Đôi nét về vợ chồng chân phước là quan thầy của Đại hội Gia đình Thế Giới lần thứ X

  • 26/06/2022 20:25
  • WHĐ (25.6.2022) - Là Quan Thầy chính thức của Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X, thánh tích của đôi vợ chồng đầu tiên được Giáo hội tôn phong chân phước cùng nhau sẽ được tôn kính bên trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong thời gian Đại hội diễn ra từ ngày 22 - 26. 6. 2022 tại Roma.

    Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi.

    Bình thường nhưng phi thường

    Cặp vợ chồng Chân phước người Ý, Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi, cùng nhau trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, nuôi dưỡng ơn gọi của 4 người con để phục vụ Giáo hội trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.

    Trong thánh lễ phong chân phước cho 2 ông bà Luigi và Maria, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khen ngợi rằng:

    Dựa trên lời Chúa và Hạnh các thánh, cặp vợ chồng chân phước đã sống một cuộc sống bình thường một cách phi thường. Giữa những niềm vui và nỗi lo lắng của một gia đình bình thường, họ biết cách sống một đời sống thiêng liêng phong phú lạ thường.

    Thật thế, trong nửa đầu thế kỷ 20 đầy biến động, đời sống tâm linh của gia đình Quattrocchis đã thể hiện ra bên ngoài theo những cách nhỏ bé, nhẹ nhàng, và chỉ được chứng kiến ​​bởi những bạn bè thân thiết và người thân trong gia đình.

    Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, gia đình cũng hỗ trợ những người bị thương và những gia đình gặp khó khăn. Ngôi nhà của họ luôn rộng mở với rất nhiều bạn bè và những người đến gõ cửa để xin thức ăn. Ngoài ra, họ cũng hỗ trợ tài chính cho một số người trẻ muốn trở thành linh mục hoặc bước vào đời sống tu trì.

    Rồi khi Đức Quốc xã xâm lược Ý trong đại chiến thế giới thứ hai, hai người con trai là tuyên úy quân đội và liều mạng để bí mật hoạt động với quân kháng chiến. Ngoài ra, dù nằm ngay cạnh trụ sở của Bộ chỉ huy Đức ở Roma, căn hộ của gia đình trở thành nơi trú ẩn cho người Do Thái và những người tị nạn khác, mà nếu bị phát hiện, họ sẽ bị bắn chết ngay lập tức.

    Sau này, thông qua nhóm Hoạt động Công giáo, cả hai ông bà đã tổ chức các khóa học chuẩn bị hôn nhân Công giáo cho các đôi bạn trong giai đoạn đính hôn.

    Một gia đình thánh đã bắt đầu thế nào

    Kể từ khi kết hôn tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả vào ngày 25.11.1905 khi Luigi 25 tuổi và Maria 21, những khó khăn thử thách trong cuộc sống đã trở thành nền tảng tinh thần phong phú cho cuộc hôn nhân của cả hai.

    Trước khi kết hôn, Luigi không phải là người thực hành đức tin mạnh mẽ lắm, nhưng sau khi gặp Maria, đời sống sống thiêng liêng của ông đã thay đổi theo chiều hướng rất tích cực.

    Cesare, người con thứ ba của hai ông bà, nhớ lại:

    Có một kiểu chạy đua giữa bố mẹ để phát triển về đời sống tâm linh. Mẹ thì luôn bắt đầu ở “vị trí đỉnh cao” vì mẹ đã sống và trải nghiệm một đức tin mãnh liệt, trong khi bố, dù chắc chắn là một người đàn ông tốt, công bình và trung thực nhưng không thực hành việc đạo nhiều.

    Khi cuộc hôn nhân tiến triển, thì Luigi cũng ngày càng gần Chúa hơn. Ông bà cùng nhau tham dự Thánh lễ mỗi buổi sáng, và Luigi luôn để dành câu "Chào buổi sáng" cho Maria sau khi họ rời nhà thờ, như thể thừa nhận rằng chỉ khi đó một ngày của họ mới thực sự bắt đầu.

    Trong vòng 4 năm sau khi kết hôn, ông bà lần lượt hạ sinh 3 đứa con khỏe mạnh: Con trai đầu lòng Filippo (1906); con gái Stefania (1908), và con trai Cesare (1909).

    Vào năm 1913, khi Maria mang thai lần thứ tư, bác sĩ cho biết rằng bà chỉ có 5% cơ hội sống sót và khuyên họ nên phá bỏ thai nhi để cứu sống người mẹ. Nhưng ông bà đã từ chối làm theo đề nghị của bác sĩ, quyết tâm chấp nhận thánh ý Chúa, đặt tất cả hy vọng, và tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Ngài.

    Tuy nhiên, đây không phải là sự quyết định dễ dàng. Vì, những tháng sau đó, không chỉ Maria, người phải chịu đựng những tác dụng phụ của lần mang thai khó khăn này, mà cả Luigi, người lo vợ mình sẽ mất mạng sống, cũng trải qua những đau đớn. Theo tường thuật của Stefania, cô đã từng nhìn thấy bố mình khóc khi ông nói chuyện với một linh mục trong nhà thờ giai đoạn mẹ mang thai.

    Và rồi, Thiên Chúa đã nhìn đến những giọt nước mắt của họ, vì khi đến ngày, Maria đã hạ sinh con gái út Enrichetta (1914) an toàn. Lần này, Luigi rơm rớm nước mắt hạnh phúc khi biết cả 2 mẹ con đều sống sót, và một trong những hành động đầu tiên của gia đình là tạ ơn Chúa.

    Kinh nghiệm đức tin này cho thấy rõ ràng mối tương quan vợ chồng của ông bà đã phát triển như thế nào trong nhân đức Kitô giáo.

    Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi

    Nhìn từ mái nhà trở lên

    Kể từ đó, với sự hiện diện của 2 chàng trai và 2 cô con gái, không bao giờ ngôi nhà của gia đình Quattrochis có một khoảnh khắc buồn tẻ nào, mà chỉ toàn là vui vẻ, náo nhiệt, và ồn ào, nhất là vào giờ ăn.

    Dù thế, ông bà nghiêm túc huấn luyện con cái yêu mến những thứ không thể nhìn thấy. Điều mà cả 2 thường nói đùa rằng: họ muốn con cái mình trân trọng cuộc sống “từ mái nhà trở lên”.

    Ông bà luôn cố gắng duy trì cảm giác yên bình trong căn hộ của họ thông qua việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày. Cùng với 4 đứa con của mình, họ lần chuỗi Mân Côi hằng đêm, và vào đêm trước mỗi Thứ Sáu Đầu Tháng, họ canh thức để tôn sùng và tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

    Là một cặp đôi biết yêu thương và tôn trọng nhau trong những thăng trầm của cuộc sống hôn nhân và gia đình, Luigi và Maria hiếm khi cãi vã trước mặt các con.

    Enrichetta nhớ lại,

    Rõ ràng là đôi khi tôi nghĩ rằng bố mẹ có những khác biệt về quan điểm, nhưng chúng tôi chưa bao giờ tiếp xúc trực tiếp với những điều này. Bố mẹ tự giải quyết vấn đề với nhau thông qua việc đối thoại, trao đổi. Để rồi, sau khi đả thông tư tưởng và đi đến thống nhất, bầu khí lại tiếp tục nhẹ nhàng, thanh thản.

    Phương pháp của ông bà dường như đạt hiệu quả, khi tình yêu mãnh liệt của họ dành cho Chúa và dành cho nhau đã gắn kết họ trong việc quảng đại và trung thành hơn với tiếng gọi của Thiên Chúa. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận xét:

    Từ môi trường gia đình có đời sống thiêng liêng màu mỡ này nảy sinh các ơn gọi linh mục và thánh hiến, điều này cho thấy với nguồn gốc phát xuất từ tình yêu vợ chồng của Thiên Chúa, hôn nhân và khiết tịnh có thể được kết nối chặt chẽ và soi sáng lẫn nhau như thế nào.

    Thật thế, 3 người con đầu của họ đã dâng mình cho Chúa để phục vụ Giáo hội: Stefania rời nhà và vào tu viện Benedictine ở Milan năm 1927, với tên gọi Sơ Mary Cecilia; Filippo, trở thành một linh mục giáo phận với tên gọi là cha Tarcisio; và Cesare, trở thành linh mục dòng Trappist, với tên gọi là cha Paolino. Còn con út Enrichetta, chọn ở nhà để tận tâm phụng dưỡng cha mẹ, nhưng sau này cũng trở thành nữ giáo dân tận hiến trong phong trào Chứng Nhân Phục Sinh.

    4 người con của gia đình Beltrame Quattrocchi

    Một chứng tá cho Giáo hội

    Với đời sống nhân bản và tâm linh giản dị nhưng sâu sắc, ông bà Quattrocchi không chỉ biết yêu thương, tôn trọng nhau trong những thăng trầm của cuộc sống mà còn tạo nên một “giáo hội tại gia” thực sự ngay tại mái ấm của mình.

