III. Tác phẩm
Nhiều bức tượng thánh Vinh Sơn Liêm đặt trên tay ngài một cuốn sách, nhưng có lẽ cuốn sách tượng trưng cho tuổi học trò (cắp sách đến trường), chứ không muốn nói rằng ngài đã biên soạn nhiều cuốn sách. Khi nói đến tác phẩm, chúng tôi chỉ muốn nói đến bút tích còn giữ được. Thực ra con số không nhiều lắm, đếm chưa hết năm đầu ngón tay. Dù sao, đây là cơ hội thuận tiện để xét lại vấn đề tác giả của cuốn sách “Hội đồng tứ giáo” vốn được gán cho ngài. Đó là lý do của việc phân chia phần này thành hai mục: những bức thư và Hội đồng tứ giáo.
A. Những lá thư
Có hai nguồn: thứ nhất là của ông Phạm Đình Khiêm, thứ hai là giáo sư Nguyễn Thị Thu Vân.
1/ Ông Phạm Đình Khiêm, trong tập “Bách chu niên bốn thánh tử đạo Hải Dương” nhắc đến hai lá thư viết vào năm 1764[1].
“Tác giả những dòng này còn giữ được một sử liệu trực tiếp: bản chụp hình nguyên vẹn hai bức thư viết tay của vị chân phước Liêm bằng tiếng Tây Ban Nha, đề ngày 17 tháng sáu năm 1764. Hai bức thư này, một bức gửi cho cha Pedro Ire, Bề trên dòng Đa Minh tỉnh Mân Côi tại Manila, một bức gửi cho Đức Cha Bernardo Votaris, giám mục địa phận Nueva Segovia. Linh mục Vinh Sơn Liêm báo tin cho hai vị đó biết một cuộc chinh phục đáng chú ý của Giáo hội Việt Nam lúc đó: ông hoàng thứ sáu em của vị “chúa” xứ Bắc (Đàng ngoài) lúc ấy là Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) trở lại đạo Công giáo và chịu phép thánh tẩy trước khi từ trần tốt lành với sự giúp đỡ về đàng thiêng liêng của các cha thuộc Hội Truyền giáo Paris.
Linh mục Vinh Sơn Liêm còn cho biết nhiều tin tức liên hệ đến Giáo đoàn miền Bắc: nói rõ rằng Đức Cha Santiago Hernandez, giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài và bốn vị thừa sai dòng Đa Minh từ Phi Luật Tân đến năm trước, đều được mạnh khỏe.
Riêng với Đức Cha Bernardo Votaris, tác giả bức ngỏ lời chúc mừng mới được thăng giám mục và yêu cầu vị tân giám mục gởi cho “một số tràng hạt Mân côi” làm bằng thứ gỗ quý của Phi Luật Tân để phân phát cho giáo hữu.
Trong cả hai bức thư, linh mục Vinh Sơn Liêm đều bày tỏ những nỗi khó khăn các giáo hữu Việt Nam gặp phải trong sự giữ đạo và những gian nan của chính linh mục trong việc truyền giáo. Ngài viết: “Con xin Đức Cha (và cha Bề trên) cầu nguyện cho con trong khi làm lễ, đọc kinh, để mỗi ngày con được nên hoàn thiện hơn và vui lòng nhận mọi sự khốn khó theo thánh ý Thiên Chúa”[2].
Đó là tường thuật của ông Phạm Đình Khiêm; tác giả không cho biết những thư ấy được giữ ở đâu. Nguồn thứ hai được đăng trong luận án tiến sĩ của giáo sư Nguyễn Thị Thu Vân. Bà đã chụp được hai bức thư của cha Liêm gửi cho cha Chính Dòng (Bề trên phụ tỉnh) viết vài hôm trước khi bị trảm quyết. Thư thứ nhất kể lại việc hầu tòa, thư thứ hai tường trình sổ sách kinh tế mà cha chịu trách nhiệm.
