Thái độ của người tôi tớ được đặt nền trên sự nghèo khó. Người giàu có, người chiếm hữu thì tất nhiên không thể là người tôi tớ. Người sở hữu các của cải bên ngoài sẽ thường hướng tới việc tạo cho mình một thái độ tuyệt đối đó là thái độ của người làm chủ, người sở hữu, người độc lập và tự thỏa mãn với chính mình. Thế nhưng, yếu tố quyết định trong việc này là bản thân chúng ta nghĩ mình giàu có hay nghèo khó. Một người chỉ có thể là người tôi tớ nếu họ hoàn toàn làm chủ bản thân và ý thức mình là dụng cụ, và vì thế họ không thể là người tôi tớ cho đến khi có tinh thần nghèo khó, thoát khỏi mọi sự ẩn dật cá nhân và nhìn nhận mình không phải là chủ cuộc đời mình, không giữ lại điều gì như của riêng, và không thể chuyển nhượng, để từ đó cống hiến trọn vẹn cuộc đời để phục vụ. Thánh Phaolô là gương mẫu về điều này khi ngài thường khởi đầu các lá thư của mình với những lời : Phaolô, người tôi tớ của Đức Kitô Giêsu (Rm 1,1). Chúng tôi, Phalô và Timôthê, là những tôi tớ của Đức Kitô Giêsu (Pl 1,1). Giờ đây, khi công việc là tìm hiểu về Thiên Chúa và đặc biệt là trình bày về Người, thì con đường duy nhất để thực hiện đó là làm người tôi tớ, tức là, trước hết như một người nghèo khó. Chỉ như một thừa tác viên, một người phục vụ, một người được gọi cho công việc. Một khi người ấy muốn xử lý những sự việc về Thiên Chúa như là của riêng mình – cả trong hoạt động tông đồ, trong chiêm niệm, hay ân sủng được ban để phát triển tinh thần, mà từ chối tiếp tục nghèo và cố gắng trở thành người sở hữu thì, ngay lập tức, anh ta đánh mất sự nghèo khó cá nhân vốn được Thiên Chúa làm cho giàu có (như thể không có gì mà sở hữu mọi sự), và bị lột trần, bị bỏ mặc cho sự cơ cực dưới vẻ hào nhoáng lừa dối của thành công bên ngoài, đó là tất cả những gì còn lại của anh ta.
Đó là điều mà thánh Tôma Aquinô, một người con thuộc gia đình quý tộc, họ hàng với hoàng đế Frederic, rất thông thái trong dòng tộc, đã chấp nhận và theo đuổi với ý thức rõ ràng về điều Thiên Chúa yêu cầu với mình.
Thánh nhân hiểu rõ về thế nào là hoạt động tinh thần, và công việc thần học, đặc biệt, tuỳ thuộc vào ơn Thiên Chúa ban, đó là nếu chúng ta phục vụ sự thật với lòng ngay thẳng, chúng ta cần được trợ giúp và soi sáng từ Đấng là Chủ mọi ý tưởng, và bổn phận của chúng ta là thốt ra. Và thêm nữa, ngài còn tăng cường việc làm của mình bằng lời cầu nguyện.
Chuyện kể rằng, ngài đã dành nhiều thời gian để cầu nguyện, ngài cầu nguyện trước khi làm việc, và khi gặp vấn đề nan giải, ngài lại hướng về Chúa với cường độ mãnh liệt hơn lúc khởi đầu. Bản văn của những lời cầu nguyện như thế còn được lưu truyền đến chúng ta. Các bản văn này cho thấy thánh nhân luôn đến với Thiên Chúa như một người nghèo đang cần Thiên Chúa ban tặng, và thêm vào đó, không ngại cầu xin mọi sự.
Lạy Chúa Cha toàn năng hằng hữu, Chúa nhìn thấy con đang đến với mầu nhiệm Con Một Chúa, Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Con đến với mầu nhiệm này như người đau yếu đang cần được chữa lành, như người ô uế tìm đến nguồn mạch thương xót, như kẻ mù loà tìm đến ánh sáng vĩnh cửu, như người nghèo khó và cơ cực đến cùng Chúa Cả trời đất. Vì vậy, con hướng về sự phong phú của lòng quảng đại bao la, nài xin Chúa chữa lành các bệnh tật con, tẩy sạch mọi vết nhơ, chữa cho khỏi mù loà, làm phong phú sự nghèo túng của con, che đậy sự trần trụi của con.
