CHỨNG TỪ SỐNG ĐỘNG
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Albania là một quốc gia đa tôn giáo có 2,8 triệu dân trên bán đảo Balkan phía Đông Nam châu Âu, giáp với Montenegro, Kosovo, Bắc Macedonia và Hy Lạp. Vào năm 1993, ngay sau khi Albania vừa thoát khỏi chế độ độc tài, Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm và giúp xây dựng lại một ngôi nhà thờ rất cổ kính đã bị san bằng tại đây. Và rồi, năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn Albania là quốc gia châu Âu đầu tiên bên ngoài Italia để thăm viếng, vì với ngài, “Đây là một đất nước, sau rất nhiều thống khổ vì một chế độ vô thần tàn khốc, đã phát triển cuộc chung sống hài hòa giữa các tôn giáo.”
Thật thế, kể từ năm 1941, chế độ độc tài toàn trị do Enver Hoxha thành lập với tham vọng muốn giải phóng người dân Albania khỏi những ràng buộc của mọi tôn giáo, và biến Albania thành quốc gia vô thần đầu tiên trên thế giới. Do đó, dưới chế độ muốn “hứa hẹn một thiên đàng không có Thiên Chúa” ấy, đã “để lại một địa ngục không có niềm an ủi” khi tự do tôn giáo đã bị xoá sổ, mọi hình thức thờ phượng đều bị cấm, các sách tôn giáo bị đốt, và các cha mẹ bị cấm đặt các tên tôn giáo cho con cái. Đây thực sự là giai đoạn đen tối, khi có khoảng 1.820 nhà thờ Chính thống và Công giáo bị phá hủy, hoặc bị biến thành nhà kho và rạp chiếu phim để quảng bá ý thức hệ vô thần. Nhiều tín hữu, bao gồm cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã bị bắt bớ hoặc bị hành quyết.
Nhưng, như thường xảy ra trong lịch sử của bất kỳ làn sóng cấm cách, bách hại tôn giáo nào, chính sự bắt bớ lại trở thành cơ hội giúp các tín hữu mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn và kiên trung hơn trong đức tin. Và, trường hợp của Sơ Marije Kaleta là một ví dụ điển hình.
ĐTC Phanxicô lắng nghe khi Sơ Marije Kaleta chia sẻ tại Nhà thờ Thánh Phaolô ở Tirana, Albania, Chúa Nhật ngày 21/ 9/ 2014
Sinh ra tại Nënshat, miền bắc Albania, vào năm 1929, Sơ Kaleta nhận mình có ơn kêu gọi sống đời tu trì khi còn rất trẻ. Nhờ sự khuyến khích của người chú là một linh mục, Kaleta đã tìm thấy ơn gọi của mình, và xin gia nhập dòng Phanxicô Dấu Thánh, vào năm 1940.
Nhưng giữa bối cảnh đất nước bị cấm cách như thế, có một giai đoạn, chính quyền ra lệnh đóng cửa tu viện, nên Sơ Kaleta phải trở về nhà sống với cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, Sơ sống một mình. Và, phải đợi hơn 50 năm sau, Sơ Kaleta mới có thể tuyên khấn trọn đời, vào năm 1991.
Cuộc sống âm thầm của Sơ Kaleta được trưng ra ánh sáng, nhân chuyến công du tới Albania vào ngày 21/9/2014 của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong buổi gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các thành viên của các phong trào giáo dân tại Nhà thờ chính toà Thánh Phaolô ở Tirana, thủ đô Albania, Sơ Kaleta chân thành và khiêm tốn kể lại, về việc, với sức mạnh của ơn thánh, Sơ đã kiên vững với đức tin, với ơn gọi và với sứ mạng truyền giáo như thế nào.
Quả vậy, với sự đồng ý của các linh mục, Sơ Kaleta đã cất Mình Thánh Chúa trong ngăn tủ ở nhà, và đã liều mạng mang Mình Thánh Chúa cho những người Công giáo đang ẩn náu, đặc biệt là những bệnh nhân và kẻ liệt.
Sơ cho biết, “Con không chỉ rửa tội cho trẻ em trong làng, mà còn cho tất cả những ai đến trước cửa nhà con.” Sơ kể lại rằng:
Một lần trên đường về nhà, con nghe thấy một giọng nói gọi con từ phía sau lưng. Con ngoái lại và thấy một người phụ nữ mà con biết là vô thần, bà bế một bé gái trên tay, bà tiến về phía con và xin con rửa tội cho cháu bé. Rất thận trọng, và có chút sợ hãi vì nghĩ rằng đây có thể là một cái bẫy, nên con trả lời rằng: Con không có bất cứ thứ gì để rửa tội, vì chúng con đang đi trên đường. Nhưng bà ấy tỏ ra rất thiết tha, và bà nói với con là, “có một con kênh có nước gần đây”.
