Kinh Thánh vẫn có ý như thế mặc dù không mạnh mẽ như các tín điều khác về Đức Mẹ. Nhưng còn có những lý do chính đáng khác để tin vào việc Đức Mẹ hồn xác lên trời mà không dựa vào Kinh Thánh.
Một tín điều cần phải được khẳng định một cách dứt khoát chính là Đức Trinh Nữ Maria đã được lên trời cả hồn lẫn xác vào cuối cuộc đời trần thế của Mẹ. Lễ Đức Mẹ Lên Trời đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của Giáo Hội: hàng triệu người Công giáo suy niệm về biến cố này mỗi ngày khi lần chuỗi Mân Côi, và sâu sắc nhất, ngày lễ mà phụng vụ mừng kính biến cố Đức Mẹ lên trời là một ngày lễ buộc.
Nhưng niềm tin này đến từ đâu? Tại sao người Công giáo lại tin điều đó? Nó bắt nguồn hoặc được tham chiếu ở đâu từ trong Kinh Thánh?
Vào ngày 01 tháng 11 năm 1950, khi quá trình lâu dài của việc bàn hỏi, thảo luận và cân nhắc lên đến đỉnh điểm, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng xác định tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời trong Tông hiến Munificentissimus Deus (Thiên Chúa vô cùng đại lượng):
Vì lý do đó, sau khi đã hết lần này đến lần khác dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện nài xin cũng như khẩn cầu ánh sáng của Thần Chân Lý, để tôn vinh Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã dành tình cảm đặc biệt của Người dành cho Đức Trinh Nữ Maria, để tôn vinh Con của Mẹ, Vị Vua bất tử của các Thời đại và là Đấng Chiến Thắng tội lỗi và sự chết, để làm tăng thêm vinh quang của chính Người Mẹ uy nghiêm này, và vì niềm vui và sự hân hoan của toàn thể Giáo Hội; bởi uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và bởi thẩm quyền của chính chúng tôi, chúng tôi thông báo, công bố và xác định tín điều này là một tín điều được mặc khải từ Thiên Chúa: rằng Mẹ Thiên Chúa Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Maria Trọn đời Đồng trinh, đã hoàn tất cuộc đời trần gian của mình, được đưa vào vinh quang thiên đàng cả cả xác và hồn (44).
Vấn đề mà Đức Piô XII đặt ra cho các giám mục và các nhà thần học trên toàn thế giới về cơ bản là liệu có thích hợp để xác định tín điều này vào thời điểm đó hay không. Không có tranh luận về mặt giáo huấn, vì nó đã được xác minh từ lâu và được mọi người tin tưởng. Ngay cả nhiều nhà cải cách Tin lành, bao gồm cả Martin Luther, cũng tin vào việc Đức Mẹ lên trời (ít nhất là vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của họ).
Bên cạnh đó, thật thú vị khi ghi nhận rằng Đức Piô XII không đưa vào định nghĩa của tín điều rằng liệu Đức Maria có chết trước khi lên trời hay không. Thay vào đó, ngài chọn sử dụng cụm từ có đôi chút mơ hồ “vào cuối cuộc đời trần thế của Mẹ”, điều này tránh được việc phát sinh thêm vấn đề. Không có giáo huấn chính thức nào của Giáo Hội về việc Đức Maria có chết hay không, mặc dù có một truyền thống lâu đời ở Tây phương rằng Đức Mẹ đã chết. Tuy nhiên, ở Đông phương, các Kitô hữu lại đề cập đến việc Đức Mẹ an giấc (dormition), hoặc chìm vào giấc ngủ, hơn là một cái chết.
Đức Mẹ Lên Trời là một sự kiện lịch sử. Mặc dù đúng là thời điểm cuối cuộc đời của Đức Maria không được mô tả rõ ràng trong Kinh Thánh, nhưng vẫn có những hình bóng ám chỉ về điều đó, có những đoạn văn làm vang dội tính đúng đắn về việc Đức Mẹ lên trời. Dưới đây là một vài ví dụ:
“Lạy Chúa, xin đứng dậy, để cùng với hòm bia oai linh Chúa ngự về chốn nghỉ ngơi.” (Tv 132,8). Một truyền thống cổ xưa đã so sánh Đức Maria với Hòm Giao Ước; về phương diện này, đoạn văn đề cập đến chiếc hòm bia oai linh được đưa đến chốn nghỉ ngơi của Chúa có thể được xem là nói về việc Đức Maria hồn xác lên trời.
