Ngày 08.8: Mừng lễ Thánh phụ Đa Minh (Mt 5, 13-19)

  • 07/08/2024 20:41
  • Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt 5, 13).

    1. Bài đọc 1: Is 52,7 10

    Bài trích sách ngôn sứ Isaia

    Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xion rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị". Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi cùng cất tiếng reo hò vang dậy; họ sẽ được thấy tận mắt ĐỨC CHÚA đang trở về Xion. 

    Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem.

    Trước mặt muôn dân, ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người: Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

    Đó là Lời Chúa.

     

    2. Đáp ca: Tv 95

    Đáp:  Hãy kể cho muôn dân biết những kỳ công Chúa làm.

    Xướng: 

    1. Hãy hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hãy hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh Người.

    2. Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công Người làm.

    3. Hãy dâng Chúa, hỡi các dân các nước, hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người.

    4. Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

     

    3. Bài đọc 2: 2 Tm 4, 1‑8

    Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho ông Timôthê

    Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.

    Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.

    Đó là Lời Chúa.

     

    4. Tin Mừng: Mt 5, 13-19

    Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mát thêu.

    Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho trần gian. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

    “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

    Đó là Lời Chúa.

     

    5. Suy niệm: 

    5.1 Di sản Đức ái

    Nhớ lại những ngày ấy, trong cơn sốt nặng, cha Đa Minh linh cảm giờ phút ra đi của mình gần đến, nên đã xin được đưa về Tu viện của con cái mình tại Bologne. Ước nguyện của Cha lúc này là được ở bên anh em, chia sẻ những tâm sự cuối cùng và được chết trong vòng tay của anh em. Phút lâm chung gần kề, cha Đa Minh vẫn tiếp tục chủ sự giờ kinh. Cha không muốn anh em khóc lóc buồn bã. Hôm ấy là ngày giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Dung, nên giờ kinh nguyện của Cha và anh em ngập tràn trong vinh quang chói lọi của núi Tabor, nơi các tông đồ được chiêm ngưỡng trước vinh quang của Đức Kitô trên thiên quốc.

    Trong bầu khí trầm lắng, linh thiêng, anh em chờ đợi để lắng nghe Cha nhắn nhủ. Từng lời nói chậm chạp, ngắt quãng, nhưng cũng đầy mạnh mẽ xác tín: Các con Hãy sống bác ái, có lòng khiêm tốn và tự nguyện sống nghèo “.Sau đó, Cha bày tỏ ước muốn được chôn dưới chân anh em như dấu chứng tình yêu của ngài với cộng đoàn.

    Cảm động biết bao! trong giờ phút cuối cùng ly biệt, mà tấm lòng của người Cha hiền còn hướng về con cái  như muốn dồn hết tâm tư, trút hết sinh lực, truyền hết nhiệt huyết.. Cha mong muốn con cái kiên trì sống thánh thiện và hăng say “tận hiến cho việc công bố Lời Thiên Chúa, và loan truyền danh Đức Giêsu Kitô trên toàn thế giới” (HPNT I). Linh đạo mà Cha đã sống, hoài bão Cha ấp ủ, lời tâm huyết mà Cha ban, nay chúng con trân trọng  trao cho nhau như gia sản tinh thần quý giá nhất.

    1. Gia sản Đức ái

    Tình yêu là món nợ duy nhất ta mắc với mọi người: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Bởi lẽ trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho ta một tình yêu vô biên, để ta có thể chia sẻ với hết mọi người. Đó là tình yêu hoàn toàn nhưng không và vô cùng rộng lớn. Thánh Phao lô trong thư I Corintô chương 13 câu 1-13  đã diễn tả sự cao trọng cũng như nét tinh túy “sáng ngời của tình yêu này:

    Đức ái thì rộng lượng, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc.
    không nổi giận, nhưng nhẫn nại hiền hòa.
    Không mừng vì có sự gian ác
    nhưng vui khi thấy điều chân thât
    Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.”

    Và nếu đọc kỹ nữa, ta thấy tác giả của “bài ca Đức ái này” còn nói lên sự khác biệt giữa bác ái bên ngoài và bác ái bên trong. Bác ái bên ngoài, cho dù là việc lớn mấy đi nữa, cũng chẳng ích gì cho ta, nếu không có bác ái bên trong. Không có bác ái bên trong, thì mọi hành động chỉ  là giả hình. Và Ngài khuyên “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ (Rm 12,9) vì bác ái giả hình là làm điều tốt mà không yêu mến, có thể nó che giấu một sự ích kỷ vụ lợi nào đó mà thôi. Nói vậy không phải là coi nhẹ việc bác ái bên ngoài cho bằng tạo cho nó một nền tảng chắc chắn, chống lại sự ích kỷ hoặc những hình thức gian trá của ta. Nền tảng này dựa trên tình yêu đích thực. Chính Chúa Giesu đã dạy: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Ngài không dạy: phải yêu người thân cận như yêu mến Thiên Chúa. Là vì người ta có thể gian dối khi yêu mến Thiên Chúa, nhưng không thể gian dối khi yêu mình.

