Tu luật Thánh Augustinô qua dòng lịch sử

  • 27/12/2021 21:21
  • Tu luật thánh Augustinô có ý nghĩa gì đối với ơn gọi Đaminh của chúng ta? Có nhiều cách trả lời. Theo Chị Marie-Ancilla, thuộc đan viện Lourdes ảnh hưởng của thánh Augustinô đối với dòng Đaminh vào hai điểm: Lý tưởng đan tu và Lý tưởng đời sống tông đồ. Còn theo ý kiến của Cha Humbertô, Ngài vạch ra vị trí ưu tiên của đức ái, và đề cao việc học hành,...

    Tu luật Thánh Augustinô qua dòng lịch sử

    Phan Tấn Thành

    Viết tắt: AT = Âu-tinh

    Nhập đề. Từ ngữ. Bố cục

    I. Bản văn (Scriptura)

    1. Tác giả: 1) Đâu là bản văn? 2) Ai là tác giả? 3) Viết cho ai?
    2. Nội dung

    II. Những điểm nhấn trải qua lịch sử (Traditio)

    A Cộng đoàn do thánh Augustinô lập ra

    B Những dòng tu mang tên Dòng Augustinô

    C Những dòng tu giữ luật thánh Augustinô nhưng không gọi là Dòng Augustinô

    III. Dòng Đaminh với luật thánh Augustinô

    1. Cha Humberto de Romans
    2. Hiến pháp hiện hành

    Kết luận

     ————

    Nhập đề

    1) Từ ngữRegula: tu luật?

    Trước khi vào đề, thiết tưởng nên lưu ý về từ ngữ. Trong tiếng Việt, chúng ta dùng một danh từ “luật lệ” để dịch nhiều từ ngữ trong tiếng Latinh: lex (law tiếng Anh: luật của Chúa, luật thiên nhiên, luật nhà nước), ius (tiếng Anh không có; tiếng Pháp là droit, nghĩa là cái gì ngay thẳng, đối tượng của công lý); regula (tiếng Anh là rule, cái thước để đo). Luật của các dòng tu là regula, chứ không phải là lex hay là ius, có lẽ vì muốn nói đến quy chuẩn để đo lường những hành vi của các tu sĩ, nhờ đó biết được cái gì đứng đắn và cái gì lệch lạc.

    Règle là cái thước đo (tiếng Latinh là regula, và tiếng Hy lạp là kanon): hai từ này được các giáo phụ sử dụng trong lãnh vực đức tin, chẳng hạn khi nói đến các sách thánh và phụng vụ (canon scripturae, canon Missae) hoặc tín lý (regula fidei); trong khi mà “loi” thường chỉ hiểu về kỷ luật luân lý. Thật vậy, trong các thế kỷ đầu tiên của đời đan tu, những bản regula được soạn thảo không nhằm quy định những điều phải tuân giữ trong đời sống hằng ngày cho bằng diễn đạt con đường hướng dẫn đan sĩ đạt tới lý tưởng Tin mừng. Nói cách khác,  regula hàm chứa chiều kích huyền bí  hơn là chiều kích khắc kỷ.

    2) Bố cục

    Bài thuyết trình gồm ba phần. Hai phần đầu mang tên là “Bản văn” và “Lưu truyền” (Scriptura et Traditio). Trong phần thứ nhất, chúng ta rảo qua những nét chính của bản Tu luật; phần thứ hai điểm qua những lối giải thích trải qua dòng lịch sử. Sự phân chia này dựa trên nguyên tắc cổ điển của thần học công giáo kể từ thời Martin Luther: Scriptura et Traditio. Luther nhấn mạnh đến Scriptura, (sola Scriptura) bản văn Kinh thánh; Giáo hội Công giáo chủ trương rằng bản văn cần đến sự giải thích của lưu truyền. Chính Traditio bảo tồn Scriptura. Ta có thể nói một cách tương tự như vậy đối với bản tu luật của thánh AT. Thánh nhân đã viết bản luật cho một vài cộng đoàn do ngài sáng lập; nhưng các cộng đoàn ấy đã bị tan rã khi miền Bắc Phi bị chiếm đóng bởi các lực lượng ngoài Kitô giáo. Bản luật được khôi phục nhờ việc áp dụng cho các dòng tu ra đời vào thời Trung cổ, và dĩ nhiên họ đã giải thích ý nghĩa của bản luật dựa theo những đòi hỏi của hoàn cảnh mới.

    Cuối cùng, trong phần thứ ba, chúng ta sẽ nói đến ý nghĩa bản luật Augustino đối với dòng Đaminh.

    I. Scriptura: Bản văn

    Như chúng ta đã biết, trong những thế kỷ gần đây, do ảnh hưởng của khoa phê bình văn bản, nhiều tác phẩm cổ điển đã được xét lại không những là nhắm tái tạo bản văn nguyên gốc (sau khi đã tẩy gọt những lần “tam sao thất bản”) mà còn xác định vấn đề tác giả của bản văn nữa. Trường hợp điển hình là thư gửi Hipri tuy đã từng được truyền thống đặt trong số các thư của thánh Phaolô, nhưng ngày nay đã bị loại ra khỏi sổ. Một cách tương tự như vậy, bản văn vốn được truyền tụng là Tu luật của thánh AT cũng đã bị các nhà phê bình đem ra mổ xẻ. Thánh AT có viết bản luật nào không? Viết cho ai? Bản văn ấy như thế nào? Trong phần này, chúng ta sẽ theo dõi hai điểm liên quan đến bản văn: tác giả và nội dụng

    A. Tác giả

    Liên quan đến tác giả, các cuộc tranh luận đã nảy lên chung quanh ba vấn đề sau đây: 1) đâu là bản văn của tu luật AT? 2) Bản văn này có phải do thánh AT viết không? 3) Tác giả viết cho ai?

    1/ Đâu là bản văn tu luật thánh AT?

    Từ thời Trung cổ,  nhiều bản văn mang tên là “luật thánh Augustinô” đã được lưu hành trong các đan viện. Vào những thế kỷ gần đây, với sự tiến triển của khoa phê bình văn bản, người ta bắt đầu đặt nghi vấn về tính trung thực của các bản văn ấy. Những kết quả mới nhất được thực hiện do cha  Luc Verheijen[1] vào năm 1967. Theo sự nghiên cứu của cha, truyền thống đã để lại 9 phiên bản luật thánh AT: 4 dành cho nam giới và 5 dành cho nữ giới.

    (1) Ordo Monasterii (bắt đầu bằng các lời “Ante omnia, fratres carissimi” và kết thúc bằng “de vestra salute. Amen”). (2) Praeceptum (bắt đầu bằng “Haec sunt quae ut observetis praecipimus” và kết thúc “et in temptationem non inducatur”). Dài gấp 5 lần bản số Một. (3) Praeceptum longius ghép hai bản số Một và Hai. (4) Regula recepta, lấy các lời đầu của bản số Một đem chắp vào bản số Hai.

    Các bản sau đây dành cho nữ giới: (5) Obiurgatio, bức thư gửi cho các nữ tu, khiển trách vì tội bất tuân bề trên, quen gọi là Lá thư số 211). (6) Regularis informatio, bản luật (số Hai nói trên đây) chuyển sang giống cái. (7) Epistula longior, ghép hai bản văn số Năm và Sáu. (8) Ordo monasterii feminis datus, hầu giống y như bản văn số Một, chuyển sang giống cái. (9) Epistula longissima, ghép một mảng của bản số Năm với số Tám, dán thêm một khúc của bản số Sáu.

    Sau khi đối chiếu, phân tích và phê bình, tác giả loại ra 4 bản (Ba, Bốn, Bảy, Chín); rồi lọc đi lọc lại, cuối cùng chỉ còn 2 bản được vào vòng chung kết,[2] đó là: một bản luật dành cho nữ giới (ObiurgatioRegularis Informatio), và một bản dành cho nam giới (Praeceptum, còn mang tên là Regula ad servos Dei).

    Giữa bản văn Regularis Informatio và Regula ad servos có nhiều đoạn giống nhau. Phải chăng thánh Augustinô đã viết cả hai bản luật, hay chỉ có viết một bản thôi (bản kia chỉ là sự thích nghi văn phạm, đổi giống cái sang giống đực)? Bản nào ra đời trước: nữ hay nam? Các học giả chia thành 2 ý kiến:

    (a) Theo một ý kiến cổ truyền, thánh Augustinô đã viết một bản luật cho nữ giới, rồi sau đó nó được chuyển sang giống đực. Lý do vì có những ý tưởng xem ra chỉ thích hợp cho đàn bà chứ không dính dáng gì tới nam giới, chẳng hạn như thích làm dáng trong cách phục sức (chương IV), gửi đồ đi giặt ở ngoài nhà dòng (chương V), hoặc là những hình ảnh về hương thơm và soi gương (chương VIII). Một lý do nữa là: trong lá thư số 211 gửi cho nữ đan viện trong đó người em gái của Người làm bề trên, thì phần thứ hai có kèm theo Bản luật viết cho nữ giới. Về sau có lẽ Bản luật được sử dụng cho giới nam và chuyển thành giống đực.

