Phụng vụ mừng kính Đức Maria và các Thánh
Nguyễn Thế Truyền
Mục Lục
Trong năm Phụng vụ, ngoài những ngày lễ kính Chúa, Giáo hội dành nhiều khoảng thời gian để tôn kính Đức Maria và các thánh. Các ngài là những mẫu gương tốt lành và thánh thiện để chúng ta bắt chước noi theo trên con đường nên thánh. Những ngày lễ kính Đức Mẹ và các thánh trong năm Phụng vụ của Giáo hội Công giáo được xếp đặt và cử hành như sau trải dài suốt năm.
Vì thời gian không cho phép, nên tổ chỉ xin trích dẫn những điểm quan trọng về Phụng vụ Đức Maria và chư thánh trong sách Phụng vụ Tổng Quát của Lm. Nguyễn Thế Thủ.(Tr 111-121) và một phần trong sách Magnifcat của Cha Giuse Phan Tấn Thành (Tr 224 – 244) như là những điểm cần biết và ghi nhớ khi cử hành Phụng vụ về Đức Maria.
Sự hiện diện này của Đức Maria trong năm Phụng vụ là một sự kiện quan trọng có các hiệu qủa thuộc trật tự thiêng liêng và mục vụ. Trong năm Phụng vụ, các lễ kính Đức Mẹ cũng phải phản ánh một cách rõ ràng mầu nhiệm của Chúa Kitô; vì tất cả cuộc đời Mẹ đâm rễ sâu trong mầu nhiệm ấy. Nếu không có điểm tham chiếu đó, các lễ kính Đức Mẹ sẽ không có ý nghĩa cũng như lý do hiện hữu. Cũng thế, như trong nguồn gốc và lịch sử của mình Giáo hội hiệp nhất với Mẹ Thiên Chúa, thì cũng phải cử hành Mẹ trong cuộc sống phụng tự của mình. Đức Trinh Nữ hiện diện trong năm Phụng vụ, bởi vì Mẹ hiện diện trong cuộc sống của Giáo hội, và là mẫu gương của thái độ tinh thần, qua đó Giáo hội cử hành và sống các mầu nhiệm của Chúa (MC 16).
Sự hiện diện này của Đức Maria trong năm Phụng vụ là một sự kiện quan trọng có các hiệu quả thuộc trật tự thiêng liêng và mục vụ. Vì thế các lễ kính Đức Maria đã là đối tượng của sự chú ý đặc biệt trong việc cải tổ lịch Phụng vụ. Phải chú ý tới các nguyên tắc của Hiến chế Phụng vụ Thánh cũng như giáo lý của chương VIII trong hiến chế về Giáo hội.
Chỉ có Đức Maria cùng chung máu thịt với Đức Giêsu và cùng chịu đau khổ thử thách với Con của Mẹ, như lời ông Simêon đã nói tiên tri về Hài Nhi và Mẹ Ngài: “Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều bổ nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối, và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu, ngõ hầu ý nghĩ của nhiều hồn phải bày ra” (Lc 2, 34-35: Tin Mừng). Căn cứ vào điều này mà Đức Maria được vinh dự trở thành “vị TRẠNG SƯ, VỊ BẢO TRỢ, ĐẤNG PHÙ HỘ, và ĐẤNG TRUNG GIAN TRONG CHÚA GIÊSU” (Hiến Chế Hội Thánh số 62). Vì “Chúa Cha rất nhân từ, đã muốn sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể,để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. điều đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn Sống cải tạo mọi sự. Do đó thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại; nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Eva, nay đã gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria, điều mà trinh nữ Eva buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin. Bởi Eva có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Hiến Chế Hội Thánh số 56).
Các lễ trọng Mừng kính Đức Maria đều liên quan đến tín điều như: Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời… Phụng vụ mừng kính các lễ này như biểu lộ đức tin công khai của Giáo hội và chân lý đức tin. Còn việc mừng kính các thánh lại xuất phát từ lòng tôn kính các vị tử đạo đầu tiên trong Giáo hội. “Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế với một tình yêu đặc biệt, Giáo hội tôn kính Ðức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly. Nơi Mẹ, Giáo hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như trong hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo hội ước mong và trông đợi.” (HCPV 103)
a. Theo Mùa
Mùa vọng: Giáo hội mừng việc chuẩn bị Chúa đến với loài người trong biến cố Nhập thể cũng như việc Chúa sẽ đến vào thời cánh chung. Phụng vụ mùa này, Đức Maria được giới thiệu như một mẫu giương của tín hữu tỉnh thức cầu nguyện đón chờ Đức Kitô với tâm tình âu yếm và hân hoan. Đặc biệt trong mùa vọng có ngày 08/12, Phụng vụ tưởng nhớ đến Đức Maria trong tuần trước lễ Chúa Giáng sinh. Cách riêng vào Chúa nhật thứ IV mùa vọng, các bài đọc và lời nguyện nhắc tới thân mẫu của Đấng Cứu Thế.
