“Người biên tập bộ phim này cho hay, từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế có trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy, thì cũng chỉ là những việc vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những con người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm”. Đó là những lời mở đầu của cuốn phim tài liệu Việt Nam, với tựa đề “Chuyện tử tế”[1]. Lời bình trong “Chuyện tử tế”, diễn tả chủ đề xuyên suốt của bộ phim; và đó dường như là cuộc hành trình đi tìm một định nghĩa về sự tử tế và những kiểu mẫu của người tử tế.
Vậy, sự tử tế là gì mà bao người ở bao đời nay vẫn mải mê kiếm tìm? Phải chăng, nơi cuộc sống này, sự tử tế đang dần mai một và có nguy cơ biến mất? Thực ra, sự tử tế không mất đi bao giờ; và đôi khi, cuộc sống còn chỉ cho chúng ta thấy, có những người đã đạt được sự tử tế theo một cách thức rất giản dị đến bất ngờ. Lắm lúc, chỉ cần nở với nhau một nụ cười tươi tắn, một lời chào hay cái bắt tay thân thiện, hoặc một việc làm tử tế nhỏ bé nào đó của chúng ta, thì cũng đủ tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của người khác rồi. Và nếu, mỗi người chung tay làm một điều tử tế mỗi ngày, thử cảm nghiệm xem, thế giới này sẽ tốt đẹp biết là dường nào!
Nhắc đến điều này, chúng ta được mời gọi hướng nhìn lên Thầy Giêsu Chí Thánh, một mẫu gương tuyệt đối về sự tử tế. Qua các trang Tin Mừng, chúng ta thấy được hình ảnh của một Vị Mục Tử luôn luôn đối xử rất tử tế với hết mọi hạng người trong xã hội. Hơn hết, đối tượng được Người ưu ái, quan tâm nhất chính là những người tội lỗi, khổ đau và bất hạnh. Bằng cả trái tim đầy tình thương mến, Người nhạy cảm với mọi nỗi niềm của từng con người đó. Và Người cũng chẳng hề tiếc chi khi dành thời giờ hay sức khỏe để gần gũi sẻ chia, bảo vệ và phục vụ họ.
Với sứ vụ được trao phó, “các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Kitô, vị Mục Tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Người, và bằng cách làm sao cho mình như thể được Người xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình”[2]. Và một khi người linh mục tái hiện được tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành nơi chính mình rồi, khi đó, nơi ngài sẽ được “thấm mùi chiên”; nhờ vậy, ngài sẽ dấn thân và quan tâm chăm sóc chiên của mình, chấp nhận đồng hành và cùng sống cùng chết với họ.
Thánh Phanxicô Salê đã ví von rằng: “Chúng ta thu hút nhiều linh hồn bằng mật ong hơn là giấm chua”.[3] Nghĩa là, cách đối xử tử tế của chúng ta sẽ thu hút người khác đến với Đức Kitô, hơn là những cách cư xử thô lỗ và thiếu tình người. Với những ai có cách ứng xử tử tế như vậy, thì “thường giúp người khác có được cuộc sống dễ chịu hơn, nhất là giúp những ai chịu áp lực nặng nề bởi những khó khăn, những nhu cầu khẩn cấp, những nỗi lắng lo ưu phiền. Lối ứng xử này được biểu lộ bằng nhiều cách: Thái độ ân cần hòa nhã, chú ý để lời nói hoặc việc làm không gây tổn thương cho ai, cố gắng làm người khác vơi bớt gánh nặng. Điều này đòi hỏi phải nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, ủi an và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai”.[4]
Khi suy nghĩ về cuộc đời của mình trong chức vụ chưởng ấn, Đức ông Adrian đã nói: “Tôi tưởng mọi thứ đều quan trọng. Tôi tưởng Giáo Hội cần đến những tài năng quản trị của tôi. Có lẽ Giáo Hội đã cần, nhưng bây giờ tôi lại là một cha sở. Tôi hiểu là linh mục để làm gì. Công việc của chúng ta thực sự là gì? [Là] tốt với giáo dân, [là] quý chuộng sự tử tế, không hơn không kém.”[5] Như vậy, sự tử tế chính là nét đẹp của người mục tử, và chúng ta cũng chân nhận rằng: “Giáo dân yêu mến các linh mục tử tế”,[6] đó là một sự thực! Vậy thì, nét đẹp của sự tử tế nơi người mục tử nhân lành được thể hiện qua những điểm nào? Đó là:
1. “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”
Chắc hẳn, chúng ta đã từng được nghe đến ‘câu slogan’ của công ty bảo hiểm Prudential. Đó là một câu khẩu hiệu thật kêu: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Đành rằng, chúng ta vẫn cần có “khẩu hiệu”, nhưng có thực hiện đúng “khẩu hiệu” hay không lại là một vấn đề khác. Lắng nghe tưởng dễ, nhưng thực sự lại rất khó. Vì lẽ, khả năng ấy thuộc về chiều sâu của tâm hồn, là khả năng của trái tim, và là khả năng của người có lòng xót thương.