    (b) Ý kiến thứ hai (do cha Pierre Mandonnet O.P. khởi xướng vào giữa thế kỷ XX[3]) lật ngược lại thế cờ: bản Regula ad servos Dei mới thực là bản luật được Augustinô viết cho một cộng đoàn đan tu tại Hippona (năm 397), rồi sau đó nó được thích nghi cho nữ giới! Cha Verheijen đã tán thành ý kiến của cha Mandonnet, với các lý do như sau: Đối với lá thư nổi tiếng số 211, Bản luật đi kèm theo không phải là của thánh Augustinô nhưng có lẽ là của một tác giả khác thêm vào sau này, tìm cách thích nghi Bản luật cho giới nữ mà nguyên gốc được viết cho giới nam. Một lý chứng nữa là những thủ bản cổ nhất của Bản luật được sử dụng trong các đan viện đều dành cho giới nam.

    2/ Câu hỏi thứ hai: Ai là tác giả của bản văn? Thánh AT có viết bản luật nào không?

    Câu hỏi này được nêu lên bởi vì cho đến nay vẫn còn thiếu những bằng chứng cho thấy thánh nhân đã viết Bản luật này. Thật vậy, trong những bút tích của mình, thánh Augustinô không hề đả động đến một bản Tu luật nào, kể cả khi vào cuối đời lúc duyệt lại các tác phẩm trong quyển Retractationes. Ông Possidius, một đồ đệ của thánh nhân, khi thảo bản liệt kê danh sách các tác phẩm của thầy mình (Indiculus), cũng chẳng nói đến một Bản tu luật.

    Người ta tìm thấy Bản luật trong một lá thư mang số 211 (gửi cho các nữ đan sĩ), chắc chắn do thánh nhân viết ra. Tuy nhiên một số nhà phê bình cho rằng bản Luật được xen vào lá thư về sau này, chứ vào lúc đầu thánh Augustinô chỉ viết khuyên nhủ các nữ đan sĩ mà thôi. Ý kiến này nại vào chứng cứ là ý tưởng giữa phần thứ nhất (nhắn nhủ) và phần thứ hai (Bản luật) của lá thư không liên tục với nhau.

    Dù vậy, ý kiến xác nhận thánh Augustinô là tác giả của Tu luật dựa trên luận cứ của một truyền thống lâu đời, đó là : tất cả các thủ bản chép tay từ cuối thế kỷ thứ VII còn lưu giữ đuợc, đều gán Bản luật này cho thánh Augustinô, ví dụ bản mang tên là “Corbie”, một đan viện Biển Đức ở miền Bắc nước Pháp, chép vào thế kỷ VII-VIII, hiện được lưu giữ trong Thư viện quốc gia Paris, mang số 12634. Trước đó, vào khoảng năm 520, thánh Césaire giám mục Arles đã trưng dẫn Bản luật như là của thánh Augustinô. Ông Erasmus, một nhà phê bình văn học nổi tiếng của thế kỷ XVI, còn thêm một luận cứ nữa, đó là văn phong của Bản luật rất phù hợp với văn phong của Augustinô.

    Tóm lại, tuy không thể khẳng định trăm phần trăm rằng thánh Augustinô là tác giả của Bản luật (vài tác giả hiện đại vẫn còn hoài nghi, như F. Chatillon viết năm 1956, và R. Lorenz viết năm 1966), nhưng đa số các học giả chấp nhận ý kiến của truyền thống coi Bản luật Regula ad servos Dei do đức Giám mục thành Hippô viết ra.

    3/ Câu hỏi thứ ba: thánh AT viết bản luật cho ai?

    Câu hỏi đã được nêu lên trên đây: tác giả viết bản luật này cho một cộng đoàn nam giới hay một cộng đoàn nữ giới? Ngày nay, ý kiến của các sử gia nghiêng về cộng đoàn nam giới. Cộng đoàn này có liên hệ gì với tác giả không? Đến đây thiết tưởng chúng ta nên ôn lại tiểu sử của thánh nhân, để hiểu rõ hơn hoàn cảnh ra đời của bản văn.

    Augustinô (gốc Latinh : Aurelius Augustinus) sinh tại Tagaste (Bắc Phi) ngày 13/11/354. Cho đến năm 373, anh học và dạy tại quê nhà. Từ năm 374, anh sang dạy học tại Cartago, thủ phủ hành chánh của miền Bắc Phi. Lúc đó, anh đã bị quyến rũ bởi thuyết Manikê cũng như đã có tình nhân và sinh đứa con tên là Adeodatus. Đến năm 383, anh xuống tàu qua Italia, dạy học ở Rôma một thời gian, và sau đó lên Milanô. Khoảng năm 385/6, anh rời bỏ tình nhân. Vào mùa hè năm 386 anh được ơn trở lại, và được rửa tội vào đêm Vọng Phục sinh (24/4) năm 387 tại Milano. Mùa hè năm sau, anh trở về quê nhà (Tagaste). Tại đây anh thiết lập một đan viện và trụ trì cho đến năm 391, khi được thụ phong linh mục cho giáo phận Híppô. Giám mục Valerius cho phép cha được lập một đan viện trong khu đất của nhà thờ. Khoảng năm 395/6, cha được cử làm giám mục phó, và không bao lâu thì kế vị giám mục Valerius. Thánh nhân qua đời ngày 28/8/430.

    Phần đông chúng ta thường biết thánh nhân như là một vị giám mục và là tiến sĩ vĩ đại của Hội thánh; rất ít người nghĩ đến người như là một đan sĩ. Trong thực tế, lý tưởng sống đời đan tu luôn luôn thu hút người từ lúc trở về với Chúa và kéo dài suốt đời. Chúng ta hãy ghi nhận một vài chặng quan trọng trong hành trình tu trì của thánh Augustinô:

    a) Dự án thành lập một cộng đoàn

    Tại Milano, sau khi trí tuệ đã được chinh phục bởi đức tin Kitô giáo (cuộc trở lại dứt khoát xảy ra một thời gian sau đó), anh Augustinô đã cùng với một nhóm bạn bè khoảng 10 người, nghĩ đến việc sống chung với nhau trong cộng đoàn để tìm kiếm sự Khôn ngoan của Thiên Chúa. Tuy nhiên sự cố gắng này đã không thành công vì một lý do rất đơn giản : một số người muốn mang theo vợ mình, nhưng một số khác thì phản đối (Conf. 6, 14, 24).

    b) Tĩnh tâm tại Cassiciacum

    Sau cuộc hoán cải (tháng 8 năm 386), anh Augustinô trải qua chín tháng chuẩn bị lãnh Bí tích thánh tẩy (24/4/387), tại một địa điểm gần Milano, cùng với thân mẫu là Mônica, người con là Adeodatus, người em trai Navigio và cùng với một số họ hàng và bạn hữu. Nhịp sống hàng ngày tương tự như tại một đan viện: cầu nguyện, làm việc, học hành, đọc Thánh kinh …

    c) Ẩn dật tại Tagaste

    Sau khi trở về quê hương (năm 388), Augustinô đã qui tụ con trai và một số bạn bè tại một nơi ngoài thành Tagaste, nơi sinh trưởng của mình. Ở đó trong 3 năm, anh sống cuộc đời đan tu rất chặt chẽ. Possidius, một đồ đệ và người viết tiểu sử của anh, kể rằng : “Điều được Chúa mặc khải lúc chiêm niêm và cầu nguyện, thì người truyền lại cho những kẻ chung sống với mình bằng lời giảng dạy ” (Vita, 3, 2). Chắc hẳn là những lời giảng huấn đó sẽ trở nên nòng cốt cho Bản tu luật sau này. Tuy vậy, từ chốn ẩn dật, Augustinô cũng làm “mục vụ” qua các thư từ. Nhờ tài năng thiên phú cũng như đời sống đạo đức, anh được nhiều người chiếu cố và tham khảo đủ mọi thứ chuyện. Để tránh cảnh xáo trộn đó, anh tìm đến một nơi yên tĩnh hơn để thiết lập cộng đoàn đan viện mới, tại Hípppô. Nhưng khi tới anh được truyền chức linh mục, một điều xảy ra ngoài ý muốn (năm 391).

    d) Cộng đoàn nam tu

    Dù là một linh mục, Augustinô vẫn tiếp tục muốn sống như một tu sĩ. Trong khu vườn cạnh nhà thờ Híppô, cha lập một cộng đoàn gồm các “giáo dân” (391) theo lý tưởng của cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem như sách Công vụ thuật lại: để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ. Điều này luôn luôn là lý tưởng của Augustinô. Có nhiều ý kiến cho là Bản tu luật được viết trước tiên cho cộng đoàn này. Từ cộng đoàn giáo dân này xuất thân một số giám mục để phục vụ dân Chúa. Nếp sống đan tu từ đó mở ra với các công tác mục vụ và trở thành đặc tính tiêu biểu của các đan viện do thánh Augustinô sáng lập. Người viết : “Chỉ có một tu sĩ tốt mới trở thành một linh mục tốt” (Ep. 60, 2). Nhưng xảy ra là sau đó Augustinô được chọn làm giám mục (395/396); như thế là phải bỏ lý tưởng đời tu chăng ? Chắc chắn là không ! Thật vậy, sau khi được tấn phong, người bắt đầu lập một cộng đoàn dành cho các giáo sĩ.

    e) Cộng đoàn giáo sĩ

    Khi đã làm giám mục, Augustinô vẫn ước ao được ở lại đan viện với các tu sĩ “giáo dân”. Nhưng những cuộc thăm viếng và nhiều công tác mục vụ làm xáo động nghiêm trọng cuộc sống thường ngày của cộng đoàn, vì thế ngài dọn nhà về toà giám mục. Tại đây, cùng với các linh mục và giáo sĩ, người thiết lập một cộng đoàn mới (monasterium clericorum) vào năm 397. Các đan sĩ vừa miệt mài truy tầm chân lý vừa hoạt động mục vụ.

    f) Cộng đoàn nữ tu

    Thánh Augustinô cũng mở một cộng đoàn nữ tu, mà bề trên là bà em gái, “một quả phụ được thánh hiến”, như người đã viết, và trong đó cũng cóù mấy người cháu làm phần tử. Đời sống đan tu được kết hợp với việc thực hành bác ái, nghĩa là chăm sóc các cô nhi và trẻ em bị bỏ rơi. Cộng đoàn này trở nên một ốc đảo hoà bình đối với giám mục Híppô : “Tôi đã tìm được niềm an ủi giữa biết bao nhiêu gương mù đang phơi bầy giữa thế gian” (Ep. 211, 2-3). Có phải vì chính cộng đoàn này mà vị thánh viết nên Bản luật đầu tiên được kèm theo lá Thư số 211, theo như ý kiến của vài người ?