Mùa Giáng sinh: Trong chính ngày lễ Giáng sinh, Giáo hội chúc mừng bà mẹ trong khi thờ lạy Chúa Cứu Thế. Đề tài ấy được nhắc lại trong trong ngày bát nhật, tức là lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Phụng vụ cũng ca ngợi Đức Mẹ vừa là Mẹ vừa là Trinh nữ, cũng như các nhân đức tin cậy, thờ lạy Chúa. Vào lễ Chúa Hiển linh, Giáo hội cử hành mầu nhiệm Chúa tỏ mình cho muôn dân, và nhận thấy Đức Maria như tòa của Đấng khôn ngoan che chở cho các đạo sỹ đến thờ kính. Trong lễ Thánh gia thất, Giáo hội chiêm ngắm sự thánh thiện tỏa ra ở nhà Nazaret qua cuộc sống của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse.
Mùa Chay: Con đường của Giáo hội tiến về lễ Phục sinh có thể ví với con đường đức tin của Đức Maria, người môn sinh trung tín của Chúa. Mẹ trở nên mẫu gương cho chúng ta bền chí khi bị thử thách, can trường kể cả giữa đêm tối, phó thác cho bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Chúng ta cũng tin tưởng nơi sự hỗ trợ của Mẹ đứng gần bên thập giá Chúa, ký thác cho Mẹ những ưu tư buồn phiền cay đắng của ta, để đóng góp vào chương trình cứu chuộc nhân loại.
Mùa Phục sinh: Niềm hoan lạc của Giáo hội vì Chúa đã sống lại và vì Chúa ban Thánh Thần xuống có thể coi như sự kéo dài thêm niềm vui của Đức Mẹ vì thấy Con mình đã chiến thắng tội lỗi và tử thần.
b. Theo niên lịch
Lịch Phụng vụ theo Rôma được cải tổ sau công đồng Vaticanô II và được ban hành ngày 14/02/1969 đã dành ra 15 lễ kính Đức Maria trong toàn thể Hội thánh, được phân thành 4 cấp:
4 lễ trọng: Lễ Mẹ Thiên Chúa, Truyền Tin, Đức Maria Hồn Xác Lên Trời và Lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
3 lễ kính: Dâng Con Trong Đền Thờ, Thăm Viếng và lễ Sinh nhật.
4 lễ nhớ bắt buộc: Nữ vương, Đau khổ, Mân côi, Dâng mình.
4 lễ nhớ nhiệm ý (tự do): Lộ đức, Mẫu tâm, Camêlô, Cung hiến đền thờ Đức Bà cả.
Cụ thể 15 Lễ về Đức Mẹ theo niên lịch như sau:
– 01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa
– 02/02 Lễ Mẹ Dâng Con Vào Đền Thờ
– 11/02 Lễ Mẹ Lộ Đức
– 25/03 Lễ Mẹ được Truyền Tin
– 31/05 Lễ Mẹ Đi Thăm Viếng Bà Êlysabeth
– 16/07 Lễ Mẹ Núi Carmelo
– 05/08 Lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả
– 15/08 Lễ Mẹ Lên Trời
– 22/08 Lễ Trinh Nữ Vương
– 08/09 Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
– 15/09 Lễ Bảy Sự Đau Đớn Đức Mẹ
– 07/10 Lễ Mẹ Mân Côi
– 21/11 Lễ Mẹ Dâng Mình
– 08/12 Lễ Mẹ Vô Nhiễm
– Lễ Trái Tim Mẹ (sau Lễ Thánh Tâm).
Ngoài ra, Ta thấy có một sự song song nào đó giữa lễ kính Chúa và lễ về Đức Maria.
