Chầu Thánh Thể - Chủ đề: "Hội dòng và Internet"

  • 15/05/2023 05:09
  • Giữa một xã hội đầy những ồn ào náo động, sự chung chia giữa một xã hội đầy ích kỷ nhỏ nhen. Xin giúp chúng con biết chìm sâu trong Chúa để thu lấy hình ảnh yêu thương của Ngài vào trong tâm hồn mình, để rồi lan truyền hình ảnh của một Thiên Chúa đầy tình yêu thương đến cho chị em đang sống ngay bên và cho tất cả những ai mà chúng con gặp gỡ.

     

    1 - Dấu Thánh Giá

    2 - Hát xin ơn Chúa Thánh Thần: “Cầu xin Chúa Thánh Thần”

    3 - Hát về Thánh Thể

    4 - Mở đầu 

    Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, họp nhau nơi đây, chúng con cùng nhau ca tụng tình yêu nhiệm mầu cao siêu mà Chúa đã dành cho chúng con qua Bí Tích Thánh Thể. Xin cho chúng con học biết nơi Chúa sự lắng nghe giữa một xã hội đầy những ồn ào náo động, sự chung chia giữa một xã hội đầy ích kỷ nhỏ nhen. Sự chân thật giữa một thế giới đầy bất công xảo trá. Để chúng con biết nói lên tiếng nói của tình yêu, của sự thật, và của công lý ngang qua tất cả những gì mà thế giới hiện đại 4.0 đã và đang mang lại cho chúng con. Xin giúp chúng con biết chìm sâu trong Chúa để thu lấy hình ảnh yêu thương của Ngài vào trong tâm hồn mình, để rồi lan truyền hình ảnh của một Thiên Chúa đầy tình yêu thương đến cho chị em đang sống ngay bên và cho tất cả những ai mà chúng con gặp gỡ.

    5 - Tin Mừng (xin kính mời cộng đoàn đứng)

    Bài trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma (Rm 11, 33-36):

    Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen.

    Thinh lặng ít phút (xin kính mời cộng đoàn ngồi)

    6 -  Suy niệm

    Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được?

    Đoạn trích thư Rô-ma chúng ta vừa nghe, thánh Phao-lô đã biểu dương mầu nhiệm khôn dò khôn thấu của Thiên Chúa. Không một phàm nhân nào có thể hiểu được đường lối của Ngài. Dù con người ngày nay có sáng suốt và thông minh đến cỡ nào, khoa học kĩ thuật có phát triển đến đâu, thì con người vẫn không thể có câu trả lời cho tất cả những vấn đề xảy ra trên trái đất, hay cho những nguyên lý vạn vật đã và đang hiện hành trong vũ trụ này. Nhưng con người ta chỉ có thể nhận biết các mầu nhiệm ấy dưới cái nhìn của đức tin và qua sự mặc khải của chính Thiên Chúa mà thôi.

    Trong thời đại 4.0 ngày nay, các công nghệ kĩ thuật hiện đại phát triển cách vượt bậc và các phương tiện truyền thông là một kết quả của tiến trình khoa học trong lịch sử, nhờ đó, loài người “ngày càng tiến xa hơn trong việc khám phá ra những nguồn lực và những giá trị trong toàn thể vũ trụ”, Giáo Hội thường bày tỏ niềm xác tín của mình rằng các phương tiện truyền thông ấy, nói theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II, chính là “những phát minh kỹ thuật kỳ diệu”, đã đóng góp rất nhiều để thoả mãn các nhu cầu của con người và có thể còn đóng góp nhiều hơn nữa. Huấn thị mục vụ “Hiệp thông và Tiến bộ”, ban hành năm 1971, cũng nhấn mạnh rằng: “Giáo Hội coi các phương tiện truyền thông là “những quà tặng của Thiên Chúa”, mà theo kế hoạch quan phòng của Ngài, chúng sẽ liên kết mọi người trong tình huynh đệ và nhờ đó giúp mọi người cộng tác vào kế hoạch của Chúa để hưởng ơn cứu độ”.

    Đối với người sống đời thánh hiến, chúng ta cũng có thể nhận ra những lợi ích quan trọng khác khi sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt khi cần liên lạc kết nối, tìm kiếm những thông tin, trau dồi kiến thức và các kỹ năng giúp cho đời sống dâng hiến và đời sống đức tin được tăng trưởng. Trong công tác Mục vụ và truyền giáo, mạng xã hội giúp chia sẻ những kiến thức về Giáo lý, Kinh thánh, Thần học, Luân lý, các Giáo huấn của Giáo Hội. Đồng thời lan truyền những kinh nghiệm sống giúp truyền cảm hứng, hoặc những gương chứng nhân giúp củng cố đức tin cho người tín hữu. Mạng xã hội cũng là phương tiện rất hữu ích cho công tác Huấn giáo, Mục vụ Ơn gọi, tổ chức các Hội đoàn, kêu gọi chia sẻ thiện nguyện hoặc các hoạt động khác nhau trong Giáo Hội. Qua mạng xã hội, các thông tin về Hội Thánh toàn cầu, Giáo Hội tại các quốc gia, các Giáo phận, Dòng tu, Giáo xứ… đều có thể được cập nhật cách nhanh chóng và liên tục. Ngoài ra còn những thông tin về thời sự khắp nơi, giúp đời sống cầu nguyện của người tu sĩ có thêm nhiều chất liệu phong phú.