    Augustinô còn sáng lập nên nhiều đan viện khác nữa, như Possidius đã chứng thực : “Khi qua đời, người để lại cho Giáo hội nhiều đan viện nam và nữ với biết bao người yêu mến đời sống tiết độ” (Vita, 31, 8). Như vậy chúng ta có thể xác quyết rằng trong suốt cả cuộc đời, thánh Augustinô đã miệt mài say mê cho lý tưởng tu trì. Kể từ lúc trở thành Kitô hữu, người đã muốn sống như một đan sĩ, thậm chí kể cả sau khi được tấn phong làm giám mục.

    Đặt trong bối cảnh lịch sử ấy, người ta đưa ra giả thuyết như sau: Có lẽ thánh Augustinô chỉ viết một bản văn đặt tên là Regula ad servos (hoặc Praeceptum), dành cho cộng đoàn giáo sĩ tại Hippo (vào những năm 397-400) Sau đó, một người khác (có lẽ là ông Alypius, một cộng sự viên của Augustinô điều khiển cộng đoàn ở Tagaste), đã thêm một dẫn nhập và nhiều quy tắc mang tính cách khổ chế, soạn thành bản văn được đặt tên là Ordo monasterii.  Sang thời Trung cổ, hai bản văn (Praeceptum và Ordo monasterii) được gom lại làm một bản mang tên là Regula sancti Augustini, với những phiên bản dành cho nam giới và nữ giới.

    B. Nội dung

    1/ Cách phân chương và đoạn

    Có nhiều cách phân chia Bản luật. Nhiều bản văn cổ không phân chương hay đoạn. Cha Lucas Verheijen cung cấp bản văn phê bình bằng tiếng Latinh và phân thành 8 chương, nhưng không đặt tiêu đề cho mỗi chương. Các ấn bản gần đây thì không chỉ phân thành chương với tiêu đề, nhưng còn tái phân thành đoạn và tính số các đoạn (tương tự như trong các văn kiện của Giáo hội). Chẳng hạn như bản dịch tiếng Ý của Agostino Trapé[4] được phân thành 49 số. Bản chú giải của Clodovis Boff[5]  không những phân ra 8 chương và 49 số với tiêu đề, mà còn chia mỗi số thành a, b, c,… để dễ phân tích.

    Ngoài ra, chúng ta còn gặp một lối phân chia nữa, chẳng hạn như trong bản dịch tiếng Anh của Tarcisius J. van Bavel [6]: các chương được phân đoạn và đánh số, nhưng các số chỉ liên tục trong một chương mà thôi (tựa như trong Kinh Thánh) chứ không tiếp nối trong suốt bản văn.

    2/ Sơ lược

    Chúng ta không thể nào so sánh luật thánh Augustinô với các bản quy luật của các dòng tu hiện đại. Trước tiên, nó không phải là một bản văn pháp lý quy định guồng máy tổ chức một cộng đoàn. Thứ đến, kể cả các quy tắc kỷ luật (ba lời khấn, việc đào tạo, đời sống thiêng liêng…) cũng không đầy đủ chi tiết. Thực ra, bản văn mang giọng điệu một bức tâm thư tóm tắt những lời huấn đức của thánh Augustinô dành cho các đan sĩ, dựa trên nền tảng Kinh thánh (người ta đếm được 35 chỗ trưng dẫn: 8 Cựu ước, và 27 Tân ước). Đoạn văn chủ yếu là Cv 4,31-35 về cộng đoàn Giêrusalem, được chọn làm kiểu mẫu cho cộng đoàn đan tu. Những ý tưởng chinh có thể tóm lại như sau:

    Nhập đề. Hạt nhân cốt yếu của tu luật : yêu thương (đoạn 1-2)

    Chương I: mục đích và nền tảng của đời sống chung: hiệp thông (đoạn 3-9)

    Chương II: việc cầu nguyện (đoạn 10-13)

    Chương III: thanh đạm và khổ chế (đoạn 14-18)

    Chương IV: giữ gìn khiết tịnh (đoạn 19-24) và sửa lỗi huynh đệ (đoạn 25-29)

    Chương V: sử dụng của cải và chăm sóc thân thể (đoạn 30-40)

    Chương VI: xin lỗi và tha thứ những xúc phạm (đoạn 41-43)

    Chương VII: quyền bính và vâng phục (đoạn 44-47)

    Chương VIII: việc giữ luật (đoạn 48-49).

     Nhập đề và chương 1 nêu lên lý tưởng căn bản; kế đó, các chương 2-7 lần lượt bàn về những vấn đề cụ thể trong đời sống cộng đoàn: cầu nguyện, lương thực, tiếp xúc, y phục, tha thứ, vâng phục; chương 8 kết thúc với vài lời khuyên nhủ. Chúng ta hãy lượt qua một vòng nội dung của nó.

    Chương 1. Phát biểu ý tưởng then chốt của bản luật, đó là kiến tạo một cộng đoàn yêu thương.

    – Mẫu gương là cộng đoàn Giêrusalem: đồng tâm nhất trí đi tìm Chúa. Tôn kính Thiên Chúa nơi anh em.

    – Việc thông chia tài sản là một dấu hiệu của đời sống cộng đoàn.

    – Một cộng đoàn sống động không có nghĩa là tất cả phải họa theo một khuôn đúc y trang. Cần biết tôn trọng những tài năng tự nhiên của mỗi người.

    – Khiêm nhượng và kiêu ngạo: yếu tố tích cực và tiêu cực trong đời sống cộng đoàn.

    Chương 2: Cầu nguyện. Cần phải kiên trì trong việc cầu nguyện (Nên biết ở đây tác giả nói đến việc cầu nguyện chung, chỉ có một câu đả động đến việc cầu nguyện tư). Ngoài vài quy tắc cụ thể liên quan đến địa điểm (lần đầu tiên danh từ oratorium xuất hiện trong tiếng La tinh, có nghĩa là: nhà nguyện, nơi cầu nguyện, nguyện đường), thời giờ, các kinh phải đọc hay hát, điều quan trọng hơn cả là “tâm tình cầu nguyện” (lòng mến yêu Chúa).

    Chương 3: Việc chăm sóc thân thể.

    – Điều độ khi ăn uống. Thực hành chay tịnh khổ chế (tùy theo khả năng: khổ chế chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh đời tu).

    – Nghe lời Chúa khi dùng bữa (Nuôi dưỡng tinh thần đang khi nuôi dưỡng thân xác).

    – Chu cấp cho mỗi người tùy theo nhu cầu (lưu ý đến những người đau yếu, những người “tế nhị”), nhưng cũng cần phải biết kìm hãm các yêu sách. “Thà thiếu tí chút thì hơn là dư thừa”, đây là một châm ngôn của triết gia Seneca, được xen vào trong bối cảnh thông hiệp.

    – Săn sóc các người bệnh tật.

    Chương 4: Trách nhiệm hỗ tương.

    – Những nguyên tắc chung về tác phong (y phục, đi đứng, di chuyển).

    – Thái độ đối với người khác giới (Thiện căn ở tại lòng ta, điều xấu cũng vậy: tội phạm ngay từ con tim theo như lời Chúa trong Mt 5,27-28).

    – Trách nhiệm đối với những lỗi lầm xúc phạm lẫn nhau.

    – Sửa bảo huynh đệ: tiến hành theo giai đoạn (xc. Mt 18,15-17).[7] Mục đích của sự sửa bảo là “sức khỏe tinh thần” của người anh em, chứ không phải là hành hạ họ!

    Chương 5: Các dịch vụ trong cộng đoàn. Đây là một chương “cụ thể” hơn cả, bởi vì muốn giải quyết những chuyện lặt vặt hàng ngày trong cộng đoàn: áo quần (xài chung), tắm rửa (bể tắm công cộng), qùa cáp, sách vở. Quy tắc cư xử: “hãy quan tâm đến ích lợi chung; đặt công ích lên trên tư lợi”.

    Chương 6: Giải hòa khi xảy ra đụng độ xích mích. Đời sống trong cộng đoàn không thể nào tránh được những cuộc cãi cọ. Điều quan trọng là đừng để chúng đâm ra giận ghét; trái lại hãy biết tha thứ, và đặc biệt là hãy kiên nhẫn với những người còn “trẻ dại” (minores: có thể hiểu là non nớt về đường thiêng liêng, hoặc còn trẻ tuổi).

