Suy niệm Tin mừng thứ Ba - Tuần 1 - Thường niên (Mc 1, 21b-28)

  • 15/01/2023 22:21
  • "Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư" (Mc 1, 22).

    Thứ Ba tuần 1 Thường niên năm I - Thẩm quyền (Mc 1,21-28)

     

    1. Bài đọc năm 1:  Dt 2, 5-12

    “Ðấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo”.

    Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

    Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: “Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Ðức Giê-su, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hóa và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: “Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn”.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Đáp ca:  Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9.

    Ðáp:  Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo (c. 7).

    Xướng:

    1)  Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?

    2)  Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.

    3)  Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.

     

    2. Bài đọc năm 2:  1 Sm 1, 9-20

    “Chúa nhớ đến bà An-na và bà đã sinh Sa-mu-en”.

    Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

    Trong những ngày ấy, tại Si-lô, sau khi ăn uống, An-na chỗi dậy. Thầy tư tế Hê-li đang ngồi trên ghế trước cửa đền thờ Chúa, nhằm lúc An-na sầu khổ, khóc lóc thảm thiết cầu nguyện với Chúa và khấn xin rằng: “Lạy Chúa các đạo binh, nếu Chúa đoái nhìn đến nỗi khổ của nữ tỳ Chúa, và nhớ đến con, Chúa không quên nữ tỳ Chúa, và ban cho nữ tỳ Chúa một con trai, thì con sẽ dâng nó cho Chúa trọn đời, và dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó”. Ðang lúc An-na mải mê cầu nguyện trước mặt Chúa, thì Hê-li để ý nhìn miệng bà. Vì An-na cầu nguyện thầm thĩ trong lòng, nên bà chỉ nhép môi, và không nói ra tiếng. Hê-li tưởng bà say rượu, nên nói: “Chừng nào bà hết say? Bà hãy đi giã rượu đi!” An-na đáp lại rằng: “Thưa ông, tôi không khi nào uống rượu; vì tôi là người đàn bà vô phúc nhất, nên tôi không thể uống rượu và mọi chất làm cho say, nhưng tôi đã giãi bày tâm sự tôi trước nhan thánh Chúa. Ông đừng nghĩ rằng nữ tỳ của ông đây như một đứa con gái Bê-li-an; vì quá đau khổ và đắng cay, nên tôi đã tỏ bày tâm sự cho đến bây giờ. Bấy giờ Hê-li nói: “Bà hãy về bình an, Thiên Chúa Ít-ra-en sẽ ban cho bà điều bà xin”. Bà liền thưa: “Ước gì nữ tỳ của ông được đẹp lòng ông”. Bà lui ra ngoài, ăn uống và mặt bà không còn vẻ buồn sầu nữa. Sáng hôm sau, vợ chồng thức dậy, thờ lạy Chúa, rồi trở về nhà ở Ramtha.

    En-ca-na ăn ở với bà An-na, và Chúa nhớ đến bà. Sau một thời gian, An-na có thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Sa-mu-en, vì bà đã xin Chúa ban nó cho bà.

    Ðó là lời Chúa.

     

    Đáp ca:  1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8abcd

    Ðáp:  Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa.

    Xướng:

    1)  Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.

    2)  Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.

    3)  Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.

    4)  Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

     

    3.  Tin Mừng: Mc 1, 21b-28

    “Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.

    21 (Đến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. 22 Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.

    23 Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên 24 rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông ? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao ? Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. 25 Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi, và ra khỏi người này!” 26 Thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.

    27 Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái chi vậy ? Đây là một giáo lý mới ư ? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người”. 28 Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

    Ðó là lời Chúa.

     

    4. Suy niệm:

    4.1 Suy niệm: Đấng có uy quyền

    Một giai thoại kể rằng : Có một thanh niên thích chơi những trò mạo hiểm. Anh ta mang một chiếc dù nhà binh đến bên bờ vực thẳm để chơi cho thỏa chí mạo hiểm của mình. Nhưng loay hoay thế nào anh ta trượt chân. Đang trên đà lăn xuống vực anh ta tình cờ nắm được một nhánh cây. Ngước mắt nhìn lên không thấy bóng dáng một ai hầu kêu cứu, nhìn xuống thì choáng váng mặt mày vì vực quá sâu. Anh ta bèn thốt lời cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin cứu con !".

    Bỗng có tiếng Chúa bảo : “Được, nhưng ta muốn biết con có thực sự tin vào quyền năng của ta không. Vậy nếu con tin, hãy buông tay ra !”. Nhưng chàng thanh niên vẫn nắm chặt nhánh cây và kêu lớn  "Có ai trên đó không ? Cứu tôi với !:

    Anh chàng thanh niên này xin Chúa cứu, nhưng anh ta lại không thể tin rằng Chúa có đủ uy quyền để cứu anh ta. Chúng ta tin Chúa nhưng chúng ta có xác tín rằng uy quyền hay quyền năng của Chúa đã thể hiện và thi thố nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến để cứu độ chúng ta không?

