Vai trò cha phó theo Giáo luật

  • 17/11/2022 19:37
  • Trong điều 519 của bộ Giáo luật 1983, khi bàn về vai trò của cha xứ, nhà lập pháp có nói rằng: cha xứ chu toàn các nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và cai quản với sự cộng tác của các linh mục và phó tế khác, cũng như sự trợ lực của các giáo dân. Trong bài này chúng ta chỉ đề cập đến sự các cộng tác của các cha phó (x. đ. 545-552).

     

    I. CHA PHÓ

    Giáo luật 1917 trước đây, tại mục luật phổ quát và luật địa phương có đề cập nhiều đến các loại linh mục phó xứ. Còn Giáo luật hiện hành 1983 thì gọi cha phó là vicarius paroecialis, có thể hiểu là “phó cho cha chính xứ” nhưng cũng có thể hiểu là “phó cho giáo xứ” xét vì nhu cầu của chính giáo xứ đòi hỏi và nhu cầu mục vụ mà Đức Giám mục bổ nhiệm một linh mục làm phó xứ cho giáo xứ/giáo họ (phó độc lập). Thông thường các cha phó được bổ nhiệm để giúp cho cha chính xứ cáng đáng các công việc của giáo xứ. Tóm lại, làm phó cho cha chính xứ.

    Ngoài ra, Bộ Giáo Luật hiện hành còn dự trù việc đặt các cha phó chuyên trách một công tác mục vụ đặc biệt của một hay nhiều giáo xứ khác nữa. Đây là điểm mới của Bộ Giáo Luật 1983 (x. đ. 545 # 2). Cha phó có thể được bổ nhiệm trợ giúp cha chính xứ trong tất cả mọi công việc mục vụ cho toàn giáo xứ; cũng có thể chỉ cho một phần giáo xứ; hay chỉ cho một nhóm tín hữu, chẳng hạn chỉ lo cho người di dân hay giới trẻ, sinh viên…. Trách nhiệm và quyền hạn của vị phó xứ này sẽ do bổ nhiệm thư quy định.

    Khi thấy có nhu cầu mục vụ, Đức Giám mục giáo phận có thể bổ nhiệm một hay nhiều linh mục làm cha phó cho cha chính xứ (x. đ. 547). Điều kiện duy nhất mà luật phổ quát đòi buộc để bổ nhiệm được thành sự là đương sự phải là linh mục (x. đ. 546). Do vậy không thể bổ nhiệm phó tế, tu sĩ hay giáo dân làm phó xứ.

    Đức giám mục hoàn toàn tự do khi bổ nhiệm linh mục phó xứ. Nếu thấy cần, Ngài có thể tham khảo ý kiến linh mục quản hạt và linh mục chính xứ hay các xứ lân cận (x. đ. 547). Trước đây, Bộ Giáo Luật 1917 quy định Đức giám mục bắt buộc phải hỏi ý linh mục chính xứ (can. 476. 3-4), nhưng giáo luật hiện hành không nói đến nữa. Vị giám mục có thể ủy quyền cho cha Tổng Đại Diện hay một đại diện giám mục lo việc bổ nhiệm linh mục, với một văn bản ủy quyền rõ ràng (x. đ. 479 #1-2).

     

    II. BỔN PHẬN

    Trong Bộ Giáo Luật 1983, hầu như không nhắc gì về các nghĩa vụ và quyền lợi riêng biệt của cha phó ở giáo xứ. Tuy nhiên trên thực tế, các nghĩa vụ và quyền lợi của cha phó được xác định chi tiết cụ thể theo bốn nguyên tắc sau:

    1. Luật phổ quát;
    2. Quy chế linh mục của giáo phận;
    3. Bổ nhiệm thư của Giám mục;
    4. Chỉ dẫn trực tiếp của cha chính xứ (x. đ 545; 548).

    Ngoài những nghĩa vụ chung của hàng giáo sĩ (x. đ. 273-289), thông thường linh mục phó có bổn phận trợ giúp linh mục chính xứ để lo việc mục vụ chung cho toàn giáo xứ; nghĩa là cùng chia sẽ cả ba thừa tác vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị cộng đoàn. Quyền hạn của linh mục phó trong giáo xứ không phải là quyền “thường xuyên” (ordinary) do chức vụ, nhưng là quyền được cha chính xứ ủy thác (delegated).

    Một số cử hành Phụng Vụ và Bí Tích được dành riêng cho cha xứ (x. đ. 530). Nếu không có sự đồng ý hay yêu cầu của cha xứ, cha phó không có quyền cử hành:

    – Rửa Tội;

    – Thêm Sức trong trường hợp nguy tử (x. đ. 883 #3);

    – Xức Dầu bậnh nhân… (x. đ. 1003 # 2-3);

    – Cử hành an táng;

    – Làm phép giếng Rửa Tội trong mùa Phục Sinh;

    – Chủ sự rước kiệu trọng thể;

    – Tổ chức và cử hành các thánh lễ trọng thể.

