LƯỢC SỬ TU VIỆN MẸ LÊN TRỜI TRUNG ĐỒNG
Nguồn gốc : Năm 1916 | Bổn mạng : 15.8 |
Thành lập Tu viện : 07.10.2004 | Gx/ Gp : Trung Đồng - Thái Bình |
Điện thoại : 0227 3 674 455 | Email : tuvienmelentroi@gmail.com |
Địa chỉ : Thôn Ái Quốc, xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình |
Tu viện Mẹ Lên Trời - Trung Đồng, tên gọi xưa là nhà Mụ Trung Đồng, nằm trên địa bàn xã Nam Trung - huyện Tiền Hải - tỉnh Thái Bình. Tu Viện Trung Đồng nằm cách Toà Giám mục Thái Bình khoảng 30 Km về hướng Đông Nam, phía Đông giáp Giáo xứ Đền thánh Đông Phú; phía Tây giáp Giáo xứ Thanh Minh; Phía Nam giáp Giáo xứ Nam Biên; phía Bắc giáp Giáo xứ Thủ Chính.
II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Tu viện Trung Đồng được khởi đi từ Nhà Mụ Trung Đồng, được thành lập năm 1916, dưới sự hướng dẫn của cha Đa Minh Nguyễn Trí Tuệ. Theo “Sử Ký địa phận Trung” (1916), trong Địa phận Trung có mười bẩy nhà Mụ về dòng thứ ba ông thánh Duminhgu[1], và ba nhà Mụ dòng mến Câu rút; các nhà mụ này đã có từ lâu, trừ một nhà Mụ về xứ Trung Đồng mới khai lập năm 1916.[2]
1. Giai đoạn: 1916 - 1935
Năm 1916, cha Đa Minh Nguyễn Trí Tuệ khởi công xây dựng nhà Mụ Trung Đồng[3] trên khu đất 2000 m2 và một ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông bà Hậu - Vóc [4] đã dâng tặng để Cha Đa Minh xây dựng nhà Mụ.
Tháng 08.1916, nhà Mụ Bùi Chu đã cử 6 chị: Maria Vũ Thị Nghĩa, Maria Phạm Thị Ri, Maria Nguyễn Thị Lê, Maria Trần Thị Thi, Maria Nguyễn Thị Màu, và chị Maria Nguyễn Thị Mai về Nhà Mụ Trung Đồng để cộng tác với cha Đa Minh Nguyễn Trí Tuệ trong việc mở mang Nước Chúa. Từ đó, cơ sở này đã trở thành trụ sở đầu tiên của các chị em nhà phước Trung Đồng. Chị Maria Vũ Thị Nghĩa làm chị nhất tiên khởi.
Với cơ sở hạ tầng, nhà Mụ gồm: một dẫy nhà lầu (10 gian) và dẫy nhà trệt (14 gian), chia làm nhiều phòng ở, nhà nguyện, nhà cơm, nhà bếp, nhà để kéo tơ, dệt vải, dệt chiếu, làm thuốc và một khu để chăn nuôi, khuôn viên nhà phước có ao nuôi cá, vườn trồng rau và bên cạnh khu vực nhà phước có mấy mẫu ruộng để cấy lúa.
Về mưu sinh, chị em sống bằng nghề ruộng vườn, chăn nuôi, dệt vải, dệt chiếu, bào chế thuốc Đông Y. Chị em sống đơn nghèo, ăn uống đạm bạc, ăn mặc giản dị: áo quần chỉ được mặc áo vải thâm, hay vải nâu; đi chân không.[5]
Các chị tích cực cộng tác với các linh mục trong việc tông đồ mục vụ. Các chị nhận dạy giáo lý cho trẻ em và các nữ dự tòng, chia thành hai người một đi len lỏi và các làng lương dân bán thuốc, hầu có dịp tiếp xúc và loan báo Tin Mừng, rửa tội cho trẻ em nguy tử hoặc chuộc lấy đem về chăm sóc. Ngoài ra các chị còn nuôi các em bé mồ côi, khuyết tật mà khắp nơi đem đến gửi hoặc bỏ rơi ở cổng nhà phước.