2/ Hai Bức Thư của Thánh Vinh Sơn Liêm viết vào tháng 9 (âm lịch) năm 1773.
Nơi lưu trữ: Archivio Segreto Vaticano: Riti, Processo 3016, tr. 712-716
Thư thứ 1
Gửi lời lạy Nhà Ông Cụ Chính trăm lạy v.v.
Vậy ngày điệu lên đến [Phố] Hiến, thì Ông Hữu Dũng có hỏi một hai điều lăng nhăng, và vẽ crux [chữ thập] xuống đất bắt thằng Bi đạp, song nó chẳng đạp, cùng nằm sấp xuống mà hôn, ông ấy thấy làm vậy, thì vẽ câu rút [chữ thập] cả chung quănh chỗ nó ngồi bắt bước ra; thì nó sẽ bò ra. Lên đến Kẻ Chợ, còn ở ngoài thuyền, thì Ông Phụng Sai, và Ông Trung Kiên, lại lấy tượng chịu nạn bắt hai đứa đạp, thì cũng chẳng chịu. Lên đến Kẻ Chợ, thì Chúa ngự ra cung Cánh Thụy đòi hai chúng tôi vào chầu, thì Chúa bắt Nhà Ông Cụ Gia mặc áo casulla [áo tế] mà làm lễ cho Chúa xem, thì người để tượng chịu nạn xuống đất, mà quì gối đọc kinh Ba Ngôi, và tượng Đức Bà, thì người đọc kinh Thân Mẫu Phúc, và đọc kinh Thiên Chúa. Đoạn rồi hỏi sự Vua nước người thể nào, ngự ra làm sao, có tàn quạt chăng, có kiệu chăng; lại hỏi rằng: “Vua Hoa Lan [Bồ Đào Nha] có một thùng thủy tinh để mà tắm gị, có chăng? Tên Quan bên ấy gọi làm sao? Bên nước người có lính chăng? Dân sự có nộp thuế cho Vua chăng? “Đoạn Chúa phán rằng: “Phô ông nói bấy nhiêu lời cũng đã phải, hãy đưa phô ông ra”. Rồi lại đưa chúng tôi vào mẹ Chúa, thì cũng bắt làm bấy nhiêu việc, và cũng hỏi lăng nhăng làm vậy mà thôi, và hỏi bài thuốc gió ở bên Hoa Lan ru. Rồi thì đem ra giam ở Kho Bành đã hai hôm nay, nghe rằng: “Bề trên phán giam dinh Ông Tân Cầu, song ông ấy khải từ.” Sau nữa Ông phụng sai đã dạy tôi viết hai bài thuốc gió cho ông ấy vào tiến gị. Bấy nhiêu lời. Xin ngài cầu cho chúng tôi cùng. Mercedes a todos los Padres [Nhớ ơn mọi Cụ]. Tư trình ngày 14 tháng 9. De Vuestra Reverencia Frey [Lạy Ông Cụ, tiểu đệ] Vi-xen-tê Liêm ký.
Thư thứ 2
Muy Reverendo Padre Vicario, Salud en el Señor etc. Recibí la de Vuestra Reverencia con alegria de mi coraãzon pues deseo, y desearé conformar con su Divina voluntad, y espero, que recibiré de su misericordia; pues:
[Trọng kính lạy Nhà Ông Cụ Đại Diện, kính thăm sức khỏe trong Thiên Chúa v.v.
Tôi đã rất vui mừng nhận được thư Ông Cụ gửi, vì tôi mãi mãi mong muốn thuận theo ý thánh Chúa, và ước ao được tham gia lòng nhân hậu của Chúa. Vì chưng,] từ hôm 20 tháng 9 cho đến hôm nay, thì đã thấy người ta nói nhiều tin lắm, esto es [tức là] Triều [Ngũ Phủ Phù Liêu] đã luận xử biêu gị, song chửa có lấy tin nào làm thật cho lắm, y estamos esperando la sentencia proferida [và chúng tôi đang đợi chờ bản án được tuyên bố]. Xin Ngài cùng các Cụ cầu cho chúng tôi vuối.