    Nếu ta có lòng bác ái, thì bất cứ ta làm điều gì, đó sẽ là điều phải làm, vì “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13,10). Chính theo nghĩa này mà Augustinô đã nói: “Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Nếu bạn yên lặng, hãy vì yêu mà yên lặng; nếu bạn lên tiếng, hãy vì yêu mà lên tiếng; nếu bạn sửa lỗi, hãy vì yêu mà sửa lỗi; nếu bạn tha thứ, hãy vì yêu mà tha thứ; hãy có cội rễ tình yêu trong đáy lòng bạn, từ cội rễ này, không thể phát xuất điều gì khác hơn là điều tốt.

    Trong ý nghĩa này chúng ta mới  thấy sự tuyệt vời của lời trăn trối như di ngôn cha thánh chúng ta để lại. Đó là  hoài bão cả mà cả đời Cha ôm ấp, là linh đạo Cha chọn theo. Vì hơn ai hết, cha Đaminh hiều được thế nào là tầm quan trọng của Đức ái, Ngài cảm thấu những đòi hỏi của giới luật yêu thương, và Ngài xác tín đó là con đường ngắn nhất giúp ta chạm được trái tim Thiên Chúa “Mỗi khi các người làm  cho một trong những kẻ bé mọn này là làm cho chính ta” (Mt 25, 45).  

    2. Gia sản của sự khiêm tốn

    Trong các nhân đức mà Phaolô kể ra trong thư Ga lát, thì nhân đức đứng đầu là bác ái. “Hoa quả của thần khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (5,22),. Và trong thư Roma, cũng chính Bác ái  khai mào cho phần khuyến thiện, phần thực hành các nhân đức. Tuy nhiên trong “bài ca đức ái” chương 13 thư I côrintô mà ta đã nói ở trên, thánh Phao lô giải thích rất rõ, bác ái trước tiên đó là nhẫn nhục, khiêm tốn. Quả thật, để có thể đi bước trước đến với tha nhân, đòi hỏi chúng ta phải thực sự khiêm tốn xóa mình ra không. Cũng thế, để Lời Chúa được người đời đón nhận, những người công bố Lời phải sống thanh thoát, khiêm cung và yêu thương. Đó cũng chính là kinh nghiệm cha Đa Minh đã từng trải qua, và là những điều Cha không ngừng cổ võ anh em khi phái họ đi rao giảng.

    Hoa quả của đức ái còn là sự hiệp thông  trong cộng đoàn: ” Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18, 19-20). Tuy nhiên hiệp thông chỉ có được nơi sự hòa hợp của những nhân cách hiền hòa, khiêm tốn. Và chúng ta quả quyết: Ở đâu có tình yêu, thì ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị.  Origen nói rằng “chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này” nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu . Điều này ý nghĩa và quan trọng biết bao cho đời sống Giáo hội khi  qui chiếu vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, và đặc biệt hơn với linh đạo của những người sống cộng đoàn như đời tu  Đaminh của chúng ta..

    3. Gia sản của sự khó nghèo

    Về điểm này xin được đọc lại chứng từ đương thời của viện phụ Guillaume de Pierre : Cha Đaminh chẳng có gì cho riêng mình. Ngài quảng đại tặng người nghèo mọi thứ mình có. “Ngài không có giường nào ngoài nhà thờ, nếu không có nhà thờ, ngài ngủ ghế, ngủ đất, hoặc tháo nệm gia chủ trải để nằm trên rỉ giường… Ngài luôn luôn mặc áo xấu nhất trong anh em. Ngài đơn sơ, tự do thanh thoát, cổ võ người này kẻ khác sống đức tin và bình an”.

    Quả vậy, Cha Đa Minh đã sống khó nghèo, và Ngài muốn tất cả các tu sĩ trong Dòng của Ngài cũng đạt tới mức hoàn thiện của lời khấn này qua nếp sống thanh thoát, khó nghèo tự nguyện. Vì nếu thái độ sống ích kỷ, thần tượng bản thân của chúng ta đã phá đổ đức ái, thì việc tôn thờ vật chất cũng đánh mất niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vì chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai ông chủ; Thiên Chúa hay tiền của (X Mt 6,24).

    Xuyên suốt dòng lịch sử  qua các biến cố cho thấy rằng: đứng đằng sau sự dữ là tiền bạc. Thánh Phao lo nhắc nhở chúng ta:“Lòng yêu mến tiền bạc là là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tim 6,10). Tiền bạc không xấu, nhưng lòng gắn bó quá mức với tiền bạc của cải sẽ biến con người trở thành kẻ thờ ngẫu tượng. và lúc đó nó điều khiển chúng ta làm tất cả những điều xấu xa nhất như  gian tham, bất công, tranh chấp, trộm cắp, giết người. Bức tranh xã hội hôm nay phản ánh rõ nét những góc tối này qua các tệ nạn tham nhũng, buôn người, bắt cóc trẻ em tống tiền, giết người bán nội tạng, giết người  dần mòn qua các thứ hóa chất độc hại ướp trong hoa quả, thực phẩm…. tất cả chỉ vì đồng tiền.

