Kinh Mân côi: Nguồn gốc và sự tiến triển
Phan Tấn Thành
Dẫn nhập. Nguồn gốc kinh Mân côi: phê bình lịch sử
Phần I. Kinh Mân côi: nguồn gốc và tiến triển
A. Tiến triển về hình thức: 1/ lần chuỗi; 2/ 150 kinh Kính mừng; 3/suy niệm cuộc đời Chúa Cứu thế
B. Tiến triển về nội dung: cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm các mầu nhiệm Chúa Kitô.
Phần II. Vài suy tư
A. Bản chất kinh Mân côi: 1/ hình thức cầu nguyện; 2/ mầu nhiệm cứu chuộc
B. Trong bối cảnh Việt Nam: 1/ tên gọi; 2/ ba mùa; 3/ các hoa trái; 4/ kinh Kính mừng
Kết luận. Dòng Đaminh với kinh Mân côi
———
Nhập đề
Bài chia sẻ này không phải là một suy niệm theo nghĩa chặt (mặc dù ở phần kết, chúng ta sẽ thấy rằng bản chất của kinh Mân côi là việc suy niệm hoặc chiêm niệm các mầu nhiệm của Chúa Kitô), nhưng chỉ trình bày lịch sử kinh Mân côi theo những nghiên cứu trong thế kỷ XX. Năm nay chúng ta mừng hai kỷ niệm lịch sử quan trọng.
1/ Thứ nhất là kỷ niệm 800 năm ngày tạ thế của thánh Đaminh. Nếu không phải tất cả các bức họa vẽ thánh Đaminh đều gắn liền với kinh Mân côi, thì ngược lại, có đến 80 phần trăm các bức học về Đức Mẹ Mân côi đều có sự hiện diện của thánh Đaminh; 20 phần trăm còn lại thì sao? Thưa rằng 10 phần trăm dành cho Đức Mẹ Lộ-đức và 10 phần trăm dành cho Đức Mẹ Fatima. Trong cả hai lần hiện ra này, Đức Mẹ đều mang tràng chuỗi và khuyến khích đọc kinh Mân côi nhưng không có thánh Đaminh đi kèm; nhưng mỗi khi đề cập đến nguồn gốc kinh Mân côi thì không thể nào vắng bóng thánh Đaminh. Theo tục truyền, chính Đức Mẹ đã hiện ra trao tràng hạt cho thánh Đaminh, và thậm chí người ta còn xác định thời gian và nơi chốn nữa: đó là vào năm 1208, tại Prouilhe (miền Nam nước Pháp). Lúc ấy thánh Đaminh đang giảng đạo cho lạc giáo Albigeois, và không được thành công cho lắm; thế nhưng nhờ chuỗi Mân côi từ trời ban, ngài đã thu được kết quả phi thường.
2/ Kỷ niệm thứ hai đáng nhớ trong năm nay là chiến thắng của đội quân Kitô giáo ở Lepanto, ngày 7/10/1571 (nghĩa là cách đây 450 năm), đưa đến việc thiết lập lễ Mân côi trong lịch phụng vụ. Ngoài ra, còn một kỷ niệm nho nhỏ nữa, như sẽ nói sau, là năm nay kỷ niệm 600 năm ấn định hình thức đọc kinh Mân côi (năm 1421).
Thế nhưng, từ cuối thế kỷ XIX, kỷ niệm thứ nhất đã bị khoa lịch sử xét lại, theo đó thánh Đaminh chẳng có dính dáng gì đến kinh Mân côi hết! Vấn nạn dựa trên hai luận cứ chính: thứ nhất, các tài liệu cổ điển không hề nhắc đến việc thánh Đaminh rao giảng Kinh Mân côi; thứ hai, kinh Mân côi được thành hình qua một tiến trình kéo dài nhiều thế kỷ: một đàng nó bắt đầu trước khi thánh Đaminh xuất hiện, đàng khác nó hoàn tất gần 300 năm sau khi thánh nhân qua đời. Phần lớn bài nói chuyện hôm nay được dành cho luận cứ thứ hai, ôn lại nguồn gốc và sự tiến triển của kinh Mân côi, bởi vì luận cứ thứ nhất đơn giản, khỏi cần dài dòng. Thực vậy, các nguồn sử liệu đầu tiên kể lại cuộc đời của thánh nhân và việc thành lập Dòng Giảng thuyết (thế kỷ XIII) [1], không hề đả động đến kinh Mân côi, mặc dù nói rất nhiều về lòng hiếu thảo của ngài cũng như của thế hệ tiên khởi của Dòng đối với Đức Thiên Chúa Thánh Mẫu, mà dấu chỉ độc đáo nhất là các anh em khấn vâng lời Người[2]. Bài này gồm hai phần. Trước hết, chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển của Kinh Mân côi dưới hai khía cạnh: hình thức và nội dung (hay nói kiểu kinh viện: chất thể và mô hình). Kế đó, xin đưa ra vài suy nghĩ về bản chất kinh Mân côi, thêm vào vài nhận xét liên quan đến bối cảnh Việt Nam, cách riêng là chuyện từ ngữ. Tạm thời, chúng ta tạm dùng hạn từ “Mân côi” vì đã quen thuộc, mặc dù trên thực tế, có khi còn được gọi là Mai khôi, Môi khôi, Văn côi; thời xưa gọi là kinh Rosa (mà ta có thể dịch là “hoa hồng” hay “bông hường”).
