Nhựa sống của tu sĩ Đa Minh

  • 22/06/2022 19:16
  • WĐMRS (22.6.2022) - Để trở thành người tông đồ của Chúa tôi không thể quên một bài học quan trọng, là đời sống chiêm niệm phải luôn đi trước đời sống hoạt động tông đồ. Đây cũng chính là nhựa sống của người tu sĩ Đa Minh: chiêm niệm và nói cho người khác những điều mình đã chiêm niệm. Chính đời sống chiêm niệm đã giúp Cha Thánh Đa Minh trở thành người tông đồ chuyên chăm lo theo đuổi việc cứu rỗi các linh hồn bằng việc giảng thuyết.

     

    Có một câu chuyện kể như sau: "Một chàng thanh niên trẻ tuổi đi lính thời đệ nhất thế chiến vẫn tiếp tục quỳ gối đọc kinh vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ và làm dấu thánh giá trước mỗi bữa ăn. Các bạn đồng ngũ chế giễu hành vi đạo đức của chàng. Rồi một buổi tối họ bắt một con rắn bỏ dưới gối chàng thanh niên, chàng vừa làm dấu thánh giá bỗng con rắn từ trong gối bò ra phóng xuống đất và chuồn đi, trong khi chàng thanh niên nhảy bổ lên vì sợ.

    Ít lâu sau, người bạn đồng ngũ tìm được cỗ tràng hạt của chàng. Hắn cầm tràng hạt trong tay giơ lên cao trước mặt các bạn lính rồi ngạo nghễ thách đố là sẽ đấm bể mặt anh nào dám nhận tràng hạt đó. Chàng thanh niên kia vẫn không chút sợ hãi, điềm nhiên đến trước mặt anh bạn đó và nói: Cho tôi xin lại, tràng hạt đó là của tôi.

    Anh lính kia nhào tới định đấm nhưng một người bạn khác nhảy tới cản lại. Ít lâu sau, cả hai người ấy cùng tin theo đạo Công giáo vì tấm gương lành nhẫn nhục, tha thứ của chàng lính trẻ".
    [1]


    Bạn thân mến!

    Mỗi người Kitô hữu chúng ta luôn mang trong mình sứ mạng làm ngôn sứ của Chúa Kitô. Vì vậy, chúng ta hãy làm chứng tá cho Chúa bằng chính cuộc sống hằng ngày của mình như chàng lính trẻ trong câu chuyện trên. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ban lệnh truyền “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x Mt 28,19).

    Tôi thiết nghĩ, lệnh truyền này sẽ được lan rộng, lan xa nếu người tu sĩ chúng ta can đảm dấn thân cho sứ mạng rao truyền Tin Mừng đến với mọi người. Chúng ta sẽ truyền bá đức tin đó như thế nào? Đứng trước các vấn nạn những khó khăn của con người ngày nay, người tu sĩ làm cách nào để gieo niềm tin vào thế giới của mình đang sống, tôi tự hỏi: Khi đối diện với sự khủng bố, chiến tranh, nạn kì thị chủng tộc, màu da, tôn giáo,… chúng ta có thể làm được gì cho thế giới?

    Đôi lúc tôi cứ nghĩ rằng việc truyền giáo là của những con người nổi tiếng, của những nhà giảng thuyết lỗi lạc, những nhà truyền giáo… chứ tôi thì làm được gì? Tuy vậy, tôi đã quên rằng Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, dù sống trong bốn bức tường của Dòng kín, chị cũng trở thành một nhà truyền giáo bằng chính đời sống cầu nguyện, sự hy sinh, khiêm nhường của mình trong tất cả những công việc bổn phận hằng ngày.

    Bên cạnh đó, tôi được mời gọi sống lệnh truyền của Chúa theo linh đạo Đa Minh. Vì lẽ đó, để trở thành người tông đồ của Chúa tôi không thể quên một bài học quan trọng, là đời sống chiêm niệm phải luôn đi trước đời sống hoạt động tông đồ. Đây cũng chính là nhựa sống của người tu sĩ Đa Minh: chiêm niệm và nói cho người khác những điều mình đã chiêm niệm. Cũng vậy, chính đời sống chiêm niệm đã giúp Cha Thánh Đa Minh trở thành người tông đồ chuyên chăm lo theo đuổi việc cứu rỗi các linh hồn bằng việc giảng thuyết. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu cũng đã nêu gương cho chúng ta khi Người luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, sau những ngày làm việc mệt nhọc, trước những biến cố quan trọng của cuộc hành trình rao giảng của Người… Đặc biệt, hoa trái trong đời sống cầu nguyện mà Thánh Đa Minh gặt hái được, là nhờ thánh nhân luôn sống gắn kết mật thiết với Chúa Giêsu trong nguyện cầu. Chính vì thế, thánh nhân đã thuyết phục được người chủ quán theo phái Anbi trở lại đạo Công giáo.

    Để tiếp tục được công cuộc rao truyền chân lý của Chúa Kitô trên trần gian, Thánh Đa Minh đã thao thức lập Dòng với mục đích truyền bá đức tin và cứu độ các linh hồn bằng việc giảng thuyết. Ngày nay, để nối tiếp sứ mạng đó, tôi - người tu sĩ Đa Minh tương sai có thể làm nhiều việc trong các lãnh vực khác nhau. Không phải chỉ những ai đứng trên toà giảng hay những người có tài ăn nói, những người có tài hùng biện nổi tiếng mới làm công việc rao giảng. Nhưng tôi có thể truyền giảng Lời Chúa đến với người khác bằng chính đời sống đạo đức thánh thiện hằng ngày của mình trong việc dạy các bé mẫu giáo, tiểu học, trung học, trong công việc bổn phận, trong cung cách sống, hoặc qua các phương tiện tuyền thông và sách báo… Như Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: Giáo Hội ngày hôm nay cần đến chứng nhân hơn là những thầy giảng.

    Như vậy, để hoàn thành nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng Nước Chúa trong thời đại hôm nay, tôi phải trau dồi cho mình một đời sống đức tin vững  mạnh, một đời sống gắn kết với Chúa và đặc biệt tôi cần phải chân thành trong cung cách sống của mình. Nếu muốn là một người tông đồ đích thực của Chúa Kitô, tôi phải thực sự “say mê Thiên Chúa và say mê con người”. Hơn nữa, đời sống của tôi phải gắn kết chặt chẽ với hoạt động tông đồ để lời rao giảng của tôi không trở thành một lời thuyết giảng giáo đầu trống rỗng. Vì vậy, tôi phải luôn cậy dựa vào Chúa, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa vì chỉ có ơn Chúa mới giúp tôi thắng vượt được những khó khăn thử thách, những cạm bẫy của cuộc sống. Bởi chưng “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Chúa” (x. 1Cr 15,10). Do đó, tôi phải không ngừng thánh hoá bản thân mỗi ngày. Dầu cho cuộc sống có nhiều điều bất lợi, khó khăn xảy đến tôi vẫn đứng vững vì có Chúa luôn đồng hành cùng tôi trong mọi cơn gian nan thử thách.

    Ánh Nguyệt

    Nguồn tin:  http://daminhrosalima.net/

     


    [1] Trích truyện Cuộc đời chứng nhân trong Tuyển tập truyện hay “nụ cười trong cung lòng Thiên Chúa” của D.Wahrheit.

    Bài viết liên quan