Một thực tế nữa là không phải lúc nào chúng ta cũng hòa thuận với nhau theo cùng một cách. Gia đình giống như một sinh vật: nó thay đổi liên tục, phát triển và có mối tương quan với các sinh vật khác. Có những giây phút bình yên nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc mọi thứ như rối tung lên. Và, vì thế sự đòi hỏi càng khắt khe hơn khi những thử thách, chẳng hạn như bệnh tật, bất ổn kinh tế, mất mát,… ập đến với chúng ta.
Shutterstock | fizkes
Tôi nhớ, có lần, một ông chủ của tôi, người lập gia đình và có con, đã dùng tất cả tiền tiết kiệm của vợ chồng ông để mua một căn nhà mới, vốn được xem như là giấc mơ và tất cả hy vọng của họ. Nhưng, chỉ sau một đêm, họ nhận ra mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo bất động sản. Mọi sự sụp đổ, không khác gì một đòn hết sức tàn nhẫn giáng xuống cuộc sống của họ.
Một ngày nọ, khi tôi hỏi ông ấy về tình hình của họ xem thế nào, ông ấy trả lời: “Vợ tôi và tôi thậm chí không nói với nhau một câu nào khi đi ngang qua nhau ở hành lang”.
Khi có vấn đề xảy ra, sẽ tác động đến cách hành xử và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến các mối tương quan thân thiết nhất của chúng ta.
Đó là một vấn đề tài chính lớn, nhưng tạ ơn Chúa, mọi sự đã được giải quyết tại tòa án và không gây thêm hậu quả nào cho gia đình.
Tuy nhiên, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc cảnh giác với những tình huống tưởng chừng như không quan trọng nhưng thực ra lại rất quan trọng. Trong đời sống gia đình, có thể có những trở ngại tưởng như nhỏ nhặt nhưng cuối cùng lại dựng nên những bức tường ngăn cách chúng ta với nhau.
Ví dụ:
- Những phản ứng đến từ tính cách khó chịu của một thành viên trong gia đình, tính cách mà chúng ta không quan tâm, nhưng nó ngày càng làm phiền chúng ta nhiều hơn;
- Những lỗi lầm mà chúng ta chưa cầu xin sự tha thứ (hoặc chúng ta chưa được xin tha thứ);
- Những sai phạm của người khác mà chúng ta muốn giữ im lặng nhưng lại ghi nhớ trong ký ức của mình.
Thời điểm khi danh sách tích lũy được đưa ra ánh sáng
Có lẽ cũng xảy ra với chúng ta trong gia đình giống như với người thu ngân ở siêu thị: Họ kiểm đếm mọi thứ trong máy tính tiền và khi đến lúc phải thanh toán, họ đưa ra một danh sách dài về số tiền chúng ta phải trả, nhiều khi khiến chúng ta không khỏi bối rối. Trong các mối tương quan gia đình, chúng ta giữ một danh sách những điều bất bình, và rồi, chúng ta xây dựng thành một bản kê khai dài mà không nhận thức được điều đó.
Cuối cùng, những danh sách này là một quả bom chắc chắn sẽ phát nổ, một bức tường mà chúng ta xây nên để ngăn cách, và thậm chí có thể phá vỡ mối tương quan của mình với những người thân yêu.
Đặc biệt, trong đời sống gia đình, điều quan trọng là phải chú ý để tránh dựng lên, dù chỉ một chút, những bức tường đôi khi không thể nhận thấy, ngăn cách chúng ta với nhau.
Như cha Carlos Ayxelà, một linh mục làm việc về mục vụ gia đình và giới trẻ ở Thụy Sĩ cảnh báo:
Nếu chúng ta nuôi dưỡng sự oán giận, thay vì bỏ qua, những điều nhỏ nhặt làm phiền chúng ta, thì những điều bình thường và vô hại có thể dần dần làm tê liệt con tim của chúng ta khiến cách cư xử của chúng ta với người khác – và do đó bầu không khí trong nhà – trở nên căng thẳng.
Tôi có thể làm gì để tránh xây nên những bức tường trong gia đình?