I. Lịch sử tiến triển kinh Mân côi
Như vừa nói, kinh Mân côi có một tiến trình hình thành kéo dài nhiều thế kỷ trước và sau cuộc đời ngắn ngủi của thánh Đaminh (k.1172-1221). Thực ra, nói đến sự tiến triển của kinh Mân Côi không phải là chuyện đơn giản. Để có thể nói đến sự tiến triển, trước phải xác định căn tính của nó: cái gì làm nên kinh Mân côi? phải chăng đó là đọc 150 (hay là 50, hay là 200) kinh Kính mừng? Việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng đã đủ để cấu thành Kinh Mân côi chưa, hay còn phải kèm theo việc suy gẫm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu nữa? Ta tạm coi đây là khía cạnh hình thức; còn phần nội dung thì phải thêm vài câu hỏi nữa: đây là kinh nguyện dâng kính Đức Mẹ hay là kính nguyện hướng về Chúa Giêsu? Nên xếp vào khẩu nguyện hay tâm nguyện, suy niệm hay chiêm ngắm? Xin thưa trước rằng những câu hỏi vừa nói chỉ tìm được giải đáp vào giai đoạn cuối, chứ không phải vào lúc khởi đầu công trình, tựa như một ngôi nhà chỉ mặc hình thù nhất định sau khi đã hoàn thành, chứ vào lúc khởi công thì chỉ thấy một đống gạch và bao xi-măng. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu với việc thu gom chất liệu, rồi dần dần cất lên ngôi nhà.
A. Tiến triển về hình thức
Về hình thức cấu thành kinh Mân côi, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu lịch sử của các yếu tố sau đây: 1) tràng chuỗi đọc kinh; 2) bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ; 3) liên kết với cuộc đời Chúa Cứu thế.
1/ Chuỗi đọc kinh
Lối tiếp cận đơn giản nhất là xâu chuỗi (“lần chuỗi Mân côi”). Trong lịch sử các tôn giáo, việc sử dụng xâu chuỗi để đọc kinh không phải là cái gì độc đáo của Kitô giáo. Chung quanh ta, Phật giáo cũng có tràng chuỗi, với nhiều loại khác nhau, từ 16,18 cho đến 108 hạt. Tôi còn nhớ bài thơ “Hương Sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh được học thuộc lòng khi còn ở cấp hai: “Lần tràng hạt, niệm Nam mô Phật”. Đi xa hơn một chút về phía Tây, các tín đồ Islam cũng có tràng chuỗi 99 hạt kính các danh hiệu của Thượng Đế. Chúng ta cũng biết là các tràng chuỗi được dùng bằng các chất liệu khác nhau (xương, đá, ngà voi, thủy tinh, vân vân). Các đan sĩ Đông phương Kitô giáo cũng sử dụng các xâu chuỗi khi niệm danh Chúa Giêsu (Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi). và lặp đi lặp lại cả ngàn lần mỗi ngày[3]. Không hiểu tục lệ này là do sáng kiến của các đan sĩ, hay là chịu ảnh hưởng của các Ấn giáo và Phật giáo. Cần nói thêm là bởi vì các đan sĩ nghèo cho nên họ không chế ra những chuỗi hạt đắt tiền, mà chỉ dùng những sợi dây thắt nút[4].
2/ Tràng chuỗi 150 kinh Kính mừng
Như vừa nói, tràng chuỗi chỉ là một dụng cụ để đếm, và cụ thể là đếm các kinh đọc vắn tắt. Từ đó ta có thể mường tượng nhiều loại chuỗi khác nhau, tùy theo chúng được sử dụng để đọc kinh gì. Đến đây, chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa, đó là tràng chuỗi 150 hạt. Chúng ta hãy để các tôn giáo khác ra ngoài và chỉ tập trung vào đạo Công giáo. Tràng chuỗi 150 hạt dùng để đọc kinh gì? Thưa để đọc 150 thánh vịnh. Nên biết là cho đến công đồng Vaticanô II, các tu sĩ mỗi tuần phải đọc trọn bộ thánh vịnh (cuộc cải tổ dưới thời ĐTC Phaolô VI năm 1970 kéo dài ra chu kỳ 4 tuần như hiện nay). Các tu sĩ nào không đọc tiếng Latinh thì thay thế 150 thánh vịnh bằng 150 kinh Lạy Cha. Tục lệ này được ghi nhận nơi các tu sĩ Cluny (dòng Biển Đức) vào thế kỷ X.