    Với chức vụ phó, vị linh mục đương nhiên không có quyền chứng hôn; nhưng phải được vị Thường Quyền giáo phận hay cha xứ ủy quyền tổng quát hay riêng biệt từng trường hợp. Dù đã được ủy quyền chứng hôn tổng quát do cha xứ hay do bổ nhiệm thư của vị Thường Quyền (x.đ. 1111), cha phó vẫn phải “có phép của cha xứ trong những trường hợp không xác tín về tình trạng thong dong” (x. đ. 1114).

    Cha phó không phải dâng “cầu cho giáo dân” (missa pro populo; x. đ 534), kể cả khi thay thế cha xứ vắng mặt.

    Chỉ một mình cha xứ có quyền đại diện giáo xứ trong lĩnh vực pháp lý dân sự hay giáo luật (x. đ. 532; 519; 515 #1); cũng như ngài hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc quản trị tài chính của giáo xứ, nên có thể bị cách chức vì quản lý tồi tệ (x.đ 1283, #1; 1282; 1284; 1741 #5).

    Theo giải thích chính thức của Ủy Ban soạn thảo Bộ Giáo Luật, “các linh mục phó không thuộc về cơ cấu giáo xứ”. Linh mục phó không phải là thành viên đương nhiên của hội đồng kinh tế giáo xứ hay hội đồng quản trị tài chính (x. đ. 537), và hội đồng mục vụ giáo xứ (x. đ. 536), trừ khi quy chế của giáo phận có nêu lên.

    Cha phó chỉ phải trả lời với cha xứ về trách nhiệm được giao, không phải chịu trách nhiệm mục vụ tổng quát của giáo xứ. Trong khi đó, vị linh mục thành viên của nhóm linh mục (thường là một nhóm linh mục dòng hay khi một nhóm linh mục chia sẻ trách nhiệm nhiều giáo xứ - Tại Việt Nam chưa có hình thức này) được giao trách nhiệm tập thể, in solidum, phải chia sẻ mọi trách nhiệm (x. đ 517#1).

    Cha phó phải cư trú “trong giáo xứ”, trừ khi Đức giám mục cho phép ở nơi khác (x.đ. 550 #1); còn cha chính xứ phải cư ngụ “trong nhà xứ gần nhà thờ” (x. đ. 533 # 1). Việc vi phạm bổn phận cư trú này có thể bị “hình phạt thích đáng”, “kể cả việc cách chức, sau khi đã cảnh cáo” (x. đ. 1396).

    Hội Thánh mong muốn cha chính và cha phó sống theo tình huynh đệ. Họ cần đối xử với nhau trong tình bác ái và tôn trọng lẫn nhau, thông cảm và đón nhận nhau, nâng đỡ nhau bằng lời nói, việc làm và gương sáng. Cha phó, với tư cách là nguời cộng tác của cha chính xứ, phải hăng hái và nhiệt thành trong khi thi hành việc mục vụ hằng ngày, duới quyền điều hành của cha chính xứ. Cả hai vị cần có một tinh thần hăng say chung vì lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn tín hữu (Vat. II, Christus Dominus 30).

     

    III. QUYỀN LỢI

    Ngoài những quyền lợi chung của hàng giáo sĩ (x. đ. 273 -289), linh mục phó có quyền có lương bổng và chi phí sinh hoạt cho cá nhân mình trích từ ngân quỹ của giáo xứ (x. đ. 281); có quyền lấy bổng lễ mình đã cử hành, theo như quy định về bổng lễ của giáo phận (x. đ. 952).

    Linh mục phó hay bất cứ linh mục nào nhận của dâng cúng, khi làm công tác mục vụ trong giáo xứ, phải nộp vào quỹ giáo xứ, trừ khi người tặng nói rõ là quà tặng cá nhân linh mục đó (x.đ. 551).

    Cha phó có quyền nghỉ hè như cha xứ, nghĩa là hàng năm tối đa một tháng, liên tục hay gián đoạn; không tính những ngày tĩnh tâm hàng năm và thường huấn (x. đ. 550 #3; 533 #2).

    Khi giáo xứ trống hay cha chính xứ bị ngăn trở, cha phó đương nhiên đảm nhiệm giáo xứ như vị quản xứ, cho đến khi Đức giám mục cử một linh mục chính xứ hay quản xứ mới (x. đ. 549; 541 #1).

     

    IV. THUYÊN CHUYỂN CHA PHÓ

    Cha phó có thể được thuyên chuyển chỉ vì một lý do chính đáng (x. đ. 552), chứ không cần phải có lý do nghiêm trọng.

    Đối với một linh mục dòng được bổ nhiệm làm cha phó hay phụ tá giáo xứ, Đức giám mục giáo phận hay vị Bề Trên dòng đều có quyền thuyên chuyển, sau khi thông báo cho vị kia biết; chỉ cần có thông báo, chứ không cần đợi sự chấp thuận (x. đ. 682 # 2).

    Khi giáo phận trống tòa hạy cản tòa quá một năm, vị giám quản giáo phận (diocesan administrator) mới có quyền bổ nhiệm và thuyên chuyển cha xứ; nhưng ngài có thể thuyên chuyển ngay các linh mục phó (x. đ. 525).

    Lm. Luca Quang Huy

    Nguồn tin:  https://phatdiem.org/

    Bài viết liên quan