Lễ Thánh Phanxicô Assisi - Viết tặng các em Học viện Đa Minh Thái Bình

  • 03/10/2022 15:41
  • Là tu sĩ, tôi đã xác định được ý hướng và lý tưởng sống của mình: giữ trọn lời khuyên Tin Mừng: vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh thế là tôi an tâm có được một vé vào nước Trời?

     

    LỄ THÁNH PHANXICÔ ASSISI

    1.   Từ gương sống của thánh quan thầy Phanxicô Assisi

    Thánh Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi, ở phía bắc thủ đô Rôma và qua đời tại đây ngày 3.10.1226.  Cha ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ rất giầu có; mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức, hiếm có. Cậu Phanxicô rất hào hoa, gia đình giàu có mặc sức ăn chơi phung phí. Phanxicô theo bá tước Gôthiê đi Briênnơ đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.

    Sau biến cố đó, Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất ý nghĩa. Anh đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé đang lúc cầu nguyện Phanxicô nghe thấy tiếng Chúa thì thầm: Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát!

    Ngày 24.2.1208, đang buổi lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy... (Mt 10,10). Phanxicô đã nhận ra tiếng gọi của Chúa, quyết tâm sống khó nghèo một cách triệt để và theo Chúa trên con đường Thập Tự. 

    Phanxicô muốn nên giống hệt Chúa Giêsu trong sự khó nghèo, trong tình yêu và trong đau khổ. Ngài hết lòng yêu thương những người nghèo khó, những bệnh nhân mà ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. 

    Dù là người lập dòng nhưng những anh em cấp tiến muốn sửa đổi lý tưởng sống khó nghèo. Ngài đón nhận sự đau khổ này nên vào năm 1224 Ngài về ở ẩn tại núi Laverna. Tại đây ngài được Chúa in năm dấu thánh, đón nhận những đau đớn cả thể xác và tinh thần gần hai năm trời, ngài hoàn tất cuộc đời trần thế vào ngày 3.10.1226.

    Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16.7.1228. 

    2.    Đến cuộc sống của tôi hôm nay

    + Cuộc sống của một nữ tu Đaminh trong tư cách là người đang được đào tạo để trưởng thành tuyệt đối và sống trọn vẹn ba lời khuyên Phúc Âm trong Hội dòng mà tôi đã chọn theo tiếng gọi của Chúa.

    2.1 Tôi là một tu sĩ

    Là tu sĩ, tôi đã xác định được ý hướng và lý tưởng sống của mình: giữ trọn lời khuyên Tin Mừng: vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh thế là tôi an tâm có được một vé vào nước Trời?

    Hay tôi đã làm tốt mọi công việc được giao hoặc do bổn phận hoặc do tự nguyện thậm chí còn chu toàn một cách xuất sắc nữa là đàng khác: giữ hiến pháp hay qui luật của Hội dòng, hay quyết tâm trung thành với những gì Bề trên truyền lệnh…. đọc các giờ kinh Phụng vụ, giữ các Giới răn hay không phạm những gì đến ba lời khấn kia. Và cả những công việc truyền giáo xem ra bức bách lắm nhưng hình như Chúa cũng không cần. Như các tông đồ Ngài nói hãy cầu nguyện.

    Tôi đã dấn thân không quản ngại và một cách triệt để cho những con người mà tôi gặp thường ngày trong môi trường tôi đang sống: bệnh viện, công ty xí nghiệp, trường học…, nơi môi trường tôi đang sống….Và làm rất tốt và chu toàn một cách xuất sắc bổn phận trong nhà Dòng, nơi giáo xứ và cả ngoài xã hội nữa. Thế nhưng tôi vẫn không an tâm, có chút áy náy nào đó vì đời tu không phải chỉ là giữ luật, làm tốt những công việc hay phục vụ tha nhân mà còn một điều gì khác cao hơn nữa.

    Là tu sĩ tôi tận hiến cho một nhân vật có tên là Giêsu. Đây là đối tượng để tôi có thể trao thân gởi phận. Đó là người mà tôi phải có quan hệ mật thiết và duy nhất: ĐI THEO NGƯỜI.