Thế nên, khi đối diện với sự cứng lòng của đám đông dân chúng, Chúa Giêsu đã phải nói với các môn đệ rằng: “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13,13). Và có lúc, Người đã phải thốt lên một cách xót xa: “Ai có tai nghe thì nghe!” (Mc 4,23). Quả thực, khi không có đôi tai để lắng nghe tiếng nói thương xót của Thiên Chúa, họ sẽ không thể nào đón nhận được lời yêu thương, an ủi và chữa lành của Người. Ngược lại, khi có một đôi tai của trái tim, không những họ sẽ lắng nghe được tiếng Chúa và tiếng lòng, mà còn lắng nghe được cả những thổn thức của trái tim người khác, có thể thấu hiểu được những nỗi đau thầm kín đã bị chôn vùi nơi sâu thẳm trái tim của người sầu khổ, hay có thể đọc được những bí ẩn của tâm hồn mà chỉ với sự tinh tế và sâu sắc của đôi tai trái tim mới có thể nhận ra.
Tuy nhiên, “ngày nay, chúng ta không quen, cũng chẳng có đủ thời gian và khả năng dừng lại để sống tử tế với người khác, để nói ‘xin vui lòng’, ‘xin lỗi’, ‘cảm ơn’. Nhưng thỉnh thoảng phép mầu vẫn xảy ra khi có người tử tế xuất hiện, sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng”.[7] Điều này cho thấy, sự tử tế chính là một phong cách sống tuyệt vời để chúng ta có thể dễ dàng cổ võ tình huynh đệ và tình bạn đại đồng. Và “nếu cố gắng sống tử tế như thế mỗi ngày, chúng ta có thể tạo được một bầu khí chung lành mạnh trong xã hội, nhờ đó vượt thắng các hiểu lầm và tránh khỏi các xung đột”.[8]
Như thế, lắng nghe chính là cách để chúng ta có thể thấu hiểu, thấu hiểu là để cảm thông, và cảm thông là để yêu thương. “Việc tiếp cận, nói, lắng nghe, nhìn, tiến tới biết nhau, và hiểu nhau, tìm kiếm thiện ích chung: tất cả những điều này được tóm kết trong một từ là ‘đối thoại’. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ và giúp đỡ nhau, chúng ta phải đối thoại”.[9] Thật vậy, khi chúng ta dám để cho những kẻ bé mọn tiến lại gần, dám mở lòng với những người hèn kém và chú tâm lắng nghe họ; thì qua đó, họ sẽ có cơ hội để mở lòng và trút bỏ được những tâm sự sâu kín nơi tâm hồn của họ. Nhờ vậy, họ gặp được vị Mục Tử Nhân Lành đích thực, được chính Người âu yếm lắng nghe và ủi an, được tăng sức và chữa lành mọi vết thương.
‘Yêu thương đàn chiên’, đó là một lệnh truyền và một đòi hỏi vô cùng khó khăn mà Thầy Giêsu đặt ra cho những ai được Người chọn làm chủ chăn. Nhưng để yêu thì đòi buộc người ấy phải biết, bởi có biết thì mới yêu, và càng yêu thì lại càng muốn biết hơn nữa; mà ‘nói với nhau, lắng nghe nhau’ chính là phương thế hữu hiệu để biết nhau, hiểu nhau ngày càng tường tận và sâu sắc. Mối thân tình đó, thánh Gioan đã mô tả rất cụ thể qua dấu chỉ ‘nhận ra tiếng của nhau’: “Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh” (Ga 10,3-4).
