Sám hối Mùa Chay năm 2024

  • 27/02/2024 09:41
  • Mùa chay là mùa của sám hối, mùa trở về với nguồn mạch bình an và ân sủng của tâm hồn. Mùa Chay trải dài 40 ngày, bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Bảy Tuần Thánh. Hội Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình xin giới thiệu tới quý độc giả 3 MẪU SÁM HỐI Mùa Chay.

    MẪU 1: 

    Chủ đề:  Canh tân đời sống Cộng đoàn theo Linh đạo Đa Minh

    1 - Dấu Thánh Giá.

    2 - Giới thiệu chủ đề.

    Kính thưa cộng đoàn! với chủ đề “Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do”, trong sứ điệp mùa chay công bố ngày 01 tháng 02 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta tỉnh thức trước những cám dỗ về thành tựu của khoa học kỹ thuật thời hiện đại hôm nay, kẻo nguy cơ chúng ta sẽ nhượng bộ trước “sự nô lệ” của những thực hành hủy hoại hành tinh và nuôi dưỡng sự bất bình đẳng. Trong khi tự do của con cái Chúa và hạnh phúc viên mãn trong niềm vui ơn cứu độ lại là ân ban của Thiên Chúa và khát vọng bất dừng của con người ở mọi thời đại.

    Bước đi trong đời sống ơn gọi tu trì, chúng ta cũng được mời gọi trở đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, sống thanh thoát - tự do trong con cái Chúa. Tuy nhiên, trong hành trình dấn thân ấy, chúng ta đôi khi cũng trở nên dính bén và lệ thuộc nhiều thứ chóng qua, để rồi đời sống cộng đoàn, đôi lúc chưa hẳn là nơi ta thuộc về với tất cả niềm vui và sự trách nhiệm của tình chị em.

    Mùa Chay là mùa ân sủng. Đây chính là cơ hội để Thiên Chúa uốn nắn dân Ngài. Với ý thức “Canh tân đời sống cộng đoàn theo linh đạo Đa Minh”, trong sự sám hối chân thành, giờ đây xin Thánh Thần tình yêu Chúa giúp chúng ta can đảm đối diện với Chúa, đối diện với chính mình, để trong sự tĩnh lặng, chúng ta có thể chiêm ngắm con đường tình yêu, con đường cứu độ của Thiên Chúa; đồng thời can đảm bỏ lại phía sau tình cảnh nô lệ của mình, trải nghiệm quá trình chuyển đổi từ sự chết sang sự sống, để  bước vào một miền đất hứa đầy sữa và mật là niềm vui và hy vọng trong đời sống cộng đoàn, đời sống sứ vụ, qua những chứng tá hy sinh hằng ngày trong tương quan với tha nhân.

    -  Thinh lặng ít phút.

    -  Hát bài: Cầu xin Chúa thánh thần.

    3 - Lời Chúa (cộng đoàn đứng) -  1Cr 10, 1-6.10-12

    Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô. 

    Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê.  Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.

    Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.

    -  Thinh lặng ít phút.

    4 - Suy niệm (cộng đoàn ngồi).

    Suy niệm 1:

    Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã”. Có lẽ vì chẳng muốn con người quên đi ân ban của Thiên Chúa trao tặng thuở ban đầu mà rơi vào cảnh diệt vong do chiều theo dục vọng của mình, thánh Phaolo nhắc lại đời sống của dân Israel với ông Môsê trong sa mạc như để răn dạy và lần nữa thức tỉnh chúng ta trước những cám dỗ mau qua của thế tục.

    Quả thật, gọi là cám dỗ vì nó khá ngọt ngào và dễ rơi vào như những vũng lầy êm ái mà bao người vướng phải, để rồi cuối cùng “họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt” trong cô đơn và tuyệt vọng. Những vũng lầy êm ái ấy ngày nay vẫn không thiếu và càng tinh vi dưới nhiều dạng thức của thành quả khoa học kỹ thuật. Ngang qua những thành quả đạt được, con người tự cho rằng đó là sự nỗ lực của bản thân và con người trở nên xa cách nhau. Họ bám víu và ru ngủ mình trong những thành quả đạt được, mà không còn đủ nhạy bén để có thể nghe được tiếng kêu than của đồng loại mình trong cơn quẫn bách của phận người, trong cái nghèo túng, trong sự áp bức và bất công, trong cái gọi là “tột cùng của nỗi đau”. Họ đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng và trí tuệ, nhưng vẫn mò mẫm trong bóng tối của bất bình đẳng và xung đột.