    Theo Đức Giêsu là đặt mình dưới sự hướng dẫn và quyền sử dụng của Người, ngoan nguỳ trước những lời mời gọi dấn thân theo Người. Này con đây, xin hãy sai con. 

    Theo Đức Giêsu còn là học hỏi và sống cách sống của Người. Những cử chỉ lời nói và hành động của Đức Giêsu cũng là lời nói cử chỉ và hành động của tôi. Từ đó tôi sẵn sàng chia sẻ lối sống, công việc, những khắc khoải lo âu của Người và nhất là cùng chia sẻ số phận của Người, mà linh đạo của Hội dòng giúp tôi sống. Hãy để Ngài thay trái tim của tôi bằng trái tim của Chúa. (yêu thương mọi người, yêu thương cả kẻ thù, chạnh lòng thương dân chúng, Con Người không có chỗ gối đầu). Như thế, trước khi làm tất cả mọi công việc trên kia thì đây là bước khởi đầu căn bản cho đời sống của tôi.

    2.2  Từ bỏ quyền sở hữu đáng có để sống khó nghèo

    a. Tham lam

    Tiếng pleonexia của Hy lạp được dịch ra la ngữ cách chính xác nhất bằng tiếng cupiditas. Trong bản dịch 70 và Tân Ước nó chỉ sự khát vọng chiếm hữu luôn mãi mà không đếm xỉa đến người khác và cả việc làm thiệt hại cho họ. Lòng tham gần đồng nghĩa với sự thèm khát, sự đồi bại của ước muốn và nhấn mạnh đến một số đặc tính: một sự thèm khát mãnh liệt hầu như điên dại (Eph 4,19) đặc biệt là đi ngược lại với tình yêu đối với tha nhân, nhất là đối với người nghèo và trước hết hướng về của cải vật chất, những giầu sang tiền tài (ông phú hộ và lazarô).

    Do lòng tham ngoài việc làm tổn thương tha nhân, lòng tham còn tạo ra một thứ tôn thờ ngẫu tượng vì xúc phạm Thiên Chúa của giao ước (Col 3,5). Căn nguyên mọi sự xấu là lòng yêu tiền của (1 Tim 6,10) mang một ý nghĩa bi đát khi chọn cho mình một “Chúa giả”, con người tự tách rời khỏi vị Chúa chân thật và đi vào sự tận diệt (Giuđa: tham lam, đứa con hư mất). Như vậy đối tượng của tham lam có thể là:

    + Cái mình đang có: giữ thật chặt, chăm sóc quá kỹ, không dám cho mượn, không dám cho đi hay chia sẻ cho ai.

    + Của chung: chỉ biết sử dụng không bảo quản, không nghĩ đến người khác và người sau sẽ dùng tới. Có khi lấy làm của riêng.

    + Với điều mình sắp có: Ai hứa cho cái gì hoặc chuẩn bị đắc thủ một văn bằng (đang giai đoạn học viện, cố để được khấn trọn…), hay điều gì đó làm cho mình mất bình an, không bình tâm để phân định, ước mong chiếm đoạt thậm chí còn giành giật lấy bằng mọi cách.

    + Đối với cái mình không có: thèm muốn đến buồn sầu và ganh tỵ, luôn bị ám ảnh bởi điều đó và mong muốn bằng mọi cách có cho được ngay cả việc chiếm hữu bất công, ăn cắp, cáo gian….

    b. Sống khó nghèo của tôi

    + Nghèo về vật chất: chống lại sự bất công giầu nghèo, khỏi sự tham lam hà tiện. Vậy nên trong Tin Mừng Luca khi nói về khó nghèo Đức Giêsu nói rất ngắn gọn: phúc cho ai nghèo khó và vô phúc cho ai giầu có. Đức Giêsu còn chỉ trích người giầu có rất gắt gao khi Ngài nhận định: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào nước trời.

    Xem chừng như giầu có dễ đưa chúng ta tới chỗ lệ thuộc nó. Tiền của nhiều thường là kết quả của việc làm thiếu trong sáng qua sự tính toán ích kỷ, hà tiện và dẫn chúng ta tới chỗ tự phụ, thiếu quảng đại trước tiếng gọi của Chúa và có thể đẩy con người tới chỗ tôn thờ chính mình, tự phụ, kiêu căng và cậy dựa vào của cải tiền bạc.