Việc tích tiền Hàng Phủ, thì còn tại tôi 45 [hoặc] 46 quan, vì tôi chẳng có sổ sẵn, cho nên chẳng biết hẳn mà bấy nhiêu quan, thì tôi đã đong thóc cho Hàng Phủ 22 quan 7 tiền, để tại Ông Lang Lương ở Trại Cọi. Tại Ông Hiệp Nên họ Hương Cáp, [tôi lại để] một quan, tại Ông Thiêm Hai 10 quan, song [ông ấy] đã mua đồ cho tôi, chửa tính. Còn bao nhiêu tôi phải chịu. Mà tiền tôi bây giờ còn: trong hòm (capsa) được có 13 quan 6 tiền; và còn để tại Bà Giu [ ở làng] Cự Đống 6 quan nữa mà thôi. Vả lại tôi có nợ Nhà Ông Cụ Uyên 9 quan 6 tiền, và Nhà Ông Cụ Đuyên 3 quan mà thôi; còn [sau đó] tôi chẳng nợ ai, ai cũng chẳng có nợ tôi, [nếu tôi] có [cho] dăm ba tiền cho ai chăng, thì cũng đã có ý làm phúc. Đất riêng ta trong vuờn thì tôi đã bán mãi cho Ông Lang Phái, hơn một sào, chửa làm văn tự, song đã có tiền; còn [một] sào [ở] Quan Thổ, chửa có tiền. Tôi mới tạu ba sào ruộng mãi, cho nguời ta làm, mà nó chịu trả tiền thuế [của] đất nhà [chúng ta ở] Trại Cọi. Còn một mẫu ruộng, tại Ông Thiệp 6 sào, [và tại] Ông Lương 4 sào, nhung đóng thóc thuế. Tám sào ruộng [tại] Ông Tú Nhuận hãy còn chân đợ, ý ông ấy muốn thục, cho nên phải làm văn tự làm vậy. Song Bà Mụ đã chỉ cúng cho tôi làm lễ ([tôi lại] đã làm rồi) 7 đôi hòm gánh, 2 đôi hòm mang, 1 đôi hòm đựng rượu, 1 hòm cước ban, 1 hòm sổ còn năm ba cái áo đã [được] đem ra ngoài này rồi, còn những đồ lăng nhăng mà thôi. Vội lắm, [người ta] nói rằng: mai là [ngày] 23 [họ sẽ] đem đi chém gị.
Tư trình [ngày] 22 tháng 9 [tức là ngày 6 tháng 11 dương lịch] de 1773 años [năm 1773].
Menor hermano de Reverentia Vestra [Lạy Nhà Ông Cụ, em hèn mọn này là] Fr. Vicente de la Paz y [Tiểu đệ Vi-xen-tê hiệu Bằng Yên và] Liêm kí.
B. Hội đồng tứ giáo: truyền thuyết và lịch sử
“Hội đồng tứ giáo” (hoặc đôi khi mang tựa đề dài hơn: “Hội đồng tứ giáo danh sư”) kể lại một cuộc họp giữa bốn tôn giáo (Thiên Chúa giáo, Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo) diễn ra tại dinh Tĩnh Đô Vương (Trịnh Sâm, 1767-1782). Người chú của Chúa Trịnh có bà thân mẫu đã theo đạo Thiên Chúa, và bà muốn thúc giục con mình theo đạo, nhưng ông muốn biết lý lẽ của đạo mới, vì thế ông muốn mời hai linh mục (Tây sĩ) của đạo Thiên Chúa vừa mới bị bắt, để trình bày giáo lý cùng với đại diện của ba đạo cổ truyền: một nho sĩ (đạo Nho), một pháp sư (đạo Lão), một hòa thượng (đạo Phật).
