1. Xin vâng ý Chúa _ Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Chúa nhật I mùa Vọng báo tin ngày Chúa đến. Chúa nhật II cho thấy Gioan đến dọn đường. Chúa nhật III nói về niềm vui nổi lên vì Chúa đến gần. Còn Chúa nhật IV mùa Vọng hôm nay, chúng ta biết nói gì khi thấy Mẹ Chúa đến viếng thăm? Chắc chắn Phụng vụ, muốn chúng ta gọi Chúa nhật này là Chúa nhật của Ðức Mẹ. Và các bài Kinh Thánh hôm nay, sâu xa đều vẫn muốn nói về Người. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh bài Tin Mừng; Và trong bài Thánh thư nói đến tâm tình của Chúa Kitô khi nhập thể chúng ta có thể thấy chính lòng của Ðức Mẹ.
Và điều này đúng, nghĩa là nếu tâm tình của Chúa Giêsu cũng là tâm lý của Ðức Mẹ thì Chúa nhật hôm nay của Ðức Mẹ cũng là Chúa nhật của chính Ðức Giêsu Kitô, chúng ta thấy cả hai đấng. Chúng ta thấy Ðức Mẹ mang Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở nơi Ðức Mẹ. Chúng ta thấy Chúa Giêsu đang đến với chúng ta nơi Ðức Mẹ, khiến chúng ta trong đời sống chờ ngày Chúa đến, phải biết mến yêu Ðức Maria và bắt chước Người.
1/ Một người nữ thụ thai
Bài sách Mica hôm nay rất thời danh. Nó được coi như lời tiên tri rất sáng sủa về Ðức Giêsu Kitô cứu thế. Nó nói Người xuất thân từ Belem, sinh bởi một người nữ "đồng trinh" và mang uy quyền của Thiên Chúa. Nhưng đọc ở thời Cựu ước, ý nghĩa của nó không rõ rệt như thế đâu.
Trước hết, ở thời xưa không chắc nhiều người đã để ý đến lời tiên tri này. Chính Mica cũng là một nhân vật ít được chú trọng. Ông là một tiên tri nhỏ, sống ở thế kỷ thứ VIII trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Ông hoạt động ở Giuđa, tức là miền Nam. Và chắc ông cũng chỉ tuyên sấm chung chung như mọi ngôn sứ khác. Ðại khái ông tố giác đời sống tội lỗi ở Giêrusalem, tiên báo hình phạt sẽ đến, nhưng khuyên nhủ tin cậy vào thời Phục hưng. Tác phẩm của ông chia làm ba phần rõ rệt như thế, nên người ta có lý để nghĩ rằng nó đã được một bàn tay nào sắp đặt, chứ khi ông rao giảng các tư tưởng không cách nhau như vậy đâu. Nhất là khi nhìn vào đoạn văn trích đọc hôm nay, người ta tưởng đã có một nhà thần học, sống sau ông rất nhiều và đã đào sâu tư tưởng của ông mới có thể viết ra được những lời tiên tri giá trị như vậy. Dù sao chúng ta cũng rất mừng được một bản văn như thế. Và khi đem đọc nó dưới ánh sáng của Tân ước, chúng ta càng thấm thía ý nghĩa của chính tên tác giả. Là vì trong tiếng Do Thái, Mica có nghĩa là: Ai như Thiên Chúa? Ðọc sách Mica, chúng ta sẽ thấy không ai như Thiên Chúa chúng ta. Người thật lạ lùng và công việc của Người thật kỳ diệu.
Quả vậy, ai có thể nghĩ như người? Ðang khi Israen đang bị chà đạp dưới gót giày của các đế quốc khổng lồ, Người tuyên sấm sẽ cứu đoàn dân nhỏ bé của Người. Người sẽ chọn một mục tử để chăn dắt, không những các chiên của Israen mà cả thế giới cũng chỉ là chiên của Người. Ý tưởng Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ là một mục tử, là một ý tưởng rất phổ thông trong sách Cựu Ước. Người ta còn được biết Người thuộc dòng dõi Ðavít nữa. Có lẽ góp hai quan niệm ấy lại, tác giả bài sách Mica hôm nay đã dám bạo viết rằng:
Phần ngươi hỡi Bêlem Ephrata nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Giuđa.
Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta, vị có định mệnh thống lĩnh Israen.
Nhà tiên tri đã được linh ứng để thấy trước việc Ðấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ Bêlem, một làng rất nhỏ trong đất Giuđa, hay vì theo lời giao ước Ngài thuộc dòng Ðavít và sẽ là mục tử, nên ở đây nhà tiên tri muốn diễn tả Ngài như một Ðavít mới thật sự và do đó phải xuất từ Bêlem cũng như sẽ phải là một mục tử, như sẽ viết sau này?
