung cư, một doanh trại hay một khách sạn, cũng không phải là một tổ hợp và càng không phải là một ổ rắn! Đó là nơi mỗi người, hay đúng hơn là đa số đang vươn lên từ bóng tối của vị kỷ đến ánh sáng của tình thương đích thực. Tình thương không phải thuần tình cảm hoặc cảm xúc hời hợt mà nhận ra giao ước, nhận ra thuộc về nhau[2]. Chiều kích huyền nhiệm của đời sống cộng đoàn cho ta thấy cộng đoàn là nơi mà ở đó, người ta có thể sống hết ý nghĩa của hai từ “yêu thương”, để xây dựng cho nhau những phẩm chất tốt đẹp và cùng nhau thăng tiến mọi mặt. Nói theo kiểu của Cha Timothy Radcliffe thì “cộng đoàn phải là nơi chúng ta đem lại cho nhau sự can đảm khi trái tim người anh em chao đảo, đem lại sự tha thứ khi một người vấp ngã và đem lại chân lý cho những ai tự lừa dối mình”[3]. Điều này có nghĩa là trong cộng đoàn, tinh thần “Anh em như thể tay chân…”, hay “Chị ngã em nâng” phải luôn được trân trọng trong niềm tin tưởng lẫn nhau thực sự, để tất cả các thành viên luôn cảm thấy được tự do sống thật với thực trạng của chính mình và đều cảm nhận được tình thương yêu cả khi trao ban cũng như khi lãnh nhận…

    Tính cách huyền nhiệm của cộng đoàn còn được thể hiện trong mọi chiều kích của mối tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn với nhau. Chúng ta cũng gặp thấy hình ảnh của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được miêu tả chỉ có “một lòng một ý” trong mối dây hiệp nhất[4] và chia sẻ với nhau những nhu cầu vật chất và tinh thần[5]. Quả vậy, trong một cộng đoàn, mọi thành viên được quy tụ trong một tình yêu và một mục đích; bởi đó mỗi thành viên được mời gọi để đi đến tình yêu vì “hạt nhân của những hành động cộng đoàn chính là tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến ân sủng. Tình yêu mà qua đó Thiên Chúa yêu thương ta chính là một hồng ân và hồng ân này là nguồn mạch cho bất cứ tình yêu đích thực nào”[6]. Có thể nói rằng cộng đoàn chính là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người được thể hiện cách sâu sắc trong chính môi trường sống của mình; cho nên, trong sự huyền nhiệm của tinh thần hiệp thông huynh đệ, mỗi thành viên thực sự trở thành anh chị em với nhau và đều được mời gọi cộng tác với nhau để duy trì sợi dây hiệp nhất được xây dựng trên nền tảng là tình thương yêu và sự gặp gỡ đích thực của mỗi con tim. Vì thế, hơn ai hết, chính bản thân mỗi người phải thấy được giá trị của mình trong sự huyền nhiệm của cộng đoàn, đó là sự hiện hữu của mình đồng thời cũng chính là sự hiện hữu của người anh em hay chị em bên cạnh, để có thể sống tinh thần thuộc về nhau trong sự chân thành và cởi mở. Hiểu được vị trí của mình sẽ làm cho ta sống khiêm tốn, sống thật và sẵn sàng dấn thân vì tha nhân.

    Nhìn từ góc độ siêu nhiên, giá trị huyền nhiệm của cộng đoàn hệ tại do bởi Thiên Chúa quy tụ và được xây dựng bởi Lời của Thiên Chúa. Do đó, trong chiều kích huyền nhiệm của cộng đoàn, chúng ta bắt gặp cơ sở và cũng là điểm then chốt để duy trì tình huynh đệ và sự hiệp thông chính là lòng trung thành: trung thành với Chúa và trung thành với anh chị em cũng như với chính bản thân mình. Sự trung thành này được thể hiện qua nghĩa cử yêu thương, cảm thông, tha thứ, dấn thân và chia sẻ cho nhau trong mọi sự với tâm điểm mà tất cả đều phải quy chiếu về đó là Đức Giêsu Kitô. Qua những nghĩa cử này, chúng ta sẽ nhận ra rằng tại sao một lời động viên xem ra rất bình thường lại có thể tạo nên một sức mạnh phi thường với một thành viên nào đó đang ở đầu ngọn sóng và phải đối diện với biết bao khó khăn, thử thách của cuộc sống; đồng thời ta cũng thấy tại sao trong những yếu đuối của phận người, một ánh mắt cảm thông và một nụ cười tha thứ lại có thể mang lại sự bình an và nguồn động lực nâng dậy những tâm hồn đang ngấp nghé trên bờ vực thẳm của tội lỗi….

