Đôi lời nhắn nhủ gia đình Học viện Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình nhân dịp mừng lễ Thánh Phanxicô Assisi năm 2022

  • 03/10/2022 19:40
  • Thánh Phanxicô Assisi chào đời tại Assisi nước Ý vào khoảng năm 1182 trong một gia đình giàu có và đạo đức. Cha ngài là ông Bênađô một thương gia ngành tơ lụa giàu có nổi tiếng trong vùng. Mẹ là bà Pica một phụ nữ nổi tiếng đạo hạnh.

     

    Các cháu yêu quý!

    Ông viết những dòng này để nói lên tâm tình của Ông với các cháu, Ông mong các cháu hãy học nơi thánh Phanxicô những nhân đức quý giá, đặc biệt là sự khó nghèo của Ngài. Muốn học hỏi ai thì phải biết về người đó mới dễ đi theo. Vậy nay, Ông viết một chút về cuộc đời của thánh Phanxicô để là mẫu gương cho các cháu học nhé. Ông rất quý mến các cháu đấy!

    Phanxicô Assisi chào đời tại Assisi nước Ý vào khoảng năm 1182 trong một gia đình giàu có và đạo đức. Cha ngài là ông Bênado một thương gia ngành tơ lụa giàu có nổi tiếng trong vùng. Mẹ là bà Pica một phụ nữ nổi tiếng đạo hạnh.

    Hồi còn là thanh niên Phanxicô có tham gia trận thánh chiến của đoàn quân viễn chinh nơi địa phương! Sau một trận chiến khốc liệt Phanxicô chứng kiến cảnh tang thương chết chóc khủng khiếp ghê sợ! Người thanh niên trẻ này trốn chạy khỏi hàng ngũ đội quân viễn chinh, về đến nhà chỉ huy cho lính tráng đến vây bắt và bị cầm tủ, sau được một sĩ quan là bạn thân trong đoàn viễn chinh giúp được giải thoát khỏi hình phạt tù tội, được trả về, ít lâu sau đó Phanxicô lâm trọng bệnh. Trên giường bệnh Phanxicô có giờ ngẫm nghĩ về cuộc đời và được ơn soi sáng anh nhận ra ý nghĩa về về cuộc đời trong quá khứ. Cuộc đời như những áng mây buồn bã kéo về. Mặc dầu sống trong cảnh sang giàu tiện nghi đầy đủ nhưng sao không thấy thoải mái bình an, hạnh phúc.  Lúc qua khỏi cơn bạo bệnh trở về với cuộc sống nơi gia đình, người thanh niên cứ trăn trở về ý nghĩa cuộc đời. Một ngày nọ anh lang thang đến một nguyện đường bị bỏ hoang cũ kỹ, điêu tàn gần như sắp sụp đổ ở Đamianô. Anh đi quan sát bên trong khuôn viên thánh đường và dừng chân tại dưới chân tượng chịu nạn trên Thánh giá. Người thanh niên trẻ nghe văng vẳng tiếng nói phát ra từ trên Thánh giá: “Phanxicô hãy xây lại nhà của ta”. Rời nguyện đường về nhà, Phanxicô trở nên một người hoàn toàn mới khác lạ.