Về kinh nguyện, mỗi ngày các chị nguyện bảy giờ theo mẫu kinh đã soạn, suy niệm về cuộc thương khó của Chúa. Chia đều trong ngày, và quen gọi là “giờ tý, giờ dần, giờ mão, giờ thìn, giờ ngọ, giờ mùi và giờ thân”. Việc đọc sách thì “phải đọc một ngày một truyện thánh, hay là một đoạn sách vườn hoa, hay là sách khác chẳng kỳ, mặc ý bề trên dạy”.[6]
Thập niên 1920, Giáo Hội mới có tên nhà phước thay cho nhà mụ.[7] Nhà Mụ Trung Đồng lúc này được đổi tên là Nhà Phước Trung Đồng.
2. Giai đoạn 1935 - 1954
Năm 1935, được các Đấng bản quyền và các linh mục giúp đỡ, chị em nhà phước ngày càng thêm khả năng hội nhập và đáp ứng như cầu của Giáo Hội và xã hội. Nhà phước Trung Đồng tiếp tục mở rộng biên cương phục vụ, các chị cắt cử chị em sang phục vụ tại giáo xứ Đông Thành, và thành lập thêm nhà phước Đông Thành năm 1935.
Trong giai đoạn này các Nhà Phước không ngừng phát triển về cơ sở vật chất, về những lãnh vực phục vụ. Thống kê năm 1939 của Les Missions Catholiques en Indochine: “Giáo phận Thái Bình có 280 dì phước tại 12 nhà: Ninh Cù, Trung Đồng, Ngọc Đồng, Cao Mộc, Viên Tiêu, Tiên Chu, Phương Xá, Đông Thành, Bồ Ngọc, Cổ Việt, Thân Thượng”[8].
Theo thống kê năm 1945, nhà phước Trung Đồng có 50 chị em hoạt động truyền giáo và cống hiến tại các địa điểm: Nhà thương Bác Trạch - xứ Bác Trạch (chị Maria Mến, chị Maria Ơn), nhà thương xứ Duyên Lãng (chị Maria Thành, Maria Nụ), nhà thương Xuân Hoà - xứ Xuân Hoà (chị Maria Huệ, Maria Thanh, Maria Ri), nhà thương Lạc Thành - xứ Lạc Thành (chị Maria Ne, Maria Nhường), nhà thương Thanh Châu - xứ Thanh Châu (chị Maria Hương, Maria Nhường). Đỉnh điểm của nạn đói là tháng 03.1945, các chị mua một phần ruộng ở nghĩa trang để chôn các em bé, người ta cứ đưa đến cổng nhà phước và bỏ, các cháu còn sống thì các chị chăm sóc, còn các cháu chết các chị chất xác lên xe bò, đưa đi chôn cả mấy nghìn cháu.
Thời gian này, các chị hy sinh phục vụ trong mọi môi trường, các chị luôn nêu cao chứng tá Tin Mừng. Qua đời sống gương mẫu, các chị được tín nhiệm nơi các giáo xứ, nhà thương,… Các chị vui vẻ hoàn thành mọi trách nhiệm được trao phó như: làm thuốc, nuôi tằm dệt vải, làm vườn, làm ruộng, chăn nuôi, dệt chiếu, làm hàng sáo. Giai đoạn này, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, mặc dù đường xá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt nhưng các chị em vẫn lo chuẩn bị nước mắm, mắm tôm, mắm tép, gạo,… để từ 3 giờ sáng đã đội hoặc gánh bộ lên Toà Giám Mục giúp cho Đức cha Đa Minh Đinh Đức Trụ nuôi các cha các thầy ăn học.
3. Giai đoạn 1954 - 1975
Hiệp định Genève ký kết chấm dứt chiến tranh Việt – Pháp, nhưng đồng thời chia cắt nước Việt Nam làm hai, Tại Giáo phận Thái Bình, biến cố di cư 1954 làm cho Giáo phận trở nên tan hoang. Hơn một nửa giáo dân và hầu hết các linh mục ồ ạt kéo nhau vào Nam.[9] Thời điểm này, một số chị em thuộc nhà phước Trung Đồng và Đông Thành cũng theo đoàn người di cư vào Nam và dừng chân tại Tân Lập.[10] Lúc này, nhà phước Trung Đồng chỉ còn lại 18 chị em.
Cuộc cải cách ruộng đất năm 1956, nhà nước lấy hết ruộng chỉ chia cho 18 chị 1,8 sào đất. Trâu của nhà phước thì bị hợp tác xã tịch thu, nhưng lại giao cho các chị nuôi. Tuy nhiên ngay giữa những khó khăn phức tạp, các chị vẫn quyết tâm vâng theo thánh ý Chúa, giữ luật lệ của Nhà Phước.