Nội dung gồm một lời tựa, thuật lại hoàn cảnh cuộc gặp gỡ giữa đại diện của bốn tôn giáo, và ba chương dành cho ba chủ đề trao đổi trong ba ngày: chương Một, về nguồn gốc vạn vật; chương Hai, dài nhất, về những bổn phận con người; chương Ba, về cứu cánh cuộc đời.
Người ta không biết tác giả là ai. Trong lời mở đầu, độc giả được biết rằng đại diện cho đạo Thiên Chúa là hai Thầy cả, “một thầy phương Tây, một thầy bản quốc” đang bị giam tại dinh Chúa Tĩnh đô vương, dưới thời vua Cảnh Hưng nhà Lê. Truyền thuyết cho rằng hai linh mục ấy cũng chính là tác giả của tập sách này, và cụ thể hơn nữa, đó là Jacinto Castañeda và Vicente Liêm. Điều này đã được các thừa sai dòng Đa Minh khẳng định từ đầu thế kỷ XX[3].
Tuy nhiên, ngay từ năm 1939, Didinger bắt đầu đặt nghi vấn cho giả thuyết ấy, nhưng không nói lý do[4]. Gần đây, chúng ta thấy ý kiến cổ truyền bị bác bỏ vì có những dữ kiện không phù hợp với lịch sử.
1) Theo Linh mục Nguyễn Hưng, hai vị thánh tử đạo đã bị xử trảm vào năm 1773 thì không thể nào hiện diện trong một cuộc tranh luận diễn ra dưới triều vua Cảnh Hưng (1786)[5]. Tuy nhiên, xem ra lý luận này không vững, bởi vì năm vua Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông) đã lên ngôi từ năm 1740, và mất ngày 17 tháng 7 năm 1786.
2) Theo Giáo sư Trần Văn Toàn, các dữ kiện nói ở lời tựa không phù hợp với lịch sử. Chú của chúa Trịnh Doanh là một người thích nghe nói về đạo Thiên Chúa và đã được rửa tội trước khi chết. Tuy nhiên, cái chết xảy ra vào năm 1763, dựa theo lời của cha Bricart trong lá thư gửi cho cha Hody ngày 6/6/1763. Vì thế ông không thể nào hiện diện ở cuộc gặp gỡ này[6].
3/ Theo thiển ý, chúng ta có thể tìm thấy một chứng cớ khác để cho thấy rằng cuộc gặp gỡ này là một hư cấu chứ không phải là một sự kiện lịch sử, đó là dựa theo án phong thánh của hai vị tử đạo. Thật vậy, hồ sơ điều tra về nguyên nhân cái chết của các vị không hề nhắc đến một cuộc gặp gỡ giữa đại diện của bốn tôn giáo, một “biến cố” quan trọng vào thời ấy, mặc dù nhiều nhân chứng đã khai rằng họ đã theo dõi suốt vụ án từ khi các ngài bị bắt cho đến lúc bị trảm quyết[7]. Một chi tiết nhỏ có vẻ “tranh luận” xảy ra là khi bà thân mẫu của chúa hỏi các thừa sai về số phận của những người ngoại đạo sau khi chết. Bà đã nổi giận khi nghe đáp lại rằng những ai không tin vào Chúa Giêsu đều bị xuống địa ngục[8].
Ta có thể kết luận rằng hai vị thánh vừa kể không phải là tác giả tập sách Hội đồng tứ giáo (Nên biết là tuy có hai linh mục đại diện cho đạo Thiên Chúa, nhưng chỉ có “Tây sĩ” lên tiếng, nghĩa là vị thừa sai ngoại quốc), và có lẽ cuộc gặp gỡ giữa bốn tôn giáo đã chẳng bao giờ xảy ra. Thật khó xác định tác giả là ai; chỉ có thể đoán xuất xứ của nó là vùng truyền giáo thuộc dòng Đa Minh (địa phận Đông), bởi vì đã được các thừa sai cùng dòng phổ biến (bản mộc từ năm 1864, rồi in tại Phú Nhai từ năm 1867) và dịch sang tiếng Tây Ban Nha[9].