    Nói như thế không có nghĩa là chúng ta sống thiếu thốn tới mức xoàng xĩnh, xốc xếch, không tôn trọng phẩm giá của mình. Thật vậy, khi quá thiếu thốn người ta lại càng giữ chặt những gì mình đang có tới mức đánh đổi tất cả để bảo vệ nó. Điều này cũng đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng.

    + Chia sẻ: Muốn chia sẻ, sống cho người nghèo trước tiên chúng ta phải sống nghèo và có tinh thần nghèo (Mt 5, 1) nếu không khi chúng ta chia sẻ dễ dàng bị người khác nghi ngờ là lấy của người khác chứ không phải của mình, hoặc cho đi những thứ dư thừa mà mình không còn dùng tới chứ không phải cái mà họ đang cần. Chia sẻ như thế cũng dễ bị ngộ nhận là khoe khoang, lấy thiện cảm, tìm uy tín để khẳng định mình.

    Vậy hãy chia sẻ ngay trong hiện tại chứ không chờ cho đến khi có. Chia sẻ cái mình đang có đang cần mà sẵn sàng cho tha nhân. Như thế chúng ta tập sống giản dị, tiết giảm nhu cầu, hăng say lao động để tích luỹ cho mình có khả năng chia sẻ. Chia sẻ là một thái độ sống của mọi người được thánh hiến cả Giám Mục, Linh mục và Tu sĩ chứ không phải là ngẫu hứng thích thì chia sẻ không thì thôi, và phát xuất từ tấm lòng. Vậy nên cần có kế hoạch để chia sẻ dài hạn.

    c. Sống nghèo về mặt tinh thần

    Sống nghèo về mặt tinh thần là giải phóng mình khỏi tự mãn, tự phụ của con người, là tin tưởng phó thác vào người cha nhân hiền, với thái độ khiêm tốn. Đó là thái độ của một người con đối với cha mẹ mà Đức Giêsu lấy hình ảnh của các em bé: Ai không trở nên như những trẻ em thì không được vào Nước Trời. Ý thức mình hoàn toàn lệ thuộc Cha, không lo lắng bồn chồn phải thiếu thốn một đôi khi hay tự mãn tự kiêu khi dư dả, luôn sẵn sàng cho đi khi được mời gọi và đón nhận khi được ban cho. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta có cơ hội để sống khó nghèo trong tinh thần ngay bây giờ.

    Để sống khó nghèo tôi nên: Có một kế hoạch lao động và chi tiêu, sử dụng của cải vật chất khi được phép của bề trên. Như thế mọi sự của tôi là của nhà dòng. Sống chứng tá bằng đời sống khiêm hạ và đơn sơ cho phù hợp với thời gian nơi chốn và hoàn cảnh. Sẵn sàng đón nhận với những tâm tình của người nghèo cả về vật chất và tinh thần (nghèo đói về của ăn và tinh thần: thiếu tình thương). Từ đó giúp tôi từ bỏ một cách cụ thể về phương diện vật chất lẫn mọi thứ khác và mang đến cho tôi sự tự do thanh thoát.

    d. Sống nghèo theo Hiếp Pháp và Nội Quy

    Theo Đức Kitô tự nguyện trở nên nghèo khó (HP 13)

    Nhận Chúa làm gia nghiệp và sống chứng tá cho Nước Trời mai sau (HP 16,17)

    Tự huấn luyện và để Chúa Thánh Thần huấn luyện sống nghèo và thực hành khó nghèo (HP 19 – 20)

    2.3 Tự hủy để chết cho ý riêng để hoàn toàn vâng phục

    a.  Vâng phục

    Vâng phục không phải là cam chịu cưỡng bách và luỵ phục tiêu cực mà là tự do chấp nhận ý định của Thiên Chúa. Vâng phục giúp con người phụng sự Thiên Chúa bằng cả cuộc sống và tìm được nguồn vui nơi Ngài. Thảm kịch của sự không vâng phục chúng ta đều biết rõ:

    + Ađam đã bất trung lôi cuốn cả con cháu phản nghịch theo ông và khiến tạo vật phải lụy phục sự hư luống (Rm 8, 20). Qua đó chúng ta thấy Thiên Chúa đang chờ đợi gì nơi sự vâng phục của con người: mở lòng đón nhận ý muốn và thi hành giới răn của Ngài.