Sang thế kỷ XI, nhờ việc cổ động lòng kính mến Đức Mẹ của thánh Bênađô (1090-1153), ngoài tràng chuỗi 150 kinh Lạy Cha, các đan sĩ Xitô còn thêm tràng chuỗi 150 hạt để đọc kinh Kinh Mừng. Tràng chuỗi được gọi là bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ (Psalterium Beatae Mariae Virginis). Nên lưu ý là đang khi kinh “Lạy Cha” đã có hình thức cố định trong Tân ước (với hai mẫu thức theo Tin mừng Matthêu 6,9-13 và Luca 11,9-13, tuy mẫu thức của Matthêu phổ biến hơn), thì kinh “Kính mừng” phải chờ 16 thế kỷ mới mang hình thức cố định. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, có người đã xử dụng lời chào của sứ thần và của bà Elizabeth để chào Đức Maria (Lc 1,28.42), nhưng mãi đến thế kỷ XI, người ta mới dùng như lời cầu nguyện, và kết thúc tại đó (Ave Maria gratia plena, Dominus tecum, / benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui). Thánh danh “Giêsu” được thêm vào giữa thế kỷ XII. Phần thứ hai của kinh Kính mừng xuất hiện từ thế kỷ XIV (nghĩa là sau thánh Đaminh), lúc đầu ngắn ngủi (“Sancta Maria, ora pro nobis”), rồi dần dần, mỗi nơi mỗi thời kèm thêm một vài lời khẩn nài (chẳng hạn: “xin Mẹ cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi”). Mãi đến khi đức thánh Piô V công bố sách nguyện cải tổ theo ý định công đồng Trentô (năm 1568), kinh Kính mừng mới mang một hình thức cố định trong toàn thể Hội thánh.
3/ Việc đọc kinh Kính mừng gắn liền với cuộc đời Chúa Cứu thế
Việc đọc bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ chưa đủ để tạo nên căn tính của Kinh Mân côi. Cần phải đi thêm bước thứ ba nữa, đó là gắn liền kinh Kính mừng với các mầu nhiệm của Chúa Cứu thế. Giai đoạn này diễn ra vào thế kỷ XV với nhiều sáng kiến khác nhau, trở thành nguyên nhân cho nhiều cuộc tranh luận giữa các sử gia. Có hai sáng kiến nổi bật nhất, một của Dòng Chartreux, một của Dòng Đaminh.
a) Sáng kiến thứ nhất của Dòng Chartreux[5] do hai tu sĩ sống hầu như đồng thời nhưng có lẽ không quen biết nhau. Một là cha Henricus Egher Kalcar (1328-1408) ở Koln, chia bộ thánh vịnh Đức Mẹ ra thành 15 chục (có lẽ dễ đếm trên các ngón tay), và đầu mỗi chục thì thêm một kinh Lạy Cha. Hai là cha Dominicus Prussia (1384-1460)[6]: vào cuối mỗi kinh Kính mừng (lúc đó chỉ có phần thứ nhất, sau thánh danh Giêsu, thêm một câu ngắn liên quan đến cuộc đời Chúa Cứu thế. Tất cả là 50 câu: 14 câu về thời thơ ấu, 6 câu về thời hoạt động công khai, 23 câu về cuộc tử nạn, 7 câu về cuộc Khải hoàn. Thí dụ Ave Maria, gratia plena, Dominus tecum. Benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui Jesus Christus, quem Angelo nuntiante de Spiritu Sancto concepisti. Amen… (và Giêsu, Đấng mà Bà thụ thai do Chúa Thánh Thần khi sứ thần truyền tin. Amen)
b) Sáng kiến thứ hai của Dòng Đaminh, do cha Alain de la RocheP.[7] quảng bá. Sự đóng góp của cha Alain vào sự phát triển kinh Mân côi thật lớn : cha đã phân chia bộ thánh vịnh Đức Mẹ ra làm ba phần để kính nhớ cuộc Nhập thể, Tử nạn, Vinh hiển của Chúa Kitô. Vào mỗi kinh Kính mừng, cha thêm một tư tưởng suy niệm các chân lý đức tin. Như vậy ngoài việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng, cha Alain còn thêm việc suy ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô. Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm để giải thích ý nghĩa của kinh Mân côi (Tractatus de Rosario B. Mariae Virginis, Koln 1472 ; Quodlibet de veritate fraternitatis Rosarii seu Psalterii beatae Mariae Virginis, Koln 1476). Từ nay, “thánh vịnh đức Mẹ” được đổi tên thành “vòng hoa hường trinh nữ Maria”.
Ngoài việc rao giảng Kinh Mân côi, cha Alain còn thành lập “Hiệp hội thánh vịnh Mẹ Maria” (Confrérie du psautier de Notre Dame), bắt đầu tại Douai (1470). Các hội viên cam kết đọc hết 150 kinh Kính mừng mỗi ngày[8], cũng như cam kết xưng tội rước lễ vào lúc ghi danh và mỗi năm ba lần (lễ Hiện xuống, lễ thánh Đaminh, lễ Giáng sinh). Như vậy qua việc đọc kinh Mân côi, các hội viên được thúc giục đào sâu các mầu nhiệm đức tin và tham gia các bí tích nữa.
Phong trào của cha Alain bành trướng mau lẹ, một phần cũng nhờ sự hợp tác của anh em cùng Dòng. Năm 1474, một bàn thờ dành cho Hội Mân côi đã được thành lập tại tu viện Frankfurt. Năm 1475 (năm mà cha qua đời), cha bá cáo cho biết rằng số hội viên lên tới hơn 50 ngàn. Cũng vào năm ấy, Huynh đoàn Mân côi (Fraternitas Rosarii) được thành lập tại Koln (do bề trên Giacôbê Sprenger). Tuy gặp vài chống đối đây đó nhưng cả hai hiệp hội tại Lille và Koln đã được giáo quyền địa phương châu phê. Sang năm 1479, chính Đức Giáo hoàng Sixtô IV đã châu phê hiệp hội, với bulla Ea quae ex fidelium (8/5/1479), mở màn cho các văn kiện Toà thánh về kinh Mân côi.