    Chương 7: Tương quan bề trên bề dưới. Quyền bính (bề trên) và vâng lời (bề dưới) đều cần được hướng dẫn bởi đức ái: bề trên hãy lấy tình thương để phục vụ, cách riêng qua việc làm gương sáng; bề dưới hãy vâng lời vì thông cảm với gánh nặng của bề trên.

    Chương 8. Tóm kết.

    – Một lời ước nguyện: Anh em hãy giữ luật vì yêu mến nhân đức, trong tinh thần tự do của ân sủng.

    – Một quyết định thực tiễn: anh em hãy năng đọc bản luật để tự vấn. hai hình ảnh được sử dụng (“hương thơm vẻ đẹp của đức hạnh” và “tấm gương soi”) không phải rút từ mỹ viện dành cho phụ nữ nhưng là trích từ Kinh thánh (2Cr 2,15 và Gc 1,23-25).

    3/ Bố cục

    Có một thứ tự ý tưởng nào giữa các chương mục không? Thật là khó nói. Nhìn chung, xem ra chương đầu tiên quan trọng hơn cả, bởi vì đề ra lý tưởng, các chương còn lại trình bày những phương tiện hay điều kiện để thực hành lý tưởng. Các đề mục không theo một thứ tự luận lý nào: vị trí ưu tiên xem ra được dành cho việc cầu nguyện (chương 2), nhưng liền đó, tác giả bước sang việc ăn uống (chương 3) trước khi đả động đến các lời khuyên Phúc âm. Dĩ nhiên, trải qua dòng lịch sử, các nhà chú giải đã đề nghị nhiều tiêu chuẩn để khám phá dòng tư tưởng của tác giả. Hệ trật của các giá trị thay đổi không những tuỳ theo ý kiến cá nhân, nhưng đôi khi cũng tuỳ theo hình thức tu trì của mình: mỗi hình thức thường nêu bật một yếu tố chủ chốt, và các đề tài khác được xem như những phương thế để nhắm tới mục đích.

    II. Traditio: Những điểm nhấn trải qua dòng lịch sử

                Chúng ta thử lấy ba khuôn mẫu chính: 1/ Cộng đoàn vào thời thánh AT. 2/ Những cộng đoàn thời Trung cổ mang tên hiệu Augustinô, điển hình nơi các kinh sĩ thánh AT và dòng thánh AT. 3/ Những cộng đoàn thời Trung cổ chấp nhận luật thánh AT nhưng mang danh hiệu khác, điển hình là Dòng Đaminh.

    A. Những cộng đồng do thánh AT sáng lập

    Những người đầu tiên mà chúng ta cần đi phỏng vấn là chính các phần từ sống trong cộng đoàn vào thời thánh AT. Dĩ nhiên, hiểu ngậm là chúng ta phải vận dụng khá nhiều óc tưởng tượng để dựng lại khung cảnh sinh hoạt thời đó. Dù sao, có hai dữ kiện chắc chắn khi đối chiếu nếp sống tu trì của họ với nếp sống tu trì của chúng ta ngày nay: 1/ Họ là những đan sĩ: thánh AT không lập ra một dòng tu như các tổ phụ của các dòng vào thời Trung cổ: thánh Basiliô, thánh AT cũng như thánh Bênêđictô viết bản luật cho một cộng đoàn đan tu chứ không phải cho một dòng hoạt động. 2/ Vào thời thánh AT, chưa có quan niệm về ba lời khấn dòng như là cốt yếu của đời tu. Các đan sĩ thánh Biển đức, tuy cam kết ba điều nhưng là “kiên trì, hoán cải, vâng phục”. Phải chờ đến thế kỷ XIV các tu sĩ mới buộc tuyên hứa vâng phục, khiết tịnh khó nghèo.

    Khi muốn tái dựng lại cộng đoàn của thánh AT, đặc điểm thứ nhất mà cần nêu bật là quan niệm về đời đan tu. Đan sĩ (moines tiếng Pháp, monks tiếng Anh, monachi tiếng Latinh) gốc bởi tiếng Hy-lạp monachos. Tự nó, monachos chỉ có nghĩa là: “một, đơn, nhất” (monos) và đã được gặp thấy nơi các triết gia Platon[8]. Văn chương cổ điển Kitô giáo đã giải thích từ này theo nhiều nghĩa: a) kẻ độc thân, không lập gia đình; b) kẻ sống một mình, xa cách đời; c) kẻ chỉ chuyên lo công việc của Chúa là sự thiện duy nhất (unum necessarium); d) kẻ duy trì sự thống nhất nội tâm. Những ý nghĩa này đều nêu bật chiều kích siêu việt (hướng Chúa) của ơn gọi đan tu. Thánh Augustinô thêm một ý nghĩa nữa, mở rộng thêm chiều ngang: đó là những người sống đồng tâm nhất trí (một lòng một ý với nhau) trong một nhà, dựa theo thánh vịnh 132,1 (habitare fratres in unum), Công vụ tông đồ 4,32 (cor unum et anima una). Thánh nhân nhấn mạnh đến sự đoàn kết hoà hợp, qua nhiều diễn ngữ: in unum, unanimes, anima una, cor unum (hợp nhất, đồng tâm nhất trí). Đàng sau những từ ngữ này, ngài muốn cho cộng đoàn diễn tả đời sống của các tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, được miêu tả nơi sách Tông đồ công vụ (4,35). Nói cách khác, đời tu phải biểu lộ bản chất của Hội thánh là một sự thông hiệp. Sự thông hiệp này không chỉ hiểu về chiều ngang mà nhất là về chiều cao: sự hiệp thông cộng đoàn phải diễn tả sự  hợp nhất nơi mầu nhiệm Chúa Ba ngôi. Thực vậy, duy tình yêu của Thiên Chúa mới có khả năng kiến tạo cộng đoàn, vừa siết chặt sự hợp nhất vừa tôn trọng cá tính của mỗi phần tử.

    Xét về điều kiện xã hội, xem ra các thành viên thuộc những tầng lớp khác nhau: có người giàu sang địa vị, có người chỉ là dân thường. Vì thế điều đầu tiên mà tác giả nhắc nhở các thành viên là đức khiêm nhường và bác ái: tất cả hãy coi nhau như anh em; người giàu đừng khinh rẻ người nghèo, người nghèo cũng đừng tự mãn vì được gần gũi với những người quyền quý (số 6-8), và cũng đừng lẩm bẩm khi thấy những người giàu có được dành vài ưu đãi tiện nghi (số 16-17).

    Khi muốn nói đến hành trình tâm linh dựa theo bản tu luật, ít là có hai cách để trình bày: từ thấp lên cao, hoặc từ cao xuống thấp. Từ thấp lên cao nghĩa là đi từ những chỉ dẫn cụ thể trong đời sống thường ngày (mang tính nhân bản), rồi bước lên các lời khuyên luân lý (mang tính khắc kỷ tu đức), để tiến tới lý tưởng huyền bí. Từ cao xuống thấp có nghĩa là khởi đi từ những lý tưởng, rồi tìm ra những phương thế thích ứng để đạt đến hoặc bảo vệ lý tưởng ấy. Tôi xin chọn con đường thứ hai, khởi đi từ lý tưởng đan tu như vừa nói, rồi đi xuống những phương tiện nhằm duy trì lý tưởng.

    1/ Lý tưởng đời đan tu

    Theo cha Agostino Trapé[9], lý tưởng của đời đan tu có thể tìm thấy ở số đầu tiên và số cuối cùng; những số còn lại chỉ là những phương thế.

    Chị em rất thân yêu, trên hết mọi sự hãy yêu mến Thiên Chúa và rồi yêu thương tha nhân, vì đó là những lệnh truyền được ban cho làm nền tảng (số 1). Vậy đây là những chỉ thị chúng tôi truyền cho chị em sống trong đan viện (số 2). Lý do chính yếu mà chị em đoàn tụ làm một là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để chị em chỉ có một lòng một ý hướng về Thiên Chúa (số 3).

    Mở đầu bản văn, tác giả vạch cho thấy yêu thương là chủ đề chính của toàn thể đời sống đan tu. “Tiên vàn hãy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân” (số 1). Yêu thương là mục tiêu của cộng đoàn. Yêu thương cũng là phương tiện cần thiết để sống cộng đoàn “hãy có một linh hồn và một trái tim hướng về Thiên Chúa” (số 3). Yêu thương là trọng tâm của tất cả: “mọi cái đều qua đi, duy chỉ đức yêu thương tồn tại mãi mãi” (số 31). Vì thế, tất cả những điều nói trong bản văn đều nhắm đến việc thực hành đức yêu thương, hoặc bằng cách cất đi những trở ngại của yêu thương (giận hờn, ghen ghét) hoặc để nuôi dưỡng lòng yêu thương (cầu nguyện, khổ chế, vv). Dù sao,  những điều này có thể áp dụng cho toàn thể các Kitô hữu; xem ra điều độc đáo riêng biệt dành cho các tu sĩ được tác giả nêu bật ở số cuối cùng (số 48), khi bày tỏ  những động lực thúc đẩy việc tuân giữ tu luật.

