Theo nghiên cứu của Trung tâm Pew (USA.) thì các bạn trẻ từ 13 đến 17 tuổi đã sử dụng các mạng xã hội. 75% các em đã có ít nhất một tài khoản riêng trên mạng xã hội, 51% sử dụng mạng xã hội hằng ngày và 2/3 các em đã sở hữu những thiết bị di động truy cập được mạng internet[1]. Lợi ích mà các phương tiện truyền thông kỹ thuật số mang lại thật lớn lao, và ở mặt này người tiêu dùng rất biết ơn những người đã sáng tạo và phát triển công nghệ kỹ thuật số, nhưng mặt trái của chúng có thể nói cũng không nhỏ: làm cho người ta quá lệ thuộc vào nó, thậm chí còn gây nên tình trạng nghiện ngập chết người.
Dân gian có câu: tham thực thì cực thân; thức ăn có thể nuôi dưỡng thân xác cũng có thể giết chết thân xác, nếu lạm dụng nó. Cũng thế, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể nuôi dưỡng tinh thần, cũng có thể đầu độc, thậm chí giết chết tinh thần, huỷ diệt con người. Mục đích của bài viết này là nêu lên một phạm trù chay tịnh mới đồng dạng với phạm trù chay tịnh truyền thống, đó là chay tịnh internet, hầu giúp con người hôm nay giải độc và tìm lại sự quân bình vốn có của nó giữa thần trí – tâm hồn – thân xác (1 Th 5,23).
Quan sát cho thấy có ba nhóm đối tượng ngắt kết nối internet: những người tự nguyện không sử dụng internet do chọn lựa cá nhân, tiếp đến là những người không sử dụng internet không tự nguyện (do hoàn cảnh kinh tế-xã hội không cho phép, hoặc do không có hạ tầng cơ sở để kết nối mạng), và sau cùng là những người quá khích, họ chọn lựa không bao giờ sử dụng internet. Bài viết này chỉ giới hạn ở nhóm thứ nhất là những người tự nguyện không sử dụng internet tạm thời vì mục đích tinh thần hay tôn giáo.
CHAY TỊNH INTERNET – TÌM LẠI CHÍNH MÌNH
Nói tới chay tịnh, người ta nghĩ ngay đến “kiêng ăn” như tự điển Larousse định nghĩa[2]. Có thể về số lượng như ăn ít hay không ăn gì, hoặc có thể về chất lượng như kiêng thịt, kiêng rượu hoặc thuốc lá chẳng hạn, và trong một thời gian ngắn dài xác định nào đó (40 ngày mùa Chay hay mỗi thứ Sáu hàng tuần). Nhưng tại sao lại nói chay tịnh internet? Lý do là ở mặt trái của việc sử dụng nó, dẫn đến tình trạng lệ thuộc, thậm chí nghiện internet. Vì thế, nói chay tịnh internet, chay tịnh các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, là để “giải độc tinh thần”, để thiết lập lại sự tự chủ, có nghĩa là để tìm lại chính mình. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy rằng não bộ con người có thể được thay đổi – “và trở về tình trạng tự nhiên hơn” – khi kiêng khem điều độc hại gì đó trong khoảng thời gian 90 ngày. Và điều này đã được một số trung tâm giáo dưỡng trên thế giới áp dụng, ví dụ Chương trình Exodus 90 chẳng hạn.
Tầm quan trọng của khổ chế chay tịnh là chiến thắng cặp đôi “tham ăn-dục vọng”, nghĩa là để thuần hoá cái nết xấu căn bản và lớn nhất của bản năng CON trong CON-NGƯỜI, để tái khẳng định ưu thế của linh hồn trên xác thịt, tinh thần trên vật chất. Việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử được xếp ngang hàng với nhu cầu ăn uống của con người; khi đó, chay tịnh internet có nghĩa là tự chủ trong việc vào mạng, nhất là vào những trang mạng có tính độc hại. Chay tịnh internet là duy trì các giác quan trong tình trạng an tĩnh, để mình được tự do thoát khỏi mọi hình thức nộ lệ của dục vọng, và đạt tới một tình trạng hiện hữu như Đức Ma-ri-a: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng” hay như Đức Phật: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”.