Trước sự bành trướng mạnh mẽ của kinh Mân côi như vậy, cha Alain nghĩ rằng chắc là phải có sự can thiệp từ trời cao. Trong bối cảnh ấy, cha đã gán việc thành lập kinh Mân côi cho một “thị kiến” trông thấy Đức Mẹ đã trao tràng hạt cho thánh Đaminh như khí cụ bài trừ lạc giáo[9]. Đây là một “lý luận” rất thông thường vào thời đó. Cha Dominico de Prussia cũng cho rằng mình đã nhận sáng kiến từ một “thị kiến”. Không thiếu sử gia cho rằng cha Alain đã lẫn lộn cha Dominico de Prussia với thánh Đaminh (Dominico de Guzman). Nhưng có ý kiến phản biện rằng Cha Alain không lẫn lộn đâu, vì cha có quen biết cha Dominico de Prussia, nhưng không đồng ý với sáng kiến của dòng Chartreux muốn rút gọn kinh Mân côi xuống còn 50 kinh Kính mừng, đang khi nguồn gốc của bộ thánh vịnh kính Đức Mẹ phải gồm đủ 150 kinh.
Một chặng nữa trên đường tiến triển của kinh Mân Côi là trong một cuốn sách xuất bản tại Venezia vào năm 1521 (năm nay kỷ niệm 500 năm), cha Alberto da Castello O.P. đã phân chia ba mầu nhiệm lớn của bộ thánh vịnh kinh Đức Mẹ (Nhập thể, Tử nạn, Vinh hiển của Chúa Kitô) thành 15 mầu nhiệm nhỏ.
Văn kiện quan trọng nhất của Toà thánh về kinh Mân côi là bulla Consueverunt Romani Pontifices (17/9/1569) của đức thánh giáo hoàng Piô V (OP), trong đó ngài kể lại nguồn gốc, mô tả bản chất, và những mục tiêu của việc đọc kinh Mân côi. Việc đọc kinh Mân côi đã được phổ biến rộng rãi trong toàn thể Hội thánh nhất là từ khi đức Piô V nhìn nhận sự chiến thắng của đạo quân công giáo chống lại sự tấn công của quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lêpantô (5/10/1571) là do lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria. Trong công hội (consistorium) ngày 17/3/1572 ngài quyết định thiết lập lễ Mân côi để kính nhớ biến cố này. Tiếc rằng ngài đã qua đời (1/5/1572) trước khi thực hiện ý định. Theo lời thỉnh nguyện của cha Serafino Cavalli (tổng quyền Dòng Đa Minh), đức Grêgôriô XIII đã thiết lập lễ Mân côi (bulla Monet Apostolus, 1/4/1573) và cho phép cử hành vào chúa nhựt đầu tháng 10 tại bất cứ thánh đường nào có bàn thờ kính Đức Mẹ Mân côi. Ngày 3/10/1716, đức Clêmentê XI nới rộng lễ này ra toàn thể Hội thánh để ghi nhớ một cuộc chiến thắng khác của lực lượng công giáo đẩy lui quân Thổ-nhĩ-kỳ tại Peterwarodine (gần Vienna, ngày 5/8/1716).
Dù sao, kinh Mân côi từ thời thánh Piô V đã được ấn định là 150 kinh kính mừng được phân ra làm 15 chục. Cầu trúc này được duy trì cho đến ngày này. Duy có điều là với tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002), ĐTC Gioan Phaolô II đã thêm 50 chục kinh mầu nhiệm Ánh sáng. Như vậy, tràng chuỗi Mân côi ngày nay gồm 200 hạt, nhưng có lẽ ít người muốn “cập nhật” bởi vì dài quá! Chúng ta thường chỉ mang chuỗi 50 kinh.
B. Tiến triển về nội dung
Việc mô tả sự tiến triển hình thức vừa rồi đã cho thấy phần nào sự tiến triển về nội dung, từ chỗ đọc 150 kinh Kính mừng đến việc gắn với việc suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu thế. Ở đây, khi bàn vê sự tiến triển về nội dung, chúng tôi chỉ muốn nêu bật sự chuyển hướng từ kinh nguyện kính Đức Mẹ sang kinh nguyện kính Chúa Giêsu, và điều này xảy ra sau công đồng Vaticano II.
Kinh Mân côi dịch từ Rosarium tiếng Latinh. Cha Alain tránh dùng tên ấy, và muốn gọi kinh này là Psalterium B.M.V., bởi vì vào thời ấy từ Rosarium mang ý nghĩa hàm hồ. Rosarium đôi khi được hiểu là một hợp tuyển những bài ca hay các danh ngôn. Rosarium cũng có nghĩa là vòng hoa hường mà các công tử mang biếu người đẹp. Rosarium cũng có nghĩa vòng hoa hường mà các cô bé đội trên đầu. Vết tích của ý nghĩa này còn được lưu lại trong tiếng Pháp chapelet (cái nón nhỏ : petit chapeau). Dù nói thế nào đi nữa, đây là một lời kinh kính Đức Mẹ, muốn dâng lên Mẹ những tràng hoa hồng để tỏ lòng thảo hiếu.
