1. Bài đọc 1: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab
“Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.
Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.
Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.
Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện”.
Ðó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16
Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng.
Xướng:
1) Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy.
2) Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ.
3) Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người.
4) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua.
3. Bài đọc 2: 1 Cr 15, 20-26
“Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.
Ðó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Lc 1, 39-56
“Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
39 Hồi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. 40 Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét. 41 Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Êlisabét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
46 Bấy giờ bà Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, 55như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.”
56 Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
Ðó là lời Chúa.
5. Suy niệm:
5.1: Bài suy niệm của Tập sinh Đa Minh Thái Bình
Mỗi lần mừng lễ về Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi hướng về Mẹ như là một kiệt tác của Thiên Chúa, một thụ tạo được ưu tuyển và trổi vượt trên hết mọi loài được dựng nên. Trong ngày mừng lễ Đức Maria được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, Giáo Hội mượn lời thánh Gioan trong sách Khải Huyền để ca ngợi Mẹ: “một người Nữ, mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” (Kh 12,1). Vì thế, khi mừng kính trọng thể lễ Đức Maria hồn xác về trời, phụng vụ mời gọi chúng ta cùng nhau khám phá vị thế ưu việt của Mẹ trong chương trình cứu độ nơi tín điều, truyền thống và giáo huấn của Giáo Hội.
Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời đã được Đức Thánh Cha Piô XII tuyên bố ngày 01 tháng 11 năm 1950, trong bửu sắc “Munificentissimus Deus”, như sau: “Chúng Tôi công bố, tuyên xưng, và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả Hồn lẫn Xác”. Đây là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải. Thánh Kinh đã cung cấp các dữ kiện, các luận cứ về việc Đức Maria Hồn Xác lên trời. Từ những trang đầu Sách Sáng Thế đã nói về một cuộc chiến giữa một người nữ với Satan: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đạp giập đầu ngươi, và ngươi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Sách Khải Huyền trong bài đọc 1 cũng nói về hình ảnh “một người Phụ Nữ, mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên 12 ngôi sao” (Kh 12, 1). Đó chính là người nữ chiến thắng mà sách Sáng Thế đã loan báo (St 3, 15). Giáo lý ấy được nhắc lại trong bài đọc 2 (1 Cr 15,20-27). Vì Ađam cũ mà chúng ta phải chết, nhờ Ađam mới là Đức Giêsu Kitô, chúng ta được Thiên Chúa cho sống. Đức Giêsu Kitô là người đầu tiên được vinh hiển trên trời, kế đó là những người thuộc về Đức Giêsu. Hỏi có ai thuộc về Đức Giêsu, có ai thân thiết gần gũi với Đức Giêsu Kitô cho bằng Đức Mẹ. Hỏi rằng máu thịt Đức Giêsu lấy từ đâu? Từ thân thể Đức Mẹ. Vậy làm sao chấp nhận được Đức Giêsu ở trên trời cả linh hồn lẫn thân thể phục sinh, mà lại để Đức Mẹ chết như một người bình thường, thân xác mục nát thối rữa? Nhìn vào cuộc đời của Ðức Mẹ, chúng ta dám khẳng định rằng: Mẹ luôn đồng hành với Ðức Giêsu từ khi nhập thể cho đến chân Thập Giá, một cách nói mạnh mẽ hơn là Mẹ đã “đồng công” với Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc nhân loại (x. LG 53-70). Như vậy, việc Mẹ được Thiên Chúa đưa vào hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác là điều chắc chắn và không sai lầm.
“Đức Mẹ được lên trời”, theo nghĩa tiếng Latin: được đón nhận, được tiếp nhận. Chúa đón nhận Đức Mẹ vào vinh quang. Vì thế mừng Lễ Mẹ Lên Trời là lễ của niềm hy vọng cho cả nhân loại. Mừng lễ này, chúng ta hãy đón nhận nhau, như Chúa đã đón nhận Đức Mẹ và đón nhận chúng ta với một tình thương hải hà. Đón nhận ở đây còn có nghĩa là đảm nhận, là mang vác cho người khác gánh nặng của họ. Tất cả những gì thuộc về họ, cái hay cái dở, vui buồn, tôi đảm nhận, tôi đón nhận hết, coi như của tôi. Vì người ấy là con cái Chúa, cũng như tôi là con cái Chúa. Chúa yêu thương họ, cũng như Chúa yêu thương tôi.
Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ được đưa Lên Trời cả hồn lần xác, Phụng vụ lại cho chúng ta chiêm ngắm một Đức Maria trong đời thường. Một thiếu nữ Do Thái nghèo, một thân một mình lặn lội trên con đường sỏi đá nắng cháy để đi thăm và giúp đỡ người chị họ cao niên đang mang thai. Hình ảnh này muốn nói gì? Con đường về trời là con đường bình thường của cuộc sống hàng ngày: Con đường chúng ta đi làm, đi học… Con đường này không phải là con đường trải nhựa, hay đổ bê tông, cũng chẳng phải là con đường sỏi đá ngập bụi mùa nắng hay lầy lội mùa mưa, mà là con đường lát bằng tình yêu, bằng lòng nhân ái. Con đường này ngày nào chúng ta cũng đặt chân lên, không phải một lần. Con đường này bắt đầu từ trong gia đình, nơi thôn xóm... Con đường lót trải bằng lòng nhân ái, sẻ chia, mang vác gánh nặng cho nhau ấy chính là con đường hy vọng dẫn đưa về trời. Lễ Mẹ lên trời là một lời mời gọi đầy hy vọng. Mẹ Maria lên trời là hình ảnh vẹn toàn nhất của Giáo Hội ngày mai, là bình minh của Giáo Hội khải hoàn. Sách Giáo lý Hội Thánh xác quyết điều này khi nói: “Việc Đức Trinh Nữ được lên trời Hồn Xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu” (số 966). Đó cũng là điều xác quyết của Công Đồng Vaticanô II: “Trong việc Đức Maria Hồn Xác Lên trời chúng ta nhìn thấy lời hứa, những thành quả đầu tiên của hạnh phúc vinh quang của chính chúng ta… Mầu nhiệm Đức Maria Hồn Xác Lên Trời là một mầu nhiệm của và cho toàn thể Giáo Hội” (LG 65).
Hôm nay ngước mắt lên trời cao, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho Mẹ, và đặt mình trong tâm tình của Mẹ, chúng ta hãy cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Ngài đã làm nơi Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 46-48). Xin cho mỗi người luôn biết ngước nhìn lên Mẹ để có thể vượt qua biển đời thử thách, gian nan với lòng tin vào cuộc khải hoàn nhờ Chúa Kitô. Để một ngày kia chúng ta được cùng nhau chiêm ngắm Mẹ: “Một người Nữ, mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao”.
Ý LỰC SỐNG:
Lạy Chúa Giêsu, Cuộc đời khiêm hạ của Chúa và Mẹ Maria là hai mẫu gương khiêm nhường tuyệt hảo. Xin Chúa giúp chúng con noi gương Chúa và Mẹ sống thật khiêm nhường để chúng con được trở thành tạo vật mới, nên giống hình ảnh Chúa Giêsu, “Đấng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 12,29) cũng như nên giống Đức Mẹ là “nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Amen.
5.2: Một điềm lạ vĩ đại - +TGM Giuse Vũ Văn Thiên
“Một điềm lạ vĩ đại đã xuất hiện trên trời!”. Hôm nay, thế giới Công giáo chiêm ngưỡng và ca tụng một điều kỳ diệu. Ngay từ thuở sơ khai, các tín hữu Kitô đã nhận ra, người phụ nữ được diễn tả trong sách Khải huyền là Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Đức Giêsu thành Nagiarét. Kể từ sau Công đồng Êphêsô (431), ngày lễ Đức Mẹ an nghỉ (Dormition de Marie) đã được cử hành tại nhiều nơi, nhất là trong các Giáo Hội Đông phương. Tuy vậy, phải đợi gần 20 thế kỷ sau, tín điều Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời mới được Giáo Hội công bố chính thức. Tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma, ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố: “Chúng tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả hồn lẫn xác”. Trong lời tuyên tín long trọng trên đây, Đức Giáo Hoàng đã nhắc tới cả 4 đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ, tức là ơn vô nhiễm nguyên tội; ơn trọn đời đồng trinh, ơn làm Mẹ Thiên Chúa và ơn được về trời cả hồn và xác.