Sinh nhật Chúa Giêsu | Sinh nhật Đức Maria |
Truyền tin | Vô nhiễm nguyên tội |
Dâng Chúa vào đền thờ | Đức Maria dâng mình vào đến thờ |
Suy tôn thánh giá Chúa | Đức Mẹ Bảy Sự |
a. Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ngày 1 tháng 1
Lịch sử
Bên Tây phương, tại Rôma, thoạt tiên lễ Giáng sinh cũng là lễ Đức Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì khi hạ sinh Con Thiên Chúa trong xác thể, Đức Trinh Nữ cộng tác vào việc Thiên Chúa sinh ra Con Một Người từ muôn thuở. Bởi vậy thế kỷ XII, lễ Giáng sinh ban ngày được mừng trọng thể tại đền thờ Đức Bà Cả ở Rôma.
Năm 1931, để kỷ niệm 15 thế kỷ Công đồng Êphêsô tuyên tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Đức Piô XI ban hành thông điệp “Lux Veritatis” diễn giải tín lý Nhập Thể, do đó Đức Trinh Nữ Maria trở nên Mẹ Thiên Chúa. Đức Piô XI còn truyền dạy mừng lễ Mẹ Thiên Chúa trong khắp Giáo hội vào ngày 11 tháng 10.
Năm 1962, Đức Gioan XXIII khai mạc Công đồng Vatican II vào chính lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 11 tháng 10 để trao phó công cuộc đại sự này trong tay Thiên Mẫu vạn năng của Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ Giáo hội. Trước năm 1969 ngày mồng một tháng Giêng kính Chúa Giêsu chịu phép cắt bì. Năm 1969 trong chiều hướng canh tân Phụng vụ, Đức Phaolô VI đã đổi lễ Mẹ Thiên Chúa sang ngày 1 tháng Giêng.
Ý nghĩa
Phụng vụ đã khởi đầu ngày đầu năm bằng lễ : Đức Maria là mẹ Thiên Chúa để chúng ta luôn ý thức đời mình gắn liền với thời gian là gắn liền với hai Đấng : Đức Maria và Chúa Giêsu.
Bởi vì cuộc đời của Đức Maria gắn liền với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, đấng là chủ không gian và thời gian. Phụng vụ khởi đầu ngày đầu năm bằng lễ Đức Maria là mẹ Thiên Chúa để chúng ta luôn ý thức đời mình gắn liền với không gian và thời gian là gắn liền với hai Đấng: Đức Maria và Chúa Giêsu[2].
b. Lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 2 tháng 2
Lịch sử
Theo tập nhật ký hành hương của bà Egeria người Tây Ban Nha, thế kỷ IV, lễ này được mừng đầu tiên sau lễ Hiển Linh 40 ngày tại Giêrusalem khoảng năm 381-384 trong đền thờ Chúa phục sinh với tất cả vẻ long trọng như lễ Phục sinh. Đến thế kỷ V, lễ này lan ra khắp Đông phương và được gọi là “cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông già Simêon”, đến thế kỷ VII lan sang Rôma gọi là “lễ Tẩy uế của Đức Maria” mừng vào ngày hai tháng Hai, sau lễ Giáng sinh 40 ngày. Phụng vụ chú ý đến biến cố Mẹ Maria dâng Ấu Chúa trong đền thờ, nên ý nghĩa Phụng vụ ngày hai tháng Hai là Lễ Đức Mẹ dâng Chúa hay là Hiến lễ của Chúa Giêsu. Năm 1969 lịch canh tân xác định hẳn lễ này là “lễ Đức Mẹ Dâng Chúa”.
Ý nghĩa
Thánh Luca cặn kẽ trình thuật biến cố này đã diễn tiến theo luật (Lc 2:22, 23, 24, 39) để chú trọng đến việc Đức Mẹ và Thánh Giuse trung thành tuân hành luật Chúa truyền dạy và việc Chúa Giêsu là Trưởng tử tự hiến và thuộc về Chúa Cha: “Hãy hiến dâng cho Ta mọi con đầu lòng nơi con cái Israel” (Xh 13:2) và “Từ Ai cập, Ta đã gọi Con Ta” (Hs 11:1). Khi dâng Hài Nhi cho Chúa, Đức Mẹ và Thánh Giuse nhận biết Người là Con yêu dấu của Thiên Chúa đã tuyển chọn (Lc 9:35) và thuộc về dân Do Thái đã được tuyển chọn và hiến thánh (xem Đnl 7:6). Hai sự kiện này ẩn chứa hai mầu nhiệm: Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể theo dòng giống Israel, được tuyển chọn và hiến dâng để cứu chuộc loài người.