    + Thiên Chúa muốn chúng ta vâng phục vì Ngài có một ý định phải chu toàn, một vũ trụ phải xây dựng mà Ngài cần sự cộng tác của mỗi người chúng ta, cần chúng ta tuân theo trong đức tin. Vâng lời là dấu chỉ và kết quả của đức tin.

    + Abraham con người được thanh lọc trong đức tin để ông hoàn toàn vâng phục ý định của Thiên Chúa; bỏ quê hương xứ sở, sẵn sàng giết con yêu quý của mình. Ông sống dựa trên Lời Chúa. Lời này đòi ông phó thác tin tưởng và hành động, tiến bước mà không một lời giải thích, không một la bàn chỉ đường, không một thẻ bảo hiểm để bảo đảm cuộc sống…. Vâng lời đối với ông là một thử thách một thách đố của Thiên Chúa.

    + Tiến tới giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Giao ước được ký kết giữa hai nhân vị với nhau, không phải là một bản hợp đồng dễ dàng xé bỏ. Giao ước đòi hỏi hai bên phải trung thành và biểu lộ tình yêu của mình với đối tượng mình đã kết ước. Ở đây nhớ rằng dù con người bất trung nhưng Thiên Chúa luôn trung thành.

    b.  Đức Kitô – mẫu gương vâng phục.

    Ai là người vâng phục Thiên Chúa? Israel, không, vì là đứa con phản nghịch. Bản thân tôi? Vì nô lệ tội lỗi con người không thể vâng phục Thiên Chúa dù tự tâm con người vẫn khát vọng như thế. Thiên Chúa sai tôi tớ Ngài đến để người nói rằng: này đây con đến để thi hành ý Chúa (Tv 40,7tt). Sự vâng phục của Đức Giêsu là phần rỗi chúng ta và cho chúng ta tìm lại được sự vâng phục đúng nghĩa.
    Vâng phục theo gương Đức Giêsu dần dần đào tạo cho chúng ta biết từ bỏ ý riêng. Vâng phục với sự phân định do sự ngoan ngoãn lắng nghe từ Chúa Thánh Thần không chỉ một cách cá nhân mang tính chủ quan mà còn với người đồng hành, với bề trên và với chị em nữa. Phân định để vâng phục một cách đúng đắn hầu dấn thân sâu hơn trong lời tuyên khấn của mình. Luôn sống tâm tình của một người con với cha của mình là Thiên Chúa. Một người con có sự nhậy bén và dễ dàng nhận ra ý của cha mình mà thi hành một cách mau mắn, sáng suốt, không chần chừ hay trả giá so đo với người Cha. Ngay cả lúc êm xuôi, dễ dàng hay cả lúc khó khăn trong những cám dỗ của đời thường, người con ấy vẫn mãi trung thành và tìm ra được ý của Cha mình dù có phải hy sinh chính mình. Sự tự do trong nội tâm chính là điều kiện cần thiết để sống vâng phục một cách tốt nhất. Thật nghịch lý khi người ta sẵn sàng vâng phục cách trọn vẹn trong tâm tình của người con thì họ lại là người tự do hơn bao giờ hết. Cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa Vâng phục thánh ý Chúa cần thiết phải thông qua con đường đối thoại giữa bề trên và với chị em sống chung trong một cộng đoàn nữa. Đó là sống trong tinh thần vâng phục tích cực và có trách nhiệm. 

    Việc gặp gỡ giữa tôi và bề trên phải là một cuộc đối thoại của cuộc sống. Từ đó cả hai cảm thông, hiểu nhau và cùng nhau khám phá ra sự thật, thánh ý Thiên Chúa và cùng nhau thi hành trong hoàn cảnh sống của mình (cả bề trên lẫn bề dưới) một cách triệt để và đúng đắn nhất theo lời khấn đã được tuyên khấn. Một cá nhân không trung thành hay ngại ngùng cởi mở tâm hồn của mình cho bề trên hay vị hữu trách sẽ khó có thể nhận ra thánh ý của Chúa mà thi hành và từ đó lời khấn vâng phục của chúng ta sẽ dần dần nhạt nhẽo và đi tới việc bỏ quên và thực hành theo ý thích và tự do cá nhân của mình.