Tác phẩm này được biên soạn trong chiều hướng hộ giáo, và không phải là độc nhất trong lịch sử truyền giáo Việt Nam. Chẳng hạn, linh mục Nguyễn Hưng đăng một thủ bản minh giáo viết theo thể ca kịch bằng thơ lục bát, kể lại một cuộc “đối thoại” giữa một Bà Vãi (Phật giáo) và một Bà Chúa (Công giáo)[10]; cuối cùng, Bà Vãi trở lại đạo. Giáo sư Trần Văn Toàn cũng nhắc đến một tác phẩm tương tự viết hồi cuối thế kỷ XVIII, tựa đề “Tam giáo chư vọng”[11], thuật lại một cuộc đàm đạo giữa một Tây sĩ và một Đông sĩ về các tôn giáo ở Việt Nam: Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Có điều là những tác phẩm này không được phổ biến nhiều như là Hội đồng tứ giáo. Theo tôi nghĩ, Hội đồng tứ giáo là một thủ bản giáo lý giúp cho các tín hữu không những xác tín rằng đạo Thiên Chúa là đạo thật mà còn biết cách trả lời cho những vấn nạn mà các đạo khác nêu lên để chống lại đạo mình.
IV. Ảnh hưởng
Chúng ta sẽ xét đến ảnh hưởng của thánh Vinh Sơn Liêm, trước hết là trong tỉnh dòng Đa Minh, và sau đó là ở ngoài tỉnh dòng.
A. Trong tỉnh dòng Nữ Vương các thánh Tử đạo
Thánh Vinh Sơn Liêm được đặt làm bổn mạng của:
1/ Phụ tỉnh thánh Vinh Sơn Liêm (Canada). Tên của thánh nhân cũng được đặt cho giáo xứ ở Calgary (2412-48th Street SE - Calgary, B T2B 1M4)
2/ Bổn mạng tu viện thánh Vinh Sơn Liêm, Tam Hà, Dĩ An (từ năm 1998).
B. Ngoài dòng Đa Minh
Ở trong nước, một giáo xứ và một giáo họ mang tên ngài; bên Úc một giáo xứ nhận ngài làm bổn mạng.
1/ Giáo xứ Vinh Sơn Liêm, Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng (giáo phận Đà Lạt), thành lập năm 2017, tách ra từ giáo xứ Tân Hà.
2/ Giáo khu Vinh Sơn Liêm thuộc giáo xứ Hoàng Mai (Xóm Mới, Gò vấp).
3/ Trung tâm Thánh Vinh Sơn Liêm ở Úc, thành lập năm 1981: 95 Mt Alexander Rd, Flemington VIC 3031. www.vinhsonliem.org
4/ Google Map còn cho biết hai đền thánh kính ngài:
- Đền Thánh Vincent Liêm, Phan Châu Trinh, Lộc Thọ, Bảo Lộc, Lâm Đồng
- Đền thánh Vinh Sơn Liêm, 8 Đông Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai (tạm ngưng hoạt động).
5/ Ở chính quê hương của ngài, giáo họ Thôn Đông thuộc giáo xứ Phú Nhai (xóm 6, Xuân Phương, Xuân Trường, Nam Định), nhận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm Quan Thầy Đệ Nhất và có Thánh Tổ Phụ Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm. Một đền khấn mới được khánh thành hồi tháng 11 năm 2021[12].
6/ Sau cùng nên nói qua các trường học. Ai cũng biết là trường Gioan Laterano (Juan Letran) Manila đã cất tượng đài kính ngài kể từ khi được phong chân phước.