    Cộng đoàn huyền nhiệm là thế! Khi chung sống cùng nhau, người ta được mời gọi “khám phá nơi những người khác phẩm cách của họ[7]; bởi vì dưới cái nhìn của huyền nhiệm, mỗi người là một nhân vị luôn được tôn trọng và chấp nhận như họ là. Có như thế, người ta mới có thể chia sẻ với nhau cả lý trí và con tim của mình.

    3. “Vấn đề” và “huyền nhiệm”, hai mặt của đời sống cộng đoàn.

    Vấn đề và huyền nhiệm được xem như hai mặt của đời sống cộng đoàn. Chúng khác biệt nhau nhưng luôn tồn tại song song với nhau và kết hợp với nhau để làm nên vẻ đẹp phong phú của đời sống cộng đoàn. “Cộng đoàn mà không có tính cách huyền nhiệm thì không có hồn, nhưng cộng đoàn không có khổ chế thì không có xác[8]. Thật vậy, trong một cộng đoàn, mọi thành phần đều có nhu cầu gặp gỡ với tha nhân trong mối tương quan ngôi vị. Sự gặp gỡ này không chỉ là những cử chỉ thân thiện bề ngoài, mà nó còn chìm sâu trong những suy tư, trong sự cảm thông của con người. Do đó, một mặt nó diễn tả những khác biệt trong cộng đoàn qua những bộc lộ của tính cách, thói quen của các thành viên khi cùng nhau chung sống; mặt khác nó cũng nói lên sự hiệp nhất trong cộng đoàn qua tình yêu huynh đệ và đức ái mà mỗi người cùng chung tay xây dựng.

    Có thể nói đời sống cộng đoàn giống như một mảnh đất để qua đó, con người có thể nhìn thấy chính mình khi đi vào mối tương quan và gặp gỡ với người khác. Tuy nhiên, những con người được quy tụ thành một cộng đoàn lại thuộc các thành phần xuất thân khác nhau và mang trong mình những tính cách cũng chẳng giống nhau. Sự khác biệt này sẽ tạo nên những thách đố cho con người khi hòa nhập vào cuộc sống chung, khiến người ta đôi khi chỉ thấy mọi thứ hiện ra như một vấn đề mà không thấy huyền nhiệm đời người, nhưng nếu chiêm ngắm và hỗ trợ để cho cái gọi là “huyền nhiệm đời người” được sáng lên trong những thách đố ấy, người ta sẽ biết mở rộng con tim, dám ra khỏi chính mình để dấn thân, đồng cảm và đồng lòng với người bên cạnh trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nói khác đi, khi những vấn đề của cộng đoàn được giải quyết, người ta sẽ nhìn thấy huyền nhiệm đời người được sáng lên qua nhưng kinh nghiệm rất đời thường của đời sống.

    Nơi cộng đoàn, có lẽ ai cũng hướng về những điều tốt đẹp trong mục đích sống của mình và mong muốn cộng đoàn của mình là một cộng đoàn lý tưởng, nhưng không thể vì thế mà người ta loại trừ những khác biệt hay bỏ qua những cản trở trong quá trình chung sống. Vì vậy, vấn đề vẫn là một thực tế luôn có đó như là mặt trái của đời sống cộng đoàn. Tuy nhiên, nếu nhìn cộng đoàn ở góc độ siêu nhiên thì chắc chắn không ai có thể phủ nhận những giá trị huyền nhiệm mà đời sống cộng đoàn mang đến cho mỗi cá nhân với tư cách là thành viên thuộc về nó. Quả vậy, bên cạnh những cái gọi là vấn đề của đời sống chung luôn là một sự bí ẩn linh thiêng mà con người hằng khát vọng. Thực tại linh thiêng này chính là huyền nhiệm, sẽ được sáng dần lên trong chính khát vọng tuyệt đối và trong chính kinh nghiệm sống của mỗi người được thể hiện trong đời sống cộng đoàn…