    Việc sống lời vâng phục gắn kết tôi với một cộng đoàn, một nhà dòng … Vì khi tôi sống đức vâng phục thì ý thức rằng các chị em trong Hội dòng của tôi cũng đang phấn đấu và sống một cách triệt để lời khấn này. Vì thế, không ai là riêng lẻ chiến đấu một mình mà chị em chúng ta đang cùng kề vai sát cánh với nhau giữa thế giới mà chúng ta đang được mời gọi dấn thân vào. 

    Trong ngày kết thúc năm Đời Sống Thánh Hiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về sự vâng phục rằng: “Đức vâng phục của người thánh hiến, không phải thứ vâng lời nhà binh. Nếu ta không thấy rõ điều gì khi phải vâng phục, thì hãy nói chuyện, đối thoại với bề trên, và sau đó hãy vâng phục. Đó cũng là lời ngôn sứ chống lại mầm mống sự vô chính phủ mà ma quỉ gieo rắc. Sự vô chính phủ, hành động theo ý riêng là con của ma quỉ, chứ không phải là con của Thiên Chúa... Ngôn sứ ở đây là nói với dân chúng rằng có một con đường dẫn đến hạnh phúc, sự cao cả, con đường làm bạn đầy vui mừng, chính là con đường của Chúa Giêsu. Đó là con đường gần gũi với Chúa Giêsu.”

    c.  Sợ hãi khiến tôi không thể vâng phục

    Nỗi sợ làm chúng ta chùn bước: sợ mất của, sợ mất sức khoẻ, mạng sống, sợ mất tình cảm với bề trên, với người phụ trách hay người đồng hành, sợ mất chức vụ, sợ mất uy tín mất sự an toàn mà chúng ta đã xây dựng được sau bao nhiêu năm. Còn những nỗi sợ khác: sợ tội lỗi, sợ không trung thành với lời tuyên khấn, sợ không có khả năng thi hành ý Chúa, hỏng mất chương trình của Ngài, sợ bị bề trên đuổi không cho tu nữa, sợ tương lai bất định khi chưa khấn trọn hoặc đã khấn trọn mà bị khủng hoảng…

    Hậu quả gây ra do sợ hãi là chúng ta khép kín, ích kỷ, tê liệt trong cuộc sống, không có sức bật hay sức sống và có thể trở thành tâm bệnh sợ tất cả. Nhưng hậu quả lớn nhất của sợ hãi là làm chúng ta mất tự do, nghĩa là đánh mất khả năng nhận ra điều tốt và thực hiện điều tốt. Người sợ hãi là người không thể hay không dám nhìn ra gía trị nào đó bên ngoài điều mình đang sợ mất và dần dần người ta mất luôn khả năng nhận ra và thực hiện điều tốt Chúa muốn.

    Muốn sống vâng phục Thiên Chúa triệt để phải có sự tự do của Tin Mừng, muốn có tự do phải loại trừ sự sợ hãi (Abraham không sợ rất tự do, Đức Giêsu tự do trong khi thi hành ý Cha…). Một điều mà ai cũng nhận thấy khi càng ràng buộc mình với ý Chúa người ta lại càng tự do hơn để thi hành điều tốt Chúa muốn và không hề làm chúng ta mất tự do nhưng lại có được sự tư do thật sự.

    d.  Vâng phục theo Hiếp Pháp

    Chiêm ngắm mẫu gương vâng phục: Đức Kitô, Mẹ Maria, Thánh Tổ Phụ Đaminh và cả thánh quan thầy Phanxicô Assisi (HP 22-24)
    Lời khấn Vâng phục có giá trị: dâng hiến bản thân làm của lễ, kết hợp với ý muốn cứu độ của Chúa; cộng tác với sứ mạng của Hội Thánh, được tự do hoàn toàn; và sống thực tại Nước Trời mai sau (HP 25)

