Cùng Mẹ con đến với Chúa

  • 17/10/2022 21:23
  • Kinh Mân Côi được xem như là bản tóm lược Tin Mừng; Lời kinh Mân Côi vừa là lời suy niệm, vừa là lời khẩn cầu liên lỉ dâng lên Đức Maria, và tin tưởng rằng Mẹ sẽ chuyển cầu những ước nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Dòng Đa Minh có một lòng tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt. Dòng đã ký thác mọi sự dưới bàn tay che chở của Mẹ. Từ thời Thánh Đa Minh đã có thói quen hát kinh Salve regina vào cuối ngày cùng với cuộc rước trọng thể như lời tạ ơn Mẹ đã gìn giữ trong suốt cả ngày.

    Khi nhìn thấy các tu sĩ Đa Minh mang tràng chuỗi Mân Côi ở bên thắt lưng, chúng ta nhận ra rằng giữa các tu sĩ Đa Minh và chuỗi Mân Côi có một mối dây liên hệ mật thiết. Chính Thánh Đa Minh đã nhận tràng chuỗi từ tay Đức Trinh nữ Maria và người kêu gọi anh em quy tụ để cùng Thánh Mẫu dâng lời ca tụng Thiên Chúa. Từ đó, lời kinh Mân Côi đã được phổ biến ra toàn thể Giáo Hội, là phương thế giúp người tín hữu cầu nguyện và suy gẫm công trình cứu độ của Thiên Chúa.

    1.   Đức Maria với dòng Đa Minh

    Truyền thuyết kể lại chuyện Thánh Đa Minh đã từng có một giấc mơ: Một hôm khi đang cầu nguyện, cha thấy Đức Mẹ ngồi bên hữu Chúa, xung quanh là triều thần thiên quốc. Cha thấy sự hiện diện đầy đủ của các dòng tu nhưng chỉ thiếu các tu sĩ Đa Minh. Cha liền òa lên khóc, nhưng Chúa Giêsu nói rằng: “Ta đã ký thác Dòng Đa Minh cho Đức Mẹ”, và lúc đó Mẹ vén áo choàng ra thì thấy các tu sĩ Đa Minh được ấp ủ dưới tà áo Mẹ. (x. tìm hiểu Dòng Đa Minh của cha Phan Tấn Thành opam nhiều người  nhận biết Chúa hơn.ánh của Chúa giữa say làm chứng cho Chúa, dù bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn vui).

    Dòng Đa Minh có một lòng tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt. Dòng đã ký thác mọi sự dưới bàn tay che chở của Mẹ. Từ thời Thánh Đa Minh đã có thói quen hát kinh Salve regina vào cuối ngày cùng với cuộc rước trọng thể như lời tạ ơn Mẹ đã gìn giữ trong suốt cả ngày. Thói quen này vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay. Đức Mẹ đã dành cho con cái Thánh Đa Minh sự ưu đãi đặc biệt khi Mẹ trao cho Thánh Đa Minh tràng chuỗi Mân Côi. Cha đã nhận tràng chuỗi như là khí giới chiến đấu bài trừ lạc giáo. Cha đã chiến đấu không bằng gươm giáo nhưng bằng lời cầu nguyện liên lỉ. Khi nhắc đến cha Đa Minh, chúng ta nên chú ý đến thái độ cầu nguyện nơi Ngài. Trước khi làm bất cứ việc gì, đi đâu hay nghỉ ngơi. Ngài đều dành thời giờ để cầu nguyện. Hành trang cha luôn mang theo trong người đó là tập Kinh Thánh và chuỗi Mân Côi. Cha đã cổ võ, mời gọi các anh em cùng lần chuỗi Mân Côi. Đó như là nguồn sức mạnh nâng đỡ trong mọi nẻo đường rao giảng.