Qua đây chúng ta mới thấy, tiếng của nhau trong tình yêu quan trọng biết bao và việc trao đổi, lắng nghe nhau cần thiết thế nào. Do vậy, “chúng ta cần phát triển nghệ thuật lắng nghe, chứ không chỉ là nghe suông. Trong lãnh vực truyền thông, lắng nghe là sự mở lòng để có được thái độ gần gũi mà thiếu nó thì không thể có sự gặp gỡ thiêng liêng”.[10] Như thế, để có thể nghe được nhau, thì yếu tố cần thiết phải có đó là sự hiện diện, phải có sự gần gũi và thân thiện thì mới mở lòng với nhau được.
2. Luôn có sự gần gũi và thân thiện
Theo Đức thánh cha Phanxicô: “Sự gần gũi không chỉ là tên gọi của một nhân đức, mà còn là một thái độ kết nối toàn thể con người ta, gắn kết cách thức mà chúng ta tương quan với nhau, định hình cung cách mà chúng ta quan tâm đến bản thân và đến tha nhân”.[11] Khi nhìn vào cung cách và đời sống của ngài, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, ngài là một vị chủ chăn luôn sống gần gũi thân tình và liên đới với hết mọi người. Ngài luôn tìm cách gặp gỡ con người, muốn đụng chạm đến từng người và để từng người đụng chạm đến mình. Trong các cuộc lễ, ngài không muốn tạo ra khoảng cách với các tín hữu. Ngài vui vẻ nói chuyện, chú tâm lắng nghe và nhìn cách trìu mến vào mắt họ. Có lần chúng ta thấy, dù trời mưa, ngài vẫn để đầu trần giống y như nhóm khách hành hương vậy. Điều này thật tương hợp với những lời ngài đã từng lưu tâm: “Mọi lời giảng dạy tôn giáo rốt cuộc đều phải được phản chiếu nơi cách sống của người giảng dạy, chính cách sống này đánh thức sự ưng thuận của quả tim bằng sự gần gũi, yêu thương và chứng tá của nó”.[12]
Chúng ta thấy, sự gần gũi thân thiện có thể được xem là một trong những thái độ then chốt trong Tin Mừng, và cũng là yếu tố then chốt của lòng thương xót. Vì giống như người Samari nhân hậu, sẽ chẳng có lòng thương xót, nếu ông không biết rút ngắn khoảng cách mà tiến lại giúp đỡ tha nhân. Do vậy, “không ai được nói mình không thể gần gũi người nghèo vì nếp sống của mình đòi hỏi phải chú ý tới những lãnh vực khác.[13] Và đây là một ví dụ thực tiễn, điều mà Đức tổng Giám mục Timothy M. Dolan đã kể về cha Schilly, cha sở giáo xứ quê nhà trong một chuyến viếng thăm viện dưỡng lão: “Ngài cúi xuống an ủi bà, làm bà mỉm cười, và ra lệnh cho tôi giúp ngài đưa bà lên giường. Sau đó ngài lấy một cái khăn ướt lau mặt cho bà, rồi đi lấy giẻ lau và chùi đống nước tiểu. Ngài đặt bà nằm yên trên giường, trấn an bà, cầu nguyện với bà, cho bà rước lễ, trò chuyện với bà và tặng bà một lọ nước hoa nhỏ làm quà Giáng Sinh, và chúng tôi từ giã bà. Tình yêu dịu dàng của ngài dành cho bà thật rõ ràng! Sau đó chúng tôi đến với từng bệnh nhân. Ngài làm cho họ rạng rỡ lên khi chăm sóc những người bị bỏ quên, đang chờ chết, lôi thôi và khó thương này! Đây là một phần của chức linh mục mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến!”[14]
Chúng ta thấy, càng gần gũi với chiên, thì người mục tử càng hiểu chiên, càng thông cảm và càng yêu mến chiên hơn. Bởi lẽ, “tình yêu đích thực luôn luôn suy gẫm và cho phép chúng ta phục vụ người khác không phải vì nhu cầu hay để phô trương, nhưng đúng hơn vì họ đẹp vượt lên trên dáng vẻ bề ngoài của họ. Khi được yêu, người nghèo ‘được quý chuộng như một giá trị lớn’. Chỉ trên cơ sở của sự gần gũi thực sự và chân thành này, chúng ta mới có thể đồng hành với người nghèo trên con đường giải phóng của họ. Chỉ có sự gần gũi này mới bảo đảm rằng “trong mỗi cộng đồng Kitô giáo, người nghèo cảm thấy như ở nhà mình.”[15]
Và vì coi giáo xứ là nhà, nên lúc nào giáo dân cũng “muốn thấy linh mục của mình; họ muốn trò chuyện với ngài, bắt tay ngài, làm quen với ngài. Họ mong ngài hiện diện vào những dịp quan trọng như sinh nhật, cưới hỏi, đau ốm, khó khăn, tử vong. Họ không bao giờ quên nếu bạn thực sự đến thăm nhà họ, một thói quen mục vụ rất có giá trị mà ngày nay, thật không may, đang bị quên lãng”.[16] Như thế, sự hiện diện và gần gũi của người mục tử bên đàn chiên luôn luôn là điều cần thiết!