    Cần huấn luyện và thực hành lời khấn vâng phục ở mọi cấp độ khi chấp nhận quyền bính và mệnh lệnh chính thức (HP 26-30)

    2.4 Tự chủ, tiết chế để giữ sự trinh trong khiết tịnh

    a.  Trinh khiết

    Đó là một ơn nhưng không. Chúng ta thấy có sự tiết dục tự nguyện Giêrêmia phải từ bỏ hôn nhân (Ger 16,2). Bà Giudit tự nguyện thủ tiết và thống hối (Gdt 8,4tt; 16,2). Bà Anna khước từ việc tái giá để kết hợp mật thiết với Chúa hơn (Lc 2,37). Trong Tân Ước chúng ta nhận ra sự tự nguyện sống trinh khiết được Đức Giêsu đề cao và tỏ lòng yêu mến người đó. Gioan không có vợ được Chúa Giêsu yêu hơn. Đức Maria được mệnh danh là Đức Nữ Trinh. Như vậy, việc không lập gia đình hay không có con không còn là một nỗi nhục mà nay trở nên một phúc lành (Lc 1,48).

    Đức trinh khiết này không phải là một huấn lệnh nhưng là một lời mời gọi từng người, là một đoàn sủng (1 Cor 7,25;7,7). Theo Lumen gentium, kharisma nhắm lợi ích người khác, lợi ích cộng đồng, điều mà thánh Tôma đã xác quyết khi sắp nó vào loại Gratia gratis data, để phân biệt với Gratia gratum faciens (ích cho bản thân) vốn là đặc huệ (tặng phẩm) Thánh Thần. Theo Thánh Phaolô đức trinh khiết đáng quý trọng hơn hôn nhân vì nó giúp hiến dâng trọn vẹn cho Chúa. Trái tim của người hiến dâng không bị chia sẻ họ có thể thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, lấy Chúa làm nỗi lo lắng riêng và luôn hướng chiều về nỗi lắng lo này. Thế nhưng sự vô độ khiến tôi không thể sống trọn vẹn đức khiết tịnh.

    b.  Sống khiết tịnh

    Người sống khiết tịnh có thể dễ dàng giải thích rằng không yêu riêng ai để yêu hết mọi người. Tuy nhiên trong tình yêu vẫn có một sự ưu tiên nào đó cho một đối tượng nào đó. Đức Giêsu đã có những đối tượng riêng mà Ngài yêu: người đau ốm, người nghèo, người lạc lõng bơ vơ không người chăn, những người bị tôn giáo và xã hội ruồng bỏ, gạt ra bên lề. Trong tình yêu khiết tịnh đối tượng được yêu không phải là do mình chọn theo sở thích của mình mà là đối tượng có khi không do sở thích của mình vì nó vượt lên trên sự kết hợp trong thân xác, một tình yêu siêu thoát. Siêu thoát không có nghĩa là yêu bâng quơ, hời hợt, không dấn sâu bản thân mình vào đó. Tình yêu trọn vẹn không phải là sự kết hợp thân xác mà con đòi một sự dấn thân quyết liệt và trách nhiệm. => diễn tả tình yêu của Thiên Chúa.

    Sống độc thân không phải là từ khước tình yêu, là lạnh lùng khô khan một cách ích kỷ hay vô cảm nhưng theo đuổi một tình yêu rộng lớn hơn, sâu xa hơn (không phải là sự trốn chạy của tình yêu mà là giải phóng cho tình yêu). Người sống độc thân theo đuổi một tình yêu vô vị lợi cách tối đa bằng chính trái tim bằng xương bằng thịt của mình ở mức cao nhất của tình yêu con người.

    c.  Loại trừ sự vô độ và sống khổ chế.