Dù sao ý tưởng tác giả muốn nhấn mạnh ở đây không phải là chính Bêlem cho rằng tính cách nhỏ bé nhất của nơi này. Ông muốn nói rằng xét theo lai lịch xác thịt, Ðấng Cứu Thế không có gì đáng kể, nhưng như lời viết sau đây: Nguồn gốc của Ngài lên tới những ngày thuở xưa. Ngài là Con Người mầu nhiệm. Ngài có vẻ sinh ra từ một nơi tối tăm, không có danh tiếng gì; nhưng thật sự Ngài đã hiện diện từ xa xưa, từ thời có những lời hứa đầu tiên và trước cả đó nữa. Ðề cập đến Ngài như vậy Mica còn tỏ ra đáng phục hơn là khi ông nói Ðấng thống lĩnh Israen sẽ xuất thân từ Bêlem. Biết quê hương một người đâu quan trọng bằng biết bản chất con người ấy?
Thế mà Mica không dừng lại ở điểm này. Những lời ông viết tiếp đã được giải thích nhiều cách.
Thông thường thì người ta hiểu rằng: Chúa còn bỏ rơi dân Người cho đến ngày một người nữ sẽ sinh con và khi ấy con cái Israen sẽ được đoàn tụ. Tức là ở trên nhà tiên tri đã nói đến quê quán Ðấng Thiên Sai, giờ đây ông bàn đến thời đại Ngài ra đời cũng như dòng họ của Ngài. Ngài sẽ sinh ra sau thời gian Chúa thử thách dân Người và việc Ngài đản sinh là dấu Chúa đã đoái thương, muốn cứu lại dân và cho họ về đoàn tụ. Còn ai sẽ sinh ra Ngài? Isaia đã nói về một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai. Lời tiên tri ấy mầu nhiệm đến nỗi đã ám ảnh tâm trí mọi người. Mica ở đấy chỉ lặp lại... Nhưng dường như ông nghĩ rằng người nữ sinh con kia không là ai khác chính dân Chúa, và chính số dân sót còn lại sau thử thách, số dân nghèo đạo đức còn lại sau nhiều phấn đấu cam go. Ðấng Thiên Sai sẽ sinh ra từ dòng dõi những người này. Ngài sẽ là mục tử dùng sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa để cai trị cả thế giới và ban hòa bình cho muôn dân.
Và như vậy, ở đây chúng ta lại thấy tính cách mầu nhiệm nghịch thường của con người Ðấng Thiên Sai. Ngài sẽ sinh ra từ dòng dõi khó nghèo, nhưng sức mạnh và quyền lực Ngài có lại là của Thiên Chúa.
Do đó toàn bài sách Mica hôm nay đã nói về Ðấng Thiên Sai cứu thế. Tác giả nhấn mạnh đến con người mầu nhiệm của Ngài. Bề ngoài Ngài nghèo khó hèn mọn nhưng thật sự Ngài cao cả quyền uy. Ðấng cứu độ là Thiên Chúa ở trong dân khó nghèo...
Tuy nhiên chúng ta cũng được phép đọc câu "Một người nữ sẽ sinh con" và dừng lại để nghĩ đến Ðức Mẹ. Người cũng bình dị nhưng cao cả vì Người sẽ sinh Ðấng thống lĩnh nhà Israen. Và Ðức Mẹ cũng chính là Dân Chúa, là bông hoa kết tinh của Cựu Ước và là gương mẫu của Hội Thánh ngày nay bắt chước. Chúng ta hiểu lời tiên tri ấy về Người, thì cũng phải hiểu về Hội Thánh và về chính chúng ta, như Mica đã làm cho thế gian thấy Chúa cứu thế đến cứu đời. Và chúng ta sẽ làm được việc ấy nếu biết chiêm ngưỡng Ðức Mẹ và bắt chước Người. Do đó chúng ta hãy nhìn Người trong bài Tin Mừng hôm nay.