    2.   Sức mạnh chuỗi Mân côi

    Kinh Mân Côi được xem như là bản tóm lược Tin Mừng bao gồm đầy đủ các mầu nhiệm của Đức Kitô, từ Mầu nhiệm nhập thể đến sự thương khó và phục sinh của Người. Lời kinh Mân Côi vừa là lời suy niệm vừa là lời khẩn cầu liên lỉ dâng lên Đức Maria, và tin tưởng rằng Mẹ sẽ chuyển cầu những ước nguyện của chúng ta dâng lên Thiên Chúa. Việc lặp đi lặp lại những lời kinh ấy xem ra có vẻ nhàm chán, nhưng ẩn sâu bên trong đó lại là những lời nguyện đầy ý nghĩa. Lời kinh đem lại cho các tín hữu một sự bình an đích thực. Đó như là nguồn sức mạnh mà các chứng nhân Tin Mừng anh dũng tiến ra pháp trường, trên tay các ngài vẫn cầm tràng chuỗi và trên môi vẫn nhẩm đi nhẩm lại lời kinh nhiệm mầu.

    Tràng chuỗi Mân Côi là hành trang hữu ích và cần thiết cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là nơi người tu sĩ Đa Minh. Lời kinh như nguồn trợ lực tăng thêm sức mạnh để vững bước trên mọi nẻo đường. Người tu sĩ ý thức rằng mình không đơn độc nhưng luôn có Mẹ ở bên che chở, nâng đỡ. Trước mọi khó khăn chúng ta hãy trao phó và tin tưởng Mẹ sẽ bảo trợ cho chúng ta.

    Nhìn vào mẫu gương Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về lòng sùng kính Đức Mẹ và tràng chuỗi Mân Côi. Người đã cổ võ mọi tín hữu, hãy siêng năng trong việc lần chuỗi, biết luôn chạy đến với Đức Kitô và Mẹ Maria trong mọi biến cố cuộc đời. Người cũng nhấn mạnh: “Cầu nguyện với kinh Mân Côi là trao phó những gánh nặng của chúng ta cho trái tim đầy thương xót của Đức Kitô và trái tim đầy thương xót của Thánh Mẫu Người.”

    3.   Đời sống cầu nguyện của người tu sĩ Đa Minh

    Chiêm niệm và hoạt động là hai yếu tố căn cốt trong đời sống người tu sĩ Đa Minh. Kinh Mân Côi là một trong những phương thế tốt nhất giúp nhười tu sĩ trong việc cầu nguyện và chiêm ngắm các mầu nhiệm của Đức Kitô. Điểm khác biệt ở tu phục của các tu sĩ Đa Minh là tràng chuỗi Mân Côi. Đó như là khí giới giúp ta chiến đấu với những thách đố, những cám dỗ. Tràng chuỗi luôn đeo bên mình như nhắc nhở người tu sĩ phải chuyên chăm cầu nguyện và cầu nguyện cách liên lỉ ở mọi nơi mọi lúc có thể.

    Qua lời kinh, chúng ta đi sâu vào con đường của Đức Maria, người phụ nữ của lòng tin, của sự thinh lặng. Nhờ lời kinh, chúng ta sẽ gia tăng lòng yêu mến Mẹ hơn, hợp lời ca tụng cùng Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Đến với Mẹ, chúng ta sẽ được học nơi Mẹ mẫu gương tuyệt hảo về đức tin và lòng yêu mến, cùng Mẹ san sẻ những ưu tư trong cuộc sống để cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng mà Mẹ dành  cho mỗi người chúng ta. Thánh Bênarđô cũng nhấn mạnh rằng: “Cầu nguyện với  Mẹ Maria với lòng sốt sắng Mẹ sẽ không làm ngơ, vì Mẹ thương xót, quả thực Mẹ còn là Mẹ của lòng thương xót nữa”.

    Đời sống tận hiến chắc chắn không thể tránh được những lúc mệt mỏi, chán chường. Những thách đố luôn rình rập người tu sĩ trên mọi chặng đường, rất cần đến những giờ phút thinh lặng để suy gẫm, cầu nguyện. Hãy chạy đến với Đức Kitô trút mọi gánh lo vào tay Người để Người đỡ đần, bổ sức cho. Vì chỉ nơi Đức Kitô con người mới có được sự bình an trọn vẹn.