    Mạng xã hội còn là nơi những người sống đời thánh hiến mời gọi nhau cầu nguyện, chia sẻ những suy tư, suy niệm Lời Chúa, kể cho nhau các câu chuyện sống đức tin, hoặc chuyển tải tin tức và sự kiện của Giáo Hội, Hội Dòng. Đó cũng là môi trường tạo cơ hội để chiêu sinh các ơn gọi mới, phát triển Hội dòng và chuyển tải những nội dung giúp củng cố đời tu có phẩm chất, gia tăng lòng nhiệt thành yêu mến nơi các thành viên của Hội dòng.

    Tuy nhiên, mạng xã hội cũng đem lại nhiều nguy cơ khôn lường nếu tu sĩ không sử dụng cách cẩn trọng, điều độ và có mục tiêu. Mạng xã hội có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến đời sống cầu nguyện và tương quan cộng đoàn của người sống đời thánh hiến. Khi dùng mạng xã hội để kết nối với nhiều loại liên hệ không cần thiết, chúng ta dễ bị chi phối và khó tập trung cho những ưu tiên của mình. Việc lên mạng mất quá nhiều thời gian, làm cho việc đọc sách bị xem nhẹ, những hiểu biết của chúng ta sẽ trở nên thiếu chiều sâu và đời sống thiêng liêng sẽ trở nên khô khan nghèo nàn. Có những tu sĩ chọn sống đời thánh hiến nhưng lại thích lướt face, tán gẫu với người khác hàng giờ, còn việc ngồi lại lâu giờ với Chúa để cầu nguyện hoặc suy tư có vẻ quá khó khăn. Hậu quả dẫn đến là việc sa sút về đạo đức, lơ là trong đời sống thiêng liêng dễ cô lập mình trong thế giới ảo, rơi vào lối sống hai mặt, bất trung, và nhiều khi phải rời bỏ lý tưởng cao quý của đời tu.

    Nhìn lại những gì vừa nêu trên, là những người sống đời thánh hiến, chúng ta cần tự chất vấn lương tâm xem tôi đã sử dụng các phương tiện truyền thông như là một quà tặng một ân ban của Thiên Chúa cách đúng nghĩa hay chưa? Nó có thực sự trở nên hữu ích cho tôi trong việc loan truyền Lời Chúa? Nó có thực sự là phương tiện giúp tôi liên kết với những người xung quanh hay trở thành rào cản khiến tôi thu mình lại trong thế giới ảo để rồi trở nên vô tâm vô cảm trước con người, trước thời cuộc? Tôi cần và nên sử dụng các phương tiện truyền thông như thế nào để mang lại lợi ích cho tôi, cho tha nhân, cho Hội dòng và cho Nước Thiên Chúa?

    Thinh lặng ít phút.

    7 -  Cầu nguyện (xin kính mời cộng đoàn quỳ)

    Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, cảm tạ Chúa về những giây phút vừa qua Chúa đã cho chúng con có thời gian để lắng lòng bên Chúa và duyệt xét lại tâm hồn mình. Xin ở bên chúng con luôn mãi và giúp chúng con trở nên những sứ giả của tình yêu Chúa. Bởi, với các phương tiện truyền thông Ngài đã cho chúng con chung chia sứ mạng của Ngài, là truyền thông Tin Mừng, nguồn ơn cứu thoát nhân gian, là hiệp thông xây dựng Văn minh tình thương khắp nơi. Xin cho đôi tay chúng con khi lướt trên bàn phím tựa như đôi cánh, mang trái tim bay lên, đưa “dung nhan và nụ cười của Ngài” vào trong thế giới ảo, làm cho thế giới truyền thông được ấm sáng lên trong tình yêu nồng thắm của Chúa. Để trái tim và linh hồn chúng con, đặc biệt thể hiện khả năng thông truyền tình thương của Chúa trong cả ngày sống, và trong từng hoạt động truyền thông, chúng con sẽ trở thành “những người đưa tin của Chúa Giêsu” đến cho hết thảy mọi người và mọi nơi. Như Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen!”.

    Thinh lặng ít phút.

    8 - Kinh trái tim: Lạy ơn trái tim cực trọng Đức Chúa Giêsu

    9 - Kinh viếng Mình Thánh

    10 - Hát “Này con là đá”- Cầu Cho Đức Giáo Hoàng – Đức Giám mục.

    11 - Hát: Đây nhiệm tích

    12 - Phép Lành Thánh Thể

    13 - Kết thúc: Bài hát về Đức Mẹ.

    Nt. Rosa Phạm Ngoan, OP.

    Bài viết liên quan