    Đó cũng không còn là điều quá xa lạ hay ngạc nhiên trong lối sống tu trì hôm nay. “Sự nô lệ” thế gian dẫn đến nhiều yếu tố khiến người tu sĩ trở nên xa cách nhau, phủ nhận tình huynh đệ vốn đã nối kết chúng ta từ thuở ban đầu. Chẳng hạn, với tính kiêu ngạo của phận người, đã chẳng thiếu lần ta như để cho tiếng nói của thần tượng thế gian vang lên trong tâm hồn ta rằng: ta có thể làm được mọi việc, được mọi người ngưỡng mộ, thống trị hay khuất phục được người khác do quyền lực và tài cán mà không hẳn là lòng mến Chúa và yêu người... Đó là sự dối trá đầy quyến rũ trên một con đường xem ra ít nhiều ta đã quen đi. Ta có thể trở nên gắn bó với tiền bạc, với những dự án, ý tưởng, mục tiêu, với địa vị của mình, với một truyền thống, thậm chí với một số người hơn là gắn bó với Thánh Thể hay đời sống tâm linh. Thay vì giúp chúng ta tiến bước, tất cả sẽ làm chúng ta tê liệt. Thay vì đưa chúng ta gặp gỡ nhau, những tham vọng ấy sẽ khiến chúng ta xung đột.

    -  Thinh lặng ít phút.

    Suy niệm 2:

    Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua sa mạc đến tự do”. Đó là thời gian ân phúc để sám hối và “quay đầu” của mùa chay thánh. Thiên Chúa không hề mệt mỏi vì chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận Mùa Chay như thời gian mạnh mẽ trong đó Lời Chúa lại được ngỏ với chúng ta: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20, 2). Đó là thời gian hoán cải, thời gian tự do; vì chính trong Đức Kitô, chúng ta chịu cám dỗ, trong Người, chúng ta đã thắng ma quỷ. Vậy ta hãy nhìn thật sâu vào lòng mình và tự vấn:

    - Tôi có muốn một thế giới mới không?

    - Tôi có sẵn sàng bỏ lại đàng sau những thỏa hiệp với thế giới cũ không?

    - Tôi có can đảm loại bỏ những thần tượng đang đè nặng tâm hồn không?

    - Tôi có dứt khoát đoạn tuyệt với những ràng buộc đang giam cầm, để trái tim teo tóp và cô độc của tôi sẽ được thức tỉnh không?

    Hơn ai hết, bước đi trong đời sống tu trì, chúng ta phải xác tín rằng Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là một tình yêu duy nhất. Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải trở nên anh chị em, nhạy cảm hơn với nhau, để rồi: thay vì những mối đe dọa hay sự phòng thủ lẫn nhau thì chúng ta tìm thấy những người bạn đồng hành trong đời sống chung. Đây là giấc mơ của Thiên Chúa, miền đất hứa mà chúng ta hướng tới một khi thoát khỏi cảnh nô lệ.

    Như vậy, canh tân đời sống cộng đoàn theo linh đạo Đa Minh, cũng gợi ý thêm cho ta  rằng Mùa Chay cũng là thời gian của những quyết định của cộng đoàn, của những lựa chọn lớn nhỏ đi ngược với dòng đời. Những quyết định này có khả năng thay đổi cuộc sống hàng ngày của mỗi người cũng như của cộng đoàn đó là: thói quen cư xử, cách sử dụng của cải vật chất, việc trung thành với các lời khấn, ý hướng thánh thiện trong khi thi hành sứ vụ, sự nhạy bén với nhu cầu của tha nhân và chị em bên cạnh mình.

    -  Thinh lặng ít phút.

    5 -  Cầu nguyện (cộng đoàn quỳ)

    Chủ sự: Lạy Chúa! Bước vào mùa chay thánh, chúng con được mời gọi bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng để thật lòng sám hối ăn năn, quyết tâm chừa bỏ tội lỗi và trở về với Chúa. Đặc biệt, với chúng con, những con người theo sát Chúa trên con đường dâng hiến, lời mời gọi trở về ấy càng phải quyết liệt và tận căn hơn. Vì chưng, chúng con không chỉ “Nói với Chúa” trong tương quan cá vị, mà còn phải “Nói về Chúa” trong vai trò chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa. Ý thức việc “canh tân đời sống cộng đoàn theo linh đạo Đa Minh” để được kín múc nguồn mạch sự bình an và ân sủng của Thiên Chúa tình yêu, trong giờ phút bày tỏ lòng sám hối của cộng đoàn hôm nay, chúng con cùng tha thiết dâng lên Chúa những ước nguyện chân thành:

    1. Xã hội ngày nay còn đầy những bất công, ngang trái do con người tạo nên, việc chạy theo quyền lực, danh vọng và lợi nhuận kinh tế đã khiến nhiều người sẵn sàng tạo ra sự giả dối để che lấp sự thật. Bước theo Chúa trên con dường dâng hiến đòi buộc chúng con phải là chứng tá cho sự thật và công bằng. Xin cho các người sống đời thánh hiến nói chung, cách riêng là mỗi chị em chúng con, luôn dám can đảm lội ngược dòng để chọn sự thật, sống và làm chứng cho sự thật dù có phải thiệt thân “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa”. Chúng con cầu xin Chúa.