    Ai trong chúng ta cũng cần những phút giây lắng đọng để cầu nguyện. Vậy thế nào là cầu nguyện?

    Cầu nguyện là việc con người nâng tâm hồn, đón nhận ân sủng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn đi bước trước mời gọi con người đến với Ngài, và con người đáp trả lời gọi ấy qua những cuộc trò chuyện thân tình. “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hướng lòng lên, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là tiếng kêu tri ân và yêu mến cả trong cơn thử thách lẫn trong lúc vui mừng” (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu).

    Việc cầu nguyện được ví như hơi thở của đời sống người Kitô hữu. Bước theo Đức Kitô, chúng ta hãy học nơi Ngài mẫu gương đời sống cầu nguyện. Đức Kitô luôn tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha những lời nguyện xin, ngay cả lúc bận rộn với biết bao công việc nào là giảng dạy, chữa bệnh...Ngài vẫn dành thời gian để cầu nguyện. Đức Kitô mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi vào trong thinh lặng để cầu nguyện: “Anh em hãy nghỉ ngơi đôi chút”. Những công việc hằng ngày chúng ta không thể bỏ bê nhưng không phải lúc nào cũng chăm lo tìm kiếm của cải vật chất mà nên nghèo nàn trong đời sống tâm linh. Qua lời cầu nguyện, tâm hồn con người sẽ được nâng lên tới Chúa, là con đường liên kết với Chúa và tha nhân.

    Cầu nguyện với kinh Mân Côi là phương thức kỳ diệu giúp chúng ta hiệp thông vào các mầu nhiệm của Đức Kitô, dõi theo dấu chân Ngài trong mọi chặng đường cứu độ.

    Bằng con đường cầu nguyện, tôi đi vào trong mối tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em. Chính lời kinh làm cho tâm hồn tôi thêm nhẹ nhàng đưa tôi đi vào mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô. Ngài không ở nơi nào xa xôi nhưng lại thật gần gũi, thân quen. Lời kinh vang lên đưa tôi bước theo từng chặng đường có những lúc khó khăn, có những lúc đau khổ nhưng cũng có những lúc hân hoan. Tôi cũng nhìn lại mối tương quan với chị em trong cộng đoàn, có những lúc thờ ơ, hiểu lầm nhưng cũng có những lúc vui tươi, hạnh phúc. Tất cả như hòa vào cùng lời suy niệm. Trong giờ cầu nguyện, tôi dâng lên cho Chúa con người tôi, anh chị em tôi, những khó khăn những biến cố kèm theo lời tạ ơn, chúc tụng. Chắc hẳn Thiên Chúa không muốn lời cầu nguyện của tôi chỉ đơn độc một mình nhưng Ngài sẽ yêu thích hơn khi tôi dâng lên tất cả anh chị em của tôi. Đó chính là sự hiệp thông trong cầu nguyện.

    Chúng ta đi vào mầu nhiệm kinh lời Mân Côi cùng với Mẹ Maria để lắng nghe lời mời gọi của Chúa. Đức Kitô không muốn chúng ta đến xem nhưng là đến để ở lại, để sống, chiêm ngắm cuộc đời Đức Kitô. Ở lại trong lời kinh là cùng bước đi với Ngài trên nẻo đường từ thập giá đến vinh quang. Sống trong lời kinh là lời mời gọi chúng ta đến sống, cảm nghiệm tình yêu của Ngài dành cho nhân loại. Chỉ khi ở lại sống cùng chúng ta mới hoàn toàn đi vào trong mối tình liên kết. Việc đọc kinh lần chuỗi chính là phương thế giúp chúng ta cầu nguyện. Trong Tu Luật thánh Ausustino có viết: “Miệng đọc lời nào, lòng phải suy lời ấy”. Như hơi thở cần cho sự sống thế nào thì người Kitô hữu cũng cần phải có đời sống cầu nguyện như vậy. Hơn thế nữa, những người thánh hiến thì càng phải có đời sống cầu nguyện, để gia tăng sức mạnh và nhận biết rằng mình không cô đơn nhưng luôn có Chúa và Mẹ ở cùng.