    4. Sống ý nghĩa cộng đoàn trong đời thánh hiến.

    Không phải ngẫu nhiên mà những người sống trong ơn gọi thánh hiến hiện diện chung trong một cộng đoàn, nhưng đó là do ý định của Thiên Chúa. Tác giả Jean Vanier đã nhận định: “chúng ta là một cộng đoàn không phải vì chúng ta thích nhau hoặc có cùng nhiệm vụ hay dự phóng nào, nhưng bởi vì chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi”[9]. Như thế, sống cộng đoàn chính là một chiều kích thiết yếu của đời sống thánh hiến. Chiều kích này không chỉ là một chọn lựa, nhưng còn là một ân ban được khởi nguồn từ Thiên Chúa.

    Thật vậy, cộng đoàn thánh hiến được coi là một công trình của Thiên Chúa. Cho nên, đây không chỉ là nơi quy tụ những con người khác nhau, nhưng còn là nơi để thánh hóa và hoán cải đời sống cá nhân dưới sự thúc đẩy của Thần Khí. Theo nghĩa này, cộng đoàn tu sĩ nói chung và cách riêng là các thành viên phải trở nên những chứng nhân sống động về tình huynh đệ trong xã hội hôm nay. Tinh thần cộng đoàn trong đời sống thánh hiến còn cho thấy ngay cả những người vì nhiệm vụ có thể phải sống và làm việc đơn độc nhưng họ vẫn mang trong mình tinh thần cộng đoàn và cộng đoàn cũng luôn dõi theo họ bằng nhiều cách thức khác nhau. Quả thế, trong cộng đoàn thánh hiến, dù chỉ là một việc nhỏ bé, tầm thường hay chỉ là niềm vui, nỗi buồn một thành viên nào đó thì nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ơn gọi của những người bên cạnh. Bởi đó, sống ý nghĩa cộng đoàn trong đời tu là luôn đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong công việc như lời mời gọi của Thánh Phaolo “Anh em hãy vác đỡ gánh nặng cho nhau[10]….

    Đức Gioan Phaolo II đã nói “cộng đoàn tu trì là trường dạy yêu mến, giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, cộng đoàn cũng là nơi cho con người triển nở”[11]. Thật vậy, trong môi trường của cộng đoàn thánh hiến, từ cộng đoàn mầu nhiệm Ba Ngôi, ta được học về yêu thương và thực hành đời sống yêu thương trong tương quan với Chúa và với tha nhân. “Trong đời sống huynh đệ, mỗi người học sống với những người mà Chúa đặt bên cạnh mình, biết chấp nhận những phẩm chất của họ, đồng thời những khác biệt và giới hạn của họ. Đặc biệt, họ phải học chia sẻ những khả năng mình có vào công trình chung, vì ‘Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung’ (1 Cr 12,7)[12]. Trong đời sống thánh hiến, sự hiện diện của mọi thành viên đều là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Do đó, chỉ trên nền tảng của tình yêu, ta mới có thể xây dựng, duy trì sự hiệp nhất huynh đệ trong cộng đoàn và sống trọn vẹn ý nghĩa của cộng đoàn thánh hiến.