“Này người yêu anh sắp cưới, hãy cùng anh rời khỏi núi Libăng, rời khỏi núi Libăng đi xuống...” (Dc 4,8)
“Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao.” (x. Kh 12,1tt)
Chúng ta không dựa vào Kinh Thánh để tin vào việc Đức Maria hồn xác lên trời, nhưng Kinh Thánh phần nào “chỉ ra” điều đó.
May mắn thay, có nhiều điều để minh chứng cho việc Đức Maria lên trời hơn là từ Kinh Thánh. Cũng có một số lý do thú vị về phương diện lịch sử đối với niềm tin của chúng ta, bao gồm cả một niềm tin kiên định không bị gián đoạn về biến cố này qua nhiều thế kỷ. Có những bản viết tay và những đoạn văn còn tồn tại từ thế kỷ II hoặc III ghi lại bằng chứng về niềm tin của Giáo Hội sơ khai vào việc Đức Maria hồn xác lên trời. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành trong phụng vụ ngay từ thế kỷ thứ V ở Palestine, thế kỷ thứ VI ở Gaul, phổ biến ở phương Đông vào thế kỷ thứ VII và ở phương Tây vào thế kỷ thứ VIII.
Trong một số tài liệu ban đầu, có sự bất đồng hợp lý về việc Đức Maria có chết trước khi được lên trời hay không. Tuy nhiên, không có bất đồng nào về việc liệu rằng Đức Maria có được lên trời cả hồn lẫn xác hay không.
Có một lý do lịch sử đáng chú ý khác để tin vào việc Đức Maria hồn xác lên trời. Có hai lập trường về các ngôi mộ của Đức Maria - một ở Ephesus và một ở Jerusalem. Tuy nhiên, không có tuyên bố nào cho thấy một trong hai ngôi mộ là nơi an nghỉ vĩnh cửu cho thân xác của Đức Maria, cũng như không có bất kỳ thánh tích nào được cho là như thế. Tại sao lại như vậy? Chúng ta có những thánh tích từ Kitô hữu đầu tiên, bao gồm của cả các tông đồ và những người đương thời khác của Chúa chúng ta. Vì vậy, nếu có thánh tích cần phải có, thì tại sao thánh tích của Đức Maria không được tôn kính ngày đêm trên thế giới?
Câu trả lời thật đơn giản, bởi vì thánh tích của Đức Maria là điều không thể có được. Thân xác của Đức Maria không ở trên trần gian này, vì thân xác đó đã được đưa lên trời vào cuối cuộc đời trần thế của Mẹ.
Vậy thì, chúng ta còn lại một vấn đề: nếu Kinh Thánh không nói rõ ràng rằng Đức Maria đã được hồn xác lên trời, thì tại sao chúng ta phải tin điều đó?
Tóm lại: vì Giáo Hội dạy như vậy. Như đã được nhiều nhà hộ giáo nhiều lần cho thấy qua nhiều năm, chính ý tưởng cho rằng Kinh Thánh là quy tắc không thể sai lầm duy nhất của đức tin vốn không chỉ vô nghĩa mà còn bị chính Kinh Thánh bác bỏ một cách rõ ràng.
“Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy.” (2Tm 1,13).
“Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.” (2Tx 2,15).
“Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa.” (Dt 13,17).
“Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý.” (1Tm 3,15).
Vì vậy, ý tưởng cho rằng Kinh Thánh là nguồn gốc và vị quan tòa tối hậu của chân lý là hoàn toàn sai lầm. Kinh Thánh tự bác bỏ niềm tin này. Giáo Hội là người bảo vệ kho tàng đức tin, trung thành truyền lại những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô. Đấng Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội phải giảng dạy cho tất cả mọi dân tộc (x. Ga 14,26.16,13), và chúng ta biết rằng dưới sự che chở và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội dạy cho chúng ta biết điều gì là đúng.
Tác giả: Paul Senz
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Catholic Answers
Nguồn tin: http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 209 | Tổng lượt truy cập: 4,164,406