Đức Maria là một điềm lạ không phải chỉ ở thời điểm Mẹ được đưa về trời, nhưng suốt cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã trở nên một điềm lạ cho cả lịch sử. Điềm lạ là điều người ta rất ít thấy, hoặc là điều không thể có trong thế giới tự nhiên. Quả vậy, mọi người sinh ra đều mắc tội tổ tông truyền, riêng có Trinh nữ Maria thành Nagiarét được Chúa gìn giữ cách đặc biệt ngay từ khi được thụ thai trong lòng thánh Anna. Vì vậy, Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền, là hậu quả do Ađam và Evà đã phạm ở đầu lịch sử. Cũng vậy, theo lẽ thông thường, chẳng có phụ nữ nào đã sinh con mà lại còn trinh khiết. Đức Mẹ được ơn trinh khiết trọn đời, trước, trong và sau khi sinh Đức Giêsu. Có một thời, người ta bận tâm tranh luận về Đức đồng trinh của Đức Mẹ, nhưng nếu đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, thì như Sứ thần Gabrien nói với Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin: đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không làm được. Và sau cùng, là danh hiệu Mẹ Thiên Chúa. Đức Mẹ chỉ là một tạo vật, mà lại tôn vinh là Mẹ Thiên Chúa. Bởi lẽ Đức Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, nên Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria vẫn đang là điềm lạ cho chúng ta. Mẫu gương của người Công giáo không phải là một con người trần thế, dù đó là một vĩ nhân hay một lãnh tụ. Lý tưởng của chúng ta là Đức Giêsu, Con Người Hoàn Hảo. Đức Maria cũng là mẫu gương cho chúng ta trong đời sống Đức tin. Bà Elisabeth đã ca ngợi: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng, Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Chính Đức tin và niềm tín thác của Đức Mẹ đã làm cho Đức Mẹ được tôn vinh. Dù đã về trời, Đức Mẹ vẫn hiện diện giữa Giáo Hội để dẫn dắt và nâng đỡ chúng ta trong hành trình Đức tin. Có Đức Mẹ dẫn đường, chúng ta sẽ không sợ lạc lối. Đức Mẹ được ví như Sao Biển, giúp người vượt biển lựa chọn hướng đi và cập bến bình an. Giáo Hội hân hoan mừng lễ hôm nay, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai. Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ).
Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi lại bài ca Tạ ơn (Magnificat) của Đức Trinh nữ Maria. Trinh nữ có ý lên đường để kể cho người chị họ những điều kỳ diệu Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân Ngài, thì bà Elisabeth đã biết hết những gì đã xảy ra, và bà nói: “Bởi đâu tôi được thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Trong giây phút hạnh phúc tuyệt vời vì cảm nhận được bàn tay Chúa thương yêu dìu dắt, Trinh nữ đã hát lên bài ca cảm tạ. Nội dung bài ca diễn tả lịch sử của dân tộc, với những đau thương và hạnh phúc đan xen, nhưng trên tất cả, đó là quyền năng yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không bỏ rơi dân riêng Ngài chọn, nhưng luôn nâng đỡ chở che và chăm sóc giữ gìn.
Nếu Đức Trinh nữ Maria là một điềm lạ cho thế giới, thì mỗi chúng ta, những người được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy, cũng phải trở nên một điềm lạ cho cuộc sống hôm nay. Quả vậy, khi chúng ta chuyên tâm thực hiện giáo huấn của Chúa, chúng ta sẽ làm cho hình ảnh và sự thánh thiện của Người lan tỏa trong môi trường sống của chúng ta, và nơi chúng ta, những người khác sẽ nhận ra chúng ta là con cái của Cha trên trời (x. Mt 5,16).
Nếu thánh Gioan Tông đồ đã nhìn thấy “Đền thờ Thiên Chúa trên trời mở ra”, thì Thánh Phaolô lại nói với chúng ta: “Đức Kitô đã trỗi dạy từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (Bài đọc II). Vâng, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, trời đã mở ra, con người có thể lên trời. Giấc mơ ngàn đời của nhân loại đã thành hiện thực. Đức Maria là tạo vật đầu tiên được qua cánh cửa Đền thờ Thiên Chúa trên trời. Chúa Giêsu đã hứa cho tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được vào Đền thờ Thiên Chúa. “Lòng các con đừng xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa thì hãy tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… ” (Ga 14,1-2).
Giữa biết bao khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy đến với Đức Trinh nữ Maria, xin Mẹ che chở và gìn giữ chúng ta.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 133 | Tổng lượt truy cập: 4,165,745