2/ Bà là Mẹ Thiên Chúa
Chúng ta hết thảy đều biết: Buổi đầu khi các Tông đồ khởi sự truyền giáo, các ngài đã rao giảng về Ðức Giêsu cho người ta, theo một dàn bài rõ rệt, tức là khởi sự từ ngày Người chịu Gioan rửa cho tới khi Người chịu chết - sống lại - lên trời - và sai Thánh Thần xuống. Nhưng bên cạnh công thức huấn giáo Tông đồ ấy, dần dà đã có những câu chuyện truyền tai nhau về thời thơ ấu và niên thiếu của Ðức Giêsu. Thánh Luca, khi viết tác phẩm Tin Mừng, đã nhặt một số các câu chuyện này và đem viết thành những chương đầu tiên. Người chẳng làm công việc này nếu những câu chuyện kia không ăn khớp với những chương sau trình bày giáo huấn chính thức của các tông đồ. Nói cách khác, Người đã quan niệm những chương nói về cuộc đời niên thiếu của Chúa phải như tiền đề dẫn vào những chương nói về cuộc đời công khai của Ngài. Do đó chúng ta có thể tìm thấy mầm mống những chương sau đã nằm nơi những chương đầu tiên rồi. Và chúng ta chỉ hiểu được những chương này dưới ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Kitô sẽ phát huy trong việc Ngài tử nạn phục sinh.
Ðoạn văn hôm nay nằm trong những chương đầu tiên này. Tác giả Luca thuật những chuyện về Ðức Giêsu với những chuyện về Gioan Tẩy Giả để làm nổi bật sự mật thiết cũng như sự khác biệt giữa vị tiền hô và vị cứu thế, giữa Cựu Ước và Tân Ước, giữa luật pháp và ân sủng. Ở đây chúng ta thấy Ðức Maria đi thăm bà Isave.
Người lên đường sau ngày được sứ thần truyền tin. Nên cuộc viếng thăm ngày hôm nay gắn liền với sự việc ngày hôm trước. Theo như Kinh Thánh luôn cho biết, Thiên Chúa nói sao là có vậy. Thế mà sứ thần đã bảo Ðức Maria thụ thai Con Thiên Chúa để Ngài sẽ được gọi là Giêsu tức là cứu thế. Ðồng thời sứ thần cũng loan tin bà Isave đã thụ thai trong tuổi già được 6 tháng rồi. Có cái gì ở giữa hai sự việc này đây? Maria cứ lên đường và sẽ biết. Người đon đả ra đi là vì lẽ đó. Vậy khi Người vừa vào nhà và chào bà Isave, thì lập tức bà này đã lớn tiếng kêu lên: "Trong nữ giới có Người là diễm phúc. Và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng Người". Làm sao Isave có thể nói lên được những lời ấy; và nếu bà không giải thích thì ai mà hiểu được? Hơn nữa bà còn nói về Maira là Mẹ Thiên Chúa tôi đến với tôi. Làm sao bà biết được Maria đã cưu mang Chúa Cứu Thế? Nỗi vui của bà quả thật là niềm vui cứu độ mà các tiên tri đã từng hứa cho thiếu nữ Giêrusalem; và Mica đã loan báo sẽ xảy đến cho Bêlem nhỏ nhất trong xứ Giuđa. Chúng ta hãy nghe và giải thích: "Vì này thoạt tiếng Người chào vừa đến tai tôi, thì hài nhi trong dạ tôi nhảy mừng".
Như vậy Gioan đã bắt đầu đóng vai trò "tiền hô của ông". Ngay từ trong bụng mẹ, Gioan đã báo tin Chúa đến. Nhờ sự vui mừng của ông, mẹ ông đã được chỉ cho biết ân sủng đã đến trong con người Ðức Maria. Và nhờ việc ông nhảy mừng chúng ta thấy rõ Lời Chúa phán với Ðức Maria đã công hiệu. Chúa nói là Chúa làm. Ngài sẽ được gọi là Giêsu vì Ngài đã cứu thế. Ngài đã cho Gioan được sự vui mừng cứu độ. Và Gioan đã được chia sẻ niềm vui ấy; để rồi Ðức Maria không thể nào dấu được nữa những ơn cao cả Người đã được và đang mang trong mình.
Do đó, câu chuyện đi viếng hôm nay là để xác nhận việc Con thiên Chúa đã đến để cứu đời. Vị tiền hô còn nằm trong dạ mẹ đã loan báo điều ấy. Và Mẹ Chúa hôm nay xuất hiện là để chúng ta biết ơn cứu độ đã gần.
Thiên Chúa đã không dùng những hành vi và khung cảnh thật nhỏ mọn để bày tỏ quyền năng cao cả của Người đó sao? Nếu Bêlem nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Giuđa, như lời sách Mica viết, thì câu chuyện thăm viếng xảy đến trong nhà bà Isave ở một làng không tên tuổi nào đó lại còn nhỏ bé hơn nữa. Nhưng tất cả những gì có vẻ nhỏ bé trong câu chuyện lại đều hết sức lớn lao. Nhờ sự nhảy mừng của Gioan trong bụng mẹ, chúng ta được biết chúc tụng hoa quả của lòng Người. Tác giả thư Hipri là một trong những người sớm biết làm công việc này. Chúng ta hãy nghe lời ông trong đoạn trích hôm nay.