    Lời mời gọi của Đức Kitô chịu nạn đã hoán cải và biến đổi cuộc đời. Lời nói từ trên Thánh giá thôi thúc anh đi đến quyết định xây dựng trùng tu nhà Chúa không do dự. Phanxicô bắt tay vào công việc và trở nên một người lao động nghèo. Ý nghĩ từ bỏ mọi sự và khởi sự công trình trùng tu nhà Chúa từ hai bàn tay trắng. Tất cả để sống đời nghèo khó. Bị cha mình phản đối kịch liệt Phanxicô bị giằng co giữa bổn phận hiếu thảo của một người con trong gia đình và bổn phận người con Thiên Chúa. Phanxicô đã xác tín rất rõ về thánh ý của Chúa đã soi sáng cho mình. Ngài quyết định ngay không một chút do dự. Về nhà anh đem tất cả những gì có phân phát cho người nghèo, những gì cha mẹ cho anh trao trả lại cho các ngài kể cả quần áo đang mặc trên người, Ngài gửi bỏ để lại và ra đi trần truồng không một mảnh vải che thân.  Được trở nên giống Chúa Kitô manh nha từ đấy khi khởi công xây dựng nhà Chúa với con số không:  không tiền, không vật liệu, không dụng cụ. Chỉ duy có một niềm tin lòng trông cậy và phó thác là hành trang và chất liệu để xây dựng lại nhà Chúa. Bị gia đình ruồng bỏ, mọi người cười chê, bị xem là người gàn dở, Ngài đã lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm kiếm từng cục gạch, thanh gỗ, bao xi măng, xô cát để xây dựng. Bạn bè thân yêu xa lánh ghét bỏ, thế nhưng nhưng sự thật dần dần tỏ lộ. Với ý chí kiên cường và đức độ khiêm nhường, hiền lành mọi người nhận ra chân tướng của một hình ảnh Đức Kitô nghèo khó. Con người này đã ra đi vì để đáp lại lời Đức Kitô đã truyền dạy, và giao phó sứ vụ cho Ngài với một thái độ sẵn sàng lên đường theo bài sai của Chúa Kitô: “Các con hãy đi rao giảng khắp thế gian, rao giảng cho mọi tạo vật” (Mc 16, 15-18).

    Đi rao giảng, Phanxicô làm đúng theo Lời của Chúa! “Đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bì, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. (Lc 9, 2-3). Ngài trở nên nghèo khó chỉ vì muốn giống Đức Kitô. Ngài yêu mến thiên nhiên và muông thú vì đó là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ngài luôn hãm mình phạt xác để có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô - vị Thiên Chúa mà Ngài tôn thờ. Một Thiên Chúa Ngài được trực tiếp diện kiến trên Thánh giá trong ngôi Thánh đường vọng cổ, cổ kính, và cũng chính từ nơi Thánh giá Ngài nhận được sứ mạng trao ban: “Hãy xây dựng lại nhà của ta”.

    Diện kiến Chúa bị đóng đinh trên Thập giá, Phanxicô không chỉ xác tín bằng trí tuệ mà là xác tín bằng cả con người. Do đó Phanxicô đủ can đảm đi với Chúa Giêsu trên con đường Thập giá và đã trung tín với Chúa Giêsu cho đến cùng.

    Theo lịch sử của Thánh Phanxicô, truyền thuyết kể rằng: từ ngày 15/8 đến 30/9 Thánh Phanxicô đi lên một ngọn núi để tĩnh tâm. Ngài ở trong một hốc đá cô quạnh và dâng hiến tất cả thời giờ cho công việc cầu nguyện. Thời gian đó trùng vào ngày 14/9 là ngày lễ “Suy tôn Thánh giá”. Thánh Phanxicô cầu xin với Chúa, xin cho Ngài được cảm nghiệm trên thân xác của mình tất cả những nỗi đau đớn mà Chúa Giêsu đã chịu khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá và chịu lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn và bị treo đau đớn trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Chúa đã nhận lời Ngài xin và đã in Năm dấu thánh trên thân xác Ngài. Một vết thương ở cạnh sườn giống như vết thương nơi cạnh sườn Đấng Cứu Thế. Nơi hai bàn tay và hai bàn chân cũng được in những vết thương do đinh sắt đã đóng đanh tay và chân Chúa! Những vết thương đã làm cho Phanxicô rất đau nhức và Ngài phải chịu cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Những ngày tháng cuối đời Ngài gần như bị mù và những cơn đau nhức mỗi ngày một đau đớn hơn nơi Năm dấu thánh.

    Ngày 4/10/1221, Thánh Phanxicô đã rời bỏ quán trọ trần gian để về nhà Cha trên trời, Ngài ra đi trong thanh thản, cùng với sự thánh thiện và hạnh phúc tuyệt vời như lời bài hát mà mọi người chúng ta vẫn nghe “đi về nhà Chúa tim con reo hoan lạc Chúa ơi!” (Lời Thánh ca Lễ Cầu hồn).

    Chúc các cháu mừng lễ Bổn mạng thật vui và thật ý nghĩa.

    Ông của các cháu.

    Đức ông Giuse Phạm Xuân Thắng

    Bài viết liên quan