Cha Carlos đưa ra một công thức giúp tránh dựng nên những bức tường ngăn cách: Lòng Thương Xót. Vâng, LÒNG THƯƠNG XÓT.
Theo cha Carlos:
Lòng thương xót giúp chúng ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự oán giận, dẫn đến việc tích trữ một danh sách những điều bất bình, trong đó cái tôi luôn được đề cao bằng cái giá phải trả của người khác do những thiếu sót thực sự hoặc vô tình của họ.
Đối với Kitô hữu, Lòng Thương Xót có nghĩa là có cùng cảm xúc như Đức Kitô khi nhìn người khác. Đức Giêsu sẽ nhìn mẹ chồng tôi như thế nào? Đức Giêsu sẽ nhìn em gái tôi, anh rể tôi, con tôi, hoặc người khiến tôi đau đầu như thế nào? Điều kiện tiên quyết để nhìn bằng đôi mắt của Đức Giêsu, là có mối tương quan với Người để hiểu Người, và hiểu quan điểm của Người hơn.
Shutterstock | Monkey Business Images
Tâm sự với Chúa về những gì ngăn cách chúng ta
Cha Carlos giải thích: “Tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Ngài trong tâm hồn, để tìm thấy sự thanh thản ở đó”.
Đây là một giải pháp tuyệt vời: Chúng ta có nên nói về những xung đột không? Dĩ nhiên là có, nhưng trước hết chúng ta nên tâm sự với Chúa, là Đấng sẽ cung cấp quan điểm để từ đó chúng ta đánh giá những sự việc, và biết dùng những từ ngữ thích hợp khi nói chuyện với người khác. Hoặc có thể sau khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta tìm thấy sự bình an về vấn đề đó, và có thể chọn cách im lặng trong bình an.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày 26. 12. 2015, lễ Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi: “Khởi đi từ đâu để chúng ta có thể tha thứ cho những lỗi lầm lớn, nhỏ mà chúng ta phải gánh chịu hàng ngày? Tiên vàn, hãy bắt đầu bằng việc cầu nguyện”.
Gạt đi nỗi cay đắng ngăn cách chúng ta với gia đình
Đức Thánh Cha tiếp tục:
Khởi đi từ chính tâm hồn của chúng ta: chúng ta có thể đương đầu với sự oán giận mà chúng ta trải qua bằng lời cầu nguyện, phó thác người đã xúc phạm mình cho lòng thương xót của Chúa: “Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho anh ấy; con cầu xin Chúa cho chị ấy”. Và rồi, chúng ta sẽ khám phá ra rằng cuộc đấu tranh nội tâm để tha thứ này thanh tẩy chúng ta khỏi sự dữ, và rằng lời cầu nguyện và tình yêu đó giải thoát chúng ta khỏi xiềng xích của sự oán giận nội tâm. Thật là kinh khủng khi phải sống trong nỗi cay đắng! Mỗi ngày chúng ta có nhiều cơ hội để tập biết tha thứ, để thể hiện những nghĩa cử cao đẹp đưa chúng ta đến gần Chúa hơn.
***
Tình cảm gia đình là hồng ân cao cả, là món quà quý giá, là điểm tựa vững chắc khó gì có thể so sánh hoặc thay thế được. Ước mong, mỗi thành viên trong gia đình, khi biết dành cho nhau tình yêu chân thành, biết sẵn sàng tha thứ những sai lầm, thiếu sót của nhau để những hiểu lầm, lỗi phạm trong cuộc sống hằng ngày không trở thành những viên đá xây thành những bức tường xa cách. Nhưng, lòng thương xót sẽ củng cố mối liên kết, giúp mỗi người được đón nhận, được trân trọng, được sống như mình là, và cảm nếm niềm hạnh phúc, do chính Thiên Chúa ban tặng, ngay trong tâm hồn, và mái ấm của mình.
Tác giả: Dolors Massot
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
[1] Những chia sẻ của cha Carlos Ayxelà được trích trong cuốn God’s Tenderness: Mercy and Daily Life (nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: “La ternura de Dios. Misericordia y vida diaria”).
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 271 | Tổng lượt truy cập: 4,175,566