Thật ra, cả sự quyết đoán và lòng độ lượng sẽ tạo nên một sự kết hợp mạnh mẽ có thể thúc đẩy những tương tác lành mạnh và nuôi dưỡng các mối tương quan tích cực.
Nền tảng của cách tiếp cận này là nhìn nhận phẩm giá vốn có của tất cả mọi người. Khi coi trọng và tôn trọng mỗi cá vị, chúng ta có thể nuôi dưỡng tính quyết đoán bằng việc nâng cao tinh thần của người khác cũng như của chính mình.
1. Nhận thức giá trị con người
Để vừa quyết đoán vừa độ lượng, điều quan trọng trước hết là phải nhận ra giá trị nội tại của mỗi người. Việc nhận thức rằng mỗi cá nhân đều sở hữu những trải nghiệm, quan điểm, và cảm xúc riêng mang tính quyết định. Sự thừa nhận này đặt nền tảng cho sự giao tiếp tôn trọng và đồng cảm thực sự.
2. Lắng nghe và đồng cảm tích cực
Trở nên quyết đoán không đòi hỏi phải chiếm ưu thế trong các cuộc trò chuyện. Trái lại, quyết đoán liên quan đến việc lắng nghe tích cực và phản hồi một cách cẩn trọng. Nhìn nhận quan điểm của người khác, thể hiện sự đồng cảm bằng cách đặt mình vào vị trí của họ. Điều này không chỉ xác nhận cảm xúc của người khác mà còn cho thấy rằng bạn coi trọng ý kiến đóng góp của họ, nuôi dưỡng cảm thức về phẩm giá.
3. Thể hiện bản thân một cách rõ ràng và tôn trọng
Sự quyết đoán đòi hỏi khả năng thể hiện suy nghĩ, nhu cầu và ranh giới của bạn một cách rõ ràng và tôn trọng - điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng nếu bạn né tránh xung đột. Một cách tuyệt vời để khẳng định bản thân cách tích cực là tránh ngôn ngữ gây hấn thụ động hoặc những cuộc đối thoại lấn át. Nếu có thể, hãy cố gắng có cách tiếp cận cân bằng để đảm bảo tiếng nói của bạn được lắng nghe mà không coi thường người khác. Hãy nhớ rằng, quyết đoán không có nghĩa là hung hăng.
4. Tìm kiếm giải pháp đôi bên cùng có lợi
Khi sự quyết đoán đi đôi với lòng độ lượng, mục tiêu phải là tìm ra giải pháp có lợi cho tất cả các bên liên quan. Cách tiếp cận này bắt nguồn từ việc tin rằng mọi người đều xứng đáng được tôn trọng và quan tâm. Qua sự tích cực làm việc hướng tới những kết quả đôi bên cùng có lợi, bạn đề cao phẩm giá của người khác đồng thời khẳng định nhu cầu của bản thân.
5. Đặt ranh giới với lòng trắc ẩn
Tôn trọng phẩm giá của người khác cũng có nghĩa là nhận ra tầm quan trọng của ranh giới mang tính cá vị. Truyền đạt những giới hạn của bạn với lòng trắc ẩn, nhấn mạnh rằng những ranh giới này không nhằm mục đích làm suy yếu giá trị của bất kỳ ai mà nhằm duy trì các mối tương quan lành mạnh. Cách tiếp cận này sẽ giúp tạo ra một môi trường tôn trọng lẫn nhau.
6. Sử dụng câu khẳng định “Tôi”
Câu nói với đại từ “Tôi” là một khí cụ mạnh mẽ trong giao tiếp quyết đoán. Chúng cho phép bạn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của mình mà không đổ lỗi cho người khác. Ví dụ: nói: “Tôi cảm thấy…” hoặc “Tôi cần…” thể hiện sự tự nhận thức và sẵn sàng chia sẻ trong khi vẫn bảo vệ phẩm giá của tất cả các bên liên quan.
7. Rèn luyện tính kiên nhẫn và bao dung
Trở nên quyết đoán trong lòng độ lượng đòi hỏi sự kiên nhẫn và bao dung. Nhận ra rằng không phải ai cũng sẽ phản ứng tích cực hoặc ngay lập tức trước sự quyết đoán của bạn. Cố gắng để cho người khác có không gian để xử lý và cởi mở với sự phản hồi. Cách tiếp cận này phản ánh cam kết coi trọng hành trình và trải nghiệm độc đáo của mỗi cá nhân.
Cerith Gardiner
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP, chuyển ngữ
Nguồn tin: http://daminhthanhtam.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 48 | Tổng lượt truy cập: 3,035,451