Đức thánh cha Phanxicô đã nói với các linh mục của mình rằng[17], mỗi khi có người giáo dân nói về một linh mục là: ‘Cha ấy rất thân thiện gần gũi chúng tôi’; khi đó, họ có ý nói hai điều này: Thứ nhất là cha ấy luôn hiện diện với chúng tôi; thứ hai là cha ấy luôn sẵn lòng tiếp chuyện mọi người, ngài nói chuyện với mọi người, với người lớn, với trẻ nhỏ, với người nghèo, với người chưa có niềm tin,… và Đức thánh cha nhắn nhủ rằng: “Các linh mục phải là những người gần gũi, ở giữa người dân. Các linh mục phải là những người luôn sẵn lòng ở giữa mọi người vì mọi người, sẵn lòng nói chuyện với mọi người, tựa như những vị linh mục đường phố”.[18] “Luôn biết quan tâm đến hết mọi người”, đó là điều làm nên sự tử tế nơi các vị mục tử!
3. Luôn biết quan tâm đến hết mọi người
Đức Giêsu – Vị Mục Tử Nhân Lành là hiện thân của một Thiên Chúa mang trái tim luôn chạnh lòng thương trước những đau khổ của con người. Người không nỡ nặng lời với những hạng người mang tiếng là tội lỗi, hoặc khước từ ban phước lành cho những kẻ bé mọn. Người chú tâm lắng nghe các môn đệ phúc trình công việc, nhưng cũng thấu cảm và thương cho họ vì thấy họ cần được nghỉ ngơi. Người cũng thổn thức và tỏ lòng từ ái khi thấy đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăn; và thế rồi, Người dạy dỗ họ nhiều điều,…
Qua đây, chúng ta nhận ra rằng, “sự dấn thân của chúng ta không chỉ duy nhất hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp; nhưng trên hết là một sự chú tâm coi người khác ‘hầu như là một với chúng ta’. Sự chú tâm yêu thương này là khởi đầu cho một sự quan tâm thực sự đối với nhân vị của họ, thúc đẩy chúng ta hoạt động để mưu cầu lợi ích cho họ”.[19] Và sự quan tâm của người mục tử có thể thấy ở các điểm này là: chấp nhận sự quấy rầy của mọi người, và sự săn sóc chu đáo cho từng người.
a) Chấp nhận sự quấy rầy của mọi người
Đọc nhiều đoạn Tin Mừng chúng ta thấy, chung quanh Đức Giêsu lúc nào cũng có đám đông muốn nghe lời Người giảng, và muốn được Người thi ân. Người luôn làm việc mà không biết mệt mỏi. Chương trình nghỉ ngơi nhiều lúc cũng bị phá vỡ do sự quấy rầy của dân chúng. Việc đó làm cho Người và các tông đồ bận rộn đến nỗi không còn thì giờ để mà ăn uống nữa. Vậy, khi đối diện với hoàn cảnh ấy, Đức Giêsu đã phản ứng ra sao? Không hề có sự bực dọc, Người vẫn vui vẻ tiếp đón và dành thời giờ cho họ. Điều này chỉ cho chúng ta thấy cung cách nhân từ của Người. Đó là lý do khiến cho dân chúng lũ lượt đi theo Người.