Sang thế kỷ XX, trong bối cảnh canh tân phụng vụ cũng như đối thoại đại kết, trọng tâm của kinh này đã được di chuyển từ Đức Maria sang Chúa Kitô. Trong số những văn kiện Toà thánh sau công đồng Vaticanô II bàn về kinh Mân côi, cần phải nhắc đến tông huấn Marialis cultus của đức Phaolô VI (2/2/1974) và tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002). Hai văn kiện này không chỉ khuyến khích tăng gia việc lần hạt nhưng nhất là vạch cho thấy giá trị thần học của Kinh Mân côi, theo đó kinh Mân côi không phải là kinh kính Đức Mẹ cho bằng kinh kính Chúa Giêsu ; hay nói cách chính xác hơn : đây là kinh nguyện chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu nhờ cặp mắt và trái tim của Mẹ Maria[10]. Trong tông huấn Marialis cultus (số 42 ; 46), Đức thánh cha Phaolô VI đã gọi kinh Mân côi là “toát yếu Tin mừng” totius Evangelii breviarium[11]; và “kinh nguyện Tin mừng” (oratio evangelica) bởi vì nhắm đến trung tâm là mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc của Chúa Kitô (xc. GLCG số 971).
Tông thư của đức thánh cha Gioan Phaolô II một đàng lặp lại giáo huấn của vị tiền nhiệm, đàng khác đã mở ra nhiều hướng mới về đạo lý cũng như về thực hành. Xét về nội dung, tông thư giới thiệu kinh Mân côi như kết hiệp với Đức Maria để chiêm ngắm Chúa Kitô : từ chỗ nhớ lại cuộc đời của Chúa, đến chỗ bắt chước, khẩn cầu cũng như loan báo. Những chiều kích này trùng hợp với kinh nguyện phụng vụ, xoay quanh các biến cố Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô (số 18-25). Xét về thực hành, có thể ví buổi đọc kinh Mân côi như một buổi Lectio divina (số 26-38) với bốn bước cổ điển: công bố Lời Chúa (lectio), thinh lặng (meditatio), cầu nguyện (oratio, đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng), chiêm ngắm (contemplatio kinh Sáng danh).
II. Vài suy tư
Vì thời giờ ngắn ngủi, tôi chỉ xin đưa vài suy tư ngắn ngủi, xoay quanh hai mục: 1/ bản chất Kinh Mân côi. 2/ Kinh Mân côi trong bối cảnh Việt Nam
A. Bản chất Kinh Mân côi
Chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở hai điểm: 1/ hình thức cầu nguyện, 2/ đối tượng cầu nguyện
1/ Hình thức cầu nguyện
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo kê ra ba hình thức cầu nguyện: khẩu nguyện (số 2700-2703); suy niệm (số 2705-2708); chiêm ngắm (số 2709-2719). Kinh Mân côi bao gồm cả ba hình thức ấy. Quả là tuyệt vời! Tông thư Rosarium Virginis Mariae của ĐTC Gioan Phaolô II đã vạch ra 5 chiều kích của việc chiêm ngắm Kitô giáo như sau (số 13-17): a) Hồi tưởng công trình của Thiên Chúa; b) Học hỏi Chúa Kitô; c) Họa theo Chúa Kitô; d) Khẩn cầu Chúa Kitô; e) Loan báo Chúa Kitô.
2/ Đối tượng cầu nguyện
Đối tượng của việc chiêm ngắm là mầu nhiệm Đức Kitô. Như đã nói trên đây, có một sự chuyển hướng quan trọng trong việc xác định bản chất của kinh Mân côi. Vào lúc đầu, kinh này được quan niệm như là một tràng hoa hồng dâng kính Mẹ Maria (bộ thánh vịnh 150 kinh kính mừng); nhưng ĐTC Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng đây là một việc chiêm ngắm các mầu nhiệm Đức Kitô, với cặp mắt và trái tim của Mẹ Maria. Lối giải thích này hợp lý hơn bởi vì trong khi năm mầu nhiệm mùa Vui, ta thấy có sự hiện diện của Mẹ, nhưng qua các mầu nhiệm mùa Sáng (ngoại trừ tiệc cưới Cana) và mùa Thương thì Mẹ rút vào bóng tối.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã dành các số 512-560 để bàn về đề tài “Các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô”: các biến cố cuộc đời Đức Kitô mặc khải Thiên Chúa và thực hiện ơn cứu độ nhân loại. Chúng tôi chỉ muốn ghi nhận bốn điểm:
a) Trước đây, nhiều khí chúng ta chú trọng đến chi tiết của 15 mầu nhiệm (mùa Vui – Thương – Mừng) mà quên rằng tất cả xoay quanh ba trục chính của công trình Đức Kitô, đó là: mầu nhiệm Nhập thể, Thập giá và Phục sinh (hay Vượt qua).
b) Trong lịch sử thần học, ngay từ thời các giáo phụ, có hai điểm nhấn khác nhau về ý nghĩa ơn cứu độ. Bên Đông phương, ơn cứu độ hệ tại việc “Con Thiên Chúa làm người ngõ hầu con người được làm con Thiên Chúa”; do đó ơn cứu độ được thực hiện kể từ lúc Nhập thể. Bên Tây phương, ơn cứu độ hệ tại con người tội lỗi được hòa giải với Thiên Chúa; và điều này được thực hiện nơi thập giá của Đức Kitô (cuộc phục sinh không được nhấn mạnh lắm)[12].