    2. Với chủ nghĩa hưởng thụ, con người ngày nay có xu hướng ngại dấn thân, ngại khổ, ngại khó, muốn an nhàn không cần vất vả mà vẫn giàu có, muốn không cần hy sinh mà vẫn được hạnh phúc. Xin cho mỗi chúng con luôn thức tỉnh để khỏi rơi vào vòng xoáy đầy cám dỗ ấy, hầu can đảm chọn lựa con đường hẹp để sống thanh thoát, không lệ thuộc vào thế gian nhưng sẵn sàng dấn thân hy sinh phục vụ Chúa, phục vụ mọi người. Chúng con cầu xin Chúa.

    3. Trong bối cảnh của một xã hội tôn vinh chủ nghĩa cá nhân, cho mình là trung tâm, mình là nhất, nhưng lại dễ dàng trở thành nô lệ cho những thứ thành quả thế gian và gạt bỏ Thiên Chúa ra bên lề như hôm nay, xin Chúa cho mỗi chúng con ơn sống khiêm nhường, biết bỏ đi những ý riêng và dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa. Xin dạy chúng con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn chúng con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn chúng con, và Chúa yêu chúng con hơn cả chúng con yêu chính bản thân mình. Chúng con cầu xin Chúa.

    4. Trên thực tế đời sống thường ngày, để giữ được cái tôi ích kỷ hẹp hòi - thành kiến - kiêu căng, ít nhiều đã có lần chúng con làm ngơ với lời mời gọi của Chúa để đi một con đường riêng; mặt khác, chúng con phần nào đó cũng bị lây lan căn bệnh thành tích, đánh giá con người dưới lăng kính hiệu suất, hiệu năng… đôi lần chúng con còn thích đi một mình để không bị phiền toái và nhanh về tới đích mà quên rằng đời sống cộng đoàn là một phần rất quan trọng của ơn gọi Đa Minh. Xin cho mỗi chúng con biết tận dụng những cơ hội Chúa ban trong mùa Chay thánh này, để chiến đấu và chiến thắng những cám dỗ đầy tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ của ma quỷ trong xã hội ngày nay. Chúng con cầu xin Chúa

    Chủ sự: Lạy Thiên Chúa toàn năng! Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng con đã bước vào Mùa Chay. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một thời kỳ thuận tiện để duyệt xét cuộc đời chúng con, hầu bù đắp những thiếu sót, sửa chữa những lệch lạc nơi con người chúng con. Xin Chúa hãy chiếu ánh sáng của Chúa trên chúng con, để chúng con quyết tâm đổi mới nên môn đệ đích thực của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức kitô Chúa chúng con. (CĐ: Amen).

    6 - Kết thúc:  Hát bài: Con đường Chúa đã đi qua.

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    https://www.tonggiaophanhanoi.org/su-diep-mua-chay-2024-cua-duc-thanh-cha-phan-xi-co, truy cập 15h00 ngày 23/02/2024

    Nt. Maria Huyền Phin, OP.

     

    MẪU 2:

    1.  Giới thiệu

    Kính thưa cộng đoàn! Như chúng ta đã biết bánh xe thời gian đã lăn bánh trải qua các mùa trong năm Phụng vụ. Giờ đây, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Việc chúng ta giữ chay 40 ngày là để tưởng niệm và bắt chước Chúa Giêsu đã ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày trong sa mạc, trước khi Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa.

    Toàn bộ lịch sử Cựu ước là lời Thiên Chúa mời gọi nhân loại tội lỗi trở về với Ngài để được sống. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã sai ngôn sứ Giôna mời gọi dân Ninivê sám hối. Vào thời sau hết, trong Đức Kitô Thiên Chúa kêu gọi toàn thể nhân loại hoán cải để đón nhận nước Chúa.

    Mùa Chay mang 3 ý nghĩa:

    • Mùa Chay là cầu nguyện và thực thi bác ái.
    • Mùa Chay là thời gian giáo huấn cuối cùng sửa soạn cho các dự tòng được rửa tội.
    • Mùa Chay là thời gian sửa soạn cho việc giao hòa các hồi  nhân.

    Giờ đây, chúng ta thinh lặng giây lát để cảm thức tầm quan trọng về ân sủng mà Mùa Chay mang lại để giục lòng ta tin - cậy - mến.