Cũng giống như Thầy của mình, linh mục phải là người để người ta tìm đến.[20] Được như thế, người mục tử sẽ trở nên điểm hẹn đáng trân trọng cho mọi tín hữu. Những người trong cộng đoàn tìm đến với mục tử của mình chính là để được nói tiếng nói của chiên với chủ chăn, được giãi bày những nỗi niềm tâm sự, được dạy bảo khuyên răn, được trấn an và chữa lành,… Tuy nhiên, để có thể sống được như Thầy Giêsu, Đức TGM Timothy M. Dolan đã chỉ cho chúng ta rằng: “Hãy cố giữ được nụ cười, hãy để dân chúng nghĩ rằng lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng dành tất cả thời giờ cho họ, hãy tỏ rõ sự quan tâm thực sự của chúng ta, hãy hỏi han về gia đình họ và nhắc nhớ những lo lắng của họ để tìm kiếm thông tin về họ, hãy theo dõi sát những cảnh ngộ và trả lời dân chúng... Hãy tử tế”.[21] Và ngài nói thêm: hằng ngày người linh mục “được kêu mời ‘phí thời giờ’ với Chúa trong kinh nguyện, ‘mất thời giờ’ và bị quấy rầy vì những đòi hỏi của giáo dân. Một trong những lời khen đẹp nhất mà một linh mục coi xứ có thể nhận được là: ngài hành động như lúc nào cũng có thời giờ, như thể không có gì phiền hà cả”[22].
b) Săn sóc chu đáo cho từng người
Có lời của Đức Chúa phán với tiên tri Êdêkien rằng: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16). Như thế, Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương và săn sóc từng con dân của Người. Và nơi Đức Giêsu - Vị Mục Tử Nhân Lành, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Người cũng luôn quan tâm săn sóc cho từng người khi họ cần. Người sẵn sàng và “liền ra đi” đến nhà ông trưởng hội đường Zairô để cứu đứa con gái ông sắp chết (x. Mc 5,21-24. 35-43). Người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của viên sĩ quan đại đội trưởng để đến chữa cho đứa đầy tớ (x. Mt 8,5-17). Người đã dành rất nhiều thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Người luôn quan tâm săn sóc hết mọi người và cho từng người.
Tuy nhiên, quan tâm săn sóc không bao giờ là một việc dễ dàng. Vì lẽ, hầu như ai cũng muốn săn sóc người khác theo một mức độ nào đó, với điều kiện và theo cách thức của họ, làm sao để không quá phiền hà và không đảo lộn những dự tính của họ là được. Nhưng, đối với những vị mục tử của Chúa thì khác. Trước hết chúng ta cần khẳng định chân lý này là:[23] chắc chắn sẽ không có mục tử nếu không có đàn chiên. Nếu không có chiên thì tất nhiên cũng chẳng cần có sự hiện hữu của mục tử. Sự hiện hữu của vị mục tử chính là vì đàn chiên và cho đàn chiên. Và như thế, mục tử chỉ là mình khi ở trong tương quan với chiên mà thôi.
Vì vậy, chúng ta được mời gọi, hãy săn sóc người khác như Đức Giêsu đã làm, kể cả khi những kế hoạch của mình dường như bị đảo lộn. Khi chúng ta dám dành thời giờ để chăm sóc người khác, lúc đó đích thực chúng ta đang sống Tin Mừng rồi. Đây là lời khuyên của thánh Charles de Foucauld dành cho chúng ta: “Làm một tông đồ, nhưng bằng cách nào? Bằng sự tử tế và ân cần, yêu thương như anh chị em, sống gương mẫu đức độ. Kiên nhẫn như Thiên Chúa kiên nhẫn, tốt lành như Thiên Chúa tốt lành, là một người anh chị em tử tế”.[24] Và lời khuyên sau đây của thánh Phaolô cũng thật hữu ích cho chúng ta: “Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” (Cl 4,5-6).