    Như vậy, sống ý nghĩa cộng đoàn trong đời sống thánh hiến nghĩa là sống chiều kích huyền nhiệm của cộng đoàn một cách cụ thể để làm sáng lên huyền nhiệm đời người trong từng biến cố, từng hoàn cảnh của đời sống. Quả vậy, con người được mời gọi để hướng đến sự sống thần linh nơi Thiên Chúa qua những sinh hoạt chung sống hàng ngày. Vì thế, trong đời sống cộng đoàn, mỗi thành viên đều được mời gọi để nhận ra “cái tôi” của mình trước mặt Thiên Chúa, nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi người khác và khám phá ra khuôn mặt của Đức Kitô nơi cộng đoàn để qua các hành động của mình, ta luôn được hiệp thông với các ngôi vị Thiên Chúa trong sợi dây tình yêu; đồng thời được lớn lên trong mối tương quan với Chúa và với tha nhân….

    TẠM KẾT LUẬN:

    Một tác giả đã nói rằng “con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác“. Quả vậy, trong hành trình cuộc sống, ta không đi một mình mà luôn gắn với một cộng đoàn hay tập thể nào đó; cũng vậy, cuộc đời tôi sống không thể thiếu sự gặp gỡ với tha nhân. Kinh nghiệm của sự gặp gỡ này đòi người ta phải hành động, nghĩa là và đi vào trong chính những huyền nhiệm của bản thân và của người khác với tất cả sự tự do và quyết định của mình. Vì thế, trong dòng đời mải miết, tôi luôn được mời gọi khám phá và làm sáng lên cái gọi là “huyền nhiệm” của cuộc sống. Cái huyền nhiệm ấy, nói theo kiểu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì “sống trên đời phải có một tấm lòng. Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi…”, xem ra là những điều rất thực tế của đời sống con người.

    Một tấm lòng để sẻ chia, để cảm thông, để hòa giải và tha thứ là điều rất cần thiết, đặc biệt là đối với đời sống thánh hiến. Dẫu biết rằng  tấm lòng ấy chỉ là “để gió cuốn trôi đi” chứ không mong lịch sử sẽ lưu lại, nhưng có như vậy ta mới thực sự biết tình cộng đoàn đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc đời mình và nhận ra giá trị đích thực nơi Lời của Chúa Giêsu: “hãy yêu tha nhân như yêu chính mình”. Có lẽ khi cảm nghiệm về những mối tương quan trong cuộc đời này, ai ai cũng sẽ chân nhận rằng cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi tôi và những người xung quanh biết sống cho nhau và vì nhau, vì nếu không ra khỏi chính mình, không nhìn đến thế giới xung quanh, không gặp gỡ người khác thì mãi mãi con người không thể khám phá được chính mình…. Tuy nhiên, nếu người ta chỉ nhìn con người và thế giới xung quanh mình như một vấn đề và tìm cách giải quyết nó thì sẽ không thể thấy được rằng mỗi người là một quà tặng rất huyền nhiệm. Đón nhận, trao ban và sống trọn vẹn ý nghĩa “quà tặng” này, chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi người đều thuộc về nhau trong một cộng đoàn. Chính cảm thức “thuộc về” này sẽ thúc đẩy chúng ta sống yêu thương và biết cách làm sáng lên huyền nhiệm đời người khi nhìn cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau….

    Nt. Maria Lại Thúy Vân

    Nguồn tin:  https://daminhtamhiep.net/

     

    1. JEAN VANIER, Đời Sống Cộng Đoàn, dịch giả Phero Nguyễn Ngọc Mỹ, tr 20.

    [2] JEAN VANIER, Đời Sống Cộng Đoàn, dịch giả Phero Nguyễn Ngọc Mỹ, tr 79.

    [3] TIMOTHY RADCLIFFE, Hát Lên Bài Ca Mới, tr. 54.

    [4] x.Cv 4, 32.

    [5] x. Cv 2, 42

    [6] FELICISIMO DIEZ MARTINEZ, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Lm Giuse Đỗ Ngọc Bảo, O.P. chuyển ngữ, tr.322.

    [7] Theo Chúa Kito, tập II, tr.63.

    [8] Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 22.

    [9] JEAN VANIER, Thăng Tiến Cộng Đoàn, tr.49.

    [10] Gl 6,2.

    [11] Huấn thị Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, số 65.

    [12] Tông huấn Vita Consecrata, số 67

    Bài viết liên quan