Con liền nói với bà ấy rằng, con không có bất cứ thứ gì để lấy nước, nhưng bà ấy nhất quyết xin con rửa tội cho đứa trẻ. Và rồi, thấy được sự chân thành và niềm tin của bà, con đã múc nước từ dòng kênh để rửa tội cho cháu bé”.
Sơ làm chứng: Trong các nước thuộc Liên bang Xô Viết, rất nhiều trường hợp người vô thần trở thành Kitô hữu ẩn danh, họ muốn con cái họ được lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Như Sơ bộc bạch, sau khi chế độ độc tài sụp đổ, các nhà thờ được mở cửa trở lại, Sơ đã có thể trở lại tu viện, tiếp tục thực hiện ước muốn dấn thân và phục vụ của mình.
Được hỏi về cảm nghiệm khi phải trải qua những sóng gió trên hành trình giữ vững đức tin và trung thành với ơn gọi tu trì như thế, Sơ khiêm tốn trả lời:
“Khi nghĩ về điều đó, con cũng tự hỏi làm thế nào chúng con có thể chịu đựng những đau khổ khủng khiếp như vậy, nhưng con biết, Chúa đã ban cho chúng con sức mạnh, sự kiên nhẫn và hy vọng.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất xúc động trước chứng từ của Sơ Kaleta, như là một trong những biểu tượng của một dân tộc can đảm và mạnh mẽ, đã không để cho mình bị khổ đau bẻ gãy. Vì thế, trong một bài giảng 4 năm sau đó, Đức Thánh Cha đã đề cập đến chứng từ này của Sơ Kaleta và xem đây là “một tấm gương đẹp của Giáo hội với tư cách là một người mẹ”.
Sơ Marije Kaleta qua đời vào hôm 2/1/2022 tại tu viện của nhà Dòng Phanxicô Dấu Thánh ở Shkodër, miền bắc Albania.
Từ câu chuyện đớn đau của đất nước Albania, vốn là một trong các quốc gia nghèo nhất của châu Âu này, và nhất là từ chứng từ sống động của Sơ Marije Kaleta,
Phải chăng mỗi chúng ta, trong bất kỳ cảnh huống nào của cuộc đời, cũng có thể học được những bài học để tồn tại, để lớn lên, và nhất là, để sống tròn đầy ý nghĩa cuộc đời mình. Khi chúng ta biết:
- mở rộng lòng mình với Thiên Chúa, vì xác tín rằng thử thách, khổ đau, mất mát không phải là tiếng nói cuối cùng, và ngay điểm tận cùng của cái ác, cái xấu thì Thiên Chúa, vẫn luôn hiện diện để an ủi, nâng đỡ và dẫn nhân loại tiến về phía trước bằng những con đường, và chân trời mới của niềm hy vọng;
- mở rộng lòng mình với Giáo Hội, vì tin tưởng rằng, sức mạnh của Giáo Hội không đến từ những khả năng tổ chức, từ những thành công, hoặc từ những con số… mà là từ chính Chúa Kitô, Đấng đã hiến trao tất cả, mà không giữ lại chút gì, từ cạnh sườn bị đâm thâu của Ngài;
- mở rộng lòng mình với tha nhân, vì biết rằng, kinh nghiệm đớn đau của những va chạm, bất đồng, hiểu lầm trong cuộc sống… sẽ là chất liệu để chúng ta xây dựng đời mình trong bối cảnh xã hội văn hóa hiện nay với sự cảm thông, quảng đại, và tha thứ từ chính lòng xót thương của Thiên Chúa;
- và mở rộng lòng mình để đón nhận chính những yếu đuối, bất toàn, lỗi phạm của bản thân, vì, luôn cảm nhận, từ sâu thẳm của trái tim, vẫn có đó sự thúc đẩy để chúng ta dám “Thưa vâng”, cách nhiệt thành, tín trung, và khiêm tốn, với Đấng, mà chúng ta tin rằng, sẽ không bao giờ để chúng ta chơi vơi, lạc lõng, và mất hướng vì thiếu sự đỡ nâng và Ơn thánh?
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 35 | Tổng lượt truy cập: 3,038,250