c) Có một khoản trống giữa việc nhập thể và vượt qua của Đức Kitô. Cuộc đời ẩn dật tại Nazareth và cuộc đời công khai giảng đạo có góp phần vào công trình cứu độ không? Lấy lại tư tưởng của thánh Tôma Aquinô, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo coi cuộc đời ẩn dật, các lời giảng, các việc thương xót chữa lành cũng mang tính cách cứu độ (số 517; 535-560). Đó là lý do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chen thêm “Năm sự sáng” vào kinh Mân côi.
d) Dựa theo tiêu chuẩn nào để “chọn lọc” 5 mầu nhiệm cuộc đời công khai của Chúa Kitô? Thật là khó nói. Người ta nhận thấy rằng ngay từ năm 1957, thánh Georges Preca, một linh mục hăng say với công cuộc huấn giáo ở Malta (1880-1962), đã viết một cuốn sách về Năm mầu nhiệm ánh sáng: (1) Đức Giêsu lãnh phép rửa tại sông Giordan và được đưa vào hoang địa; (2) Đức Giêsu tự mặc khải là Thiên Chúa bằng lời nói và phép lạ; (3) Đức Giêsu giảng dạy các mối phúc trên núi; (4) Đức Giêsu biến hình trên núi; (5) Đức Giêsu dùng bữa tiệc lý với các tông đồ[13]. Phải chăng Đức Gioan Phaolo II đã được gợi hứng từ đây?
B. Trong bối cảnh Việt Nam
Chúng tôi muốn thêm bốn nhận xét về việc chuyển dịch các từ ngữ liên quan đến kinh Mân côi, các mầu nhiệm, các hoa trái và cuối cùng Kinh Kính mừng.
1/ Tên gọi của kinh
Theo ông Nguyễn Cung Thông[14], lúc đầu, ở nước ta, kinh này được gọi là kinh Rosa (hoặc Rosario). Mãi đến từ điển Taberd (1838) mới thấy tên gọi “Hoa Môi khôi”. Dù sao nên biết ở miền Trung và Nam, từ “Môi khôi” thông dụng hơn, còn miền Bắc thì quen gọi là “Mân côi, hay Văn côi” từ thế kỷ XIX. Những từ này gốc Hán Việt và có thể đọc theo nhiều cách khác nhau: Mai (hoặc Mân, Môi) là hoa hồng, bông hường; Côi (Khôi) là đá quý.
2/ Tên gọi ba mùa
Chúng ta quen gọi năm sự Vui -Thương – Mừng. Nhưng thử hỏi: có cái vui nào mà chẳng mừng, và có cái mừng nào mà chẳng vui? Thực ra nếu muốn dịch sát nghĩa, thì phải gọi là các mầu nhiệm “Vui mừng” (gaudiosa, joyful) – “Đau thương” (sầu khổ, dolorosa, sorrowful) – “Vinh hiển” (vinh quang: gloriosa, glorious).
3/ Các hoa trái
Nếu ai có dịp tham dự buổi đọc kinh Mân côi ở nước ngoài, thì sẽ thấy người ta chỉ xướng lên mầu nhiệm (thí dụ Truyền tin cho Đức Mẹ); ở Việt nam còn thêm “ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”. Tục lệ này bắt nguồn từ đâu vậy? Sau khi đi tra cứu, tôi thấy rằng đây không phải là sáng kiến của dân ta, nhưng là do thánh Louis Marie Grigion de Montfort, (Le Secret Admirable du Très Saint Rosaire)[15]. Sau khi suy niệm một mầu nhiệm, ngài thêm ý nguyện xin bắt chước bằng việc thực hành một nhân đức, được gọi là “hoa trái” (fruits). Thực ra danh sách các hoa trái trong nguyên bản rộng hơn là tập tục của Việt Nam. Xin trưng dẫn để đối chiếu[16] .
a) Các mầu nhiệm vui mừng: Khiêm nhường; Bác ái với tha nhân; Thoát ly khỏi của cái thế gian, yêu mến đức thanh bần và những người nghèo; Vâng lời (hoặc: Thanh tịnh xác hồn); Sự khôn ngoan của Thiên Chúa (hoặc: niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu).
b) Các mầu nhiệm đau thương: Thống hối tội lỗi (hoặc: vâng theo ý Chúa); Khổ chế giác quan; Khinh chê thế gian (hoặc lòng can đảm); Kiên nhẫn vác các thánh giá của mình; Cầu xin cho các tội nhân được hoán cải, người lành được bền tâm; các linh hồn trong luyện tội được nâng đỡ (hoặc: tha thứ; chết lành).
c) Các mầu nhiệm hiển vinh: Lòng yêu mến Thiên Chúa và nhiệt tâm phụng sự Ngài (hoặc: đức tin); Ước mong quê thật trên trời (hoặc: đức hy vọng); Chúa Thánh Linh ngự xuống tâm hồn chúng ta (hoặc: đức mến, ơn thâm hiểu); Lòng thảo hiếu với Đức Mẹ; Bền đỗ trong ân sủng và xin được hạnh phúc trên thiên đàng (hoặc: tin tưởng vào lời chuyển cầu của Đức Mẹ).