c. Lễ Truyền Tin ngày 25 tháng 3
Lịch sử
Lễ Truyền tin được mừng đầu tiên tại Giáo hội Đông phương vào Chúa nhật I mùa Vọng từ thế kỷ IV hay thế kỷ V để kính nhớ mầu nhiệm Nhập Thể. Đến thế kỷ VII, lễ này lan sang Giáo hội Tây phương để kỷ niệm Đức Trinh Nữ Maria chịu thai Ngôi Lời Nhập Thể, đồng thời kỷ niệm Chúa Kitô được xức dầu làm Thượng Tế và làm Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Thánh Augustinô đã đề nghị mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 cho đúng chín tháng trước lễ Giáng sinh, nhưng Giáo hội Tây Ban Nha không đồng ý, nên Công đồng Toleđô năm 656 ấn định mừng tám ngày trước lễ Giáng sinh rồi đổi sang ngày 18 tháng Giêng để tránh mùa Chay. Đức Bênêđictô XIV ra sắc lệnh ấn định khắp Giáo hội mừng lễ Truyền tin vào ngày 25 tháng 3 theo Thánh Augustinô đã đề nghị và như ngày nay.
Ý nghĩa
Lịch Rôma thời xưa trọng thể mừng “lễ Ngôi Lời nhập thể” gọi là “Lễ Truyền tin của Chúa”. Lễ này đã được sửa đổi lại nhưng là lễ mừng Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ. Mừng Chúa là Ngôi Lời trở thành Con Mẹ Maria (Mc 6:3). Mừng Đức Trinh Nữ trở thành Mẹ Thiên Chúa.
d. Lễ Đức Maria hồn xác lên trời ngày 15 tháng 8
Lịch sử
Đầu tiên Giáo hội Đông phương thành lập lễ tôn vinh Mẹ Thiên Chúa tại Giêrusalem sau Công đồng Êphêsô năm 431, và gọi là “Ngày của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”. Năm 380, giáo đoàn Antiôkia, và đầu thế kỷ VI, Giáo hội Đông phương gọi là “Lễ Mẹ ly trần”. Năm 600, hoàng đế Maurice ra sắc lệnh mừng lễ này khắp nước Byzantine. Khi quân Ba tư xâm chiếm Trung đông, các đan sĩ chạy sang Rôma năm 650 đem theo lễ này sang và đổi là “Lễ Mẹ lên trời” và mừng vào ngày 15 tháng 8. Rồi từ Rôma, lễ này được lan đến Milan và Tây Ban Nha. Đức thánh Sergiô I tổ chức một cuộc rước long trọng sùng kính Mẹ lên trời. Thế kỷ VIII lễ này lan sang Anh và Đức như Hội đồng Giám mục Áo tại Salzburg xác nhận, và sang Pháp do Hội đồng Giám mục Pháp tại Mayenne. Dần dần lễ này được lan tới tất cả các nước khắp thế giới. Đức Lêô IV qui định lễ Mẹ lên trời có tuần tám ngày, và Đức Nicolas I cho biết từ lâu lễ Mẹ lên trời có lễ Vọng ngày áp.
Thế kỷ thứ XIII lễ Mẹ lên trời còn có ngày chay trước lễ và là lễ long trọng nhất các lễ Đức Mẹ. Thế kỷ XVI theo nhà thần học Suarez, lễ này đặc biệt hơn mọi lễ Đức Mẹ, vì bày tỏ cho chúng ta thấy vinh quang, phần thưởng và sự khải hoàn của Rất Thánh Trinh Nữ.
Thời Trung cổ, lễ Mẹ lên trời là ngày làm phép mùa màng và các hoa trái đầu mùa. Năm 1950, lễ Mẹ lên trời có tầm quan trọng trong khắp Giáo hội do Đức Piô XII định tín “Mẹ Maria lên trời cả hồn và xác” và qui định thành Lễ Trọng đặc biệt trong khắp Giáo hội với luật buộc mọi người tham dự Thánh lễ. Năm 1970, Phụng vụ qui định lễ Mẹ lên trời là một lễ Đức Mẹ duy nhất có lễ Vọng vào chiều ngày 14 trước chính ngày lễ 15 tháng 8.
