Khiêm nhường, kiêu ngạo và chủ nghĩa tương đối
Thực hành sự khiêm nhường là hiểu được vị trí của mình trong toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh vịnh 95 dạy chúng ta quỳ gối trước Đức Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta. Nó nhắc nhớ rằng Ngài là Thiên Chúa của chúng ta, còn chúng ta là đoàn dân của Ngài, là đàn chiên tay Ngài dẫn dắt. Những lời ấy khuyến khích sự khiêm nhường và quy thuận với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo chúng ta. Việc khắc ghi điều này sẽ rất hữu ích để chúng ta chống lại khuynh hướng phạm tội, hay còn gọi là dục vọng.
Tội kiêu ngạo làm cho con người sa ngã, và hầu hết các thần học gia cũng xem đó là tội khiến các thiên thần sa ngã. Nói một cách đơn giản, kiêu ngạo là việc tin rằng ý chí chúng ta mạnh hơn ý chí Thiên Chúa. Kiêu ngạo dẫn đến việc tự sùng bái bản thân, và qua đó, chúng ta đặt niềm tin vào chính mình thay vì Thiên Chúa; mọi tội lỗi đều có gốc rễ nơi sự kiêu ngạo.
Chủ nghĩa tương đối về luân lý là một lạc thuyết, trong đó cái tốt và xấu được phân biệt dựa theo cảm nhận của chúng ta chứ không phải một sự thật luân lý khách quan. Bởi vì Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, chính là Chân lý (Ga 14,6; GLHTCG số 2465), nên việc khước từ sự thật luân lý khách quan cũng chính là khước từ Thiên Chúa (Tv 119,30). Thiên Chúa mặc khải chân lý của Ngài cho chúng ta thông qua Thánh kinh, Thánh truyền và Huấn quyền; Ngài cũng mong muốn mọi người được cứu độ nhờ chân lý (1Tm 2,4). Bằng việc từ bỏ chính mình và đón nhận Lời Chúa, chúng ta đạt được sự khiêm nhường. Khi sống khiêm nhường, chúng ta có thể phân biệt tốt xấu theo ý Chúa thay vì ý riêng ta.
Chủ nghĩa tương đối về luân lý trong lịch sử
Việc chối bỏ chân lý tuyệt đối và sự sai lạc của chủ nghĩa tương đối về luân lý đã xuất hiện kể từ thời Phục hưng Ý và kéo dài suốt giai đoạn Khai sáng. Bấy giờ, chủ nghĩa thế tục, cá nhân và duy lý khoa học nổi lên như những triết lý thống trị nền Văn minh Tây phương. Tự thân những trường phái triết học này không sai trái, nhưng khi chúng muốn thế chỗ thay vì bổ sung cho các giáo huấn của Đức Kitô, chúng tiến đến chỗ sai lạc qua sự kiêu ngạo của con người. Trớ trêu thay, sự kiêu ngạo trong hàng giáo phẩm của Giáo hội lại thích hợp cho việc thúc đẩy chủ nghĩa thế tục và cá nhân. Chính tội lỗi này đang chảy khắp huyết mạch của Giáo hội ngày nay và để cho “khói của Satan xâm nhập vào Giáo hội” (Thánh Giáo hoàng Phaolô VI).
Trào lưu khai sáng và thời đại của lý trí trong thế kỷ 18 đã sản sinh ra những con người được thần hóa, họ không còn cần đến Lời Chúa để hướng dẫn cho hành vi và đời sống luân lý của mình. Chủ nghĩa tương đối về luân lý đạt tới cao trào vào thế kỷ 20 và 21, và vẫn còn chưa đến hồi kết. Nguyên nhân suy vong của đời sống gia đình đến từ sai lạc của những người kiêu ngạo, họ truyền bá tệ nạn phá thai, thụ tinh nhân tạo, giới tính linh hoạt[1] và hạ thấp giá trị hôn nhân. Việc đặt niềm tin vào tính ưu việt của tiến bộ nhân loại hơn là Thiên Chúa, có thể nói như vậy, khiến cho luật tự nhiên và sự thật luân lý khách quan được Thiên Chúa mặc khải không còn quan trọng.
Lòng thương xót mù quáng
Khoa học và lý trí không đối nghịch với đức tin Công giáo như một số thần học gia, gồm cả thánh Tôma Aquinô, đã kiên trì giảng dạy và chứng minh. Khi chúng ta vận dụng sự khiêm nhường vào lý trí và tiến bộ, nhân loại có thể biện phân được cách mà tiến bộ khoa học có thể trở nên một khí cụ theo ý định Thiên Chúa, đưa con người đến một hiểu biết xâu xa hơn về mặc khải thánh mà Thiên Chúa dành cho dân Ngài. Sự tiến bộ kỹ nghệ đã phục vụ đắc lực cho Thiên Chúa và dân Ngài bằng việc giúp giảm bớt bệnh tật và đau khổ, mang lại lương thực cho người nghèo, và loan truyền Tin mừng cho thế giới. Những công trình của lòng thương xót này là kết quả trực tiếp (và đôi khi gián tiếp) của sự khiêm nhường và tình yêu.
Mặt khác, lạc thuyết tương đối về luân lý, một trái đắng của sự kiêu ngạo, đã để ngỏ cho Satan gieo rắc hạt mầm chết chóc và hủy diệt bằng chính những tiến bộ. Cách tiếp cận của chủ nghĩa Machiavellian[2] trong việc điều trị bệnh tật và các hình thức khác của đau khổ, chẳng hạn như bị vô sinh ngoài ý muốn, dẫn đến việc hủy hoại sự sống và phẩm giá con người, khi không được biện phân theo lăng kính của ý Chúa.