Dĩ nhiên, không ai cấm chúng ta thay đổi các ý chỉ này. Chẳng hạn như khi chiêm ngắm mầu nhiệm truyền tin chúng ta có thể xin cho biết đáp lại lời Fiat như Đức Mẹ, hoặc sống sự tự hủy (kenosis) của Đức Kitô.
4/ Kinh Kính mừng
Kinh Kính mừng đã mất hơn 15 thế kỷ mới có hình thức nhắt định. Sang nước Việt Nam, cũng cần ba thế kỷ mới đạt được bản dịch như ngày nay[17]. Chúng tôi chỉ trưng dẫn vài mẫu tượng trưng.
a) Tiền bán thế kỷ XVII: “A Ve Ma Ri A, đầy ga ra sa, Chúa Dêu ở cùng Bà, nữ trung Bà có phúc lạ, Bà thai tử Giê Su , Người là Mẹ Đức Chúa Trời, thì xin cầu cho chúng tôi vì là kẻ có tội, lại xin phù hộ khi còn sống và khi rình qua đời”.
b) Năm 1869: “A Ve Ma Ri A đầy ga ra sa, Chúa Deo ở cùng bà, nữ trung bà có phúc lạ, bà thai tử Giê Su gồm phúc lạ. Sang Ta Ma Ri A đức mẹ chúa Deo, cầu cho chúng tôi kẻ có tội khi nay cập thần đẳng tử hầu”.
c) Đầu thế kỷ XX: “Ave Maria, đầy ga-la-ti-a, Chúa Dêu ở cùng bà, nữ trung bà có phước lạ, thai tử Giê-su gồm phước lạ. Xăng-ta Maria, Đức Mẹ Chúa Dêu, cầu cho chúng tôi, khi nay và cập thần đẳng tử hậu. Amen”.
d) Giữa thế kỷ XX (sau công đồng Đông dương): “Kính mừng Maria đầy ơn phúc (phước), Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ, hơn mọi người Nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này (nay) và trong giờ lâm tử. Amen”.
Điều chúng tôi muốn lưu ý là “benedictus” và “benedicta” trong lời chào của bà Elizabeth (Lc 2,42) được dịch là “có phúc lạ”. Nhóm Các Giờ kinh phụng vụ dịch sát nghĩa hơn là “được chúc phúc” (Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc). Theo nghĩa này, người ta có thể xen thêm “và Giêsu, Đấng (Bà đã cưu mang, Đấng Bà mang đến viếng thăm bà Ysave, Đấng Bà đã sinh ra, Đấng được dân hiến cho Chúa Cha, Đấng dạy dỗ trong đền thờ, vv.) được chúc phúc”.
Kết luận: Kinh Mân côi với Dòng Đaminh
Như đã nói ở đầu, mỗi khi nói đến nguồn gốc Kinh Mân côi, người ta không thể nào bỏ qua thánh Đaminh. Liệu những nghiên cứu lịch sử gần đây có làm lung lay mối tương quan ấy không?
Xin thưa rằng kinh Mân côi không do Đức Mẹ trao cho thánh Đaminh, nhưng nó trở thành gia sản của Dòng. Ta có thể chứng tỏ điều này qua nỗ lực truyền bá kinh Mân côi kể từ cha Alain de la Roche, xuyên qua các Hiệp Hội Mân côi[18]. Trong cuốn “Tìm hiểu Dòng Đaminh”, tôi cũng đã trình bày những sáng kiến khác trong thế kỷ XX nhằm cổ vũ kinh này: hội Mân côi sống (do chị Pauline Jaricot sáng lập), hội Mân côi liên lỉ (do cha Augustin Chardon), Equipes du Rosaire, vv.[19]. Về mặt cơ chế, tại Trung ương của Dòng có một vị Tổng đặc trách Kinh Mân côi, và mỗi tỉnh dòng cũng có một đặc trách cổ võ kinh Mân Côi[20].
Dù sao, với hướng đi của Huấn quyền ngày nay, kinh Mân côi không chỉ là một việc đạo đức nội bộ, nhưng được gắn liền với trung tâm của Kitô giáo, tức là các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Rao giảng kinh Mân côi cũng là rao giảng Tin mừng, bằng ngôn ngữ sát với đời sống thường ngày. Cầu nguyện kinh Mân côi cũng mang một hình thức tương tự như cử hành phụng vụ và lectio divina. Thật là một gia sản đáng cho chúng ta cần trân trọng, đặc biệt khi những cổ động viện của kinh Mân côi không chỉ là các giáo hoàng nhưng nhất là chính Đức Mẹ Maria khi hiện ra ở Lourdes và Fatima.
————————
Thư mục
(Những tác phẩm bàn về nguồn gốc kinh Mân côi)
Thomas Esser, Unserer lieben Frauen Rosenkranz, Schöningh, Paderbon, 1889.
Franz Michel Willam, Die Geschichte und Gebetsschule des Rosenkranzes, Herder, Wien 1948.
Stefano Orlandi (a cura di), Libro del Rosario della Gloriosa Vergine Maria, Centro Internazionale Domenicano Rosariano, Roma, 1965.
Gilles Gérard Meersseman, Ordo Fraternitatis. Confraternite e pietà dei laici nel Medioevo, 3 voll., Herder, Roma 1977
Riccardo Barile, Il Rosario della Vergine, ESD Bologna 1990.