Ơ miền Nam Việt Nam, trước năm 1975, một số trường học đã nhận ngài làm bổn mạng:
- Trung học Thánh Liêm, Bùi Môn, Hóc Môn. Thành lập 1955-56. Lm Đinh Xuân Hải. Lúc đầu chỉ có 300 học sinh; niên học 1973-74 lên đến 2470 học sinh.
- Vinh Sơn Liêm, Hoàng Mai, Xóm Mới, Gò Vấp, được thành lập từ năm 1955-56 do Lm Giuse Vũ Ngọc Tấn (nay đổi tên là trường Nguyễn Trung Trực). Bức tượng của ngài vẫn còn đứng sững giữa sân trường.
- Chân Phước Liêm, Gò vấp, Gia Định, bên cạnh tu viện Rất Thánh Mân Côi (1961). Nên biết là hồi đó, dòng Đa Minh đã có trường Trung học Thánh Tôma Vũng Tàu (1957) sau đó dời về Phú Nhuận (tu viện thánh Albertô năm 1962). Ngôi trường thứ hai mang tên là Chân Phước Liêm, lúc đầu là tiểu học rồi được nâng lên cấp Trung học. Từ năm 1964, trường đệ tử Đa Minh núp bóng trường này. Ngày nay, các cựu học sinh mở một trang web: http://www.chanphuocliem.com
- Trung học Vinh Sơn Liêm, Lạc Lâm, Đơn dương, Tuyên Đức, do cha Lê Thành Nghĩa OP. thành lập năm 1961,
- Tiểu học Vinh Sơn Liêm, Tân Việt, Tân Bình, Có lẽ vì thế mà Vinh Sơn Liêm cũng được đặt tên cho con đường gần đó (ngày nay đổi là đường Hà Bá Tường).
V. Kết luận
Ở Việt Nam có bao nhiêu người biết đến danh tiếng của Thánh Vinh Sơn Liêm? Thật là khó giữ được sự quân bình giữa hai thái độ. Một bên là “mẹ hát con vỗ tay”: cái gì của mình cũng đứng nhất trong thiên hạ! Bên kia là thái độ “bụt nhà không thiêng” (hoặc “không có ngôn sứ nào được tôn trọng ở quê hương mình”). Nhưng thay vì xét đến danh tiếng của ngài, tôi chỉ trình bày vài cảm nghĩ.
1/ Thứ nhất, chúng ta phải cảm phục hai vị thánh tử đạo trẻ tuổi: Vinh Sơn Liêm (42 tuổi) và Giacinto Castaneda (30 tuổi). Họ không trốn tránh cái chết nhưng can đảm đương đầu với nó để trung thành với sứ mạng rao giảng Tin Mừng và mang ơn cứu độ cho tha nhân.
2/ Mặc dầu cha Vinh Sơn Liêm có thể “thoát chết” bởi vì thời ấy án tử hình chỉ dành cho các đạo trưởng ngoại quốc, nhưng cha đã xin được cùng chết với người anh em đã cùng đi giảng đạo. Quả là một bài học cao quý về tình huynh đệ tu trì, sống chết có nhau! Nhắc lại những chuyện này không phải là để khuyến khích anh em đi tìm triều thiên tử đạo! Không, tử đạo là một ân huệ Chúa ban chứ đừng đi tìm. Dù sao, lịch sử Giáo hội cho thấy rằng có nhiều hình thức để sống ơn gọi tử đạo. Các nhà khổ tu sống ơn gọi tử đạo qua việc khổ chế phạt xác đánh tội. Các tác giả đời đan tu nêu bật đời sống cộng đoàn là một hình thức tử đạo khi mình từ bỏ sở thích riêng để đi tìm ích chung. Các nhà truyền giáo sống ơn gọi tử đạo khi từ bỏ sự an toàn tại quê hương để đến chỗ xa lạ bấp bênh. Tất cả đều muốn diễn tả sự chết cho cái tôi ích kỷ để sống cho Đức Kitô.
