Lược sử Tu xá Thánh Martino Ngọc Đồng

  • 03/03/2022 14:54
  • Tu xá Thánh Martino Ngọc Đồng thuộc Hội Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình nhận thánh Martino Porret (03.11) làm Bổn mạng. Tu xá nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

     

    LƯỢC SỬ TU XÁ THÁNH MARTINO NGỌC ĐỒNG

     

    Nguồn gốc :   Năm 1911 Bổn mạng :  03.11
    Thành lập Tu xá :   05.8.2015 Gx/ Gp : Ngọc Đồng - Thái Bình
    Điện thoại : 0352 026 453 Email : cdngocdongop@gmail.com
    Địa chỉ : xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên

     

    I.   VỊ TRÍ

    Tu xá thánh Martino - Ngọc Đồng, tên gọi xưa là Nhà Phước Đa Minh Ngọc Đồng, nằm trên địa bàn xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, gần phố Hiến.[1] Cách Hà Nội khoảng 60 km về hướng Tây Bắc và cách Toà Giám mục Thái Bình chừng 70 km về hướng Đông Nam.

     

    II.  NH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    1.  Nguồn gốc

    Lịch sử ghi nhận hạt giống Tin Mừng đã bén rễ nơi đây từ rất lâu.[2] Trước năm 1911, một số chị em thiện chí tình nguyện sống chung và sống độc thân vì nước trời, lập thành nhà phước Đa Minh Ngọc Đồng. Tuy không rõ cơ sở này được chính thức hình thành năm nào, nhưng con số 1911 còn in dấu trên cổng Tu xá ngày nay là dấu ấn lịch sử xưa nhất.

    2.  Giai đoạn hình thành

    Theo “Sử Ký địa phận Trung” (1916), thì nhà phước Ngọc Đồng ở họ Nhà Xứ Ngọc Đồng có một nhà Mụ dòng ba ông thánh Duminhgô,[3] có 29 chị em.[4]

    Trải qua bao thăng trầm lịch sử và dưới sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa qua chính Giáo Hội, đông đảo các thiếu nữ thiện chí đã quy tụ và tình nguyện bước theo đời sống cộng đoàn. Vì không được hưởng các quy chế của tu sĩ, nên chị em nhà phước không có lời khấn dòng, chỉ có lời khấn hay hứa đơn về thanh khiết, khó nghèo và vâng lời. Chị em sẵn sàng làm việc để mưu cầu lợi ích cho tha nhân. Chị em sống đơn nghèo, chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện, ăn uống đạm bạc, y phục giản dị theo luật chung của các nhà phước. Thời kì này, công việc chính của các chị em Nhà Phước được gói gọn trong khẩu hiệu: Bán thuốc, rửa tội, chuộc em”. Ngoài ra, các chị em còn giúp các cô nhi viện, các Nhà Thương. Về mưu sinh, chị em sống bằng nghề ruộng vườn, chăn nuôi, dệt vải. Sống đời hy sinh, xả thân phục vụ và nhiệt tâm tông đồ.

    2.1   Trước năm 1954:

    Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn này không ngừng tiến triển tới mức độ trưởng thành. Ngày 09.3.1936, Đức Giáo hoàng Piô XI đã ban sắc Proecipuas inter Apostolicas thành lập Giáo phận Thái Bình, tách tời khỏi Giáo phận Bùi Chu, gồm hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Ba tháng sau, ngày 15.6.1936, Toà Thánh bổ nhiệm cha Gioan Casado Obispo Thuận, dòng Đa Minh (Tây Ban Nha) làm Giám mục đại diện tông toà Giáo phận Thái Bình. Tất cả các thừa sai Đa Minh người Tây Ban Nha đều rời Bùi Chu sang nhập vào Giáo phận mới.[5] Việc cải tổ nhà phước thành Hội Dòng được thực hiện theo Giáo luật và tôn ý của Toà Thánh và của các Công đồng Miền Việt Nam. Trong thời gian này các Giám mục bản quyền tiến hành xúc tiến việc canh tân.

    Theo thống kê năm 1939 của Les Missions Catholiques en Indochine: Giáo phận Thái Bình có 280 dì phước tại 12 nhà: Ninh Cù, Trung Đồng, Ngọc Đồng, Cao Mộc, Viên Tiêu, Tiên Chu, Phương Xá, Đông Thành, Bồ Ngọc, Cổ Việt, Thân Thượng.[6] Trong giai đoạn này tại Giáo phận Bùi Chu, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi cải tổ và ban sắc lệnh thành lập Hội Dòng Đa Minh Bùi Chu ngày 30.4.1951.