3/ Bà ðã thưa: Xin vâng ý Chúa
Tác giả muốn diễn tả tâm trạng của Chúa Kitô "lúc vào trần gian", tức là lúc nhập thể cứu đời. Do đó, đoạn văn này hợp với Phụng vụ hôm nay, vì bài Tin Mừng cũng vừa nói đến "Hoa quả của lòng Ðức Trinh Nữ".
Nhưng làm sao tác giả có thể biết được cảm nghĩ của Chúa khi nhập thể? Ông chỉ có thể tìm thấy những ý nghĩ ấy trong chính cuộc đời trần gian của Người. Thế mà khi còn tại thế và trong lúc giảng dạy, Chúa Giêsu vẫn không ngớt nhấn mạnh rằng: Ngài đến không để làm theo ý mình nhưng để thi hành ý của Chúa Cha. Và tất cả các sách Tân Ước đều khẳng định cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô là một sự vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.
Do đó tác giả thư Hipri có lý để viết về Chúa Kitô lúc vào trần gian rằng: Người nói: Này con đến để thi hành ý muốn của Chúa. Tác giả có vẻ muốn căn cứ vào lời trong một cuốn sách đã viết về Ngài. Nhưng cuốn sách nói đây không phải là một cuốn sách nào đó trong bộ Kinh Thánh mà là toàn bộ Kinh Thánh, kể từ "Môsê cho đến hết các tiên tri", như lời Chúa Phục sinh nói với hai môn đệ trên đường Emmaus và với các tông đồ.
Nhưng điều đáng để ý ở đây là mạch văn của tất cả đoạn thư này. Tác giả đang nói rằng tất cả các lễ dâng đạo cũ đều không có sức tẩy rửa tâm hồn và làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì lẽ "các điều ấy được hiến dâng chiếu theo lề luật". Bấy giờ, lúc vào trần gian, Chúa Kitô đã nói: Này con đến để thi hành ý muốn Chúa. Chính trong ý muốn ấy, tức là trong thánh ý của Thiên Chúa mà chúng ta đã được tác thành, nhờ việc tự nguyện hiến thân vâng lời của Chúa Kitô.
Nói cách khác, ơn cứu độ chúng ta nằm nơi thánh ý Chúa đã xót thương thí ban Con Một của Người cho chúng ta và sự vâng lời của Chúa Con đã hiến thân như ý Chúa Cha đã định. Và nơi đang thực hiện những điều này là chính lòng Trinh Nữ Maria, người mà bà Isave hôm nay đã nhận ra là "kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho Người!" Với câu này, rõ ràng tác giả Luca có ý gợi lại thái độ và lời "xin vâng" của Ðức Maria khi được thiên thần đến truyền tin.
Và như vậy, chúng ta có thể hiểu cả ba bài đọc Thánh Kinh hôm nay về Ðức Maria cũng như về Chúa Giêsu, về Ðức Maria cưu mang Ðức Giêsu cứu thế trong thân phận nhỏ bé và vâng lời, và về Chúa Giêsu đang đến với chúng ta nơi cung lòng Ðức Trinh Nữ cũng trong thái độ nhỏ bé và vâng lời. Phải chăng phụng vụ chẳng muốn cho chúng ta nghĩ rằng khó nghèo và vâng lời là môi trường và điều kiện để ơn cứu độ của Chúa thể hiện? Và gần đến lễ Giáng sinh, cũng như để chuẩn bị ngày Chúa đến trong vinh quang, thái độ của chúng ta há chẳng phải là khiêm nhường trước mặt Chúa và tuân giữ các giới răn của Người? Việc nhìn nhận tội lỗi của mình rồi đến với Chúa trong tòa cáo giải là cách dọn mình để đón nhận ơn Chúa Giáng Sinh. Cũng như khiêm cung thi hành các đỏi hỏi của Tin Mừng trong đời sống là con đường chắc chắn nhất làm cho ơn cứu độ của Chúa tỏ hiện một cách vinh quang.
Thánh lễ này cho chúng ta được tiếp xúc với Chúa trong mầu nhiệm cứu thế, là mầu nhiệm thật cao cả nhưng diễn ra trong khung cảnh đơn sơ khó nghèo biết bao! Ước chi chúng ta được niềm tin như tiên tri Mica để khẳng định có ơn cứu độ. Niềm tin ấy sẽ giúp chúng ta được như Ðức Maria, đón nhận Chúa Cứu Thế vào lòng. Rồi như Người, chúng ta sẽ khiêm tốn ra về để đến với anh em. Chúa sẽ làm cho anh em biết ơn Người cứu độ nếu niềm tin của chúng ta được thể hiện trong đời sống phục vụ khiêm tốn.