3/ Khi nghĩ đến cha Liêm đã từng đi học ở nước ngoài, chắc có người muốn khuyến khích anh em mở rộng tầm nhìn đến những vùng truyền giáo ở nước ngoài. Ơn gọi của Dòng Đa Minh mở rộng đến toàn cầu, chứ không thu hẹp vào lãnh thổ quốc gia. Nhưng mà muốn đi nước ngoài thì tiên vàn phải học ngôn ngữ của họ. Dưới khía cạnh này, tôi thấy phục cha Castañeda hơn. Từ Tây Ban Nha, trước hết anh đã miệt mài học tiếng Hoa để truyền đạo ở Trung Quốc, rồi sau đó lại phải học tiếng Việt khi được cử sang làm việc ở nước ta. Nhiệt khí tông đồ cũng kèm theo nỗ lực học hành để thi hành sứ vụ cách hữu hiệu hơn. Điều này muốn nói rằng để trở thành một thừa sai tốt, ngoài lửa nhiệt tình còn cần vốn liếng văn hóa nữa. Một tấm gương truyền giáo ở Việt Nam mà cả những ngoài Công giáo phải khâm phục là cha Léopold Cadière (1869-1955). Khi muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam chúng ta phải tra cứu các sách của ngài.
4/ Mặc dù dưới khía cạnh phê bình, ta không thể coi cha Liêm và cha Gia là tác giả của sách Hội đồng tứ giáo, nhưng không ai ngăn cản chúng ta coi tác phẩm này như là một công trình tập thể của các thừa sai Đa Minh. Có lẽ cuốn sách được soạn bởi một vài anh em vô danh, nhằm giúp cho các nhà truyền giáo biết cách trình bày đạo lý Công giáo khi đối chiếu với các tôn giáo địa phương. Quyển sách được phổ biến rộng rãi hơn các sách hộ giáo khác có lẽ nhờ nhà in Phú Nhai đường (tương đương với Nhà xuất bản ngày nay). Theo một truyền thuyết, tổng quyền Raymundo de Peñafort đã yêu cầu thánh Tôma Aquino soạn cuốn Summa contra gentiles để giúp các thừa sai trả lời các vấn nạn khi đến các vùng theo Islam. Ngày nay chúng ta vẫn còn cần những nhóm nghiên cứu vô danh như vậy, để giúp các anh em tiếp xúc với các văn hóa khác, các tôn giáo khác. Khi nói đến tôn giáo Việt Nam, chúng ta đừng giới hạn vào Tam Giáo nhưng còn mở ra đến các “tôn giáo mới” cũng như tôn giáo các dân tộc mà anh em được cử đến phục vụ. Đó là “tiến trình Salamanca” (lấy tên của các cha giáo sư thần học ở Salamanca, Tây Ban Nha, thế kỷ XVI yểm trợ các thừa sai ở Mỹ Châu) được các tổng hội gần đây nói đến (Biên Hòa số 315-316; Tultenango, Mexico số 104).
Xin vị anh cả của các thánh tử đạo Việt Nam cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.
Tu viện Mân Côi Gò Vấp
Ngày 15-9-2022
------------
Thư mục về Hội đồng tứ giáo
Phan Tấn Thành, Hội đồng tứ giáo, trong: “Thời sự thần học” số 62 (tháng 11 năm 2013), trang 157-176.