4. Đức Maria – mẫu gương về sự tử tế cho các mục tử nhân lành
Trong cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế”, khi được hỏi “thế nào là sự tử tế”, một cụ già đã trả lời rằng: “Tử tế là bông hoa thơm, bông hoa đẹp của tình người”. Bước vào tháng 5, theo lòng đạo đức bình dân, chúng ta vẫn có thói quen gọi là Tháng Hoa Kính Đức Mẹ. Việc đạo đức ấy, không chỉ mời gọi chúng ta dâng lên cho Mẹ những đoá hoa đượm sắc ngát hương; mà sâu xa hơn, Tháng Hoa mời gọi chúng ta sống tâm tình của Mẹ, sống như Mẹ, sống theo gương Mẹ: sống tử tế với Thiên Chúa và với tha nhân nữa.
Công đồng Vaticanô II đã mời gọi các linh mục luôn hướng nhìn Đức Maria như là một mẫu gương hoàn hảo cho sự hiện hữu của các linh mục.[25] Nên giờ đây, chúng ta được mời gọi hướng về Mẹ Maria, “Mẹ của các linh mục”[26]. Chúng ta cũng có thể gọi Mẹ là “Đức Bà của sự gần gũi”[27]. Là người Mẹ thực sự, Mẹ luôn đi bên cạnh chúng ta, chia sẻ các phấn đấu của chúng ta, và hằng bao bọc chúng ta bằng tình thương của Thiên Chúa; và từ đó, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy mình bị bỏ rơi.[28] Chúng ta sẽ được lợi rất nhiều khi suy gẫm về những cách cư xử tử tế mà chúng ta nhìn thấy nơi Mẹ Maria. Sự tử tế không phải là sự chờ đợi, nhưng đi đến chỗ này chỗ kia để làm việc lành. Cana, một làng nhỏ ở Galilê đã không bao giờ phai nhạt khỏi trí nhớ của những người Kitô hữu, vì nó nhắc nhở chúng ta về sự tử tế của Mẹ nơi tiệc cưới. Khi Mẹ thấy hết rượu và nỗi bối rối tự nhiên của người nhà chú rể, thì ý nghĩ về khả năng mà Người Con Thần Linh của Mẹ có thể làm phép lạ đã đến trong tâm trí Mẹ ngay lúc đó. Không do dự, Mẹ nói với Con của mình: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Như chúng ta biết, Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên của Người, phép lạ của lòng tử tế, báo trước cuộc đời công khai của Người do sự thỉnh cầu của Mẹ Người.
Cùng với Mẹ, chúng ta được mời gọi luôn biết hiện diện trong những giây phút quan trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình, hoặc mỗi nền văn hóa. Nhờ sự tốt lành gần gũi ấy, chúng ta mới có thể nhận thấy “họ hết rượu rồi”, và rằng, đâu là rượu tốt nhất mà Chúa muốn ban cho mỗi chúng ta. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, là Mẹ của sự gần gũi. Xin Mẹ đưa chúng ta đến gần với tha nhân. Và khi chúng ta nói với ai đó rằng “Người bảo gì, các anh hãy làm theo”, xin Mẹ cho chúng ta cũng biết nói với cung giọng gần gũi dịu hiền của Mẹ, để sự gần gũi của tình mẹ được hiện diện. Ước mong rằng, nhờ gần gũi với Mẹ, mà chúng ta cũng được ngày càng gần gũi và thân thiết với Chúa Giêsu hơn.