    Riêng Giáo phận Thái Bình gặp khó khăn trong nhiều năm: vị chủ chăn khả kính, Đức cha Gioan Cassado Thuận đột ngột qua đời ngày 22.01.1941. Ngày 21.9.1942, Đức Giám mục Santos Ubierna (Ninh) thay thế điều hành giáo phận. Từ năm 1946, chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ. Mọi sinh hoạt của Giáo phận chịu nhiều ảnh hưởng bi đát. Khi thời thế tạm lắng, từ năm 1952, nhà phước Đa Minh Thái Bình từng bước được cải tổ.[7]

    2.2   Năm 1954 – 1990:

    Năm 1954, hiêp định Genève ký kết chấm dứt chiến tranh Việt - Pháp. Hàng triệu người miền Bắc bỏ nhà cửa, làng mạc ồ ạt kéo nhau vào miền Nam; trong đó nhà phước Ngọc Đồng có 46 chị cũng nhập vào làn sóng di cư. Vào thời điểm này, nhà phước Ngọc Đồng chỉ còn lại bà Nguyễn Thị Chi; cùng sống và sinh hoạt với bà có cô Ký (người làm thuê).

    Năm 1958-1960 Nhà Phước Ngọc Đồng có thêm em Túc là nghĩa binh trong Giáo xứ vào ở cùng.  Bà Chi tiếp tục duy trì những công việc tông đồ mà trước đó các chị em đã làm đó là: chăn nuôi, dệt vải, cấy ruộng, làm và bán thuốc nam trị bệnh thông thường,... như những phương tiện chính để mưu sinh.

    Năm 1963-1965, xã hội mượn khu nhà phước Ngọc Đồng làm trại giam và vận động bà Chi sang sống tại nhà thương Ngọc Đồng gần đó.

    Năm 1965 - 1975, sau khi trại giam không còn lý do sử dụng, xã hội tiếp tục mượn khu nhà này làm trạm xá, trừ ra một gian để bà Chi trở lại sống tại đây cùng với bà Nhung đến từ An Lập.

    Năm 1970, Cha Tôma Trần Công Tính (Cha xứ Ngọc Đồng) cắt cử thêm chị Nguyện, chị Ngắm từ nhà phước ra trông coi nhà thương (nhà thánh Giuse gần đó). Sau khi bà Chi qua đời ngày 05.5.1972, bà Nhung thay thế trông coi Nhà Phước Ngọc Đồng.

    Trong thời gian này, nhiều lần bà Nhung làm đơn lấy lại khu nhà phước mà xã hội mượn nhưng không được hồi đáp.

    Năm 1974, chị Gioanna Martinô Phạm Thị Đức quê Xuân Hòa – Thái Bình, là thành viên của nhà phước Trung Đồng, được gửi về giúp Cha già Tôma Trần Công Tính tại Giáo xứ Ngọc Đồng.

    Năm 1975, cán bộ y tế xã miễn cưỡng trả lại khu nhà đã mượn làm trạm xá cho nhà Phước, do yếu tố tinh thần của đa số bệnh nhân.[8]

    Năm 1976, bộ đội tiếp tục đưa quân tới ở được một thời gian thì họ tự bỏ đi.[9]

    Khi bộ đội đã rời đi hẳn, đến cuối năm 1978, Cha Tôma Trần Công Tính cho chị Gioanna Martino Phạm Thị Đức chính thức nhận trách nhiệm coi sóc Nhà Phước. Bấy giờ Nhà Phước có 8 gian nhà 2 tầng đã bị sập 3 gian, những gian còn lại bị dột nát, chỉ còn khung nhà, cửa sổ và cửa chính đều bị người ra rỡ đi gần hết. Cỏ mọc um tùm, rắn rết nhiều vô kể.

    Năm 1981, chị Gioanna Martino Phạm Thị Đức đón nhận thêm chị Maria Ngô Thị Loan quê ở giáo xứ Ngô Xá tới dâng mình trong Nhà Phước.

    Năm 1982, do nhà dột và xuống cấp không đảm bảo an toàn cho chị em nên chị Gioanna Martino Phạm Thị Đức bắt đầu tu sửa nhà, hạ tầng trên xuống và sửa thành nhà 1 tầng, vì không có kinh phí nên chỉ có thể mua ngói loại xấu để lợp. Đến năm 1987, cộng đoàn tiếp tục đảo ngói sửa lại nhà lần thứ 2.