Chay tịnh các phương tiện truyền thông kỹ thuật số vì mục đích tinh thần đã xuất hiện như một yếu tố lặp đi lặp lại trong những cuộc trò chuyện với những người muốn tìm lại chính mình. Những người này tự động tìm dịp, tìm nơi, để tĩnh tâm. Họ muốn thực hành khổ chế cá nhân với hai chiều kích: mặt tiêu cực bằng hành vi từ bỏ thế gian, và mặt tích cực bằng hành vi tìm kiếm những sự việc trên trời, hay nói cách khác, nâng tâm hồn lên với Chúa. Đó được gọi là “khổ chế tinh thần” và mục đích của nó là “nâng tâm hồn lên”, từ giác quan đến tinh thần, từ xác đất vật hèn lên Thiên Chúa, từ thế gian lên Đấng Tạo hoá. Nói chay tịnh các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, cách mặc nhiên đã nói đến chiều kích tiêu cực của chúng rồi. Khi tự nguyện kiêng khem là để loại bỏ những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng internet, kể cả những hậu quả trên sức khoẻ tâm lý. Như kiêng ăn, việc kiêng internet mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, và như thế, nó tái lập lại sự quân bình cho con người. Một người đàn ông 55 tuổi nói rằng: “Rút lui khỏi một xã hội chủ trương tiêu thụ (kể cả tiêu thụ internet) để chỉ ra rằng chủ nghĩa tiêu thụ không đưa con người đến hạnh phúc”.
SA MẠC VÀ ĐỜI SỐNG TU TRÌ
Trong thế giới đan tu, nói đến khổ hạnh là người ta nghĩ ngay đến các nam nữ đan sĩ, những người hoàn toàn hiến thân cho việc kiếm tìm ơn cứu độ, kiếm tìm Thiên Chúa, không phân biệt tôn giáo. Liên quan đến việc sử dụng công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông, trong Giáo hội Công giáo, các đan sĩ có một kỉ luật đan tu rõ ràng. Điều đó không có nghĩa họ từ chối sử dụng internet hay từ chối thế giới hiện đại. Ngược lại, họ biết cách dùng nó thế nào cho có lợi cả về mục đích thiêng liêng lẫn kinh tế. Việc họ cố công dùng các phương tiện kỹ thuật số cách giới hạn và sát nhập nó vào trong đời sống đan tu là để khẳng định thế giới internet chỉ là phương tiện giúp con người triển nở, chứ không phải là chủ nhân ông nô dịch con người. Internet là ông chủ xấu nhưng là nô lệ tốt. Thế giới đan tu nhìn nhận tầm quan trọng của việc truy cập internet cách cá nhân, nhưng trong một phòng chung dành cho việc này để tránh vào mạng trong tu phòng, nghĩa là trong phòng riêng của đan sĩ. Hơn nữa, thời gian vào mạng cũng được ấn định rõ ràng: sau giờ thần vụ cuối cùng trong ngày cho đến giờ thần vụ đầu tiên của ngày hôm sau được xem là thời gian “thinh lặng thánh” theo Luật Biển Đức[3], và là thời gian đan viện ngắt kết nối internet. Cũng có một số đan sĩ tự nguyện không vào mạng các ngày thứ tư và thứ sáu hàng tuần là những ngày chay tịnh mà Luật Biển Đức dự kiến. Những ngày chay tịnh đan tu theo truyền thống này được đánh dấu bằng việc kiêng thịt, và ngày nay chay tịnh đan tu cũng đồng nghĩa với việc kiêng các phương tiện kỹ thuật số.