    Sự vô độ đến từ những việc thật nhỏ có thể coi là vụn vặt mà không biết khổ chế: ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, nhìn ngắm, phim ảnh, sách báo, ăn mặc, mua sắm, lao động, học tập, vui chơi. Điều này lưu ý chúng ta là không tìm khoái lạc trong những điều trên như ăn cho thoả, ngủ cho sướng, giải trí cho đã, mua sắm cho nhiều…

    Sự vô độ này dễ dẫn đến việc thoả mãn tính dục khi tính dục không được thoả mãn một cách trực tiếp. Vô độ trong các việc sẽ dần khiến chúng ta không còn tự chủ, khổ chế hay sống có kỷ luật. Sự vô độ trong tình cảm như thiếu khổ chế trong tình cảm, các cảm xúc, những cuộc gặp gỡ trò chuyện vô bổ với những người khác phái cả những người cùng phái, ngay cả đón nhận sống trong thinh lặng hay tĩnh mịch cũng không thể. Không chấp nhận được sự cô đơn.

    Sự vô độ còn có trong lời nói, phản ứng hoàn toàn theo sở thích bản năng tự nhiên chứ không được huấn luyện hay tự kiềm chế để phân định. Sự vô độ trong những tìm hiểu về người khác nhất là người chúng ta yêu thích. Yêu tới mức chi phối tất cả mọi hoạt động hay hành động của tôi thậm chí cả việc đạo đức và ở chiều ngược lại muốn người khác thông cảm chia sẻ đến độ bất mãn và buồn chán khi không được thông cảm hay chia sẻ trọn vẹn. Thậm chí muốn chiếm đoạt và chiếm đoạt trọn vẹn người khác hay ngược lại.

    d.  Sống khổ chế:

    + Khổ chế con mắt. Như Chúa Giêsu đã nói: Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. …. (Mt 6, 22-23). Việc kiêng khem, tránh xa những hình ảnh đã trở nên quan trọng hơn việc kiêng khem các thức ăn và thức uống. 

    + Khổ chế các phương tiện hiện nay. Công nghệ thông tin hiện nay phức tạp và phong phú nó là con dao hai lưỡi để giúp chúng ta làm việc thăng tiến, phát triển nhân cách nhưng cũng là những thảm họa khi chúng ta lợi dụng nó để thay vì thăng tiến, phát triển thì lại biến nó thành dụng cụ để thỏa mãn những đam mê, ích kỷ thấp hèn. Những hình ảnh không tốt, khiêu dâm, phảm cảm được đưa lên phương tiện truyền thông… internet, film ảnh…

    e.  Tiến tới một tình yêu dâng hiến

    Đối tượng mà chúng ta yêu thương tối đa hết lòng hết sức lực, hết trí khôn, cả con người của chúng ta là Thiên Chúa, và cũng chỉ có một mình Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến cùng. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hoá thân làm người và để dành cho chúng ta một tình yêu rõ rệt. Ngài vẫn tiếp tục hoá thân trong những người nghèo, những người bị bỏ rơi, tha nhân đang sống xung quanh chúng ta để từ đây khi dâng hiến tình yêu cho những con người ấy chúng ta nếm cảm tình yêu của Chúa từ họ.

    f.  Sống khiết tịnh theo Hiếp Pháp – Nội quy

    Đức thánh hiến trong một Hội Dòng, có hiếp Pháp làm kim chỉ nam(HP 3)

    Các gương mẫu giúp sống Khiết tịnh: Đức Kitô, Mẹ Maria, Thánh Đaminh, Thánh Phanxicô, … (HP 5-7)

    Đức Khiết tịnh là một ân ban cần gìn giữ và bảo vệ (HP 8)

    Huấn luyện sống khiết tịnh và dùng mọi phương thế để trung thành với lời khấn trong nếp sống độc thân tiết dục hoàn toàn (HP 9,11,12)

    2.5 Hiền hòa, khiêm tốn để sống đời cộng đoàn

    Như thánh quan thầy Phanxicô tôi sống hiền lành và khiêm nhường, chan hòa tình nghĩa với mọi người bằng tình yêu thương chân thành, và đối xử với những người đang phải mang lấy gánh nặng của khổ đau, bất hạnh (bệnh tật, già yếu, bị hiểu lầm, chị em khinh chê, xì xèo,…) một cách khéo léo và tế nhị => đem lại cho họ sự an ủi và khích lệ.