    Xin Thiên Chúa ban cho chị em biết tuân giữ những quy tắc trên đây vì yêu mến, như những người mê say vẻ đẹp thiêng liêng và toả ngát hương thơm Chúa Kitô qua cuộc sống tốt lành, không như những nô lệ dưới ách lề luật như những người con người tự do trong ân sủng. Cha Trapé cho thấy bốn động lực hoặc chiều kích: động lực tâm lý; huyền bí; Kitô; đặc sủng.

    a) “Tuân giữ vì yêu mến”: đây là động lực tâm lý (hoặc chiều kích tình cảm). Con người khao khát tìm kiếm chân lý, nhưng hành trình tìm kiếm này sẽ trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn nếu được tình yêu thúc đẩy. Khi đã yêu thì không thấy gì là nặng nề nữa: “cứ yêu đi thì làm chi cũng được”. Tình yêu là động lực làm đổi mới các thói quen hằng ngày, thúc đẩy tìm hiểu thêm người mình yêu.

    b) “Mê say vẻ đẹp thiêng liêng”: động lực huyền bí (hoặc chiều kích chiêm niệm). Tu sĩ là người yêu mến vẻ đẹp của Thiên Chúa, cùng đích của cuộc đời. Thiên Chúa chính là vẻ đẹp, là tình yêu, là chân lý. Cuộc đời người tu sĩ luôn tìm kiếm nhan Chúa, được biểu lộ nơi Đức Kitô.

    c) “Tỏa ngát hương thơm của Chúa Kitô”: động lực Kitô (Chiều kích tông đồ). “Toả ngát hương thơm” là thuật ngữ trích từ 2Cr 2,15. Khi áp dụng vào Chúa Kitô, người ta cũng có thể liên tưởng đến Đức Kitô như vị thượng tế được xức dầu, từ đó toả ra hương thơm đến toàn thân thể mầu nhiệm của Người (x. Tv 132,2). Đời sống tu trì được ví như bông hoa chiếu tỏa hương thơm ngát, cho dù ẩn kín. Chứng từ của đời tu không chỉ mang tính cách cá nhân mà còn mang tính cách cộng đoàn nữa, qua dấu chỉ của tình yêu huynh đệ giữa các phần tử.

    d) “Tinh thần tự do”: chiều kích ân sủng. Giữ luật không như nô lệ nhưng như con cái dưới ân sủng. Nô lệ giữ luật vì sợ hãi, chỉ thấy nơi bản luật những nghĩa vụ, cấm đoán, hình phạt. Người tự do giữ luật do tình yêu mà ân sủng mang lại.

    2/ Những phương tiện

    Sự phân biệt giữa mục tiêu và phương tiện giúp tạo cho chúng ta một quan niệm về hệ trật các giá trị; trên thực tế, chúng quyện tròn lẫn nhau trong liên hệ nhân quả. Thật vậy, như vừa nói, mục tiêu tối cao của đời sống cộng đoàn là đức yêu thương. Đức yêu thương sẽ dẫn đến sự đồng tâm nhất trí. Đến lượt sự đồng tâm nhất trí sẽ tăng gia đức yêu thương.

    Để có thể yêu thương theo đúng nghĩa của Tân ước, chúng ta cần dựa trên những động lực siêu nhiên. Trước hết  là đi tìm Chúa (quaerere Deum): tất cả mọi người cần được nuôi dưỡng bởi ý hướng đó; đồng thời, đây cũng là một chuyển động của Chúa Thánh Thần, nhờ các nhân đức tin, chiêm niệm và phụng tự. Tình bằng hữu trong cộng đoàn được xây dựng trên đức tin, ngõ hầu nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người anh chị em như trong đền thờ. Đời sống đức tin được nuôi dưỡng nhờ việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa (kể cả trong bữa ăn).

    Nhằm vun trồng lòng thương yêu giữa các phần tử, tác giả đưa ra khá nhiều chỉ dẫn liên quan đến việc thực hành các nhân đức hoặc liên quan đến các hành vi khổ hạnh.

    Trong số các nhân đức cần thiết cho việc thực hiện yêu thương trong cộng đoàn, có lẽ ta phải đặt đức khiêm nhường lên hàng đầu (số 7). Tác giả nhắc lại một nhận xét của nhiều sư phụ trên sa mạc, theo đó tính kiêu ngạo thường len lỏi vào các nhân đức mà huỷ hoại chúng (số 8). Một cách cụ thể, đức khiêm nhường cần thiết cho đời sống chung: (i) trong tương quan giữa bề trên – bề dưới (46-47) ; (ii) trong việc chấp nhận sửa bảo huynh đệ (25-29); (iii) để xin lỗi người đã xúc phạm (43) và dĩ nhiên là để xin lỗi Chúa nữa (49).

    Khỏi nói ai cũng biết, trong cuộc sống chung không thể nào tránh được những xích mích. Hiển nhiên là nếu ai xúc phạm đến người khác thì phải khiêm tốn và thành thực xin lỗi, và người bị xúc phạm cũng mau mắn thứ tha (42). Tuy nhiên, đôi khi đức bác ái cũng đòi hỏi việc sửa lỗi huynh đệ  với những biện pháp chế tài (27), nhưng đừng bao giờ  quên một sự phân biệt cần thiết , đó là: ghét nết xấu nhưng yêu con người.

    Bên cạnh những giải pháp đặt ra do tình huống, tác giả còn nhắm đào tạo những tâm trạng để xây dựng cộng đồng, chẳng hạn như: quan tâm đến việc chung hơn việc riêng (đây là dấu cho thấy sự tiến bộ trên đường thiêng liêng: 31); ý thức tính cách đa dạng  của các phần tử (về hoàn cảnh xã hội, văn hóa, sức khỏe thể lý hoặc tâm lý); chấp nhận sống đạm bạc, hạn chế các nhu cầu cá nhân, để đạt được tự do nội tâm, ngõ hầu dễ nâng tâm hồn lên những sự trên trời.

    Ngoài việc cầu nguyện, đọc Sách thánh, các thành viên hãy chuyên cần với lao động (31), hoặc là lao động chân tay hoặc là giảng dạy.

    Đời sống cộng đoàn đòi hỏi một quyền bính. Người giữ quyền bính (bề trên) hãy tỏ ra là người cha, người phục vụ, khuôn mẫu trong việc lành (44). Đối lại, các thành viên hãy tỏ lòng vâng phục quyền bính như đối với người cha, biết  tôn trọng đồng thời cũng biết thông cảm gánh nặng của bề trên. Ngoài người đứng đầu, cộng đoàn cũng có những người phụ trách việc chung, chẳng hạn như: phụ trách thư viện, phụ trách phòng áo, phụ trách phòng thuốc, quản lý (được bàn trong chương V). Tất cả hãy cố gắng phục vụ trong vui tươi.

    B. Những dòng tu mang tên thánh AT

    Như đã nói trên đây, các cộng đoàn do thánh AT hay do các môn đệ của ngài thiết lập đã bị tiêu tán khi miền Bắc Phi rơi vào tay người Hồi giáo. Bản luật cũng lâm cùng một số phận. Mãi sang thời Trung cổ, nó mới được làm sống lại trong một bối cảnh khác, với hai biến cố quan trọng: 1/ việc canh tân hàng giáo sĩ đặt ra nghĩa vụ sống chung và tuân theo một bản luật; 2/ một số ẩn sĩ được cải tổ thành một dòng mang tên là dòng thánh AT.

    1/ Các Kinh sĩ cải cách (thế kỷ XI)

    Trước hết, cần phải lưu ý về từ ngữ: các “kinh sĩ” dễ gợi lên ý tưởng của những người lấy việc đọc kinh làm nghiệp của mình (đó là chưa kể sự lẫn lộn với trào lưu thần học “kinh viện” dịch bởi scholasticat). Thực ra, “kinh sĩ” là một thuật ngữ phiên dịch tiếng Pháp chanoine và gốc Latinh là canonicus. Tự nó canonicus là một tính từ gốc bởi danh từ canon, tiếng Hy-lạp có nghĩa là quy tắc hoặc danh sách. Trong Hội thánh tiên khởi, đã xuất hiện các virgines canonicae nghĩa là những trinh nữ đã được đăng ký phục vụ tại một giáo hội nào đó. Một cách tương tự như vậy, các giáo sĩ clerici canonici là những giáo sĩ được đăng ký phục vụ tại một giáo hội (thánh đường) nào đó và dĩ nhiên là phải tuân giữ một vài kỷ luật nào đó, chẳng hạn những kỷ luật về việc cử hành bí tích. Vào những thế kỷ đầu tiên, các giáo sĩ thường sống chung với nhau bên cạnh toà giám mục, như ta thấy nơi cuộc đời của thánh Augustinô. Dần dần với sự bành trướng của Giáo hội, các giáo sĩ được cử về phục vụ tại các thánh đường ở thôn quê, và sống biệt lập, với những mặt trái của nó. Vào thế kỷ VIII, trong dự án cải tổ các đan sĩ và giáo sĩ, hoàng đế Charlemagne truyền cho tất cả các đan sĩ phải giữ luật thánh Biển đức và các giáo sĩ phải tuân giữ một bản luật (do thánh Chrodergang đã soạn khoảng năm 750, theo đó các giáo sĩ phải giữ đời sống chung (giống như các đan sĩ). Sang thế kỷ XI, cuộc cải tổ của giáo hoàng Grêgoriô VII  (1073-1085) và các giáo hoàng kế tiếp cũng như các công đồng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giúp các giáo sĩ sống tinh thần Phúc âm. Điều này có nghĩa là các giáo sĩ phải tuân giữ một kỷ luật sống theo một bản luật. Tuy nhiên, có những giáo sĩ chấp nhận đời sống chung và được gọi là canonici regulares (chanoines réguliers, vì tuân giữ một regula), đối lại với các canonici saeculares (séculiers). Bản luật mà họ phải tuân giữ là luật thánh AT, dựa theo quyết định của Công đồng Lateranô II năm 1139 (Regula canonica sancti Augustini). Điều này hàm ngụ việc sống chung, và tuyên khấn vâng phục, khiết tịnh, không giữ tư sản.