Hôm nay không vào mạng đồng nghĩa với việc rút lui khỏi thế gian và rút lui khỏi một số tương quan xã hội. Điều đó gợi nhắc việc các đan sĩ Kitô giáo của những thế kỷ đầu rút lui khỏi thế gian và đi vào sa mạc Syrie hay Ai Cập như là dấu chỉ đầu tiên việc họ cắt đứt với thế gian. Các nhà khổ tu đi vào sa mạc để phản đối cái xã hội xa hoa truỵ lạc và để hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa. Sa mạc là nơi chốn “rút lui khỏi thế gian – fuga mundi” của những vị khổ hạnh. Trong ý nghĩa này, việc ngắt kết nối internet thực thụ là sa mạc. Với việc phủ sóng internet gần như toàn bộ trái đất hôm nay, sa mạc chỉ có thể thực sự là sa mạc nếu người ta tự nguyện thoát ly sóng mạng internet hay ít nhất thoát ly những phương tiện cho phép kết nối được với nó. Bạn không thể cầu nguyện nếu không biết “vào phòng, đóng kín cửa và cầu nguyện với Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6, 6). Đóng kín cửa có nghĩa là sử dụng khả năng sáng tạo nào đó để tạo nên một không gian, một bầu khí thuận lợi, để sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Nếu làm được thế, thời gian lúc đó đã trở thành vĩnh cửu nơi bạn. Để cầu nguyện, người tu sĩ cần ở lại trong nội vi. “Nội vi gợi lên căn phòng của trái tim, nơi mỗi người được mời gọi để sống hiệp nhất với Chúa. Được đón nhận như một món quà và được lựa chọn như lời đáp trả tự do với tình yêu, nội vi là nơi hiệp thông tâm linh với Thiên Chúa và người thân cận, nơi mà sự hạn chế về không gian và các mối tương giao trở nên lợi thế cho việc nội-tâm-hóa các giá trị phúc âm.” (Huấn thị Tâm hồn Cầu nguyện-Cor Orans, n° 162). Rõ ràng nội vi trong thế giới công nghệ kỹ thuật số hôm nay chỉ thực sự là nội vi nếu nó được củng cố bằng nội vi tâm hồn. Lịch sử đan tu cho thấy một tiến trình dịch chuyển nội vi song song với sự phát triển của xã hội: từ nội vi ngưỡng cửa trong Luật Biển Đức (TK. 6) đến nội vi tường luỹ thời Trung Cổ, và hiện nay là nội vi luân lý. Hình thái của nội vi được dịch chuyển là để bảo toàn lý do hiện hữu của nó: Sống hiệp nhất với Chúa.
TÌM LẠI CHÍNH MÌNH VÀ TÌM THẤY THIÊN CHÚA
Kiêng hay giảm bớt việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số là một điều kiện không thể thiếu để đạt được mục đích chung của mọi hình thức khổ chế là tìm lại chính mình. Từ đó, việc ngắt kết nối dẫn đến một trong những cột trụ của khổ chế truyền thống là sự thinh lặng. Các Giáo phụ nhấn mạnh đến phương diện khổ chế thinh lặng đã nói rằng còn hơn cả khổ chế ăn uống, khổ chế trong mọi tư tưởng và lời nói không xây dựng còn quan trọng hơn. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng: “Chớ chi chúng ta không chỉ khổ chế miệng lưỡi, nhưng còn phải khổ chế tai, mắt, tay, chân và các chi thể khác của chúng ta nữa”[4]. Trong xã hội chúng ta hôm nay, để khổ chế mắt, tai, cần phải ngắt kết nối các công nghệ truyền thông và thông tin kỹ thuật số. Phải không vào mạng internet mới có thể thinh lặng thực sự, nếu không người ta không thể nghe được tiếng nói nội tâm, nghe được tiếng tỉ tê của Thiên Chúa. “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì lạy Chúa, từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngai báu” (Is 18,14-15a) mà đến với chúng con. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tiếng động luôn bao vây tứ phía, vì thế chỉ khi sống được sự thinh lặng bên ngoài lẫn bên trong, lúc đó chúng ta mới đủ can đảm để đối diện với bản tâm mình, mới dần dần học biết mình, và như thế dần dần biết được Thiên Chúa là ai. Lối vào bản tâm này là một hành trình không thể vãn hồi nhằm mở ra cho con người khả năng trải nghiệm đời sống thiêng liêng. Các đan sĩ khẳng định rằng việc giảm thiểu thời gian sử dụng internet có mục đích dành nhiều thời gian cho Thiên Chúa hơn. Mạng internet tạo điều kiện thuận lợi cho con người hướng ngoại, đến nỗi đánh mất chính mình. Để tìm lại chính mình và để gặp gỡ Thiên Chúa, cần thiết phải ngắt kết nối mạng internet.