Con đến trước nhan Ngài như một kẻ tội lỗi, ôi lạy Chúa là nguồn mạch thương xót, con đây ô uế và nài xin Chúa tẩy sạch con. Ôi mặt trời Công Chính, xin chiếu soi kẻ mù loà. Ôi Đấng chữa lành vĩnh cửu, xin ban sức mạnh cho kẻ yếu đau. Ôi Vua các vua, xin mặc y phục cho kẻ cơ cực. Ôi Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, xin thanh tẩy con người đầy tội lỗi.
Đó là lời cầu nguyện của kẻ nghèo, kẻ nhìn nhận rằng mình không thể làm được gì, nhưng tất cả được ban cho anh để hành động. Đó là lời cầu nguyện của người tôi tớ - người không ao ước – không khao khát gì cho riêng mình mà chỉ suy nghĩ những gì cho Chúa của mình.
Thêm một yếu tố khác nữa. Sự nghèo khó và lời cầu xin trong lời cầu nguyện của con người là yếu tố cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ, kể cả sinh hoạt thông thường của người Kitô hữu. Nhưng đây là loại khó nghèo và hình thức tuỳ thuộc riêng biệt của nhà thần học và liên hệ đến hoạt động khoa học riêng biệt của anh ta. Vậy thần học là gì?
Đó là một hoạt động của con người tìm hiểu về những dữ kiện các mầu nhiệm đức tin; đó là một công việc nhằm khai triển, tổ chức và hệ thống hóa và qua đó hiểu thêm về những dữ kiện đức tin mà tâm trí con người có thể đạt được. Đó là khoa học và vì thế hoàn toàn có tính khoa học và lý luận trong các sáng kiến, phương pháp và kết luận. Và vì nó là khoa học và hoạt động lý luận mà từ cội rễ có liên hệ đến toàn bộ mầu nhiệm của hành động đức tin, một công trình khoa học về dữ liệu vốn chỉ tồn tại trong tâm trí nên thật sự, nó chỉ được “ban tặng”, trong một hành động đức tin mà nếu chỉ lý luận thì không đủ. Đó là một khoa học, nhưng không thể chỉ khởi đầu với các dữ kiện, vốn là tiến trình thông thường của mọi khoa học. Công việc này khởi đầu bằng việc khước từ quyền xác minh mọi sự, và bằng cách đón nhận những dữ kiện, tựa như đứa trẻ đón nhận những điều sơ khởi của kiến thức, tức là bằng đức tin. Theo cách nhìn của con người, thần học là môn học nghèo nàn và cực khổ nhất trong các khoa học, và trong thực tế, môn học này không có tên trong danh mục các khoa học chính thức.
Đó là loại hoạt động đặc biệt mà thánh Tôma đã phục vụ. Thánh nhân là người tôi tớ của Thiên Chúa trong tư thế một nhà thần học. Ngài là người nghèo với cái nghèo của người tôi tớ Thiên Chúa, người không lấy gì làm của riêng mình, nghèo trong tư thế một nhà thần học, người không sở hữu nhưng đón nhận tất cả, kể cả những nguyên tắc của môn học, đồng thời là người, trong lãnh vực của công việc riêng biệt, không xử sự như một ông thầy để khỏi phản bội quy tắc tạo nên vị thế nền tảng và ơn gọi của mình. Khi được hỏi để giải thích, nhà thần học, sớm hay muộn, phải loại bỏ mọi ý kiến riêng ; ông phải quy chiếu vào người khác và dựa vào Thiên Chúa. Với ngôi nhà ông đang xây dựng, ông không phải là chủ, nhưng là người tôi tớ; ông phải thường xuyên ghi nhớ điều này, vì ông chỉ được phong phú nhờ sự giàu có là sự khôn ngoan của Thiên Chúa nếu ông chấp nhận những điều kiện của việc trở nên nghèo, và trong công việc thật sự có tính khoa học của mình, ông trở thành con người và thành tôi tớ của người khác.
Lễ thánh Tôma Aquinô
28-01-2023
Giuse Nguyễn Cao Luật O.P
Nguồn tin: http://daminhvn.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 467 | Tổng lượt truy cập: 5,958,922