    Ngay những ngày đầu tiên rao giảng Tin mừng. Chúa Giêsu đã tỏ ra là người có uy quyền ; uy quyền trong việc giảng dạy, uy quyền trên các tà thần quấy nhiễu và làm hại con người. Thánh Marcô ghi lại sự kinh ngạc của dân chúng khi theo dõi Chúa Giêsu chú giải Kinh thánh và họ đồng thanh công nhận Ngài dạy dỗ như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ. Thật vậy, trong khi các luật sĩ giải thích Kinh thánh dựa theo truyền thống của cha ông, thì Chúa Giêsu giải thích bằng chính sứ mạng của Ngài, Ngài đã dùng quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa để giải thích Lời Chúa phán qua miệng các tiên tri. Chúa Giêsu là bậc thầy duy nhất hiểu rõ và làm chủ hoàn toàn sứ điệp của Ngài cũng như thấu suốt khả năng thu thập của người nghe những gì hữu ích cho họ trong hoàn cảnh thực tế. Tước vị Thầy đó đã  được chính Chúa Giêsu xác nhận với các môn đệ trong bữa tiệc ly : "Các con gọi Ta là Thày, là Chúa thì thật là đúng : kỳ thực Ta là thế”.

    Ngoài nhiệm vụ là Thày dạy đường dẫn đến sự sống. Chúa Giêsu còn là Chúa của vũ trụ : mọi vật hữu hình và vô hình đều phải vâng phục Ngài. Ngài đã dùng quyền ra lệnh cho ma quỉ và chúng phải vâng lời Ngài. Đó là cuộc  hiến thắng đã được tiên báo trong vườn Địa đàng : miêu duệ người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn. Và  cuộc chiến thắng này được trọn vẹn với cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Nếu nguyên tổ vì không tin lời Chúa đã đem lại sự chết cho mình và cho con cháu, thì Đức Kitô nhờ vâng phục đã đem lại sự sống mới cho nhân loại và cho họ thông phần sự sống đời đời. Ước gì chúng ta biết đặt tin tưởng vào Chúa Kitô là vị Thầy duy nhất, là Thiên Chúa toàn năng, là niềm hy vọng vững chắc của chúng ta.

    Nguồn tin: http://giaophanthaibinh.org

     

    4.2 Suy niệm 2

    Qua đoạn Tin Mừng theo thánh Máccô hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm Đức Giêsu -  Đấng bộc lộ thiên tính rạng ngời của Thiên Chúa qua lời giảng và hành động trừ quỷ, đặc biệt là trong từng việc Ngài làm, chúng ta cũng thấy rõ nhân tính của Thiên Chúa - một nhân tính tràn đầy yêu thương, lòng thương xót và sự đồng cảm sâu sắc với con người.

    Trước hết, Đức Giêsu bộc lộ thiên tính của mình qua uy quyền trong lời giảng dạy. Ngài không giảng như các kinh sư, lặp đi lặp lại những giáo điều, mà lời Ngài giảng mang sự sống, có sức biến đổi và chữa lành phần hồn cũng như phần xác. Lời của Đức Giêsu không chỉ đến từ trí khôn, mà còn xuất phát từ trái tim yêu thương và từ chính bản tính thần linh của Ngài. Lời của Đức Giêsu là lời hằng sống của Thiên Chúa, và mọi lời Chúa nói đều hướng chúng ta về sự thật, về ý muốn của Cha trên trời.

    Thứ đến, Đức Giêsu bộc lộ thiên tính qua hành động trừ quỷ. Khi đứng trước một con người bị thần ô uế khống chế, Đức Giêsu không thờ ơ hay sợ hãi, nhưng Ngài dùng uy quyền để giải thoát người đó. Điều này không chỉ minh chứng quyền năng tuyệt đối của Đức Giêsu trên sự dữ, mà còn bày tỏ lòng thương xót vô bờ của Ngài dành cho con người. Chúa Giêsu không hủy diệt, nhưng giải phóng con người; Ngài không bỏ rơi, mà là cứu vớt mỗi người chúng ta.

    Tuy nhiên, trong tất cả những việc ấy, Đức Giêsu không làm như một vị thần xa cách con người. Ngài đã làm với một trái tim nhân hậu, đầy cảm thông và chia sẻ. Khi Đức Giêsu chữa lành, Ngài chạm vào nỗi đau của con người. Khi Chúa trừ quỷ, Ngài đồng hành với những ai đang bị trói buộc bởi sự dữ. Đức Giêsu đã sống trọn thân phận con người để chung chia đau khổ, mang đến sự an ủi và niềm hy vọng cho nhân loại. Quả thật, đây chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên tính và nhân tính nơi Chúa Giêsu, hai bản tính ấy không hòa trộn; không biến đổi; không phân chia; không tách lìa.

    Mẫu gương của Đức Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta tự hỏi: Tôi đã sống thế nào để phản ánh tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày? Vì quả thật, do giới hạn của bản thân, hoặc vì những toan tính thiệt hơn – đôi khi chúng ta thường dễ vô cảm trước nỗi đau của người khác, hoặc chỉ yêu thương cách giới hạn, nửa vời, có điều kiện. Nhưng tình yêu của Đức Giêsu thì vô biên vô hạn, trường tồn và bất biến. Ngài mời gọi chúng ta yêu thương cách cụ thể và quảng đại như Ngài.

    Cuối cùng, chúng ta cùng chậm lại để suy gẫm về “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa - như Đức Giêsu đã nêu gương, lòng thương xót đó không chỉ là một cảm xúc nhất thời, mà là một sứ vụ cần phải thực hành, vì đó chính là bản tính, là căn nguyên thần linh của Thiên Chúa được bộc lộ cách cụ thể nơi con người của Ngài.

    Ts. Giuse Lữ Khách, OP.

    Bài viết liên quan