2. Mong đợi trong vui mừng _ Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Thánh Luca kể chuyện hai người phụ nữ diễm phúc đang mang thai gặp gỡ nhau. Bà Êlidabet mang thai, đó là ân huệ Chúa thương ban để bà cất đi nỗi nhục cả đời mình “Chúa đã làm cho tôi như thế đó khi thuận tiện Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1,25). Thời gian dài đợi chờ rất dài, nay đã thành hiện thực và bà lại bắt đầu một thời gian trông đợi khác. Bà ẩn dật, cầu nguyện, nghỉ ngơi và chuẩn bị. Đức Maria cưu mang Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đức Maria xin vâng với lòng tin và đợi chờ trong niềm vui.
Sau khi được sứ thần truyền tin, Đức Maria có thai và đã lên đường đi thăm người chị họ. Khi gặp nhau, hai người mẹ thông tin cho nhau biết về ý nghĩa của những phép lạ xảy ra trong cuộc đời mình. Đó là thời gian hai người mẹ mang thai chia sẻ sự mong đợi trong vui mừng.Cả hai đều là nữ tỳ khiêm tốn được Thiên Chúa mời gọi tham gia vào sứ mạng cứu độ của Người. Cả hai cùng hân hoan vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi họ và cả hai cùng cảm nhận niềm hạnh phúc dâng trào vì đã tin.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Êlidabetvui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Hài nhi Gioan vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung làm cho cuộc gặp gỡ trở thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Suối nguồn của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc.
1/ Cuộc viếng thăm lịch sử.
Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang cũng là giữa hai giao ước cũ và mới.
- Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ. Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con. Êlidabet được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.
- Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng Êlidabet nhảy mừng vui sướng.
- Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước. Thời đại mới mở ra giao ước mới. Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.
2/ Cuộc viếng thăm tình yêu.
Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động thì không phải là một tình yêu đích thực. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui buồn. Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!” (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.
Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt vời. Năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Những người bệnh tật, già cả, những người nghèo khổ, đau khổ, những người khô khan thờ ơ, những gia đình rối rắm bất hoà… Họ rất cần đựơc thăm viếng. Đến thăm nhau là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của đạo Chúa.
3/ Niềm vui thăm viếng
Khi đến thăm bà Êlidabet, Mẹ đem Chúa đến cho người thân của mình. Nhờ Mẹ mang Chúa đến, nên không chỉ bà Êlidabet vui mừng mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan. Nhảy mừng diễn tả niềm vui. Đây là niềm vui ơn cứu độ. Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Êlidabet được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Mẹ. Gia đình Bà Êlidabet là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm. Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.
Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần.
Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Êlidabet đâu! Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi. Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ. Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.
Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban tặng Con Yêu Dấu là Đức Giêsu. Người đến với con người trong lịch sử, cách đây hơn hai ngàn năm. Người đem ơn cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã đến thăm nhiều người, nhiều gia đình. Người quan tâm chăm sóc chữa lành những bệnh nhân. Người giảng dạy và ân cần với những người nghèo. Ngưòi cải hóa nhiều tội nhân. Người biểu lộ tình yêu thương cho mọi người.Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp nối công việc của Người.
Một trong những vấn đề mục vụ hàng đầu của linh mục là thăm viếng giáo dân. Khi đến một giáo xứ mới, công việc đầu tiên của linh mục là đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ. Như mục tử với đoàn chiên, linh mục biết tình hình chung, biết hoàn cảnh mọi gia đình trong xứ. Từ đó có kế hoạch mục vụ để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đoàn.
Các tu sĩ, các hội đoàn trong giáo xứ có những thời giờ thăm viếng mục vụ. Đến với các bệnh nhân, người già cả, người nghèo, gia đình rối, gia đình bất hoà luôn được coi là việc tông đồ. Đem Chúa đến với anh chị em của mình là niềm vui và là sứ mạng của người tín hữu.
Những tuần lễ Mùa Vọng, mỗi người trong xứ đạo tiết kiệm chi tiêu để làm việc bác ái. Những phần quà ân tình chia sẻ cho các gia đình nghèo trong Đêm Giáng Sinh thật ý nghĩa, diễn tả tình yêu và sự quan tâm đến người khác.
Đức Maria viếng thăm phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Êlidabet. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau. Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của người tín hữu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em. Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.
Nguồn tin: http://giaophanthaibinh.org
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 124 | Tổng lượt truy cập: 4,165,360