Anne Winston-Allen, Stories of the Rose. The Making of the Rosary in the Middle Ages, Penn State University Press, University Park (Pennsylvania) 1997.
Boguslaw Kochaniewicz, The contribution of the Dominicans in the development of the Rosary, in: Angelicum 81 (2004), 377-403.
————————-
[1] Phan Tấn Thành, Thánh Đa Minh: Sử ký và thánh ký, TSTH số 93 (tháng 8 năm 2021), trang 43-86.
[2] Phan Tấn Thành, Tìm hiểu Dòng Đa Minh. Học viện Đa Minh 2016, chương 16 “Dòng Đa Minh với Đức Maria” trang 240-256.
[3] Phan Tấn Thành, Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương (Đời sống tâm linh IV), NXB Phương Đông, TPHCM 2017, trang 187-195.
[4] Được gọi là kombológion hay komboskoínon (kómbos tiếng Hy-lạp có nghĩa là nút dây).
[5] Dòng Chartreux lấy tên từ địa điểm thành lập La Chartreuse (Pháp) năm 1084 do thánh Bruno (1030-1101). Lễ kính 6 tháng 10.
[6] Dominicus Prutenus (Dominikus von Preussen) được gọi theo nguyên quán (Danzica, ngày nay thuộc nước Ba-lan, nhưng thời ấy thuộc nước Phổ; Prussia), tên thật là Helion, sinh năm 1382, gia nhập đan viện dòng Chartreux ở Trier năm 1409, và qua đời năm 1460.
[7] Tên gọi là Alain de la Roche, tiếng Latinh là Alanus a Rupe (1428‑1475), phiên âm ra tiếng Ý và Tây-ban-nha thành Alanô. Cha sinh tại Dinan (Bretagne, Pháp), gia nhập dòng Đaminh năm 1459, và đã từng dạy học tại Paris và giảng thuyết tại nhiều nơi ở Pháp, Bỉ, Đức. Cha qua đời tại Zwolle (Hà Lan) và được dòng Đaminh kính như chân phúc tuy chưa được Giáo hội tuyên phong (lễ ngày 9 tháng 9).
[8] Cha Alain muốn các hội viên mỗi ngày đọc 150 kinh Kính mừng. Tại Koln, nghĩa vụ được giảm bớt : các hội viên chỉ buộc đọc mỗi tuần 150 kinh Kính mừng.
[9] Tục truyền còn gán cho cha Alain 15 lời hứa của Đức Mẹ dành cho kẻ siêng năng đọc kinh Mân Côi. Nhưng các văn kiện Tòa Thánh không đả động gì đến chuyện này.
[10] Một hệ luận mục vụ là có thể đọc kinh Mân côi đang lúc chầu Mình Thánh Chúa.
[11] Thuật ngữ đã được đức Piô XII sử dụng từ năm 1946: Epistula Philippinas Insulas ad Archiepiscopum Manilensem, AAS 38,1946, p. 419.
[12] X. Phan Tấn Thành, Thần học và mầu nhiệm cứu độ, Thời sự thần học số 90 (tháng 11 năm 2020), trang 86-139, đặc biệt trang 100-101.
[13] John Formosa and Anthony Cilia, St George Preca and the new Rosary mysteries, https://ocarm.org/en/item/3415-st-george-preca-the-new-rosary-mysteries
[14] Nguồn: https://cvdvn.net/2019/10/25/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-trang-hot-chuoi-hot-chuoi-man-khoi-mai-khoi-moi-coi-phan-19
[15] Thánh Louis Marie Grignion de Monfort (1673-1716), nổi tiếng với cuốn sách “Thành thực sùng kính Đức Maria”, được ĐTC Gioan Phaolo II nhắc đến ở số 13 của tông thư về Kinh Mân côi.
[16] Méthodes pour réciter le Rosaire (Saint Louis-Marie Grignion de Montfort) : https://www.christ-roi.net/index.php/M%C3%A9thodes_pour_r%C3%A9citer_le_Rosaire_(Saint_Louis-Marie_Grignion_de_Montfort)
[17] Nguyễn Cung Thông, “Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes – các khuynh hướng dịch tiếng nước ngoài ra tiếng Việt: trường hợp bản Kinh Kính Mừng” (phần 26), https://nghiencuulichsu.com/2021/01/04/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-cac-khuynh-huong-dich-tieng-nuoc-ngoai-ra-tieng-viet-truong-hop-ban-kinh-kinh-mung-phan-26
[18] Boguslaw Kochaniewicz, The contribution of the Dominicans in the development of the Rosary, in: Angelicum 81 (2004), 377-403.
[19] Xc. Tim hiểu Dòng Đa Minh, Học viện Đa Minh 2016, trang 253-256. Ở trang 256 có thư tịch liệt kê những văn kiện của các bề trên tổng quyền từ năm 1963 đến năm 2010.
[20] Đặc trách của tỉnh dòng Việt Nam hiện nay là anh Phanxicô Xavie Trần Kim Ngọc, và một trong những phương tiện cổ động là mạng lưới hoimancoi.net và kinhmancoi.net
Nguồn tin: https://catechesis.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 283 | Tổng lượt truy cập: 4,166,657