Ý nghĩa
Mẹ Maria hồn xác lên trời là biến cố sau cùng trong mầu nhiệm đời sống Đồng công Cứu chuộc của Mẹ đặc biệt liên đới với mầu nhiệm Nhập Thể Cứu thế của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Vì Mẹ đã chịu thai và hạ sinh Chúa Giêsu, thì sau khi về trời vinh quang, Chúa Giêsu cũng đưa Mẹ vào phúc vinh quang cùng với Người. Mẹ đã cho thân xác Chúa sự sống nhân loại, thì đáp lại, Chúa cũng cho thân xác Mẹ sự sống trường sinh vinh quang. Do đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội, thân xác trinh trong của Mẹ được thoát án lệ của tội Nguyên tổ mà được sống lại và lên trời cùng với linh hồn trong sáng của Mẹ. Biến cố Mẹ lên trời hồn xác hoàn thành sự thánh thiện và huân nghiệp của Mẹ, là niềm ủi an và hy vọng tràn trề của chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh Hội thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời. Hồn xác Mẹ lên trời vinh quang được Chúa Ba Ngôi tôn phong làm Nữ Vương trời đất và làm Đấng Trung gian ban phát mọi ơn lành cho chúng ta. Đặc ân Mẹ lên trời vinh quang chung qui mọi đặc ân của Mẹ và là cùng đích trót cuộc sống, sứ mạng và huân công của Mẹ. Lễ Mẹ lên trời vinh quang chung kết mọi lễ tôn vinh Mẹ, nên là một lễ trọng thể và là lễ luật buộc.
e. Lễ Sinh Nhật Đức Maria ngày 8 tháng 9[3]
Lịch sử
Theo Tiền Phúc âm Thánh Giacôbê, Đức Trinh Nữ Maria sinh tại Giêrusalem, vì hồi thế kỷ V một đền thờ được dâng kính Thánh Anna phía bắc đền thờ Giêrusalem, và tại Giêrusalem người ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ ngày mồng 8 tháng Chín trong một Vương cung thánh đường gần hồ tắm ngay chính nơi theo lưu truyền là nơi Đức Trinh Nữ sinh ra. Và năm 603, Thánh Sôphrôniô, Thượng phụ Giêrusalem, xác nhận Đức Trinh Nữ sinh tại Giêrusalem. Thánh Inhaxiô Antiôkia và Thánh Giustinô minh chứng Đức Trinh Nữ thuộc hoàng tộc Đavid vì theo Thánh sử Luca (1:27, 32, 69), Chúa Giêsu, Con Đức Maria, thuộc nhà Đavid.
Đức Thánh Giáo hoàng Sergiô I lập lễ này cùng với lễ Truyền tin, lễ Mẹ dâng Con, lễ Mẹ lên trời với bốn cuộc rước linh đình từ nhà thờ Thánh Adrianô về đền thờ Đức Bà Cả. Đức Innocentê IV đặt lễ có tuần tám, Đức Grêgôriô XI đặt lễ vọng và ngày chay trước. Đến thời Đức Thánh Piô X bỏ lễ vọng và tuần tám. Lễ Sinh nhật Đức Mẹ ngày mồng 8 tháng 9, đúng chín tháng sau lễ Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm ngày mồng 8 tháng 12.
Ý nghĩa
Lễ Sinh nhật Đức Mẹ gọi là “lễ Noel mùa Thu”, vì bầu trời tươi sáng, khí hậu mát mẻ êm dịu tiên báo một mùa hồng phúc. Ngày Sinh nhật của Mẹ là Rạng đông của Mặt Trời công chính là Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ, vì Mẹ sinh ra đem đến cho toàn thể loài người niềm hy vọng ơn Cứu độ. Do đó, hôm nay Giáo hội cầu xin cho được ơn phúc lộc và bình an do Con sinh bởi Mẹ giải thoát loài người khỏi vòng tội lỗi.