Sự thiện vốn sẵn có trong tâm hồn con người và gương lành của Đức Kitô thúc đẩy con người yêu thương người thân cận và tỏ lòng thương xót đối với người khác (Mt 22,36-40; Lc 6,36). Xã hội phương Tây hiện đại không chấp nhận việc răn dạy các tội nhân hay thậm chí việc tuyên bố sự thật về tội lỗi, nếu việc đó dẫn đến bất kỳ nguy cơ nào khiến các cá nhân và đoàn thể bị xâm phạm.
Đối với nhiều người, điều này có vẻ tương hợp với các giáo huấn của Đức Giêsu, nhưng thực ra chúng lại mâu thuẫn. Giáo hội hướng dẫn chúng ta răn bảo kẻ có tội để cứu rỗi linh hồn họ (Gc 5,20); đây thực sự là một hành vi của lòng thương xót được nẩy sinh trong sự phục tùng khiêm hạ đối với thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, Satan đã bóp méo nhận thức của con người về lẽ tốt xấu, làm cho điều xấu xa ra vẻ tốt lành và điều tốt lành ra vẻ xấu xa. Chúng ta ăn trái cấm trong vườn vì sự kiêu ngạo của mình, và do đó, chúng ta coi mình là những vị thần.
Satan và truyền thông
Sự tiến bộ kỹ nghệ đã mang lại thêm cho Satan một nền tảng để hoạt động, và nó thậm chí còn sử dụng hiệu quả hơn cả chúng ta nghĩ. Những hình thức đa dạng của truyền thông, đặc biệt là truyền thông xã hội, hoạt động suốt ngày đêm và tiếp cận mọi ngóc ngách trên thế giới. Từ nền tảng này, Satan nuôi dưỡng tội kiêu ngạo, thứ đang nuốt chửng hàng loạt các linh hồn; con người hạnh phúc cách mù quáng khi sẵn lòng hợp tác với ý muốn của Quỷ dữ. Trên truyền hình, phim ảnh và chương trình trực tuyến, chúng ta được khuyên rằng mình xứng đáng hưởng mọi thứ: sự lôi cuốn thể lý, thỏa mãn ham muốn tình dục theo nhu cầu, giữ và bỏ những đứa trẻ theo ý muốn, thay đổi cơ thể theo bất kỳ giới tính nào mình khao khát (kể cả phi giới tính).
Chúng ta thôi quỳ gối trước Chúa, Đấng dựng nên ta, nhưng thay bằng việc đứng ngạo nghễ trong sự thờ phượng chính mình, chúng ta sử dụng tài năng để truy tầm thứ phần thưởng trần tục như tình dục và tiền bạc. Chúng ta sử dụng hiểu biết để thúc đẩy hầu hết những dục vọng thấp kém. Chúng ta không còn biết đến Thiên Chúa ngoại trừ việc xem Ngài như một phương tiện để tôn vinh bản thân. Nhân danh “lòng thương xót”, chúng ta không khuyên dạy cũng không được khuyên dạy, nhưng thay vào đó, chúng ta đồng lõa trong việc làm hư hỏng linh hồn con người.
Các công nghệ về truyền thông xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng có thể đẩy mạnh sự thăng tiến của con người bằng việc truyền bá Nước Thiên Chúa ở trần gian này. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành văn kiện Inter Mirifica (Sắc lệnh về Các phương tiện truyền thông xã hội) năm 1963, nhấn mạnh việc sử dụng có trách nhiệm các công nghệ truyền thông bởi các nhà sản xuất và những người sử dụng thông tin cũng như trách nhiệm mục vụ của hàng giáo sĩ nhằm hướng dẫn các tín hữu trong việc biện phân nội dung truyền thông theo giáo huấn luân lý Công giáo. Nội dung truyền thông phản chiếu luân lý tính của thời đại, vậy nên người sử dụng chỉ có thể biện phân đúng đắn giá trị của nội dung truyền thông nếu họ được đào tạo giáo lý kỹ lưỡng.
Kết luận
Hoàn toàn từ bỏ cho ý muốn của Thiên Chúa là ơn gọi của mọi linh hồn. Khiêm nhường là nhân đức nhờ đó chúng ta đáp lại ơn gọi của mình, và nhân đức ấy trái ngược với thói quen tự thần hóa mình. Trong bài viết “Bắt chước Đức Kitô nơi Bí tích Thánh Thể”, cha John Hardon S.J. viết rằng Đức Kitô ẩn giấu không chỉ nhân tính mà còn cả thần tính của Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, một hành vi khiêm nhường tột bậc.
Chính nhờ Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cầu xin cho được khiêm nhường, và chỉ nhờ khiêm nhường, chúng ta mới có thể xua tan đi màn sương mù của chủ nghĩa tương đối về luân lý đang che phủ tâm hồn. Khi những dấu chỉ thời đại vùi lấp chúng ta, và chúng ta không biết nơi phải quay về, hãy khiêm nhường: “Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa” (Tv 46,11).
Scott Davis
Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Nguồn tin: gpquinhon.org
[1] Gender fluidity: chỉ một người được xem hoặc tự nhận không có một giới tính hay xu hướng tính dục cố định, rõ ràng. Thay vào đó, nó có thể thay đổi hoặc được khám phá qua thời gian [ND].
[2] Một tư tưởng đề cao sự lạnh lùng, vị lợi, thiếu đồng cảm, thù nghịch, thao túng… Từ một học thuyết chính trị, nó dần chuyển thành học thuyết tâm lý và được sử dụng trong đời sống hằng ngày [ND].
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 206 | Tổng lượt truy cập: 4,164,403