Tài năng điêu luyện của các tu sĩ, đặc biệt của các đan sĩ, là có “đôi tai âm nhạc” để nghe hiểu những sự việc trên trời, và đó là điều có thể phân biệt họ với đám đông. Quần chúng không thể theo đuổi lối sống khổ chế này được vì họ không có đặc sủng cần thiết đó. Chay tịnh các phương tiện truyền thông kỹ thuật số không hề dễ, và kinh nghiệm của nhiều người cho thấy rằng ăn chay kiêng thịt thì dễ hơn là chay tịnh internet. Một bạn trẻ thú nhận rằng: “Con đã nhịn ăn được chocolat và thịt. Bây giờ con cố gắng kiêng dùng điện thoại thông minh, nhưng không thành công”. Fourquet Courbet, nhà nghiên cứu khoa học truyền thông viết rằng: “Thật vậy, trong vô số những nhu cầu và ước muốn của chúng ta hôm nay (ăn, uống, ngủ, hút thuốc, quan hệ xã hội, nhu cầu vệ sinh, chơi thể thao…), ước muốn sử dụng các phương tiện truyền thông (thư điện tử, lướt web, xem tivi…) là nhu cầu mà khả năng chống cự của chúng ta tỏ ra yếu nhất. Không chỉ ước muốn sử dụng các phương tiện truyền thông mãnh liệt hơn và thường xuyên hơn ước muốn hút thuốc chẳng hạn, nhưng nó còn khó kiểm soát hơn những ước muốn khác như ăn uống, hay những hành vi tính dục”[5]. Ngay trong khung cảnh đan viện cũng vậy, khổ chế liên quan đến các phương tiện truyền thông kỹ thuật số thường tỏ ra khó hơn khổ chế trong các lĩnh vực khác của kỷ luật đan tu.
Trong bối cảnh hiện tại, sóng internet gần như được phủ khắp nơi, việc từ chối một phần hay hoàn toàn các phương tiện truyền thông kỹ thuật số xuất hiện như một yếu tố thường xuyên trong những thực hành khổ chế. Sa mạc mới mà các tu sĩ, đặc biệt các đan sĩ hôm nay phải đi vào là sa mạc của việc ngắt kết nối internet. Về phía Giáo hội định chế, chay tịnh các phương tiện truyền thông kỹ thuật số vào mùa Chay hay mùa Vọng không sớm thì muộn sẽ được nhấn mạnh hơn và đi kèm với việc ăn chay kiêng thịt. Mục đích là để trở về, để tìm lại chính mình và để sống trước nhan Chúa. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng giúp ích rất nhiều trong việc rao giảng Tin Mừng, đem Chúa đến cho người khác, nhưng nếu trước tiên bản thân bạn không ở lại với Chúa, bạn không có kinh nghiệm sống với Chúa, thì bạn lấy gì để chia sẻ cho người khác! Thánh sử Mác-cô chẳng viết thế này sao: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” (Mc 3,14-15).
Duyên Thập Tự, OSB
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
[1] Pew Resaearch Center, Teens, Social Media & Technology 2018.
[2] Định nghĩa của tự điển Larousse (2019).
[3] Luật Biển Đức 42,8.
[4] NOYE-Jean Claude, Le grand livre du jeûne,Paris, Albin Michel, 2007.
[5] FOURQUET-COURBET Marie-Pierre, Didier, 2017, “Revue française des Sciences de l’Information et de la Communication, 01 août 2017.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 116 | Tổng lượt truy cập: 4,164,042