    2.  Lời cầu nguyện đầu:

    Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, giây phút này Chúa đang nhìn từng người chúng con và tha thiết mời gọi chúng con: Hãy sám hối và tin vào Tin mừng. Lời mời gọi này trước tiên nhắm đến những người chưa biết Đức Kitô, rối nhắm đến mọi Kitô hữu, đến từng người chị em chúng con nơi đây. Xin ban cho chúng con Chúa Thánh Thần, để lòng chúng con thưa lên với Chúa: Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy” (Tv 50, 4). Nguyện cho buổi: sám hối Mùa Chay của cộng đoàn chúng con nơi đây được Chúa linh hứng để trở nên linh động, mới mẻ, tươi sáng và chân thật hơn.

    Giờ đây, xin kính mời cộng đoàn đứng để sốt sáng lắng nghe Lời Chúa.

    3.  Tin Mừng:  Lc 4, 1-13

    Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh Luca

    Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!”. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

    4.  Gợi ý suy niệm

    Suy niệm 1:

    Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Chay thánh. Giáo hội mời gọi chúng ta đi vào một cuộc hành trình, hành trình Mùa Chay đó là một cuộc hành trình hướng tới lễ Phục sinh.

    Lạy Chúa, chúng con là những người đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, nhưng chúng con chưa hoàn toàn sống đời sống của một Kitô hữu, của đời thánh hiến. Dẫu biết rằng, cuộc sống là một chuỗi những hành trình khác nhau nối tiếp, là chặng đường có cả hạnh phúc lẫn chông gai. Mỗi chặng đường trong cuộc đời, chúng con sẽ có nhiều sự đổi thay và diễn biến khác nhau. Ai mà chẳng có lúc sai lầm, có lúc thất bại hoặc đánh mất niềm tin.

    Mỗi người trong chúng con đều có những cám dỗ phải đối mặt hằng ngày. Cho dù là nam hay nữ, trẻ hay già, giàu hay nghèo, sống đời tu hay đời thường, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng hôm nay và ngay lúc này là chúng con đang phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong cuộc sống, không thể nào tránh khỏi những cám dỗ cần chúng con đủ bản lĩnh để vượt qua. Vì thế, Mùa Chay đang mời gọi chúng con thay đổi tâm hồn và sống tin mừng một cách trọn vẹn.

    -  Thinh lặng ít phút.

    Suy niệm 2:

    Trong bài Tin mừng, Thánh Luca cho chúng con biết, khi nhập thể vào trần gian với thân phận con người, Đức Kitô cũng từng trải qua nhiều thử thách cam go, chịu ma quỷ cám dỗ trong thời gian 40 ngày chay tịnh trong sa mạc. Nhưng Ngài đã vượt thắng tất cả nhờ sức mạnh của Lời cầu nguyện.

    Về phần chúng con, Chúa cũng để cho ma quỷ cám dỗ nhưng không phải để làm hại mà để chúng con trưởng thành hơn và tỏ lòng trung thành đối với Chúa. Sự thật thì phận người yếu đuối, chúng con không thể vượt qua được những mưu chước của ma quỷ. Nhưng chúng con xác tín rằng có ơn Chúa trợ lực, Ngài sẽ nâng đỡ không để chúng con bị cám dỗ quá sức. Xin cho chúng con đi sâu vào đời sống cầu nguyện để múc lấy sức mạnh nơi Chúa như lời trong kinh Lạy cha: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” và với ơn Chúa , chúng con sẽ chiến thắng như Thánh Phaolô đã nói: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4, 13).

    Nhìn vào gương Chúa Giêsu khi bị cám dỗ về Thú - Lợi - Danh, Ngài đã chiến thắng như thế nào? Và để lại bài học gì cho chúng ta?

    -  Cám dỗ về thú vui:

    Ma quỷ xúi dục Đức Kitô thỏa mãn sự đói khát cơm bánh vật chất và các đam mê lạc thú, nhưng Chúa Giêsu thắng cám dỗ này, Ngài không phủ nhận sự cần thiết của cơm bánh vật chất nhưng vẫn khẳng định: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh. Phải chăng ngày nay, chúng con cũng bận tâm quá đáng đến việc ăn uống, sinh nhai. Quả vậy, chúng con thường có khuynh hướng thỏa mãn xác thịt, muốn làm cho thân xác được béo tốt, được thưởng thức mọi thú vui không biết dừng lại. Giờ đây, xin cho chúng con nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với ma quỷ: Người ta sống không nguyên chỉ bằng cơm bánh. Và sống theo lời khuyên của Thánh Phêrô: Hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé.