5. Vấn tâm
a) Đây là lời chia sẻ của cha Mark Gatto trong một bài giảng lễ tạ ơn tân linh mục: “Tôi đang suy nghĩ về một lời khuyên mà tôi sẽ đưa ra cho bất kỳ ai đang bước vào đời linh mục. Một lời khuyên mà tôi dành cho các tân chức. Tôi nghĩ lại về những lời khuyên mà tôi đã nhận được trong đời linh mục của mình. Một lời khuyên mà tôi nghĩ đến, là lời khuyên từ bố của tôi khi tôi đang còn là chủng sinh. Lời khuyên duy nhất bố dành cho tôi: ‘Hãy tử tế với mọi người’. Dường như lời khuyên này nghe có vẻ đơn giản vào thời điểm đó, nhưng tôi thấy rằng, đó có lẽ là lời khuyên quan trọng nhất mà tôi đã nhận được. Hơn 28 năm làm linh mục, tôi đã có lúc hối hận vì đã không tử tế với mọi người, nhưng chưa bao giờ tôi hối hận vì đã quá tử tế với mọi người. Vì vậy, đó sẽ là lời khuyên của tôi cho các tân linh mục: Hãy tử tế với mọi người”.[29] Và chúng ta cũng hãy nghe Đức Hồng Y O'Connor kể lại câu chuyện của ngài: không lâu sau khi chịu chức, ngài hỏi một linh mục lớn tuổi hơn xem có lời gì khuyên ngài không. Linh mục này trả lời: “Sao không? Tôi có ba lời khuyên dành cho cha: Hãy tử tế! Hãy tử tế! Hãy tử tế!”[30] Quả nhiên, sự tử tế chính là nét đẹp của người mục tử nhân lành, điều mà mỗi người chúng ta được mời gọi tìm kiếm và làm thăng tiến từng ngày trong ơn gọi của mình.
b) Thầy Giêsu đã khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi, như Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15). Như thế, đặc tính của người mục tử nhân lành chính là ‘biết rõ chiên’. Tuy nhiên, cái ‘biết’ ở đây không phải là biết sơ sơ, biết chung chung, biết qua loa, biết đại khái; nhưng là biết từng con một, “gọi tên từng con” (Ga 10,3). Gọi tên từng con chiên nói lên sự quan tâm, thấu hiểu và một tình thương đặc biệt mà vị mục tử dành cho chiên. Đó là sự tinh tế trong cách đối xử rất tử tế của Thầy Giêsu. Vậy, chúng ta thực sự đã biết chiên đến đâu, và thực sự đã yêu chiên đến mức nào rồi?
Nguồn tin: https://hdgmvietnam.com/
[1] Do đạo diễn Trần Văn Thủy khởi quay từ năm 1984 và hoàn thành vào 1985. Nội dung bộ phim đi sâu vào thân phận của những người nghèo khổ và xã hội dưới thời bao cấp. Phim đoạt được giải Bồ Câu Bạc tại liên hoan phim tài liệu quốc tế Leipzig.
[2] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 15.
[3] Đức TGM Timothy M. Dolan, người dịch: Lm Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 201.
[4] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 223.
[5] Đức TGM Timothy M. Dolan, người dịch: Lm Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 201.
[6] Ibid, tr. 200.
[7] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 224.
[8] Ibid.
[9] Ibid, số 198.
[10] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 171.
[11] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Lễ Dầu, ngày 29/3/2018. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/le-dau-29-03-2018-linh-muc-gan-gui-voi-chua-va-dan-chua-54518 .
[12] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 42.
[13] Ibid, số 201.
[14] Đức TGM Timothy M. Dolan, người dịch: Lm Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 380-381.
[15] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 199.
[16] Đức TGM Timothy M. Dolan, người dịch: Lm Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 372-373.
[17] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Lễ Dầu, ngày 29/3/2018. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/le-dau-29-03-2018-linh-muc-gan-gui-voi-chua-va-dan-chua-54518
[18] Ibid.
[19] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 199.
[20] x. Aug. Trần Cao Khải, Giáo Dân Với Linh Mục. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-dan-voi-linh-muc-44414
[21] Đức TGM Timothy M. Dolan, người dịch: Lm Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 202.
[22] Ibid, tr. 371-372.
[23] x. GLHTCG, số 1551.
[24] Đức TGM Timothy M. Dolan, người dịch: Lm Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 201.
[25] x. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 18.
[26] Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thư gởi cho các linh mục-Thứ Năm Tuần Thánh, 08/4/1979.
[27] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Lễ Dầu, ngày 29/3/2018. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/le-dau-29-03-2018-linh-muc-gan-gui-voi-chua-va-dan-chua-54518
[28] x. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 286.
[29] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/loi-khuyen-cho-cac-tan-linh-muc-y-nghia-that-su-cua-doi-linh-muc-46034
[30] Đức TGM Timothy M. Dolan, người dịch: Lm Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr. 200.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 155 | Tổng lượt truy cập: 4,163,128