    Thời gian dần trôi với bao biến cố lớn nhỏ, đến năm 1990, chị Gioanna Martino Phạm Thị Đức đón nhận thêm nhiều các em trẻ từ vùng Hưng Yên – Thái Bình – Thái Nguyên đến dâng mình trong Nhà Phước. Từ đó, nhà phước Ngọc Đồng trở thành mái ấm, chiếc nôi đào tạo bao lớp người thánh hiến.

    Ngày 03.12.1990, Toà Thánh bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang làm Giám mục chính toà Giáo phận Thái Bình.[10] Trong vai trò của một chủ chăn, ngài đã nỗ lực từng bước canh tân giáo phận, trong đó có việc cải tổ các Nhà Phước Thái Bình. Trong thời gian này, Đức cha trao trách nhiệm điều hành Nhà Phước Thái Bình cho chị Maria Nguyễn Thị Thanh – thường gọi là Bà Nhất.

    2.3   Năm 1990 - 2004

    Năm 1991, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã gửi chị Gioanna Martino và 5 chị em khác trong Giáo phận Thái Bình vào Dòng Đa Minh Rosa Lima để học tập và tuyên khấn (1993) tại Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima miền Mân Côi.

    Năm 1994, chị Gioanna Martino lại trở về điều hành cộng đoàn và tiếp tục lớp nối lớp đều đặn hàng năm, các chị em lớn hơn được gửi đi vào Nam đào tạo trước. Song song với việc gửi người đi đào tạo tại Miền Nam, chị còn gửi các chị em đi học bổ túc để nâng cao trình độ. Việc mục vụ của chị em trong những năm đó thật đơn sơ và ý nghĩa: các sáng Chúa Nhật, các chị em đi từng hai người một, đến các giáo xứ và giáo họ để dạy giáo lý cho các em thiếu nhi. Cuộc sống tuy khó khăn vất vả, nhưng sự hy sinh, nhẫn nại và sáng tạo của các chị em đã khám phá ra một hướng đi mới, một cách thức thực tiễn hơn để làm men nồng, muối mặn, để cùng với các chị em trong các cộng đoàn góp phần khai sinh Hội Dòng nữ Đa Minh Thái Bình” - sắc lệnh thành lập do Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám mục Giáo phận Thái Bình, ký ngày 25.03.2004. Từ đó, cộng đoàn hoà chung nhịp đập với trái tim của Hội Dòng mở ra một viễn cảnh mới tràn ngập ánh sáng và hy vọng.

    Về cơ sở vật chất, để đáp ứng cho nhu cầu đào tạo và phục vụ, cộng đoàn bắt đầu được tu bổ và xây dựng. Ngoài việc tu sửa lại cộng đoàn, chị Gioanna Martino còn xây dựng thêm dãy nhà bếp, nhà chăn nuôi. Các chị em còn duy trì phục vụ tại các thí điểm truyền giáo. Trong giai đoạn này, đời sống huynh đệ, cộng đoàn được củng cố vững vàng hơn. Chị em được học hiểu và đào tạo để bắt đầu ra đi phục vụ.

    Năm 1996, nhờ sự giúp đỡ của quý ân thân nhân và công ty mi mắt Miền Nam, cộng đoàn mở rộng qua việc xây thêm nhà làm mi mắt và nhà khách.

    Ngày 15.6.1997, Bề trên Tổng Quyền Dòng Đaminh Rosa Lima đã xin và được hai Đức Cha liên hệ [11] chấp thuận cho việc thành lập 6 Cộng đoàn tại Thái Bình, trong đó có Cộng đoàn Ngọc Đồng. Kể từ đây, Cộng đoàn nhà phước Ngọc Đồng được mang tên mới Cộng đoàn Ngọc Đồng.

    Năm 1998, cộng đoàn tiếp tục sửa dãy nhà chính, thay bức tường vòm hành lang thành tường hoa gió, hạ mái ngói kèo gỗ xuống thay bằng kèo sắt và mái tôn, đồng thời trùng tu lại nhiều hạng mục trong khuôn viên cộng đoàn. Nhờ ơn Chúa, qua sự đóng góp của nhiều ân nhân xa gần, cộng đoàn ngày càng khang trang, với số nhân sự ngày một gia tăng. Bên cạnh đó, để các chị em được thăng tiến toàn diện, hiệu quả, chị Gioanna Martino tạo điều kiện cho nhiều chị em được trau rồi kiến thức và ngành nghề chuyên môn tại các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp.

