Marian Fil | Shutterstock
Con mắc chứng tự kỷ có thể được xem là điều làm cha mẹ buồn sầu, nhưng dựa trên kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng điều đó không nhất thiết luôn luôn đúng.
Một trong những điều mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng sợ khi thấy con mình không hoàn toàn phù hợp với khuôn mẫu – xét cho cùng, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều khi trẻ em phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Do vậy, khi con trai út của tôi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ, ban đầu tôi đã rất suy sụp. Không phải với tôi, mà là với con, vì cuộc sống của con luôn là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ.
Sự suy sụp đó đã dần biến mất qua các năm, cùng với dẫn chứng rằng con trai út, hoặc bất kỳ đứa con nào của tôi, cần phù hợp với khuôn mẫu. Và kỳ lạ thay, chứng tự kỷ của con trai tôi đã mang lại cho tôi vô số bài học có giá trị và thực sự cần thiết.
1. Vâng, tất cả chúng ta đều khác nhau và nên khác nhau
Trở lại quan điểm ban đầu của tôi, chúng ta có khuynh hướng lớn lên cùng với nhu cầu hòa nhập, tuân theo xu hướng và khao khát những điều tương tự. Tuy nhiên, khi điều đó không còn là sự lựa chọn, bạn có thể thấy vẻ đẹp trong việc trở nên khác biệt một chút.
Với tính cách lập dị, con trai tôi từng gây cho tôi những thất vọng, nhưng cũng cho tôi thấy rằng con là duy nhất, và đó là niềm hạnh phúc biết bao! Và bây giờ thay vì tìm kiếm điểm chung ở người khác, tôi gần như tập trung vào điều khiến mọi người khác biệt, và thấy đó là một ơn phúc.
2. Đánh giá mọi thứ theo cách khác biệt
Một trong những điều khiến người bệnh tự kỷ mắc phải là sự phụ thuộc vào đồ vật, con người hoặc theo thói quen. Lúc đầu, tôi từng giận dữ với niềm đam mê của con trai mình như thẻ bài Pokemon và chăn lông cừu, nhưng khi tôi nhận ra nhu cầu thực sự của con đối với những thứ đó, tôi hiểu được tầm quan trọng của sự trân trọng việc chúng ta đánh giá mọi thứ theo cách khác nhau.
3. Hãy thử nhìn thế giới theo cách khác
Một ngày nọ, tôi đi cùng tàu điện ngầm với con trai mà nó không hề hay biết. Một phần trong tôi nước mắt muốn trào dâng khi nhìn thấy con đứng bất động trên toa tàu cùng với đôi mắt dán chặt vào cửa, chú tâm vào việc làm thế nào đến trường cho đúng giờ, một phần khác tôi cảm kích trước quan điểm của con.
Công việc của con là đến trường, và không gì có thể ngăn cản con đến trường. Con không bị phân tâm bởi âm nhạc, hoặc nhìn ngắm sự vật xung quanh. Con có động lực và có nhiệm vụ phải hoàn thành. Và thực ra, con hoàn toàn hạnh phúc với thói quen nhỏ này. Nó khiến con cảm thấy an toàn. Thế giới của con, và cách diễn giải về thế giới ấy, thì rất khác so với tôi, và có vẻ đẹp trong đó.
4. Tất cả chúng ta đều có điều gì đó để cống hiến
Khi đề cập đến việc con trai tôi bị tự kỷ, tôi thường có cảm giác được thông cảm, như thể nói rằng tương lai của cháu bị hạn chế. Tuy nhiên, khi nghĩ về điều đó, nhờ chứng tự kỷ của cháu, con đường của cháu đã được vạch ra rõ ràng và thực sự -- hơn hẳn các anh chị của cháu.
Cho dù rất mệt mỏi khi con còn nhỏ, với chứng rối loạn tâm thần của con, chúng tôi cân nhắc rất nhiều đến việc học hành và kế hoạch tương lai của con. Tôi hiểu rằng điều này không phải lúc nào cũng khả thi đối với trẻ em mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, đối với con trai tôi, niềm đam mê làm bánh mì từ sớm của con có nghĩa là con có một con đường sự nghiệp rõ ràng phía trước: thợ làm bánh xuất sắc!
Con đã là một thợ làm bánh chuyên nghiệp trong khi vẫn còn là một thiếu niên. Con mang lại niềm vui cho tất cả những ai thưởng thức bánh mì (và đôi khi là bánh ngọt) của mình và con có được niềm vui lớn lao từ những nỗ lực đó.
Và chính cảm giác hài lòng khi được thoả mãn niềm đam mê của mình là điều vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự nỗ lực ở tất cả trẻ em. Mỗi một trẻ em, bất kể tình trạng thể chất hay tinh thần, chúng đều có điều gì đó tuyệt vời để cống hiến: từ một ổ bánh mì đến một nụ cười yêu thương.
5. Trẻ em thực sự làm chúng ta tốt hơn
Trước khi có con trai, tôi phải nói rằng tôi không phải là người mẹ kiên nhẫn nhất. Tuy nhiên, sự phụ thuộc phần lớn của con trai tôi vào tôi trong những năm đầu đời khiến tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở nên khoan dung hơn. Cuối cùng, tôi đã có được sự kiên nhẫn khá là ấn tượng -- ừm, có thể không đạt được mức nhẫn nại như của Thánh Monica, nhưng dẫu sao nó cũng giúp chúng tôi vượt qua được những thời khắc khó khăn.
Và không chỉ mức độ kiên nhẫn của tôi được cải thiện. Tôi không biết rằng, bản năng làm mẹ và tình yêu dành cho đứa con nhỏ dễ bị tổn thương đã cho tôi một sức mạnh mà tôi chưa bao giờ nghĩ là tôi có thể. Kể cả khi bị kiệt sức sau giờ làm việc, tôi vẫn phải tìm năng lượng để đương đầu với sự nóng giận, để giảng giải và dạy dỗ liên tục.
Mặc dù đây chỉ là một vài bài học từ con trai tôi, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều bài học khác tôi học được từ con mà chưa thừa nhận, và còn nhiều bài học khác nữa. Nhưng tôi nhận thức sâu sắc rằng hành trình của mỗi bậc cha mẹ có một đứa con mắc chứng rối loạn tâm thần là khác nhau. Tất cả chúng ta đều có những hoàn cảnh và khó khăn khác nhau và một đôi lúc bạn chỉ muốn ngồi đó và khóc lóc thôi.
Tuy vậy, điều tôi rút ra được từ cuộc sống của con trai tôi cho đến nay là luôn có hy vọng. Rất ít thứ luôn cố định và giờ đây, khi con tôi trưởng thành, tôi đặt niềm tin vào con, và tin rằng hành trình của con sẽ là hành trình mà con muốn trải qua.
Tác giả: Josephine McCaul
Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam
Nguồn tin: https://caritasvietnam.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 214 | Tổng lượt truy cập: 4,160,011