    4. Thách đố ngày hôm nay

    Trong xã hội ngày càng phát triển, con người luôn bận rộn với biết bao công việc nào là học tập, kinh doanh...không còn những giờ phút thinh lặng lắng đọng để cầu nguyện, suy ngẫm và lần hạt Mân Côi nữa. Vấn nạn này cũng không loại trừ nơi người tu sĩ, có khi vì quá chú tâm đến những hoạt động bác ái mà lại lấn đi mất thời gian cầu nguyện. Có nhiều tu sĩ vẫn giữ viêc đọc kinh lần chuỗi nhưng thực chất chẳng có một chút tâm tình nào cả, coi việc đọc kinh như một công viêc phải hoàn tất, đọc theo một công thức máy móc, không có lòng yêu mến. Nếu không có chiêm niệm kinh Mân côi sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nêu rõ: “Không có chiêm niệm, kinh Mân Côi chỉ là cái xác không hồn, và việc đọc kinh Mân côi gặp phải nguy cơ trở thành việc lặp đi lặp lại máy móc những công thức, ngược với lời Đức Giêsu đã cảnh cáo: ‘Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như những người ngoại, họ tưởng hễ nó nhiều là được nhận lời hơn’ (Mt 6,7). Tự bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi phải có một nhịp độ bình thản và dành đủ thời giờ để cá nhân mỗi người có thể suy niệm các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa, được nhìn qua đôi mắt của Đức Maria”. (Trích Tông thư kinh Mân Côi Đức Trinh nữ Maria, 2002).

    Một số ít người lại rơi vào cảm giác chán nản, thất vọng khi cầu xin hoài mà chẳng thấy Thiên Chúa nhậm lời. Họ trờ nên chai lỳ, coi việc cầu nguyện là vô ích và tự nhủ: cầu nguyện để làm gì ? Tôi đã cố gắng rồi mà sao Chúa vẫn im lặng ? việc cầu nguyện không mang lại cho ta cảm giác bình an mà thay vào đó là cảm giác chán nản. Khi bình tâm lại tôi mới thực sự hiểu rằng Thiên Chúa luôn muốn dành cho con người những điều tốt đẹp nhất. Vậy thì lời cầu nguyện của tôi cần xem xét lại, lời cầu ấy có mang lại lợi ích gì cho linh hồn tôi không hay tôi đã thực sự thành tâm chưa ? Thiên Chúa là Đấng rộng tay ban phát mọi ơn lành thì Ngài chẳng có lý do nào để từ chối lời cầu xin của tôi. Vây Thiên Chúa cần ở con người sự chân thành, kiên trì trong cầu nguyện. Vì cầu nguyện là đi vào trong mối tương giao mật thiết nên nó phải xuất phát từ trái tim con người.

    Lịch sử kinh Mân Côi cũng cho thấy các tu sĩ Đa Minh đã cậy dựa rất nhiều vào lời kinh này để vượt qua những giai đoạn khó khăn của Giáo Hội. Chúng ta ngày hôm nay cũng phải đương đầu với biết bao thách đố. Vậy hãy chạy đến với Đức Kitô qua lời kinh Mân Côi, hãy dùng lời kinh tuyệt diệu ấy để xin nguồn trợ lực.

    Thánh Đa Minh đã để lại cho con cái ngài tràng chuỗi Mân Côi. Vậy chúng ta là những người con tiếp bước sẽ lãnh nhận nhận tràng chuỗi ấy và làm trổ sinh hoa trái. Qua việc cùng nhau cất vang lên lời kinh, mỗi người chúng ta tự xét lại bản thân mình “đối với tôi Đức Kitô là ai ?”Để cảm nhận cách rõ ràng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta.

    Maria  Bích Hồng

    Nguồn tin:  http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan