Hình: Giulio Napolitano | Shutterstock
Khác xa với hình ảnh mà một số người phác hoạ về một nhà thần học tách rời khỏi thực tế cuộc sống, Đức Bênêđictô XVI có một nhận thức rất rõ ràng về những khó khăn mà mỗi chúng ta đều có thể gặp phải trong cuộc sống đời thường trước sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong một bài giảng, Đức Bênêđictô lưu ý:
Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều cảm thấy có rất ít thời gian dành cho Chúa và cũng có ít thời gian cho bản thân. Chúng ta kết thúc bằng việc mải mê với việc 'làm'”.
Liệu có ai chưa từng trải qua những giai đoạn khi cảm thấy quá tải vì số lượng công việc khiến chúng ta không còn thời gian hay tâm trí cho những điều thực sự thiết yếu?
Điều thiết yếu là gì?
Đối với Đức Bênêđictô, điều thiết yếu là cuộc gặp gỡ của chúng ta với Đức Kitô. Như ngài khẳng định trong Thông điệp đầu tiên:
Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, mà là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một Con Người, Đấng đem lại cho cuộc đời ta một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát. (Thông điệp Deus caritas est, 1).
Đức tin trước hết là một mối tương quan, một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Hướng đi quyết định mới là trở nên thánh thiện. Và cách chúng ta tiến tới trên lộ trình nên thánh là thường xuyên dành thời gian với Đức Kitô, qua việc để mình được chìm đắm trong tình yêu của Người. Đức Bênêđictô giải thích trong bài diễn văn dành cho các giáo sư và tu sĩ tại Đại học Twickenham, Vương quốc Anh, ngày 17. 9. 2010:
Một khi bạn bước vào tình bằng hữu với Thiên Chúa, mọi thứ trong cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi. Khi bạn hiểu rõ hơn về Ngài, bạn sẽ thấy mình muốn phản ánh điều gì đó về lòng nhân từ vô biên của Ngài trong chính cuộc sống của bạn.
Và để trở thành bạn hữu của Thiên Chúa, Đức Bênêđictô đề nghị một vài thói quen mà chúng ta thấy rất gần gũi và có thể áp dụng một cách dễ dàng.
1. Tiếp xúc ngắn gọn với Thiên Chúa hai lần một ngày
Mọi mối tương quan sẽ tàn lụi nếu nó không được duy trì. Điều này đúng đối với các cặp vợ chồng, gia đình và bạn bè, nhưng cũng đúng đối với Chúa. Đó là lý do tại sao Đức Bênêđíctô nói,
Điều đó có nghĩa là đừng bao giờ bắt đầu cũng như kết thúc một ngày sống mà không có ít nhất một cuộc tiếp xúc ngắn với Thiên Chúa.
Cuộc tiếp xúc này không nhất thiết phải là một lời cầu nguyện, mà có thể là một ý nghĩ, một cử chỉ chân thành, một lời ngợi khen hoặc lòng biết ơn vào đầu và cuối ngày.
2. Mỗi sáng tạ ơn Chúa vì hồng ân đức tin
Trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng vào ngày 27. 02. 2013, Đức Bênêđíctô đã chia sẻ một lời cầu nguyện ngắn và khuyến khích chúng ta đọc lời cầu nguyện đó hàng ngày vào buổi sáng để thể hiện tình yêu đối với Chúa và cảm tạ Ngài về hồng ân đức tin:
Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, và con yêu Chúa bằng cả trái tim. Con cảm tạ Chúa vì đã dựng nên con và cho con được là một Kitô hữu.
Đối với Đức Bênêđictô, hồng ân đức tin là “tài sản quý giá nhất của chúng ta, mà không ai có thể lấy đi được!”
3. Mỗi ngày hãy tìm một cơ hội để vui vẻ
Trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII, 2012 Đức Bênêđictô viết:
Khát vọng niềm vui ẩn chứa nơi tâm hồn con người. Vượt lên những thỏa mãn tức thời và mau qua, tâm hồn chúng ta đang tìm kiếm niềm vui hoàn hảo, trọn vẹn và bền vững, niềm vui mang lại “hương vị” cho cuộc sống.
Để thưởng thức niềm vui, chúng ta phải nhận ra những niềm vui đơn sơ mà Chúa ban cho chúng ta. Đức Bênêđictô đưa ra một số lý do để vui mừng:
… niềm vui sự sống, niềm vui chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, niềm vui hoàn thành tốt đẹp công việc, niềm vui phục vụ người khác, niềm vui của tình yêu chân thành và trong sáng. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy có nhiều lý do khác để chúng ta vui mừng. Có những giây phút hạnh phúc trong đời sống gia đình, trong tình bạn được chia sẻ, khi khám phá các khả năng và những thành công của mình, khi được người khác khen tặng, khi diễn đạt được chính mình và thấy mình được thấu hiểu, và khi cảm nhận mình hữu ích cho người khác.
4. Mỗi Chúa nhật, hãy gặp gỡ Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống" (Ga 6, 51). Như là lời hứa của chính Đức Kitô, mỗi cử hành Thánh Thể đều hiện thực hóa món quà sự sống của Người cách bí tích. Đó là lý do tại sao, đối với Đức Bênêđíctô,
Điều thiết yếu có nghĩa là đừng bao giờ bỏ ngày Chúa Nhật mà không gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể; đây không phải là một gánh nặng thêm vào mà là sự nhẹ nhàng cho cả tuần.
5. Mỗi ngày, hãy ghi chép lại một dấu chỉ từ Thiên Chúa
Vào năm 2009, Đức Bênêđictô là người đi tiên phong trong ý tưởng về “Bullet journal” (Ghi chép sáng tạo), một cuốn nhật ký trong đó chúng ta ghi lại những dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến cho mình. Mục đích là để nhận biết và lưu lại việc Thiên Chúa quan tâm đến từng tạo vật và Ngài yêu thương chúng ta biết chừng nào.
Các sự kiện riêng lẻ trong ngày là những gợi ý mà Thiên Chúa đang ban cho chúng ta, những dấu chỉ cho thấy Ngài quan tâm đến mỗi người chúng ta. Ngài thường xuyên cho chúng ta thoáng thấy tình yêu của Người bao la đến nhường nào! Có thể nói, việc lưu giữ một “nhật ký nội tâm” về tình yêu này sẽ là một bài tập tuyệt vời và hữu ích cho cuộc đời chúng ta!
6. Chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật
Là một nhạc sĩ và người yêu âm nhạc, Đức Bênêđictô đã cảm nghiệm được vẻ đẹp dẫn đến Thiên Chúa như thế nào. Trong buổi tiếp kiến chung vào tháng 8. 2011, ngài đã chia sẻ rằng buổi hòa nhạc Bach ở Munich đã khiến ngài xúc động ra sao:
Ở phần cuối của đoạn cuối cùng, một trong những bản Cantatas (Đại hợp xướng), tôi cảm thấy, không phải bằng lý trí mà từ sâu thẳm trái tim mình, rằng những gì tôi đã nghe đã truyền đạt cho tôi chân lý, chân lý của nhà soạn nhạc thượng hạng, và thôi thúc tôi tạ ơn Thiên Chúa. “Con đường của cái đẹp” (The Via pulchritudinis) là một trong những con đường có thể dẫn đến Thiên Chúa và giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.
Đức Bênêđictô XVI cũng khẳng định:
Có những biểu hiện nghệ thuật là những con đường đích thực dẫn đến Thiên Chúa, Đấng là Vẻ đẹp tối cao, và thậm chí còn giúp phát triển mối tương quan của chúng ta với Ngài, trong cầu nguyện.