    -  Cám dỗ về lợi lộc:

    Ma quỷ hứa ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho Chúa Giêsu nếu Ngài chịu tôn thờ nó. Nhưng Đức Kitô chỉ nhận quyền lực từ Thiên Chúa, chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất đáng tôn thờ. Phải chăng, hôm nay chúng con quá ham chuộng danh vọng trần thế. Danh vọng phú quý chưa hẳn là hạnh phúc vì nó là con dao hai lưỡi: nó có thể phục vụ ta, là tôi tớ trung thành của ta, mà nó cũng có thể ức chế ta, biến ta thành nô lệ của nó, sai khiến ta làm đủ mọi điều gian ác. Nguyện cho ánh sáng Chúa soi dẫn, giúp chúng con đủ tỉnh táo để không bị nhấn chìm trong vòng xoáy của lợi lộc, vinh hoa phú quý trần gian. Nhưng luôn biết khước từ để chỉ bái lạy và thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.

    -  Cám dỗ về danh vọng:

    Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu tìm kiếm hư danh bằng cách xúi dục Ngài nhảy từ nóc đền thờ vì sẽ được sự can thiệp kịp thời của Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã không chấp nhận thái độ thử thách quyền năng Thiên Chúa đó qua lời Kinh thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4, 12).

    Hôm nay, phải chăng chúng con không chịu vận dụng hết khả năng của mình mà cứ chờ Thiên Chúa làm phép lạ cho mình. Con người chúng con luôn có khuynh hướng khoe khoang, mà ma quỷ lại nhằm vào khuynh hướng thích khoe khoang, nhất là sự khoe khoang đó lại không đúng sự thật. Nhiều khi chỉ vì một câu thách thức hay chạm tự ái là người ta dễ dàng làm theo thách thức đó. Nguyện xin Chúa giúp sức để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con vẫn một lòng tín trung và hoàn toàn phó thác cậy trông vào Chúa.

    Thời nay để chiến thắng ma quỷ, không có cách nào khác là phải chiến đấu bằng chính võ khí mà Chúa Giêsu đã sử dụng. Đó là tinh thần tuyệt đối vâng phục đường lối và thánh ý của Thiên Chúa, là cách sống khiêm tốn, siêu thoát, coi rẻ của cải vật chất và danh vọng trần gian.

    Với tâm thế ấy, trên đoạn đường đi đến đỉnh đồi Gôngôtha với Chúa, chúng con cùng cầu chúc cho nhau có thể vượt qua những đau khổ ở đời này. Chúng con cũng xác tín rằng đoạn đường ấy sẽ dễ đi hơn rất nhiều khi chúng con: “Kí thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).

    -  Thinh lặng ít phút.

    -  Bài hát: Trông cậy Chúa

    5.  Cầu nguyện

    Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ

    Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

    Hòa quyện cùng lời tụng ca của Vịnh gia qua thánh vịnh, chúng con xin cất lời tạ ơn Chúa với tất cả lòng thành. Trong khi biết bao người đang lao mình như con thiêu thân bởi cuộc sống mưu sinh, bao người đang thoi thóp dành lấy sự sống bởi cuộc sống nghiệt ngã: chiến tranh, bạo lực, thiên tai, bệnh tật. Thì giờ đây, chúng con được an bình quỳ bên Thánh Thể Chúa. Những hình ảnh cuộc sống đó như thước phim quay chậm, đang diễn ra trước mắt chúng con, để ngay giờ này chúng con cùng sốt sáng dâng lời nguyện cầu:

    1.  Cầu cho hàng phẩm trật trong Giáo hội

    Để con thuyền Giáo hội cập tới bến bờ  bình an, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của người thuyền trưởng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Đức Giáo hoàng, các Đức Giám mục, linh mục, phó tế trong vai trò vị chủ chăn có được trái tim mục tử nhân lành của Thầy Giêsu để hướng dẫn chăn dắt và quy tụ các chiên về một đoàn duy nhất là Hội Thánh Chúa Kitô.

    -  Chúng con cầu xin Chúa.

    -  Xin Chúa nhậm lời chúng con.

    2.  Cầu cho ơn gọi thánh hiến

    Hơn bao giờ hết, Giáo hội hoàn vũ đang cần đến những khuôn mặt trẻ trung, năng động với một trái tim nhiệt huyết để sẵn sàng dấn thân phục vụ trong cánh đồng truyền giáo hôm nay. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho Hội Thánh ngày càng có nhiều bạn trẻ lắng nghe tiếng Chúa, can đảm dâng mình cho Chúa trong đời sống thánh hiến.

    -  Chúng con cầu xin Chúa.

    -  Xin Chúa nhậm lời chúng con.

    3.  Cầu cho các bệnh nhân, tội nhân

    Bước vào cuộc đời, không ai tránh khỏi sinh lão bệnh tử, càng khó thoát khỏi cạm bẫy của tội lỗi, lầm than. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các bệnh nhân được ơn nâng đỡ, cho các tội nhân biết hoán cải đứng lên sau những lần vấp ngã, để được hưởng ơn cứu độ của Chúa muôn đời.