    Xem ra những quyết nghị của các giáo hoàng và công đồng hồi thế kỷ XI không mang lại kết quả mong muốn. Ngoại trừ kỷ luật độc thân có hiệu lực phổ quát kể từ công đồng Laterano II (năm 1139 : tuyên bố vô hiệu hôn thú của các giáo sĩ và đan sĩ), số các cộng đoàn canonici regulares không nhiều lắm. Tuy vậy chính hàng ngũ đó đã cung cấp cho Giáo hội nhiều nhân vật sáng giá trong hàng giáo phẩm (bốn vị giáo hoàng : Honorius II, Innocentius II, Lucius II, Hadrianus IV ; nhiều hồng y và giám mục), và nhiều trường thần học, nổi tiếng nhất là trường Saint-Victor (thành lập tại Paris năm 1113).

    Các cộng đoàn này gồm bởi các giáo sĩ, và công tác chính của họ là giảng dạy, cử hành các bí tích. Những điểm này không được nêu bật trong luật thánh AT. Đối với họ, điểm cần nhấn trong bản luật thánh AT là chương I, về Đời sống cộng đoàn, và đặc biệt là việc đặt chung tài sản. Tính cộng đoàn được diễn tả qua bốn bình diện: a) chung trái tim (một lòng một trí hướng về Chúa); b) chung tài sản (mọi tài sản đều đặt làm sở hữu chung); c) sống chung một nhà (sống hoà thuận với nhau); d) hưởng dụng chung (phân phát cho mỗi người tuy theo nhu cầu).

    Lý tưởng là các thành viên sống hoà thuận với nhau trong tu viện, một lòng một ý với nhau trên đường hướng về Thiên Chúa. Sự hoà hợp tâm trí là một mục tiêu, nhưng sự hòa hợp mang tính năng động, bởi vì ta phải luôn cố gắng đạt đến chứ chưa nắm gọn trong tay. Mặt khác, yếu tố làm nên sự hoà hợp là chính Thiên Chúa: chính ngài là cùng đích mà chúng ta nhắm tới và là tác nhân làm nên cộng đoàn.

    Tuy nhiên, ngoài yếu tố siêu nhiên, một điều kiện tiên quyết về phía con người là đặt cộng đồng tài sản. Các đan sĩ coi việc từ bỏ tài sản như dấu chỉ của việc siêu thoát tâm hồn khỏi sự quyến luyến những của cải tạm bợ, hoặc dấu chỉ của việc chọn lựa Thiên Chúa là hạnh phúc tuyệt đối của cuộc đời. Thánh AT thêm một ý nghĩa mới, đó là sự chia sẻ tình bạn, dấu chỉ của tình yêu huynh đệ và ước muốn sống thông hiệp[10].

    Hiện này một số “dòng kinh sĩ” vẫn tồn tại tuy mang nhiều tên hiệu khác nhau, chẳng hạn như: Dòng các Kinh sĩ Gioan Lateranô.

    2/ Dòng thánh Augustinô (OSA)

    Hiện nay trong Giáo hội có một dòng mang tên thánh Augustinô. Đây không phải là một dòng do thánh AT lập ra, nhưng mới thành hình hồi thế kỷ XIII. Khởi đầu, họ là những ẩn sĩ sống miền Trung Italia. Đức thánh cha Alexander IV đã quy tụ họ lại thành một dòng tu mang tên là  Ordo Eremitarum sancti Augustini (Bulla Licet Ecclesiae Catholicae, ngày 9/4/1256). Dần dần, họ rời bỏ nếp sống ẩn dật và tham gia vào việc giảng thuyết tại các thánh đường và các đại học. Công đồng Lyon II (1274) đã nhìn nhận họ như là một dòng hành khất.

    Ngày nay, Dòng không chỉ giữ luật thánh Augustinô mà còn muốn bảo vệ tất cả gia sản của thánh nhân, đặc biệt là các tác phẩm liên quan đến đời sống tâm linh và tu trì[11], được diễn tả ra bốn cột trụ của linh đạo[12]:

    (1) Chiều kích nội tâm: a) tìm kiếm Thiên Chúa; b) Thiên Chúa vừa nội tại vừa siêu việt; c) đời sống cầu nguyện.
    (2) Cộng đồng: một trái tim và một linh hồn, hướng đến Thiên Chúa; nếp sống chung.
    (3) Khó nghèo: bước theo Chúa Kitô khó nghèo; lao động
    (4) Giáo hội: tham gia vào hoạt động tông đồ và học vấn.

    C. Những Dòng giữ luật thánh AT dù không mang tên là dòng AT

    Vào thời Trung cổ, ngoài các kinh sĩ và các tu sĩ  Dòng AT còn nhiều dòng khác cũng giữ tu luật thánh AT tuy không mang tên là dòng AT, chẳng hạn như Dòng Chúa Ba Ngôi, Dòng Tôi tớ Đức Mẹ, Dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi, và đặc biệt là dòng Đa Minh. Thánh Đa Minh đã tuân giữ luật thánh Augustinô từ khi gia nhập đoàn kinh sĩ nhà thờ chánh toà Osma (Tây-ban-nha). Khi sang Rôma xin Toà thánh châu phê dòng Anh em Giảng thuyết mới thành lập, cha Đa Minh được đức giáo hoàng Innocentê III khuyên hãy chọn một bản luật cổ điển để khỏi vi phạm lệnh của công đồng Latêranô IV (1215) cấm lập thêm những dòng mới. Trở về Toulouse vào năm 1216, cha đã nhất trí với anh em chọn luật thánh Augustinô. Xưa nay, người ta quen giải thích rằng đây chỉ là một giải pháp bất đắc dĩ mà phải chọn lựa (bởi vì thời ấy xem ra anh em chỉ biết có 2 bản luật: Augustinô và Bênêđictô). Nói cách khác, luật thánh Augustinô được coi như bình phong che mắt (hoặc lá chắn đỡ đạn); chỉ có Hiến pháp mới thực là bản văn diễn tả cốt cách của Dòng Giảng.

    Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ XX, khi nghiên cứu lịch sử của Dòng, cha Vicaire lại nghĩ khác.[13] Khi cha Đa Minh cùng với anh em chọn lựa luật thánh Augustinô[14], thì họ thực sự nhìn nhận giá trị của nó, thấy có những yếu tố trùng hợp với lý tưởng của Dòng Giảng. Trong số các yếu tố ấy, ta có thể kể đến: cộng đoàn giáo sĩ dấn thân vào sinh hoạt tông đồ (giảng, giải tội), qua nếp sống cầu nguyện, khó nghèo. Thêm vào đó, có thể thêm hai điểm nữa mà bản luật này đã gây ảnh hưởng nơi cha Đa Minh trong cách tổ chức Dòng: 1/ Tinh thần đồng trách nhiệm (quen gọi là “dân chủ”), với những hệ quả về tương quan giữa người lãnh đạo với cộng đoàn: quyền bính từ dưới đi lên chứ không phải từ trên đi xuống. Nói đúng hơn, tiêu chuẩn tối cao là ích chung của cộng đoàn: tất cả mọi người đều có nghĩa vụ đi tìm ích chung. Bề trên giữ vai trò hướng dẫn anh em tìm ra những phương thế tốt hơn để phục vụ ích chung. Do đó, bề trên cần hướng dẫn anh em bằng lý trí chứ không phải bằng ý chí. Theo thánh Tôma, luật là một quy định của lý trí chứ không phải là hành vi của ý chí. Người tu sĩ vâng lời chân lý chứ không vâng lời ý muốn của bề trên.  Ngoài ra cũng đừng nên quên rằng thánh AT khuyến khích tu sĩ vâng lời bề trên vì yêu mến người anh em của mình phải đứng mũi chịu sào, hơn là vì là người thay mặt Chúa: nói cách khác, vâng lời dựa trên đức ái hơn là đức tin. 2/ Tinh thần tự do đối với luật pháp: tuân giữ vì yêu mến chứ không vì sợ hãi. Ngay từ đầu, thánh Đaminh đã tuyên bố rằng hiến pháp không buộc thành tội, nhưng chỉ buộc chịu hình phạt (non ad culpam sed ad poenam nisi propter contemptum); ngài còn nói thêm: nếu có ai tưởng rằng luật buộc thành tội, thì ngài sẽ lấy dao gọt bỏ các luật lệ[15].

    Những nhận xét của cha Vicaire được xác nhận qua những bản chú giải luật thánh Augustinô trong những thế hệ đầu tiên của Dòng.[16] Các tác giả ấy nhìn nhận luật thánh Augustinô như một toàn bộ của nếp sống Đa Minh, chứ không phải như là bình phong trang trí. Nổi tiếng nhất là bản chú giải của cha Humbertô de Romans (tổng quyền thứ năm) Expositio Regulae B. Augustini.[17] Trong phần dẫn nhập (prooemium), tác giả đưa ra bốn lý do vì sao mà Dòng Giảng gắn bó với luật thánh Augustinô: a) bởi vì nó lấy khuôn mẫu là đời sống tông đồ (vita apostolica); b) bởi nó không đặt qua nhiều luật lệ chi ly cũng chẳng quá sơ sài; c) ngoài ra, bản luật này khuyến khích việc học hành, d) cổ võ tinh thần khó nghèo.