f. Lễ Đức Maria Vô Nhiễm ngày 8 tháng 12
lịch sử
Đông phương đã mừng lễ Mẹ Vô nhiễm từ thế kỷ VII. Bên Tây phương, Osbertô Clare, một văn sĩ và thi sĩ người Anh, tiên phong vận động mừng lễ Mẹ Vô nhiễm tại Anh hồi thế kỷ XII. Từ Anh lễ này lan nhanh sang Normandie và toàn nước Pháp rồi sang Ý. Năm 1215 các giáo phận nước Pháp được Đức Innocentê III ban phép đầu tiên mừng lễ Mẹ đầu thai. Năm 1263, Đại Công hội Dòng Phanxicô tại Pise (Ý) ấn định mừng lễ này trong toàn dòng. Đến đời Đức Clêmentê V, vì ảnh hưởng của Vua Philippe II, ngài đặt giáo đô tại Avignon (Pháp). Cả giáo triều mừng lễ Mẹ đầu thai ngày mồng 8 tháng 12 tại nhà thờ Dòng Carmelô. Từ đây, hằng năm giáo triều mừng lễ Mẹ đầu thai và tiếp tục khi trở về Rôma, các Đức Giáo hoàng cũng đích thân tham dự. Năm 1385, sử gia Bellemer và mấy năm sau sử gia Francis Martin còn thấy Đức Giáo hoàng, các Hồng y, Giám mục mừng lễ Mẹ đầu thai tại nguyện đường trong điện Vaticanô.
Thời đó lễ Mẹ đầu thai chỉ có ý nghĩa suông là Đức Mẹ đầu thai thánh thiện trong lòng Bà Thánh Anna. Vấn đề Vô nhiễm chưa được đưa ra khảo sát, và Toà thánh cũng chưa xét đến điểm tín lý.
Năm 1325 tại Avignon, Đức Gioan XXII chứng giám cuộc tranh luận sôi nổi giữa các linh mục Dòng Phanxicô và Dòng Đaminh về vấn đề Vô nhiễm. Chung cuộc, ngài tuyên bố luận cứ bên Phanxicô đáo lý hơn và có ưu thế hơn, nên ngài truyền dạy mừng lễ Mẹ đầu thai rất trọng thể tại nguyện đường của ngài, nhưng ngài không xác định vấn đề Vô nhiễm.
Đức Lêô X tán thành và xác nhận những văn kiện của Đức Sixtô IV. Với Trọng sắc “Sacrosanctae”, ngài truyền dạy nước Balan mừng lễ Mẹ đầu thai như ở Rôma, và ban phép Giáo hội Tây Ban Nha tổ chức lễ Mẹ Vô nhiễm nửa đêm ngày 8 tháng 12. Đức Thánh Piô V truyền dạy toàn thể Giáo hội mừng lễ Mẹ đầu thai. Giờ kinh ngày lễ thì lấy giờ kinh lễ Sinh nhật Mẹ, và đặt chữ “Đầu thai” thay chữ “Sinh nhật”. Riêng Dòng Phanxicô được dùng giờ kinh Bài lễ của Nogarolis đời Đức Sixtô IV.
Công Đống Balê năm 1439 ủng hộ phe chủ trương Đức Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm. Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Piô IX đã tuyên bố Tín Điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.[4]
Ý nghĩa
Giáo hội đã tuyên tín Mẹ Maria đầu thai vô nhiễm và long trọng mừng lễ Mẹ Vô nhiễm để cảm tạ Chúa Ba Ngôi rất thánh đã tiền định tuyển chọn Mẹ với một đặc ân lạ lùng, chuẩn bị cho phẩm chức và sứ mạng của Mẹ, đồng thời để ngợi khen chúc tụng Mẹ cao sang hơn mọi bậc thần thánh và toàn thể loài người. Giáo hội long trọng mừng lễ Mẹ Vô nhiễm với năm lý do thần học theo Thánh Tôma: Nếu lúc nào đó mắc tội, Mẹ Maria không xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, vì “cha mẹ là sự hãnh diện của con” (xem Cn 17:6). Do đó, nếu Mẹ mắc nguyên tội, ánh vinh quang của Chúa bị lu mờ trước mặt các thần thánh. Giữa Chúa Giêsu và Mẹ có một mối liên hệ chặt chẽ. Chúa và Mẹ cùng một vinh quang, nên Mẹ cần phải sạch mọi tội lỗi, nhất là nguyên tội. “Cha đã cho con việc xử án” (Ga 5:22). Nếu Mẹ Maria sa phạm tội lỗi hoặc nguyên tội, thì theo đức Công bằng, Chúa phải xử án luận phạt Mẹ. Nhưng có lẽ nào Chúa để Mẹ sa phạm để đoán phạt Người! Thánh Phaolô gọi thân xác chúng ta vì ô nhiễm nguyên tội là thân xác tội lỗi (Rm 6:6). Nếu Mẹ mắc nguyên tội, thân xác Mẹ sẽ là thân xác tội lỗi, thì làm sao xứng với thân xác Chúa Giêsu ngôi hiệp với bản tính Thiên Chúa? Vẻ đẹp của Mẹ “mười phân vẹn mười” luôn luôn và mãi mãi đẹp. Mẹ đẹp từ lúc đầu thai và luôn mãi đẹp. Trước khi sinh ra, sau khi sinh ra, không một tuổi nào, không một lúc nào trong đời Mẹ, mà Mẹ không luôn luôn hoàn toàn đẹp đẽ.