    Giữa một thế giới thượng tôn tiền bạc như thế, chúng ta tự nguyện sống nghèo để chứng minh cho  mọi người biết sự tương đối của những giá trị trần thế, và để nói lên chỉ Thiên Chúa mới là giá trị tuyết đối và cứu cánh duy nhất của tạo thành, đồng thời cuộc sống từ bỏ, thanh thoát của chúng ta nhắc nhở cho thế giới rằng: kho tàng đích thực của chúng ta không phải là thứ của cải mau qua chóng hết này, mà là sự sống vĩnh cửu ở trên trời. Đó mới là điều đáng ước ao. Khi giải thoát  mình khỏi  tình trạng nô lệ và những trói buộc của tiền tài danh vọng như thế, chúng ta sẽ kết hợp với Chúa  cách trọn vẹn hơn, phục vụ Chúa mau mắn hơn và  nói về Chúa cách mạnh mẽ xác tín hơn với tâm hồn vui tươi, tự do, thanh thoát.

    Các con hãy sống bác ái, có lòng khiêm tốn và tự nguyện sống nghèo”. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy những lời trăn trối của cha tôi có ý nghĩa và quý giá dường bao. Đó là Di sản tinh thần mà mỗi tu sĩ Đaminh chúng tôi trân trọng, yêu mến, ghi tâm khắc cốt và quyết  thực hành bước theo dấu chân của Cha. Chúng con cũng cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con trên đường lữ hành trần gian, có một người cha đã sinh ra chúng con một lần nữa, trong ánh sáng đời sống thánh thiện của người. Xin Thiên Chúa Cha- Đấng  giầu lòng thương xót, ban cho chúng con đạt tới đích điểm niềm vui đời đời, là hạnh phúc vững bền mà cha Đa Minh chúng con đã hân hoan bước vào.

    Sr. Lucia Cao Thị Xuân Trang, OP.

    5.2 Muối và ánh sáng

    Trong ngày lễ trọng thể mừng kính trọng thể Thánh phụ Đa Minh, chúng ta cùng suy ngẫm đoạn Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, nơi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở thành muối và ánh sáng cho thế gian. Những lời dạy của Chúa Giêsu không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là một lời kêu gọi mạnh mẽ cho mọi Kitô hữu, đặc biệt là những ai theo sát Đức Kitô.

    Chính anh em là muối cho trần gian. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh muối để minh họa cho vai trò quan trọng của người môn đệ trong việc bảo vệ và duy trì giá trị đạo đức của xã hội. Muối không chỉ làm cho thức ăn thêm đậm đà, mà còn có khả năng bảo quản. Người Kitô hữu cũng vậy, phải làm cho cuộc sống thêm phong phú và bảo vệ những giá trị cao đẹp mà Chúa đã truyền dạy. Thánh Đa Minh, với lòng nhiệt thành và tài trí, đã trở thành muối cho đời, đem lại hương vị Tin Mừng cho những nơi, những vùng ngài đặt chân đến.

    Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng mà Chúa Giêsu nhắc đến ở đây không phải chỉ để chiếu sáng và soi rọi con đường, mà còn là ánh sáng của sự thật, tình yêu và công lý. Thánh Đa Minh đã dâng hiến cuộc đời mình để lan tỏa ánh sáng ấy bằng tài giảng thuyết, sống đời cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Ngài đã xây dựng những ‘thành phố trên núi’, không thể bị che giấu, để mọi người nhìn vào đó mà ngợi khen Thiên Chúa.

    Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Chúa Giêsu khẳng định sứ mạng của Ngài không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn. Thánh Đa Minh cũng đã sống trọn vẹn ý nghĩa này. Ngài không ngừng tìm kiếm sự thật, và qua đó, ngài đã kiện toàn cuộc sống của mình theo lời Chúa, dạy dỗ mọi người theo đuổi con đường chính trực và chân thật.

    Ngày lễ Mừng kính Thánh Tổ phụ, chúng ta được mời gọi noi gương Thánh nhân, sống tinh thần dấn thân và phục vụ. Hãy trở thành muối, giữ vững những giá trị cao đẹp và làm cho cuộc sống thêm phong phú. Hãy trở thành ánh sáng, lan tỏa tình yêu và sự thật, dẫn dắt mọi người đến gần Chúa hơn. Hãy tuân giữ và thực hành Lời Chúa, để trở nên những người lớn trong Nước Trời.

    Trong ngày lễ trọng thể này, chúng ta cầu xin Thánh phụ Đa Minh chuyển cầu, giúp chúng ta luôn kiên vững trong đức tin, mạnh mẽ trong việc làm và sáng suốt trong lời nói, để xứng đáng là muối và ánh sáng cho trần gian, như Chúa Giêsu đã dạy. Amen.

    Nt. Maria Hoàng Lanh, OP.

    Bài viết liên quan