    Trong Hiến pháp sau công đồng Vaticanô II, tinh thần của bản luật Augustinô biểu lộ rõ rệt qua cấu trúc của cuốn sách. Sách Hiến pháp mở đầu với chương về đời sống cộng đoàn, đi trước cả những chương về ba lời khuyên Tin mừng, cầu nguyện, học hành. Các cơ chế được đặt ở cuối sách (đang khi nhiều bản hiến pháp đặt chương về cơ cấu tổ chức vào những chương đầu).

    III. Dòng Đaminh với luật thánh Augustinô

             Khi tuyên khấn, chúng ta đã tuyên bố rằng mình sẽ vâng lời bề trên theo tu luật thánh Augustinô và hiến pháp Dòng Anh em Thuyết giáo. Chúng ta đã biết tầm quan trọng của Sách Hiến pháp. Còn luật thánh Augustinô có giá trị gì không?

             Hồi còn ở nhà tập, tôi được học rằng khi sang Rôma xin phê chuẩn Dòng Anh em Giảng thuyết, thánh Đaminh đã bị Đức Thánh Cha từ chối, bởi vì công đồng Latêranô IV vừa mới quyết định cấm lập Dòng mới. Tuy nhiên, vì là một luật gia cho nên đức thánh cha Innocentê III tìm cách lách luật, và hiến cho thánh Đaminh một diệu kế: đó là chọn một bản luật cổ điển làm bình phong, rồi sau đó viết thêm nội quy riêng của mình. Cha Đaminh về triệu tập anh em để chọn lựa giữa hai bản luật thông dụng vào thời đó: luật thánh Augustinô và luật thánh Biển-đức. Anh em đã chọn luật thánh Augustinô, vì thấy nó lỏng lẻo, nhờ đó dễ thích ứng với những hoàn cảnh của Dòng mới.

             Đó là quan niệm vẫn được truyền tụng từ nhiều thế kỷ trong anh em Đaminh, theo đó luật thánh Augustinô chỉ là cái bình phong chứ chẳng ảnh hưởng đến nếp sống của chúng ta hết. Đặc trưng của Dòng được diễn tả trong bản Hiến pháp. Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy rằng quan niệm đó không đúng2. Thánh Đaminh đã chọn tu luật thánh Augustinô không phải vì bất đắc dĩ, không thể làm khác hơn, nhưng vì ý thức giá trị của nó. Thực vậy, đối với cha Đaminh, bản luật của thánh Augustinô không còn xa lạ gì nữa, bởi vì cha đã tuân giữ bản luật đó từ khi gia nhập hàng kinh sĩ Osma. Dù sao tu luật thánh Augustinô đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tinh thần của Dòng Đaminh, như ta có thể thấy qua chứng từ của chân phước Humbertô Romans và trong Hiến pháp hiện hành.

    A. Cha Humbertô Romans

             Là vị Tổng quyền thứ 5 của dòng (1254-63), – tiếp theo thánh tổ phụ, chân phúc Giorđanô (1222-37), thánh Raymunđô (1238-40), Gioan Teutônicô (1241-52), –  cha Humbertô đã viết một cuốn chú giải tu luật thánh Augustinô khi còn là giám tỉnh Pháp (1248-54). Ngày từ đầu, cha đã giải thích lý do vì sao Dòng đã chọn bản luật này.

             Trước hết, bản luật này đáng được trân trọng vì lý tưởng bác ái và hoà thuận nhất trí (unanimitas), sự quân bình và chừng mực. Nhiều bản luật áp đặt nhiều kỷ luật về thân xác, nhưng thánh Augustinô nhấn mạnh đến các hành vi tâm linh, chẳng hạn như: lòng mến Chúa yêu người, đồng tâm nhất trí. Bản luật này duy trì sự trung dung bình giữa hai thái cực hoặc là quá nhiều hoặc là quá ít điều bó buộc, và sự trung dung là chuẩn mục của nhân đức.

             Cách riêng luật thánh Augustinô thích hợp cho dòng Đaminh vì những điểm sau đây:

             1/ Luật khuyến khích việc học hành, khi quy định về việc mượn sách

             2/ Luật chuẩn bị các nhà giảng thuyết, như đã đào tạo chính thánh Đaminh

             3/ Luật đề cao các thánh tông đồ làm mẫu gương sống.

           4/ Luật uyển chuyển để có thể thêm vào những đặc trưng, vì thế thánh Đaminh đã thêm vào việc tuân giữ khó nghèo như điều kiện căn bản để cho nhà giảng thuyết sống đầy đủ hơn nếp sống tông đồ.

             Cha Humbertô kết luận rằng luật thánh Augustinô là nền tảng pháp chế của Dòng, còn sách Hiến pháp và các tục lệ khác chỉ là những lời khuyên thêm vào. Điều đáng tiếc là người ta chỉ nghĩ đến các điều phụ thêm mà lại bỏ cái nền tảng, và như vậy đáng bị khiển trách như Chúa đã la nhóm Biệt phái: “Các ông đã bỏ luật truyền của Chúa mà tuân giữ truyền thống của con người” (Mc 7).

    B. Hiến pháp hiện hành

             Như đã nói, trong quá khứ, người ta ít quan tâm đến tầm quan trọng của luật thánh Augustinô, phần nào có lẽ tại vì người ta chỉ dừng lại ở các chi tiết mà bỏ qua dự phóng tổng quát của bản luật.

             Hiến pháp hiện hành đã thay đổi quan điểm, và đã dành vị trí nổi bật cho Tu luật thánh Augustinô, theo nghĩa là lấy tư tưởng của ngài làm chìa khóa giải thích tất cả phần thứ nhất của sách LCO bàn về nếp sống của anh em. Tất cả các yếu tố trong phần này được đều xoay quanh tư tưởng chủ yếu mà luật thánh Augustinô đã nêu bật: sự đồng tâm nhất trí.

             Luật thánh Augustinô đã mở đầu bằng lời nhắc nhở về đời sống chung: “Anh em rất thân mến, trên hết mọi sự, chúng ta phải kính mến Thiên Chúa, rồi yêu thương tha nhân, vì đó là những lệnh truyền được ban cho ta một cách chính yếu”. Đây là mục tiêu cuộc đời cho tất cả các Kitô hữu, và khỏi cần phải soạn một tu luật. Nhưng bản tu luật được viết ra nhằm cho các anh em đoàn tụ trong đan viện (in monasteriis constituti; đối với thánh Augustinô là  monasteria, còn đối với chúng ta là “Dòng”, Ordo): “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết (primum) là để anh em sống đồng tâm nhất trí (unanimis) trong một nhà và để anh em chỉ có một lòng một ý (cor unum et anima una), hướng đến Thiên Chúa” (in Deo, in Deum). Thánh Augustinô trích dẫn ba đoạn Kinh thánh để củng cố cho tư tưởng của mình (Tv 132, 1; Tv 67, 7; Cv 4, 32) và thêm cụm từ “hướng đến Thiên Chúa”.

             Cha Humbertô lưu ý rằng tự nó sự đồng tâm nhất trí chưa phải là điều tốt. Người ta có thể nhất trí với nhau để lập một băng đảng cướp, và đó là điều xấu. Còn chúng ta đi tìm sự nhất trí trong Chúa (in Deo), và vài bản còn viết “in Deum”, hướng tới Chúa: Thiên Chúa là động lực của sự quy tụ, đồng thời cũng là đích điểm mà ta nhắm đến. Khi chúng ta kết hợp với Chúa thì chúng ta cũng trở nên một với nhau. Ngược lại, nếu chúng ta không hợp nhất với Chúa thì sinh ra năm bè bảy mối trong cộng đoàn.

             Cha Humbertô nói đến ba thứ nhất trí (unanimitas) hoặc hoà thuận: trong hành động, trong lời nói (lời chúc tụng Chúa), trong con tim. Ba điểm này dựa theo Rm 15,6-7: “Xin Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.  a) Hòa thuận trong hành động có nghĩa là hợp lực để làm một việc chung; b) hoà thuận trong tiếng nói khi cùng chung cất lời thờ phượng Chúa; c) hòa thuận trong con tim có nghĩa là chia sẻ những tâm tình. Hai điểm đầu đặt nền tảng ở trên điểm thứ ba.

              Xét vì luật thánh Augustinô đặt đời sống chung và sự hòa thuận như là mục tiêu tiên khởi, cho nên Hiến pháp sau công đồng Vaticanô II cũng đặt đời sống cộng đoàn ngay ở chương đầu.

             Đây là một sự cách mạng trong thần học đời tu, bởi vì các dòng khác bắt đầu bằng ba lời khấn, rồi mới đến đời sống cộng đoàn (được coi như yếu tố tuỳ thuộc); còn dòng Đaminh thì đặt đời sống cộng đoàn ở trên cùng, và coi đó như là nền tảng của đời sống tu trì. Đây là quan điểm độc đáo của Dòng Đaminh về nếp sống tu trì.