“Theo truyền thống, các Thánh được tôn kính trong Giáo hội và các di hài đích thực cũng như hình ảnh của các Ngài vẫn được sùng kính. Thực vậy, những lễ kính các Thánh nói lên những việc lạ lùng của Chúa Kitô nơi các tôi tớ Người và phô bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu bắt chước. Ðể những lễ kính các Thánh không lấn át các lễ kính nhớ chính những mầu nhiệm cứu chuộc, nhiều lễ các Thánh sẽ để cho từng Giáo hội địa phương, hoặc cho mỗi Quốc Gia hay Dòng Tu cử hành. Chỉ phổ biến cho toàn thể Giáo hội những lễ kính các Thánh thực sự có tầm quan trọng phổ quát.” (HCPV 111) Việc mừng kính các thánh trong lịch Phụng vụ hiện nay được xếp theo tầm quan trong của các ngài đối với Giáo hội. Theo Sổ Bộ thì Giáo hội đã tôn phong hơn bốn mươi ngàn vị thánh khác nhau, thuộc nhiều thời đại. Có những vị có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng đến toàn thể Giáo hội về giáo thuyết, về gương chứng nhân, về đời sống thánh thiện; lại có những vị rất bình dân được nhiều người yêu mến. Vì năm Phụng vụ chỉ có 365 ngày là tối đa, trong khi đó lại có nhiều vị thánh, nên việc sắp xếp để mừng kính các thánh cũng phải có một số tiêu chuẩn nào đó.
Vì các ngày lễ được xác định cách rõ ràng vào một ngày nào đó trong tháng, nên rất có thể ngày đó trùng với ngày Chúa nhật. Vì vậy ta cần lưu ý cần thiết trong việc mừng kính các thánh vào các dịp lễ hay mùa Phụng vụ khác nhau theo các tiêu chuẩn sau:
a. Lễ kính thánh Giuse
Giáo hội mừng kính đặc biệt Thánh Giuse vào hai ngày: 19-03 – Lễ thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria (lễ trọng) và ngày 01-05, lễ thánh Giuse thợ, bổn mạng của giới cần lao (lễ kính). Trong những ngày lễ này, Giáo hội đã làm nổi bật hình ảnh về thánh Giuse, đấng mà Chúa Cha đã trao phó Đức Giêsu cho ngài coi sóc và thánh nhân đã trung thành cộng tác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa bằng cuộc sống lao động chân tay và trí óc của mình. Qua những ngày lễ này, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta biết noi gương thánh Cả Giuse để tích cực cộng tác với Thiên Chúa và Giáo hội trong chương trình cứu độ.
b. Lễ kính các thánh Tông đồ
Ngoài lễ thánh Phêrô và Phaolô là lễ trọng (29-06), còn các ngày lễ kính các Tông đồ còn lại là lễ kính. Trong những ngày lễ này, Giáo hội cho chúng ta thấy các Tông đồ là những người cột trụ của Giáo hội. Các ngài là những người đã yêu mến Chúa trên hết mọi sự và sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Thầy mình và đức tin. Các ngài cũng là những người đã tuân giữ, và lưu truyền những chân lý và giáo huấn của Chúa Giêsu cho các thế hệ mai sau. Qua những ngày lễ này, Giáo hội mong muốn các kitô hữu có lòng yêu mến các thánh Tông đồ. Đồng thời, không ngừng cố gắng thực thi và trung thành với các giáo huấn tinh tuyền của các ngài để nhờ đó được tiến triển hơn trong đời sống đức tin và các nhân đức khác.
c. Lễ kính các thánh khác
Trong ngày lễ kính các thánh, ngoại trừ thánh Gioan Tẩy Giả thuộc vào bậc lễ trọng, còn các thánh khác thường được xếp vào bậc lễ kính hoặc lễ nhớ (lễ nhớ buộc hoặc không buộc). Trong những ngày lễ này, Giáo hội trình bày cho chúng ta về những nhân đức nổi bật hoặc về đời sống đạo đức thánh thiện của vị thánh mà Giáo hội muốn mừng kính, nhằm giúp cho các tín hữu noi gương, học hỏi và bắt chước các nhân đức hay đời sống của các thánh được mừng kính. Đồng thời cũng không ngừng cầu xin các thánh cầu thay nguyện giúp cùng Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống xứng đáng làm con cái Chúa và chu toàn các vai trò và bổn phận mà Chúa đã trao ban.