Vào những năm 1957-1963, số ơn gọi gia nhập nhà phước ngày một tăng: chị Sa (1957); chị Nguyện (1958); chị Đức (1959); chị Huệ (1960); chị Khiêm, chị Nhường, chị Nhân (1961); chị Ơn, chị Cậy, chị Thanh (1963). Từ đó, nhà phước Trung Đồng trở thành mái ấm quy tụ bao lớp người thánh hiến.
Năm 1975, xã hội gặp nhiều khó khăn phức tạp, thách đố lòng trung tín với ơn gọi, mọi hoạt động hầu như tạm ngưng. Tuy kẻ đi người ở, nhưng các chị vẫn can đảm làm việc cho nước Chúa. Mặc dầu trong giai đoạn rất ngặt nghèo, phải lẩn trốn khó khăn đủ điều, nhưng các chị em vẫn một lòng trung thành vâng theo thánh ý Chúa để giữ lại khu Nhà Phước, là nền móng cho tu viện Trung Đồng ngày nay.
4. Giai đoạn chuẩn bị thành lập Hội dòng
Quãng thời gian từ năm 1990 tới nay là giai đoạn chuyển mình với những thay đổi của Giáo phận Thái Bình. Ngày 03.12.1990, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang làm Giám mục chính toà Giáo phận Thái Bình.[11] Trong vai trò của một chủ chăn, ngài đã nỗ lực từng bước canh tân giáo phận, trong đó có việc cải tổ các Nhà Phước Thái Bình.
Trong thời gian này, các chị em cũng cảm nghiệm được tầm quan trọng và cần thiết của việc đào luyện, chị em cố gắng cộng tác trong quá trình vun đắp, xây dựng thế hệ trẻ ngày càng thăng tiến về tinh thần và tri thức.
Năm 1993, nhận thấy việc thành lập cộng đoàn (tu xá), tại giáo xứ Trung Đồng sẽ thuận lợi cho việc tông đồ trong Giáo Phận. Bề trên M. Phaolô Phạm Thị Nhiên – Dòng Nữ Đa Minh Rosa Lima và Ban Cố Vấn Miền Mân Côi đã làm đơn xin Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang cho phép thành lập một cộng đoàn (tu xá) tại giáo xứ Trung Đồng, trực quyền Đức cha, với Thánh hiệu “Tu xá Đức Mẹ Mông Triệu”. Đức cha đã chuẩn nhận ngày 13.3.1994.
5. Giai đoạn thành lập Dòng đến nay
Năm 2004, sau khi Hội Dòng được thành lập và họp Tổng hội đầu tiên, nhận thấy nhu cầu cần thiết của Hội dòng mới và để thuận lợi cho việc tông đồ trong Giáo phận, Hội dòng đã nâng Tu xá Trung Đồng lên thành Tu viện Mẹ Lên Trời Trung Đồng. Sắc thành lập do Bề trên Tổng quyền Gioanna Martino Phạm Thị Đức ký ngày 07.10.2004. Thời điểm này, Hội dòng đã chọn Tu viện Trung Đồng làm nơi huấn luyện các em tiền tập.
Trong giai đoạn này, các chị em mở những lớp dạy may cho các thiếu nữ nghèo để các em có nghề để kiếm sống. Ngoài ra các chị còn mở tủ thuốc phục vụ những bệnh nhân nghèo, mở lớp thêu, nấu rượu, chăn nuôi…
Từ năm 2017 - 2020, nhờ sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, chị em khởi công tu sửa toàn bộ khuôn viên tu viện và xây dựng trường học, để đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng nhiều và đa dạng.
III. HOẠT ĐỘNG
Sứ vụ chính: Giáo dục đức tin và văn hóa cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.
Mục vụ: Cộng tác với các linh mục để phụ trách các đoàn hội, ca đoàn, thiếu nhi, huynh đoàn Đa Minh, dạy giáo lý, trao Mình Thánh Chúa.