             Sách Hiến pháp số 3 lấy lại tư tưởng của chân phúc Humbertô khi lấy các yếu tố chính yếu của đời sống Đaminh xoay quanh cái trục là đời sống chung:

             “3. §1: Như trong Hội thánh của các tông đồ, sự hiệp thông giữa chúng ta cũng phải đặt nền, xây dựng và củng cố trong cùng một Thánh Thần, trong Người, chúng ta đón nhận Ngôi Lời bởi Thiên Chúa Cha bằng một đức tin, chúng ta chiêm ngưỡng bằng một tâm hồn và chúng ta ca tụng bằng miệng lưỡi; trong Người chúng ta trở nên một thân thể và thông phần cùng một Bánh, sau hết, trong Người, chúng ta để mọi sư làm của chung và được cắt cử vào cùng một công việc loan báo Tin Mừng.

    • II: Vì đã lấy đức tuân phục để đồng thuận, lấy kỷ luật của đức thanh khiết để liên kết bằng một tình yêu cao hơn, lấy đức thanh bần lệ thuộc nhau khăng khít hơn, thì anh em hãy xây dựng Hội Thánh của Thiên Chúa trong chính tu viện mình, trước khi dùng các công việc của mình mà mở rộng giữa thế gian”.

             Nên lưu ý là triệt Một nói đến những nguồn mạch siêu nhiên nuôi dưỡng đời sống chung (Thánh Linh, chiêm niệm, cầu nguyện, phụng vụ, đặc biệt là bí tích Thánh Thể). Triệt Hai nói đến những nguồn mạch do nếp sống tu trì.

    Kết luận

    Tu luật thánh Augustinô có ý nghĩa gì đối với ơn gọi Đaminh của chúng ta?

             Có nhiều cách trả lời. Chúng ta chỉ tóm lại hai ý kiến: một vị tổng quyền vào thế kỷ XIII và một nữ đan sĩ cuối thế kỷ XX.

    A. Trên đây, chúng ta đã nhắc đến ý kiến của Cha Humbertô, vạch ra vị trí ưu tiên của đức ái, và đề cao việc học hành. Nói thế chưa đủ, quyển chú giải Tu luật của cha còn muốn cho thấy rằng bản văn ngắn ngủi ấy đã diễn tả đầy đủ bản chất của đời tu, tóm lại trong 6 điểm dựa theo tựa đề của các chương:

          1/ Cộng đòan (status congregatorum): “anh em được quy tụ nên một.. Hãy kính trọng Thiên Chúa trong anh em”.

          2/ Thống hối (status poenitentiae): “hãy chuyên tâm cầu nguyện… Thà thiếu thốn chút đỉnh thì hơn là dư thừa”.

          3/ Đoan trang (status honestatis excellentis): “y phục đừng hào nhoáng”.

          4/ Khó nghèo (status necessitatum multarum): “hãy để y phục vào một nơi chung”.

          5/ Huynh đệ (status fraternitatis): “anh em đừng cãi nhau”.

         6/ Vâng lời (status subiectionis quod facit obedientia): “Anh em hãy vâng phục bề trên”.

    B. Chị Marie-Ancilla, thuộc đan viện Lourdes, người đã viết một bản chú giải luật thánh Augustinô4 cũng như đã nghiền ngẫm tác phẩm của cha Humbertô, tóm lại ảnh hưởng của thánh Augustinô đối với dòng Đaminh vào hai điểm:

             1/ Lý tưởng đan tu. Nói đến đan tu, chúng ta đừng vội nghĩ đến các ẩn sĩ hay các đan sĩ Xitô. Chúng ta đã nói trong bài thứ nhất rằng monachus có nhiều nghĩa. Đối với thánh Augustinô, monachus hay monasterium nói đến sự hợp nhất, một lòng một lý, đồng tâm nhất trí. Monasterium là cộng đoàn các anh em sống hoà thuận thương yêu nhau. Đó là hình ảnh của Hội thánh.

             2/ Lý tưởng đời sống tông đồ. Thánh Augustinô lấy icôn cho bản luật từ cộng đoàn các môn đệ ở Giêrusalem, nói ở đầu sách Tông đồ công vụ. Xem ra đó chỉ là một cộng đoàn khép kín, chứ không đi rao giảng. Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc icôn ấy cách năng động hơn, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng động lực chính thúc đẩy các môn đệ tụ họp nhau là vì họ đã cảm nghiệm tiếng gọi của Chúa. Cảm nghiệm đó thúc đẩy họ bán hết tài sản, chia sẻ cho anh em. Chính cảm nghiệm đó là động lực cho việc rao giảng cứu rỗi các linh hồn.

             Chúng ta đã ôn cố để tri tân. Tìm về những bản luật xưa không phải là tìm về những món đồ cổ, nhưng tìm về những hứng khởi ban đầu. Cầu xin cho hứng khởi đó luôn được bừng cháy trong tâm hồn chúng ta.

    —————

    Hành trình tu trì của T. Augustinô
    Năm Tuổi Sự kiện
    384 30 Hoán cải ở Milanô
    387 33 Rửa tội
    388 34 Trở về Phi châu
        Cộng đoàn Tagaste
    391 37 Linh mục tại Hippo
    396 42 Giám mục
        Đan viện giáo sĩ. Bản luật
    430 76 Qua đời

     


    [1] Luc Verheijen, La Règle de saint Augustin. 1) Tradition manuscrite 2) Recherches historiques. Paris 1967. Nouvelle approche de la Règle de saint Augustin, Abbaye de Bellefontaine, Begrolles -en Mauges, 1980.

    [2] Nói thế có nghĩa là các bản văn khác bị gạt ra bởi vì không phải do thánh Augustinô viết (chẳng hạn bản văn mang danh là Ordo monasterii (Quy luật cho một đan viện) có lẽ do Alypius một người bạn của Augustinô soạn ra; đó là chưa nói tới những bản văn ra đời vào các thế kỷ sau, chẳng hạn như trường hợp của Consensoria monachorum (cũng còn mang tên là Regulae clericis traditae fragmentum) xuất bản vào thế kỷ VII.

    [3] P. Mandonnet, Saint Dominique. L‘idée, l’homme et l’oeuvre, Paris 1937, t.II, p.142-148.

    [4] A. Trapé, Sant’Agostino, La Regola, Ancora, Milano 1971.

    [5] C. Boff, La Regola di S. Agostino. La via della comunione dei beni, Cittadella, Assisi, 1991.

    [6] T. van Bavel, The Rule of St Augustine. Masculine and Feminine Versions with Introduction and Commentary, trans. Raymond Canning OSA, Darton, Longman & Todd, London, 1984, pp. 11-38)

    [7] Trong cộng đoàn có hai “đầu”: praepositus là thủ trưởng (“bề trên nội”), một giáo dân; presbyter là một linh mục giữ vai “bề trên ngoại”.  Cơ cấu này phản ánh cộng đồng tại Hippo khi Augustinô vừa mới làm linh mục.

    [8] Plotinus gọi Thiên Chúa là monachos, tột điểm của Nhất.

    [9] A. Trapé, S. Agostino. La Regola, Ancora, Milano 1971

    [10] Pierre-Paul Walraet O.S.C., Inspiring principles for community life in the Rule of Augustine of Hippo.  International Study Days 2000, “Deepening our Crosier Charism of Community”, Bandung – Cisarua, 25 July – 10 August 2000.

    [11] A. Manrique, Teologia agostiniana de la vida religiosa, El Escorial 1964.

    [12] L. Marín de San Martín O.S.A., La espiritualidad de la Orden de san Agustin, http://www.sanagustin.org/Documentos/Congreso/LM_espiritualidaddelaOSA.doc

    [13] M.-H. Vicaire. La règle de St Augustin à la fondation de l’Ordre des Prêcheurs in: “Vie Spirituelle” t.145 (1991), 261-279.

    [14] Theo cha Vicaire, vào thế kỷ XIII, bản luật của thánh Augustinô được lưu hành là bản regula recepta, nghĩa là bản văn Praeceptum cộng thêm các lời dẫn nhập ở đầu “Ante omnia, fratres carissimi…”). Hơn thế nữa, cần nói thêm là anh em Đa Minh chấp nhận không những là bản luật mà còn tất cả quan điểm về đời tu của thánh Augustinô, được phát biểu cách riêng qua De vita et moribus clericorum suorum (bài giảng số 356).

    [15] J.M. Tonneau, L’obligation “ad poenam” des constitutions dominicaines, in: Revue des sciences philosophiques et théologiques 24 (1935) 107-115. Hiến pháp hiện hành vẫn còn nhắc lại điều này ở điều 1 (Hiến pháp nền tảng §VI) và điều 281.

    [16] Xc. R. Creytens, Les commentateurs dominicains de la Règle de St Augustin du XIIIè au XIV siècle. I. Le commentaire d’Humbert de Romans, in: AFP 33 (1963) 121-157. II. Les commentateurs du XIV siècle: A) Nicolas Trevet in: AFP 34 (1964) 107-153. B) Arnaud Bernard in: AFP 35 (1965) 21-66. III. Les commentateurs du Xve siècle: Barthélemy de Modène et Alain de la Roche in: AFP 36 (1966) 263-312.

    [17] Được xuất bản trong Opera de Vita Regulari vol. I, p.43-633. Cha Humbertô làm bề trên tổng quyền từ 1254-1263. Theo cha Creytens, quyển chú giải được soạn trong khoảng 1248-54.

    2 M.-H. Vicaire.La règle de St Augustin à la fondation de l’Ordre des Prêcheurs in: “Vie Spirituelle” t.145 (1991), 261-279.

    4 Soeur Marie-Ancilla, La Règle de saint Augustin, Cerf Paris 1995.

    Nguồn tin: https://catechesis.net

    Bài viết liên quan