    3.  Giai đoạn phát triển từ năm 2004 đến nay.

    3.1  Cở sở vật chất

    Năm 2015, nhận thấy cộng đoàn phát triển và trưởng thành, Hội dòng đã nâng cộng đoàn thánh Martinô Ngọc Đồng lên thành Tu xá thánh Martinô Đồng với văn thư Bề trên Tổng quyền Maria Ngô Thị Hạnh ký ngày 05.8.2015. Chị Gioanna Martino Phạm Thị Đức được đặt làm Bề trên tiên khởi của Tu xá Ngọc Đồng (2015 – 2017).

    Tháng 11.2018, dưới sự điều hành của chị Bề trên Têrêxa Vũ Thị Đảm, cộng đoàn tiếp tục tu sửa nhà khách, khu vực bếp và khuôn viên sân nhà.

    Ngày 06.5.2020, nhờ sự giúp đỡ của các vị hảo tâm, chị Bề trên đương nhiệm Têrêxa Mai Thị Soạn đã cùng chị em trong cộng đoàn tiếp tục tu sửa khuôn viên, làm cổng mới và xây lại tường bao (do việc cho đất thôn và giáo xứ để mở rộng đường, cụ thể lùi vào khoảng một mét chạy dọc khu đất phía trước nhà). Cũng trong thời gian này, nhà nguyện của cộng đoàn cũng được tôn tạo lại cho thêm phần linh thiêng và nghệ thuật.

    Có thể nói, từ khi cộng đoàn được nâng lên thành Tu xá, cộng đoàn chuyển mình, khởi sắc. Cơ sở vật chất được mặc thêm lớp áo mới, biên cương phục vụ không ngừng được mở rộng. Ngoài công việc mục vụ giáo xứ, các chị em còn mở nhà trẻ, nhà thuốc phục vụ các bệnh nhân. Bên cạnh đó, chị em không quên dành thời gian đi thăm bệnh nhân, người già cả đau yếu, chia sẻ và giúp đỡ các gia đình đơn nghèo. Cộng đoàn đang được đổi mới về nhiều lĩnh vực phục vụ, nhất là về ngành giáo dục trẻ và mục vụ giáo xứ.

    3.2  Nhân sự hiện nay:

    Cộng đoàn thánh Martinô Ngọc Đồng có 05 nữ tu khấn trọn, 02 tập sinh và 01 chị tận hiến.

    • Nữ tu Têrêxa Mai Thị Soạn – Phụ trách
    • Nữ tu Maria Ngô Thị Loan
    • Nữ tu Maria Bùi Thị Tuyết Mai
    • Nữ tu Anna Phạm Thị Thùy Ngân
    • Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thanh Hoa
    • Em Maria Lê Thị Huệ (Tập sinh - năm II)
    • Em Maria Trương Thị Hoa (Tập sinh - năm II)
    • Chị Maria Nguyễn Thị Nga (Tận hiến)

    3.3  Các chị phụ trách trong các giai đoạn

    • 1978 - 1991:   Nữ tu Gioanna Martino Phạm Thị Đức
    • 1991 - 1993: Nữ tu Maria Ngô Thị Loan
    • 1994 - 2001: Nữ tu Gioanna Martino Phạm Thị Đức
    • 2001- 2008: Nữ tu Maria Ngô Thị Hạnh
    • 2008 - 2011: Nữ tu Maria Ngô Thị Loan
    • 2011 - 2013: Nữ tu Micae Trần Thị Bính
    • 2013 - 2015: Nữ tu Maria Vũ Thị Song
    • 2015 - 2017:  nữ tu Gioanna Martino Phạm Thị Đức.
    • 2017 - 2020: Nữ tu Têrêxa Vũ Thị Đảm
    • 2020 đến nay: Nữ tu Têrêxa Mai Thị Soạn

     

    III.   HOẠT ĐỘNG

    Mục vụ: cộng tác với các linh mục truyền giáo cho lương dân,  phụ trách các đoàn hội, ca đoàn, thiếu nhi, huynh đoàn Đa Minh, dạy giáo lý, trao Mình Thánh Chúa.

    Giáo dục: giáo dục đức tin và văn hóa cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.

    Bác ái xã hội: mở nhà thuốc khám chữa Bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tham gia các hoạt động thăng tiến con người, đặc biệt quan tâm đến những người nghè khổ, các bệnh nhân và những người bị áp bức.