    Các ngài đã sống tình yêu vợ chồng và phục vụ cuộc sống dưới ánh sáng của Tin Mừng và với cường độ nhân bản cao cả. Với toàn bộ trách nhiệm, các ngài đã đảm nhận nhiệm vụ cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, quảng đại dấn thân cho việc nuôi nấng, dạy dỗ, và hướng dẫn con cái khám phá kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

    Thật thế, trong suốt 45 năm sống đời hôn nhân, ông bà đã giao phó gia đình cho Đức Mẹ, và thực thi những nhân đức anh hùng như vợ chồng đối với nhau, và như cha mẹ đối với con cái.

    Trong khi Luigi làm nghề luật sư, thì Maria luôn coi trọng trách nhiệm làm mẹ trong việc nuôi dạy 4 đứa con, nhưng cũng dành nhiều thời gian để cầu nguyện, và dấn thân phục vụ như là một giáo lý viên, đồng thời viết một số cuốn sách về giáo dục.

    Ngày 25.11 hằng năm, vốn là ngày kỷ niệm thành hôn của hai ông bà, được dành để mừng kính hai vị chân phước Quattrocchis. Một tấm bảng kỷ niệm cuộc hôn nhân của các ngài hiện nay được trưng bày trong nhà nguyện dưới hầm của chính Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.

    Khi các con trưởng thành và đảm nhận nhiều trách nhiệm, ông bà càng dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện và chiêm niệm ngay trong nhà của mình, trở thành tấm gương về lòng đạo đức cho tất cả những ai biết họ.

    Cha Paolino nhớ lại:

    Luôn luôn có một bầu không khí siêu nhiên, thanh bình và hạnh phúc trong nhà của chúng tôi, nhưng không quá sùng đạo. Dù chúng tôi gặp phải vấn đề gì, bố mẹ luôn giải quyết bằng cách nói rằng, “phải dâng lời cầu nguyện bay lên các tầng trời trước đã”.

    Cha Tarcisio, cũng đồng ý, "Khía cạnh đặc trưng cho cuộc sống gia đình chúng tôi là bầu không khí bình thường mà bố mẹ đã tạo ra khi không ngừng tìm kiếm các giá trị siêu việt".

    Vào tháng 11. 1951, Luigi qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 71. Là một quả phụ, Maria tiếp tục cống hiến hết mình cho gia đình và Giáo hội, và qua đời sau đó 14 năm, ở tuổi 81 trong vòng tay của Enrichetta, đứa con mà bà đã sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Vào ngày 28.10. 2001, thánh tích của Luigi và Maria đã được chuyển đến nhà nguyện hầm mộ của Đền thờ Divino Amore, Ý.

    Trong số các con, thì Sơ Mary Cecilia qua đời năm 1993. Chưa đầy một thập kỷ sau, cha Tarcisio và cha Paolino có được vinh dự đồng tế Thánh lễ phong chân phước cho cha mẹ mình do Đức Gioan Phaolô II chủ sự vào tháng 8. 2001. Còn Enrichetta, qua đời năm 2012, ở tuổi 98, bà được Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận là Đấng Đáng kính vào ngày 30. 8. 2021.

    Thánh tích của cặp đôi Chân phước, Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi, hiện đang được trưng bày tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô

    Ngoài thánh tích được đặt trước bàn thờ chính ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, một số đồ dùng cá nhân khác của các ngài cũng được trưng bày tại Hội trường Phaolô VI trong thời gian Đại hội.

    Những vật phẩm này, chẳng hạn như chiếc nhẫn đính hôn mà Luigi đã tặng cho Maria và cuốn Kinh thánh mà cả hai đọc cùng nhau, rồi tấm hình nhỏ Đức Mẹ Maria Mân Côi ở Pompei mà Maria đã tặng cho Luigi trước đám cưới, và Luigi đã giữ trong ví của mình hơn 40 năm, cho thấy cả hai đã gắn bó với nhau bằng tình yêu thánh thiện, thủy chung trong cuộc hôn nhân của mình như thế nào.

    ***

    Chỉ với đôi nét về đời sống của cặp đôi chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi, có lẽ cũng đủ để chúng ta ngưỡng mộ và cảm được lời huấn dụ mà Đức giáo hoàng Phanxicô dành cho các gia đình trong Đại hội lần này:

    Hãy để mình được Thiên Chúa biến đổi, để anh chị em cũng có thể thay đổi và biến thế giới thành “mái ấm” cho những ai cần được chào đón và chấp nhận; cho những ai cần gặp gỡ Chúa Kitô và cảm thấy họ được yêu thương. Chúng ta cần phải sống với đôi mắt hướng lên trời: như Chân phước Maria và Luigi Beltrame Quattrocchi đã nói với con cái của mình, đương đầu với những nỗ lực và niềm vui trong cuộc sống, “luôn luôn nhìn từ mái nhà trở lên”.

    Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

    Dòng Đa Minh Thánh Tâm

    Nguồn tin:  https://hdgmvietnam.com/

    Bài viết liên quan