Đối với một số lễ kính thánh sáng lập dòng hay tu hội, dù thuộc bậc lễ kính hay lễ nhớ, nhưng Giáo hội vẫn cho phép tu hội hoặc hội dòng đó mừng lễ kính thánh tổ phụ của mình ở bậc lễ trọng. Giáo hội cho phép mừng kính như vậy nhằm làm nổi bật đoàn sủng của hội dòng hay tu hội mà Thiên Chúa đã ban cho vị sáng lập tu hội hay hội dòng. Hơn nữa, đây cũng là dịp tốt nhất để con cái của vị thánh tổ phụ học hỏi, bắt chước các nhân đức và đời sống của vị tổ phụ mình. Và đây cũng là cơ hội để các thành viên trong tu hội hướng về và kín múc đoàn sủng nơi thánh tổ phụ của hội dòng hay tu hội mình.
Sau các ngày lễ kính Thiên Chúa và các mầu nhiệm của Ngài là lễ kính Ðức Maria, thánh Cả Giuse, các thánh Thiên thần, các thánh Tông đồ, các thánh Tử đạo, các thánh Mục tử, các thánh Tiến sĩ, các thánh Trinh nữ, các thánh Nam Nữ, các thánh Tu sĩ, các thánh lo việc bác ái và giáo dục.
Đức Maria và các thánh luôn giữ một vai trò và vị trí quan trọng trong Giáo hội. Ðiều đó đòi hỏi chúng ta phải có sự đáp trả bằng lòng sùng kính và tình yêu mến đặc biệt dành cho các ngài, noi gương và tập tành các nhân đức của các ngài, đồng thời hy vọng và cậy trông vào sự bầu cử đắc lực của các ngài trên bước đường lữ khách trần gian này.
Phụng vụ chư thánh là mừng kính Đức Maria và các thánh, tuy là những thụ tạo, nhưng các Ngài có một đời sống thánh thiện và tốt lành trong đời sống đức tin cho mọi thế hệ nên việc mừng kính không phải là biệt lập hay không liên quan gì đến năm Phụng vụ, nhưng là được đan xem vào nhau để việc mừng kính ấy mang ý nghĩa đích thực. “Ngoài ra, Giáo hội còn thêm vào niên kỳ những lễ kính nhớ các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác, là những đấng nhờ muôn vàn hình thức ơn Chúa, đã đạt tới sự trọn lành, và đã chiếm được phần rỗi đời đời, giờ đây đang ca khen Thiên Chúa bài ca tuyệt diệu ở trên trời và đang cầu bầu cho chúng ta. Bởi chưng, trong những ngày kính nhớ các Thánh, Giáo hội công bố mầu nhiệm phục sinh nơi các Ngài: vì đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô. Giáo hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các Ngài, những gương mẫu lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các Ngài, Giáo hội lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa.” (HCPV số 104)
[1] Linh Tiến Khải, Thánh Mẫu Học, bài 324 (http://vi.radiovaticana.va/print_page.asp?c=612367: truy cập ngày 2-3-2013)
[2] Tham khảo Lm.Giacôbê Phạm Văn Phượng, Chia Sẻ Về Đức Maria (Tp HCM: Phương Đông, 2010), tr 5-6.
[3] Tham khảo: Lm. Phêrô Ngô Minh Châu, CMC, http://xuanha.net/Lequanhnam/9-8SinhnhatDucMe-peter.htm (truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2013).
[4] Enzo Lodi, Chư Thánh Theo Lịch Rôma, các linh mục hạt Xóm Chiếu chuyển ngữ, 2002, tr. 354-355.
(Nguồn: Năm Phụng Vụ, tr. 160-176 do Lớp thần IV, Trung tâm Học vấn Đa Minh, Niên Khoá 2012-13 thực hiện cho mục đích thuyết trình nhóm.)
Nguồn tin: https://thinhviendaminh.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 50 | Tổng lượt truy cập: 2,613,143