Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người

  • 17/01/2025 22:09
  • Với niềm tin vào ba mầu nhiệm Tạo dựng - Nhập thể - Phục sinh, Giáo Hội dạy chúng ta hiểu phẩm giá của con người trong tất cả sự viên mãn của nó.

    Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người

    Lời dẫn

    Trong Hội nghị ngày 15/3/2019, Bộ Giáo lý Đức tin xét thấy cần có một văn bản nêu rõ tính chất của phẩm giá con người, tầm quan trọng, ý nghĩa của phẩm giá trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế; và những cách hiểu khác nhau về phẩm giá con người trong bối cảnh ngày nay.

    Sau 5 năm soạn thảo, qua nhiều lần thẩm định, ngày 28/2/2024 một văn bản được Bộ Giáo Lý Đức Tin thông qua, gọi là Tuyên ngôn Dignitas Infinita - Về phẩm giá con người.

    Ngày 25/3/2024, bản Tuyên ngôn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phê chuẩn và ra lệnh công bố, đúng vào dịp toàn thế giới kỷ niệm 75 năm Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (10/12/1948).

    Bài viết ngắn này, căn cứ vào  Tuyên ngôn nói trên, mời anh chị em cùng tìm hiểu Giáo Hội dựa vào căn cớ nào khi tuyên bố cách xác tín rằng, Mỗi người đều sở hữu phẩm giá vô hạn, được đặt nền tảng bất khả xâm phạm trong chính bản thể (hữu thể) của họ, phẩm giá này vượt lên trên và vượt qua mọi hoàn cảnh, tình trạng hoặc tình huống mà người đó gặp phải” (Bản Tuyên ngôn, số 1).

    Và ở số 17 của bản Tuyên ngôn, Giáo Hội nói thêm rằng, Mọi người bình đẳng về phẩm giá, bất kể điều kiện sống hay đặc tính cá nhân của họ”.

    Nói cách dễ hiểu, đã là người, dù họ như thế nào, đều có phẩm giá vô hạn. Và mọi người đều bình đẳng về phẩm giá, không có phẩm giá người này hơn người kia.

    Ba mầu nhiệm làm nên phẩm giá con người

    Giáo Hội, với niềm tin được mặc khải qua ba mầu nhiệm Tạo dựng - Nhập thể - Phục sinh, muốn công bố cho toàn thể nhân loại về phẩm giá con người (nhân phẩm):

    1/ Mầu nhiệm Tạo dựng con người - Hình ảnh không thể xóa nhòa của Thiên Chúa

    “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình” (x. St 1,27). Bởi đó, con người có phẩm giá của một ngôi vị, không phải chỉ là một cái gì đó mà là một ai đó (GHXHCG, số 108); và phẩm giá con người xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Bằng cách đó, Thiên Chúa đã in sâu vào con người những nét không thể xóa nhòa của hình ảnh Ngài, và mời gọi con người nhận biết Ngài, yêu mến Ngài và sống trong mối quan hệ giao ước với Ngài và trong tình huynh đệ, công lý và hòa bình với tất cả mọi người.

    Với góc nhìn này, phẩm giá không chỉ nói đến linh hồn, mà còn nói đến toàn bộ con người, một sự hợp nhất không thể tách rời giữa thể xác và linh hồn. Như vậy, phẩm giá cũng vốn có trong thân xác của mỗi người, là nơi mang hình ảnh của Thiên Chúa và cũng được mời gọi chia sẻ vinh quang của linh hồn trong hạnh phúc của Ngài (Bản Tuyên ngôn, số 18).

    2/ Mầu nhiệm Nhập thể làm người - Đức Kitô nâng cao phẩm giá con người

    “Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là chính Đức Giêsu Kitô đến thế gian, làm người, …” (x. Gl 4,4-7). Qua mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn cấu thành nên con người; và mỗi người sở hữu một phẩm giá không thể đo lường được và không bao giờ bị mất đi.

    Khi sinh thời, bằng cách công bố: Nước Trời thuộc về người nghèo, người khiêm nhường, người bị khinh miệt, người đau khổ về thể xác và tinh thần, người bị áp bức, tù đày, …; bằng cách chữa lành mọi loại bệnh hoạn tật nguyền; bằng cách khẳng định rằng những gì ai đó làm cho những người nói trên, là làm cho Ngài, bởi vì Ngài hiện diện nơi họ, Chúa Giêsu công nhận phẩm giá của mỗi người, và sự bình đẳng phẩm giá của mọi người, không phân biệt họ là ai, như thế nào (Tuyên ngôn, số 19).

    3/ Mầu nhiệm Phục sinh - Ơn gọi đạt tới sự viên mãn của phẩm giá

    Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô mặc khải một khía cạnh khác của phẩm giá con người. “Phẩm giá con người cốt yếu dựa trên thực tế là con người được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa”, một cuộc hiệp thông được định sẵn để tồn tại đời đời. Vì vậy, phẩm giá của sự sống này không chỉ gắn liền với khởi đầu, đến từ Thiên Chúa, mà còn gắn liền với cùng đích của phẩm giá, với sự hiệp thông với Thiên Chúa trong sự hiểu biết và yêu mến Ngài (Bản Tuyên ngôn, số 20).

    Giáo Hội tin tưởng và khẳng định, tất cả mọi người - được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa; và được tái tạo nơi Chúa Con, Đấng trở nên con người, bị đóng đinh và sống lại - đều được mời gọi lớn lên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để phản ánh vinh quang của Chúa Cha trong chính hình ảnh đó, và chia sẻ sự sống đời đời (Bản Tuyên ngôn, số 21). 

    Lời kết

    Ngày nay, thuật ngữ “phẩm giá” chủ yếu được dùng để nhấn mạnh tính độc đáo của con người. Ngay trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, phẩm giá con người là “vốn có” và “bất khả xâm phạm” - là điều kiện phải có để nói về quyền con người (Bản Tuyên ngôn, số 14). Trong khi đó, với niềm tin vào ba mầu nhiệm Tạo dựng - Nhập thể - Phục sinh, Giáo Hội dạy chúng ta hiểu phẩm giá của con người trong tất cả sự viên mãn của nó.. 

    Trích tập san “Sống Đạo” của Ban Giáo DânTổng Giáo Phận Sài Gòn.

    Nguồn tin: https://tgpsaigon.net/

    Bài viết liên quan