    Học cùng Đức Giêsu hiền hậu và khiêm nhường. Đó là sự tự hủy đến tận cùng. Như thánh Phanxicô trở nên nghèo vì muốn giống hệt Đức Kitô. Hãm mình để hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Sự khó nghèo đi đôi với sự khiêm tốn để hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Khó nghèo có là gì nhưng nhờ tình yêu mãnh liệt ấy mà thánh Phanxicô đã trở thành một con người vĩ đại góp phần rất lớn vào việc đổi mới mối tương quan giữa con người với vũ trụ thiên nhiên, để thiên nhiên luôn mang đầy sức sống tươi trẻ, không bị lão hóa và cạn kiệt vì sự khai thác quá mức của con người hiện nay.

    Thánh Phanxicô Assisi một con người bé nhỏ nhưng lại có một con tim thật bao la, không những ôm ấp cả mọi người, mà còn cả vũ trụ thiên nhiên. Một con người có nếp sống đơn sơ bé mọn, tâm hồn trẻ trung và tình yêu chân thành đối với mọi người và toàn thể vũ trụ. Nếu tuổi trẻ có sự mãnh liệt của tình yêu, thì tình yêu cũng thúc đẩy tuổi trẻ bay cao hơn, vươn xa hơn trong đời sống, nhất là đời sống thánh hiến mà tôi đang sống. Tông huấn Chúa Kitô đang sống Đức Phanxicô viết: Trẻ trung đích thực có nghĩa là một trái tim có khả năng yêu thương  

    2.6 Cùng nhìn lại chính mình trong ngày chuẩn bị mừng lễ quan thầy

    a.  Lời khấn Khó Nghèo

    Trong các đối tượng để ham muốn tôi thích hướng về đối tượng nào?

    Tôi lấy từ đâu để chia sẻ: của tôi, cái dư thừa hay của người khác?

    Sống tinh thần chia sẻ trong niềm vui, sẵn sàng hay miễn cưỡng, tuỳ hứng hay có kế hoạch, đều dặn hay bừa bãi.

    Tôi cho ai: người mình thích, người có thiện cảm, người hay giúp đỡ mình như hòn đất ném đi hòn chì ném lại?

    Người thực sự có nhu cầu mà tôi biết? Tôi sống tiết kiệm, giản dị để chia sẻ hay để phòng thân khi gặp nạn: ốm đau, tai nạn, khi không làm việc được nữa…?

    Viết ra sổ những gì tôi đã sống hay chưa sống lời khấn khó nghèo.

    b.  Lời khấn vâng phục

    Tôi đang sợ điều gì? Có làm nô lệ cho điều mà tôi sợ đó không?

    Tôi tìm ý Chúa ở đâu? Có phải nơi ơn gọi và những đòi hỏi của ơn gọi?

    Tôi có tự do hoàn toàn để sống vâng phục theo ý Chúa và lời cam kết?

    Và còn nữa, ….

    c.  Lời khấn khiết tịnh

    Tôi đang vô độ và thiếu mực thước trong tình yêu ở lãnh vực nào? Phản ứng thế nào trước điều mình ưa thích, điều mình không thích?

    Tình cảm của tôi biểu lộ quá đáng?

    Chấp nhận cô đơn thế nào: tránh né, tìm cách bù trừ, tận dụng để tăng cường tình yêu với Chúa?

    Tôi vô độ khi tìm hiểu người khác hay khi người khác tìm hiểu mình?

    Lòng khát khao của tôi đối với Chúa? Thật sự mãnh liệt, hời hợt nhất là khi Ngài mời gọi tôi dâng hiến một vật, một quan hệ mà tôi đang nắm giữ?

    Tôi đang chăm sóc và đầu tư tình yêu cho ai? Cho Chúa? Cho người mình thích? Có phải là đối tượng của tình yêu dâng hiến?
    Ghi lại những gì tôi nhận ra từ bản thân mình cho một tình yêu dâng hiến.

    Xin chúc các em Học viện Đa Minh Thái Bình mừng lễ quan thầy sốt sắng thánh thiện và trung thành với đời sống thánh hiến của mình nhờ lời cầu bầu của thánh Phanxicô Assisi.

    Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bửu Khánh

    Giáo phận Xuân Lộc

    Viết tặng các em Học viện Đa Minh Thái Bình

    Bài viết liên quan