Trần Quốc Anh, Từ Phép giảng tám ngày đến Hội đồng Tứ giáo (Các tác phẩm hộ giáo trong văn chương Công giáo Việt Nam thế kỷ XVII-XIX), trong: Nghiên cứu văn học số 7 (581) tháng 7/2020 trang 71-84. Hoặc https://dcvxuanloc.net/tu-phep-giang-tam-ngay-den-hoi-dong-tu-giao-cac-tac-pham-ho-giao-trong-van-chuong-cong-giao-viet-nam-the-ky-xvii-xix/ (4-9-2022)
Trần Văn Toàn, Tam giáo chư vọng (1752), một cuốn sách viết tay bàn về tôn giáo Việt Nam, đăng trên: “Nghiên cứu tôn giáo” 1 (2003), 47-54
Trần Văn Toàn, Hội đồng tứ giáo, http://conggiao.info/hoi-dong-tu-giao-d-14309.
Nguồn tin: http://daminhvn.net/
[1] Cha Bùi Đức Sinh, Đòng Đa Minh trên đất Việt, Quyển I (In lần 2, Saigon 1993) có chụp hình bức thư này ở trang 95.
[2] Phạm Đình Khiêm, Bách Chu niên, trang 66.
[3] Xc. Chú thích số 10 trên đây.
[4] J. Didinger, Bibliotheca Missionum, vol. XI, Aachen 1939, p.577: “Ganz sicher ist die Authorschaft der beiden Martyrer von 1773 nicht”.
[5] Nguyễn Hưng, op. cit., trang 8.
[6] Trần Văn Toàn, “Tựa” cho cuốn sách Hội đồng tứ giáo, xuất bản tại Hoa kỳ năm 2002. Tác giả trích dẫn lá thư được lưu trữ trong Văn khố của MEP (Archives des Missions Etrangeres de Paris) tập 690 trang 230.
[7] S. Rituum Congregatio, Tunquinum, Beatificationis seu Declarationnis martyrii ven. servorum Dei Francisci Gil de Frederich, Matthaei Alonso Leziniana, Hyacinthi Castaneda et Vincentii a Pace ... Positio super martyrio, causa martyrii et signis sive miraculis, Romae 1904.
[8] Idem, Informatio super dubio: an constet de martyrio et causa martyrii, p.265 n.36. X. G. Clementi, Gli otto martiri tonchinesi dell’Ordine di s. Domenico solennemente beatificati da Pio Papa X nell’anno 1906, Roma 1906, p.245.
[9] Theo Nguyễn Hưng, Hội đồng tứ giáo, Tủ sách Hán Nôm, Lưu hành nội bộ, (TPHCM) 1996, trang 8, từ năm 1867 đến năm 1921, nó được in ba lần tại Phú Nhai (Bùi Chu) và bảy lần ở Tân Định (Sài Gòn). Tác phẩm được cha Manuel Moreno O.P. dịch sang tiếng Tây Ban Nha, đăng trên tạp chí “Correo Sino-Annamita”, Manila, vol.31 (1902), trang 121-138; vol. 32 (1903), trang 151-191; 485-494.
[10] Trang 285-316 (bản Quốc ngữ) và trang 319-340 (bản Nôm).
[11] Trần Văn Toàn, Tam giáo chư vọng (1752), một cuốn sách viết tay bàn về tôn giáo Việt Nam, đăng trên: “Nghiên cứu tôn giáo” 1 (2003), 47-54. “Tam giáo chư vọng” là một cuốn sách, khổ 10x15cm, dầy 205 trang, được tàng trừ tại Văn khố Hội Thừa sai Paris (Archives des Missions étrangères de Paris, số hiệu V-1098).
[12] Ngoài thánh Vinh Sơn Liêm, Phú Nhai cũng là quê của các thánh: 1/ Lm Tôma Đinh Viết Dụ O.P (1783-1839); 2/ Lm Vinh Sơn Đỗ Yến O.P (1764-1838).; 3/ Đa Minh Đinh Đức Mậu O.P (1794 -1853). 4/ Đa Minh Đinh Đạt, quân nhân (1803 – 1839). 5/ Giuse Trần Văn Tuấn, nông dân (1824 – 1862).
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 220 | Tổng lượt truy cập: 4,164,245