Đây là những tác phẩm được sinh ra từ đức tin và thể hiện đức tin. Chúng ta có thể thấy ví dụ điển hình về điều này khi đến thăm một thánh đường kiểu Gothic: chúng ta bị mê hoặc bởi những đường thẳng đứng vút lên trời và nâng tầm nhìn cũng như tâm hồn của chúng ta; hoặc khi nghe một bản thánh ca, thì một cách tự nhiên, “rung động trái tim”, “trải rộng tâm trí và hướng chúng ta về Thiên Chúa”.
7. Tận hưởng những khoảnh khắc hài hước của cuộc sống
Trong một cuộc phỏng vấn khá riêng tư để chuẩn bị cho chuyến tông du đến Bavaria vào tháng 9. 2006, Đức Bênêđictô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quá coi trọng bản thân và của việc làm sao để tận hưởng những niềm vui nho nhỏ của cuộc sống:
Tôi không phải là người luôn nghĩ ra những câu chuyện cười. Nhưng tôi nghĩ điều hết sức quan trọng là có thể nhìn thấy mặt hài hước và chiều kích vui tươi của cuộc sống và đừng để mọi thứ trở nên quá bi thảm.
Và ngài kết luận:
Một nhà văn từng nói rằng các thiên thần có thể bay vì các ngài không quá coi trọng bản thân. Có lẽ chúng ta cũng có thể bay một chút nếu chúng ta không nghĩ rằng mình quá quan trọng.
8. Cầu khẩn với các Thánh thường xuyên hơn
Đức Bênêđictô rất sùng kính và tin tưởng vào các Thánh,
những vị thánh nam nữ, là những người mà với đức tin, đức ái và cuộc đời của các ngài đã là những ngọn hải đăng cho biết bao thế hệ, cũng như cho chúng ta.
Trong Thánh lễ khởi đầu triều đại giáo hoàng vào ngày 24. 4. 2005, Đức Bênêđictô đã phó thác chính mình cho sự hiệp thông của các Thánh với niềm tin tưởng rằng: “Tất cả các Thánh của Chúa đều ở đó để bảo vệ tôi, nâng đỡ tôi và chở che tôi”.
Ngài mời gọi mọi người đã được rửa tội cũng hãy làm như vậy, một cách cụ thể hơn bằng việc “noi gương các Thánh, khiêm tốn kêu cầu các Thánh, và hiệp thông với các các Thánh”. Vì theo Đức Bênêđictô,
Việc gắn bó với các Thánh cũng liên kết chúng ta với Đức Ki-tô, Đấng như là mạch suối và là đầu phát sinh mọi ân sủng và sự sống của đoàn Dân Thiên Chúa. (Hiến chế Lumen Gentium, 50).
9. Dành thời gian cho sự thinh lặng
Bất chấp sự bận rộn của cuộc sống, Đức Bênêđíctô mời gọi chúng ta hãy thường xuyên dành thời gian thinh lặng, vì đây là một con đường đáng tin để gặp gỡ Thiên Chúa; một không gian để cho “niềm vui, sự bận tâm, đau khổ” lên tiếng; và một thời gian thiết yếu để phân định điều gì là quan trọng với điều gì là vô ích hoặc thứ yếu. Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 46, ngài nhấn mạnh:
Chẳng ngạc nhiên gì khi thấy rằng trong các truyền thống tôn giáo khác nhau, việc sống cô tịch và thinh lặng là những khoảng không gian dành riêng để giúp con người không chỉ gặp lại chính mình nhưng còn gặp được Chân Lý, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mặc khải trong Thánh Kinh cũng nói bằng ngôn ngữ không lời. Nếu Thiên Chúa nói với con người ngay cả trong thinh lặng thì trong thinh lặng con người cũng khám phá ra khả năng nói với Chúa và nói về Chúa.
Mathilde De Robien
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 219 | Tổng lượt truy cập: 4,164,476