Y tế: Khám chữa Bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân sự hiện nay: 9 Nữ tu khấn trọn, 3 em tập viện
1. Nữ tu Maria Phạm Thị Dịu – Bề trên
2. Nữ tu Anna Trần Thị Khiêm – Phụ tá Bề trên
3. Nữ tu Anna Phạm Thị Mầu
4. Nữ tu Maria Bùi Thị Quy
5. Nữ tu Maria Đặng Thị Thảo
6. Nữ tu Maria Mai Thị Thịnh
7. Nữ tu Maria Trương Thị Lê
8. Nữ tu M. Têrêxa Lê Thanh Huệ
9. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Ơn
10. Em Anna Nguyễn Thị Khuyên (Tập viện – năm II)
11. Em Têrêxa Cao Thị Kim Anh (Tập viện – năm II)
12. Em Maria Dương Thị Hiên (Tập viện – năm II)
CÁC NỮ TU PHỤ TRÁCH QUA CÁC THỜI KỲ
1916 - 1950: Nữ tu Maria Vũ Thị Nghĩa
1950 - 1953: Nữ tu Maria Cao Thị Du
1953 - 1977: Nữ tu Chị Nguyễn Thị Ne
1977 - 1991: Nữ tu Trương Thị Soi
1991 - 2005: Nữ tu Maria Phạm Thị Nguyện
2005 - 2011: Nữ tu Maria Trần Thị Nhường
2011 - 2017: Nữ tu Anna Trần Thị Khiêm
2017 - 2020: Nữ tu Anna Trần Thị Khuyên
2020 - đến nay: Nữ tu Maria Phạm Thị Dịu
IV. THAY LỜI KẾT
Với thời gian, Tu viện Trung Đồng trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến cố nhưng các chị luôn trọn niềm tín thác và hướng về Chúa với một tình yêu trọn vẹn. Tình yêu đó được chị em thể hiện bằng chính sự hiện diện âm thầm với đời sống cầu nguyện, chia sẻ và nhiệt tâm cộng tác với các vị chủ chăn để cùng thắp sáng ngọn nến tin yêu và hy vọng nơi tâm hồn các tín hữu. Hơn 100 năm, sự hiện diện của các chị em Tu viện Trung Đồng giữa lòng Giáo phận Thái Bình tuy thầm lặng, nhưng luôn sống và phục vụ trong tinh thần phó thác. Mọi sinh hoạt của cộng đoàn đều được thấm nhuần linh đạo của Thánh Phụ Đa Minh “ Nói với Chúa, nói về Chúa”, trong cầu nguyện, chia sẻ và nhiệt tâm cộng tác với các vị chủ chăn để cùng thắp sáng ngọn nến tin yêu và hy vọng nơi tâm hồn các tín hữu.
[1] Từ năm 1670, hễ các thầy dòng ông thánh Duminhgô lập nhà mụ nào ,thì lập những nhà mụ về dòng thứ ba ông thánh Duminhgô mà thôi. (x. Fr. Emmanuel Moreno Trinh OP, Sử ký Địa phận Trung, (Phú Nhai, 1916), tr. 235.
[2] x. Fr. Emmanuel Moreno Trinh OP, Sử ký Địa phận Trung (Phú Nhai, 1916), tr. 235.
[3] x. Kỷ yếu Giáo phận Thái Bình, 80 năm thành lập 1936-2016 (Hồng Đức, 2016), tr. 424.
[4] Gia đình giáo dân trong xứ Trung Đồng
[5] x. Fr. Emmanuel Moreno Trinh OP, Sử ký Địa phận Trung (Phú Nhai, 1916), Tr. 236.
[6] x. Lề luật nhà mụ 1862, Bản dịch từ bản chữ Nôm của Nữ tu Đa Minh Tam Hiệp 1972, điều thứ năm, tr. 8-9
[7] x. Anton Nguyễn Ngọc Sơn, Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám 2004 (Tôn Giáo Hà Nội, 2004), tr. 375.)
[8] x. Lm. PX. Đào Trung Hiệu OP, Ba trăm năm hiện diện (1715 – 2015), tr. 10
[9] x. Kỷ yếu Giáo phận Thái Bình, 80 năm thành lập 1936-2016 (Hồng Đức, 2016), tr.53.
[10] Khi di cư vào Nam, hai nhóm các chị nhà phước Trung Đồng và Đông Thành vẫn sống trong hai nhà riêng nhưng được gọi chung là “chị em nhà phước Thái Bình”. Sau đó 11 chị ra nhập Dòng Đa Minh, còn lại 21 chị được Cha Vinc. Phạm Chí Thiện quy tụ thành một nhà, có chung một quy luật……..Năm 1960, sau thời gian đi vào nề nếp…..Tu viện Mến Thánh giá Thái Bình Tân Lập được thành lập với 21 chị em.
[11] x. Kỷ yếu Giáo phận Thái Bình, 80 năm thành lập 1936-2016 (Hồng Đức, 2016), tr.55.
Ban truyền thông Hội Dòng
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 54 | Tổng lượt truy cập: 4,232,905