     

    IV.  THAY LỜI KẾT

    Hơn 100 năm hiện diện trên mảnh đất Ngọc Đồng - Hưng Yên, Tu xá thánh Martinô Ngọc Đồng đã trải qua bao biến cố thăng trầm, trải qua nhiều đời chị phụ trách và đón nhận biết bao nữ tu đến phục vụ và mở rộng Nước Chúa. Hiện nay Tu xá thánh Martinô Ngọc Đồng đang được phát triển nhanh và mạnh. Với sự cộng tác nhiệt thành và tích cực, mọi thành viên trong Tu xá cùng nhau chung tay góp sức xây dựng đời sống tinh thần, văn hóa và cơ sở vật chất ngày càng phát triển. Nhờ đó, chị em tiếp tục duy trì và làm thăng tiến hơn nữa để Danh Chúa được tôn vinh nơi vùng đất này.

     

    [1]  Phố Hiến là hương cảng lớn bậc nhất Việt Nam thế kỷ XVII, là thị trấn của Sơn Nam. Phố Hiến nằm trên tả ngạn sông Hồng, cạnh thị trấn Hưng Yên ngày nay. Đây là một địa danh rất nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên.

    [2]  Bấy giờ Địa phận Đông coi như vườn nho nói trong kinh thánh muông dữ đã phá hoang, hay như đoàn chiên sói rừng đã nhập vào mà cắn chết cả con chiên vì kẻ chăn chiên, vì hơn 100 nhà thờ đã có từ năm 1832, thì đến năm 1838- 1839 không còn nhà thờ nào, vì quan bắt bớ, và có nhiều họ phải đem cột, ván, gỗ lên tỉnh cho quan dùng: nhà tràng Latinh ở Ninh Cường, nhà tràng Lý đoán ở Tiên chu và Ngọc đường, 40 nhà xứ chính và 60 nhà xứ lẻ, 22 nhà mụ dòng ba và nhà mụ mến câu rút, điều phải vạ tuyệt cả; lại cả các đấng các cụ, anh em chị em nhà dòng nhà Đức Chúa Lời phải tan tác hết, các đồ lễ, đồ thờ, các sách tiếng tây tiếng nam, các giấy má can hệ về Địa phận cũng điều mất hết, và có khi quân lính bắt được, có khi bổn đạo nộp cho quan, có khi chôn dưới đất, hay là đốt đi. (x. Fr. Emmanuel Moreno Trinh OP, Sử ký Địa phận Trung, (Phú Nhai, 1916), tr. 65).

    [3]  Từ năm 1670, hễ các thầy dòng ông thánh Duminhgô lập nhà mụ nào, thì lập những nhà mụ về dòng thứ ba ông thánh Duminhgô mà thôi. Rầy trong địa phận Trung có 17 nhà mụ về dòng thứ ba ông thanh Duminhgô, và ba nhà mụ mến câu rút; các nhà mụ này vẫn có đã lâu năm, trừ ra nhà mụ xứ Trung Đồng mới khai lập. ( x. Fr. Emmanuel Moreno Trinh OP, Sử ký Đại phận Trung, (Phú Nhai, 1916), tr. 235)

    [4]  x. Fr. Emmanuel Moreno Trinh OP, Sử ký Địa phận Trung (Phú Nhai, 1916), tr. 204.

    [5]  x. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám 2004, (Nxb. Tôn Giáo Hà Nội, 2004), tr. 594.

    [6]  x. PX. Đào Trung Hiệu OP,  Ba Trăm Năm Hiện Diện (1715 – 2015), tr.10.

    [7]  x. Hội Dòng Đaminh Rosa Lima, Ba mươi năm phát triển (1973-2003), tr.31.

    [8] Bệnh nhân kể lại rằng nhiều đêm nhìn thấy một ông già bế em bé đi đi lại lại ở hành lang nhà, lại giống ông Thánh Giuse khi họ vào tham quan nhà Nguyện. Có những đêm tự nhiên giường ngủ cứ nâng lên tận trần nhà rồi hạ xuống.

    [9] Trước khi rời khỏi nhà, một anh lính đã tiết lộ với chị Đức về chuyện nhiều đêm họ không ngủ được vì cứ nghe tiếng trống kèn từ phía nhà nguyện.

    [10] x. Kỷ yếu Giáo phận Thái Bình, 80 năm thành lập 1936 - 2016 (Hồng Đức), tr.55.

    [11] Ngày 21.6.1997, Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Giám quản Tông tòa Thành phố Hồ Chí Minh, ký chấp thuận. Ngày 17.8.1997, Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang, Giám mục Giáo phận  Thái Bình, cũng ký chấp thuận.

    Ban truyền thông Hội Dòng

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

     

    Bài viết liên quan