Tuy nhiên, trong việc nuôi dạy con cái, vẫn có những yếu tố, hay nói cách khác, có những nguyên tắc cơ bản mà bậc cha mẹ cần ghi nhớ để có thể giúp con cái thích nghi và trưởng thành trong xã hội hiện đại.
milicad | Shutterstock
Sau đây là một vài điểm cụ thể và hữu hiệu có thể hỗ trợ cha mẹ trong việc giáo dục con cái ở độ tuổi thanh thiếu niên:
1. Cha mẹ là cha mẹ - chứ không phải bạn đồng trang lứa
Ngày nay, nhiều người thích nhấn mạnh đến việc cha mẹ cần gần gũi và thân thiết với con cái giống như là những người bạn. Do đó mối tương quan giữa cha mẹ với con cái trở thành mối tương quan bạn bè ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Thật ra, vấn đề quan trọng là phải xây dựng một mối tương quan trong đó cha mẹ yêu thương, thấu hiểu, tôn trọng và gần gũi với con cái, nhưng trẻ em cũng cần phải nhìn nhận ranh giới cần phải có: Cha mẹ là cha mẹ - chứ cha mẹ không phải bạn đồng trang lứa. Khi có ranh giới rõ ràng như thế, việc trẻ kính trọng cha mẹ và việc cha mẹ dạy dỗ, hướng dẫn con cái sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
Shutterstock | Dejan Dundjerski
2. Trẻ cần làm việc để có được những gì chúng muốn
Một điều rất rõ là, sống trong một xã hội tiêu thụ, trẻ dễ dàng bị cuốn hút để đòi mua thứ này thứ khác mà chúng thật sự không cần tới. Nên việc cha mẹ dễ dàng chiều theo ý trẻ, và luôn mua cho chúng, dù chỉ là một món quà nhỏ mỗi khi đi chợ, là điều không thực sự cần thiết, thậm chí còn phản tác dụng.
Điều quan trọng là trẻ phải được giúp để biết chuyển hóa ý muốn đòi được đáp ứng ngay lập tức thành sự kiên nhẫn. Ví dụ, nếu trẻ muốn có một chiếc xe đạp mới thì chúng cần được chỉ cho biết là phải tiết kiệm những khoản tiền tiêu vặt, hoặc đôi khi là tiền được thưởng mỗi khi chúng làm việc nhà, khi chúng đạt kết quả tốt ở trường... Một khi trẻ bắt đầu nhận ra phần thưởng của công sức, nỗ lực mà mình đạt được thì trẻ sẽ ý thức hơn về việc mua món đồ chúng muốn, đồng thời cũng có được cảm giác thực sự về thành tích và sự hoàn thành chúng đạt được.
3. Trẻ biết cách chuyển từ sự mong đợi sang lòng biết ơn
Chúng ta cần giúp cho trẻ hiểu rằng sự mong đợi của chúng phải thực tế. Mặc dù, trẻ có thể mong đợi có được điểm cao nếu chúng học tập chăm chỉ. Nhưng điều quan trọng là phải phát triển lòng biết ơn ngay từ rất sớm. Mỗi khi chúng nhận được bất kỳ thứ gì đó từ cha mẹ, dù chỉ là cây kem khi đi chơi, thì đó không phải là điều đương nhiên, nên nếu có nhận được một cây kem, chúng sẽ phải cảm thấy biết ơn.
YAKOBCHUK VIACHESLAV | Shutterstock
Trong thực tế, điều này lại không dễ thực hiện, bởi vì không ít bậc cha mẹ thường bị rơi vào cái bẫy của sự nhẹ dạ cả tin đó là cho con cái thứ chúng muốn chỉ để mình có một chút yên ả và tĩnh lặng. Đúng ra, vào những lúc như thế, chúng ta cần mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn để không lùi bước trước những mong muốn và sự vòi vĩnh của trẻ. Làm được như vậy, chắc chắn không phải chỉ chúng ta mà ngay cả con cái chúng ta sẽ đạt được những mục đích lớn và tốt đẹp hơn.
4. Cách cư xử của trẻ
Một điều cũng rất dễ thấy là, nhiều người thường than phiền về sự thiếu tác phong của trẻ em ngày nay. Dù thế, cũng chẳng thể phủ nhận là vẫn có rất nhiều thanh thiếu niên thật tuyệt vời, và vẫn những người trẻ có cách cư xử hoàn hảo, luôn sẵn sàng, nhiệt tâm để giúp đỡ người khác.
Mặc dù chúng ta không còn đòi hỏi trẻ phải bỏ mũ, cúi đầu, khoanh tay khi chào người khác, nhất là với người lớn hơn… nhưng chúng ta vẫn cần khuyến khích con cái nhường bước, nhường ghế cho người cần đến, ví dụ như người lớn tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai chẳng hạn. Cách cư xử nhã nhặn cần phải được bắt đầu ngay ở trong gia đình, vì vậy hãy làm gương bằng cách nói cảm ơn khi trẻ giúp chúng ta điều gì đó, và cũng cần nói một cách lịch sự khi đưa ra yêu cầu, hoặc sai bảo trẻ.
5. Trẻ được phép mắc lỗi
Nói chung, nhờ có internet, với sự truy cập thông tin phong phú, nhiều thứ trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng không phải vì thế mà trẻ tránh được những sai phạm. Vì vậy, nếu con cái mắc lỗi, chúng ta hãy dành thời gian để nói cho chúng biết về những sai lỗi ấy. Chúng đã học được gì từ sai lầm? Làm thế nào để tránh tái phạm? Hãy cho phép trẻ có quan điểm riêng để rút kinh nghiệm, và từ đó, sẽ tự tin và cẩn trọng hơn.
6. Trẻ cần có được cảm giác an toàn
Gia đình phải là nơi trú ẩn an toàn và bình yên. Hơn bất cứ điều gì, cảm giác an toàn xuất phát từ việc trẻ biết mình được tôn trọng; biết mình có thể mắc sai lầm; biết mình có thể chia sẻ những thành công, thất bại; biết mình luôn được nâng đỡ, và yêu thương vô điều kiện. Những cảm thức này không chỉ giúp hình thành những đức tính tốt mà còn giúp trẻ vươn rất xa.
7. Trẻ cần có những gương sáng về đức tin
Trong một môi trường sống, với nhiều hoàn cảnh khác nhau, cảm thức về tôn giáo nhiều khi bị mờ nhạt, nên đôi khi rất khó để người trẻ dám tuyên xưng đức tin và sống niềm tin của mình cách công khai. Chúng ta cần khích lệ trẻ nhận ra rằng, trong Giáo hội vẫn luôn có hàng ngàn, hàng vạn những con người, ở mọi độ tuổi, mọi hoàn cảnh đã sống một cuộc đời rất nhân bản, tốt lành, thánh thiện. Và thực, Giáo hội có rất nhiều vị thánh rất tuyệt vời, trở thành những mẫu mực cho trẻ trong việc sống đức tin, đức hạnh và ý nghĩa ngay trong cuộc sống đời thường.
Cerith Gardiner
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 218 | Tổng lượt truy cập: 4,175,594