    -  Chúng con cầu xin Chúa.

    -  Xin Chúa nhậm lời chúng con.

    4.  Cầu cho sự hiệp nhất hòa bình

    Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đep, nhưng con người đã phá vỡ vẻ đẹp ấy bằng bạo lực, chiến tranh và sự rạn nứt các mối tương quan với nhau. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị càm quyền, các nhà lãnh đạo được ơn khôn  ngoan, lòng bao dung, sự thấu cảm đẻ họ cùng nhau kiến tạo một nền hòa bình, công lý cho muôn dân.

    -  Chúng con cầu xin Chúa.

    -  Xin Chúa nhậm lời chúng con.

    5.  Cầu cho đại gia đình Đa Minh

    Trải qua muôn sóng gió ngàn trùng, đại gia đình Đa Minh được hình thành và lớn dần trên toàn thế giới hôm nay. Nhờ ơn Chúa ban cùng bao công khó của các đấng bậc tiền nhân. Chúng ta cùng cầu xin chúa ban cho mọi phần tử trong gia đình Đa Minh biết noi gương Cha Thánh Tổ phụ sống đời chiêm niệm cách trung tín và giảng thuyết cách trung thành.

    -  Chúng con cầu xin Chúa.

    -  Xin Chúa nhậm lời chúng con.

    6.  Cầu cho gia đình, quý cha mẹ, quý ân thân nhân

    Cả một hành trình sống, chúng ta được dưỡng nuôi bởi hơi ấm từ gia đình, bằng tình yêu của mẹ, nghĩa nặng của Cha, cùng bao tấm lòng bác ái của quý ân thân nhân. Chúng ta cùng cầu xin Chúa xuống muôn ơn lành hồn xác trên từng gia đình, quý cha mẹ, quý ân thân nhân, những người còn sống hay đã qua đời đều được hưởng trọn ân phúc của Chúa.

    -  Chúng con cầu xin Chúa.

    -  Xin Chúa nhậm lời chúng con.

    7.  Cầu cho Hội dòng

    Với 20 năm tuổi đời, Hội dòng chúng ta đã đạt được nhưng thành quả tốt đẹp với bao công khó của quý Bề trên, quý Dì đi trước. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho từng chị em trong Dòng luôn biết sống tâm tình tri ân, trung thành trong ơn gọi, nhiệt thành với sứ vụ được trao để xây dựng hội dòng ngày một thăng tiến và vững mạnh hơn. Xin Chúa cho linh hồn Đức cố Giám mục Phanxicô Xaviê, linh hồn quý Dì trong Hội dòng đã qua đời được muôn đời chiêm ngưỡng Tôn Nhan Chúa.

    -  Chúng con cầu xin Chúa.

    -  Xin Chúa nhậm lời chúng con.

    6.  Lời  nguyện kết:

    Lạy chúa Giêsu Thánh Thể, Mùa Chay là mùa chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, là cửa ngõ của mầu nhiệm này. Mỗi chúng con có nghĩa vụ mở cổng cho tất cả mọi người, kêu mời, hướng dẫn họ vào bên trong, tức là tiến vào Nước Trời. Để tất cả những gì chúng con nói, những việc chúng con làm, cũng như tâm hồn của chúng con trở thành nơi xứng hợp đón Chúa ngự đến. Giờ đây, trước sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể, với tất cả tâm tình đơn sơ, chúng ta cùng đứng lên cất lên lời kinh Chúa dạy: “Lạy cha chúng con ở trên trời, ....”

    Nt. Maria Trương Thu, OP.

     

    MẪU 3:

    1 - Dấu Thánh Giá

    2  Hát kinh Chúa Thánh Thần

    3 - Giới thiệu chủ đề (cộng đoàn quỳ)

    Kính thưa cộng đoàn!

    Khởi đi từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Bảy Tuần Thánh trước Chủ Nhật của lễ Phục sinh, trải dài 40 ngày Chay thánh, Giáo hội mời gọi các tín hữu bước vào sa mạc của cõi lòng để ăn năn, sám hối, để cầu nguyện và sống chay tịnh... Nói cách khác, Mùa chay là mùa của sám hối, mùa trở về với nguồn mạch bình an và ân sủng của tâm hồn.

    Quả thật, mang thân phận con người vốn mỏng giòn và yếu đuối, sống trên cõi đời, ai chưa một lần vấp ngã, để không phải trở về? Đó cũng chính là cảm nghiệm rất sâu sắc mà nhà thơ Tố Hữu đã từng thốt lên trong tác phẩm “Dậy Mà Đi” rằng: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai lên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Vâng, là kiếp tro bụi, chúng ta vốn mang thân phận yếu đuối và bất toàn, nên trong đời sống Kitô hữu, cách riêng là hành trình theo sát Đức Kitô trên con đường tận hiến, chắc chắn cũng đã hơn một lần chúng ta lỡ bước sa chân trong những thiếu sót xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân và chính mình, để rồi ít nhiều ta đã cảm nghiệm sự đổ vỡ trong sâu thẳm cõi lòng. Vì thế, việc trở về để tìm lại sự bình an và nguồn mạch trong tâm hồn lại chẳng phải là điều cần thiết cho mỗi chúng ta hôm nay sao?

    Chúng ta cần trở về với Thiên Chúa vì chính Ngài là nguồn mạch bình an và ân sủng.

    Chúng ta cần trở về với tha nhân vì tha nhân chính là cầu nối chúng ta đến gần Chúa.

    Chúng ta cần trở về với bản thân và tâm hồn chúng ta chính là đền thờ của Thiên Chúa.

    Kính thưa cộng đoàn! Vậy, để có thể sống tinh thần của Mùa Chay thánh đích thực, trong giờ sám hối hôm nay, “ chúng ta hãy trở về với trọn cả tâm hồn”. Trở về trong thinh lặng của cõi lòng để nghe tiếng thổn thức của Chúa trong sâu lắng và cầu nguyện “với trọn cả tâm hồn”. Đó chính là con đường cứu rỗi ngắn nhất mà Chúa Giêsu loan báo cho những ai khao khát gặp gỡ Ngài. Trở về để cùng Chúa bước đi trên con đường thập giá trong khiêm hạ, để bước đến đỉnh cao của vinh quang là ơn cứu độ con người.

    -  Thinh lặng ít phút.

    -  Hát bài: Cầu xin Chúa thánh thần.

    4 - Lời Chúa (cộng đoàn đứng) - Mt 6,1-6.16-18

    Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu

    Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

    -  Thinh lặng 3 phút.

    5 - Suy niệm (cộng đoàn ngồi).

    Suy niệm 1:

    Trong thời gian vừa qua, có thể nói, mạng xã hội dậy sóng về vấn đề hàng loạt Sao Việt bị “bốc phốt” vì nghi không minh bạch trong vấn đề từ thiện. Vẫn biết rằng, việc làm từ thiện, việc lành phúc đức, là điều hết sức cần thiết trong mọi thời khắc của cuộc sống con người. Nó mang lại niềm tin, sự sống và bình an cho những con người gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, làm từ thiện với thái độ nào mới là điều đáng nói: thật sự vì tình yêu và lòng xót thương với anh chị em đồng loại đang gặp bất trắc? để đánh bóng tên tuổi? để sự nghiệp được thăng hoa hơn?....

    Hay tại nhiều nơi, cứ vào mùa tranh cử, người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi thành tích và công ơn của các nhân vật chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa hẹn với dân chúng để hy vọng được bầu vào những chức vụ công quyền.

    Có thể nói, tâm thức và lối hành xử thường tình của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để được trọng vọng, khen thưởng. Trong đời sống đạo nói chung hay hành trình ơn gọi thánh hiến nói riêng cũng vậy, đôi khi người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần khoe khoang kể công như trên vào đời sống đạo đức.

    -  Thinh lặng ít phút.

    Suy niệm 2:

    Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo đích thực, đó là: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Chúng ta biết rằng, theo luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham gia. Đã hẳn Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi mà thôi. Bởi lẽ, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức mà thiếu đi “tấm lòng”. Đó là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.

    Bước vào Mùa Chay thánh, chúng ta được mời gọi “hãy trở về với trọn cả tâm hồn”. Ta hãy trở về với chính con người thật của mình, hầu biết mình, nhận ra, chấp nhận mình, để sửa đổi, tha thứ cho chính mình, và quan trọng là trở về để nhận ra tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Bởi ta sẽ chẳng thể cho đi những gì mà mình không có; ta cũng không thể sửa đổi người khác, nếu ta chưa sửa đổi chính mình; và ta cũng làm sao có thể trở về với Chúa và lãnh nhận được ơn tha thứ trực tiếp của Thiên Chúa, nếu ta chưa trở về với sâu thẳm cõi lòng?

    Ta hãy trở về với tha nhân, chiếc cầu nối ta đến gần Chúa.

    Đặc biệt và quan trọng hơn cả là ta hãy trở về  để “gặp Thiên Chúa nơi kín đáo”, nguồn mạch bình an và ân sủng cho con người.

    Ta “hãy trở về với trọn tâm hồn” qua ba việc làm cụ thể diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa và tha nhân mà Chúa đã chỉ dạy cách cụ thể, đó là: Ăn Chay (trở về với chính mình), Cầu Nguyện (trở về với Thiên Chúa), và Bố Thí (trở về với tha nhân). Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người Kitô hữu.

    Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng” (x. 2 Cr 9, 6-11). Vậy mỗi chúng ta đã từng ý thức thực hành các việc lành đó với ý hướng ngay lành vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người đời khen ngợi, vì đó là lẽ sống - là niềm vui - là động lực cho cuộc đời hy sinh phục vụ của chúng ta được bao nhiêu?

    -  Thinh lặng ít phút.

    6 -  Cầu nguyện (cộng đoàn quỳ)

    Lạy Chúa, không có một hành trình ra đi nào mà không có sự trở về. Sau nhiều năm lưu đày bên Ai-cập, Chúa đã giải thoát Israen và đưa họ về miền đất hứa đầy sữa và mật. Mang thân phận yếu đuối của phận người, chúng con đã không tránh khỏi những sai lầm xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân và chính bản thân mình. Ý thức lời mời gọi “Hãy trở về với trọn cả tâm hồn” để được kín múc nguồn mạch sự bình an và ân sủng của Thiên Chúa tình yêu, trong giờ phút bày tỏ lòng sám hối của cộng đoàn hôm nay, chúng con cùng tha thiết dâng lên Chúa những ước nguyện chân thành:

    1. Đời sống tu trì, cầu nguyện trong thanh vắng, đem lại cho Giáo hội sự cân bằng trong đời sống tông đồ, là nhu cầu sinh tử cho đời sống thiêng liêng và hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Tuy nhiên, đây lại là điều không dễ thực hành trong một xã hội thích phô trương, chạy theo lối sống hướng ngoại hôm nay. Xin Chúa cho các thành phần trong Giáo hội, đặc biệt là hàng giáo sĩ, tu sĩ/ luôn ý thức sâu sắc việc tập sống kín đáo với Chúa là một nhu cầu bức thiết của đời sống với Chúa hôm nay, để kiên trì và khiêm tốn thực thi mỗi ngày. Chúng con cùng cầu xin Chúa.

    2. Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Những việc đạo đức tự nó rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Xin Chúa cho các bạn trẻ/ biết tỉnh thức trước những niềm vui ảo của lối sống phô trương đang lan tràn trong xã hội, để thực hành các việc đạo đức với ý hướng ngay lành, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho đời hy sinh phục vụ của người môn đệ Chúa Kitô đích thực. Chúng con cùng cầu xin Chúa.

    3. Trở về trong thinh lặng của cõi lòng để nghe tiếng thổn thức của Chúa trong sâu lắng và cầu nguyện với trọn cả tâm hồn. Đó chính là con đường cứu rỗi mà Chúa Giêsu loan báo cho những ai khao khát gặp gỡ Ngài. Xin Chúa cho những người đau khổ - bệnh tật/ biết can đảm chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá, trở về để cùng Chúa bước đi trên con đường ấy trong khiêm hạ, hầu đạt đến đỉnh cao của vinh quang là ơn cứu độ Chúa ban. Chúng con cùng cầu xin Chúa.

    4. “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10a). Xin Chúa cho từng thành viên trong cộng đoàn chúng ta/ ý thức thực thi lời mời gọi trong sứ điệp mùa chay của Đức Thánh Cha Phanxico cách tích cực. Ngõ hầu, Thiên Chúa “Đấng hiện diện và thấu suốt nơi kín đáo”, sẽ chúc phúc cho chúng ta, những kẻ đã “cho cách vui lòng” (x. 2 Cr 9, 6-11). Chúng con cùng cầu xin Chúa.

    Lạy Chúa Giêsu! Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng con đã bước vào Mùa Chay. Chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một thời kỳ thuận tiện để duyệt xét cuộc đời chúng con, hầu bù đắp những thiếu sót, sửa chữa những lệch lạc nơi con người chúng con. Xin Chúa hãy chiếu ánh sáng của Chúa trên chúng con, để chúng con quyết tâm đổi mới nên môn đệ đích thực của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức ki tô Chúa chúng con. (CĐ: Amen).

    7 - Kết thúc:  Hát bài: Con đường Chúa đã đi qua.

    NGUỒN THAM KHẢO

    1. https://giaophanvinhlong.net/mua-chay-mua-tro-ve.html, truy cập 15h00 ngày 14/3/2022

    2. https://daminhtamhiep.net/2019/03/sa-mac-bai-thuyet-trinh-cua-tap-sinh-ve-mua-chay-nam-2019, truy cập 15h30 ngày 14/3/2022

    Đa Minh Thái Bình

    Bài viết liên quan