Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật III - Phục Sinh năm B (Lc 6, 36-38)

  • 12/04/2024 20:13
  • Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hoàng bạt vía tưởng là ma” (Lc 24, 36-37).

     

    1. Bài đọc 1:  Cv 3, 13-15. 17-19

    “Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại”.

    Trích sách Tông đồ Công vụ.

    Khi ấy, Phêrô nói với dân chúng rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Đấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Đấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.

    “Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ”.    

    Đó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 4, 2. 7. 9

    Đáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con! (c. 7a)

    Hoặc đọc: Alleluia.

    Xướng: 

    1) Khi con cầu, nguyện Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu!

    2) Nhiều người nói: “Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?” Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con!

    3) Được an bình, con vừa nằm xuống, thoắt ngủ ngon, vì lạy Chúa, duy có Chúa cho con yên hàn.

     

    3. Bài đọc 2: 1 Ga 2, 1-5a

    “Chính Người là của lễ đền tội, không những cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian”.

    Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

    Các con thân mến, Cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội. Nhưng nếu có ai đã phạm tội, thì chúng ta có Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.     

    Đó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Lc 6, 36-38

    Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

    35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

    36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.

    38 Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?”

    40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

    44 Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”

    45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.

    48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

    Đó là Lời Chúa.

     

    5. Suy niệm:  

    Bình an cho anh em!” là lời chào bình an của Đấng Phục Sinh cũng đồng thời là lời khẳng định chiến thắng của Người trên thế gian. Vì vậy, lời chào của Chúa dành cho các môn đệ sau khi Ngài từ cõi chết sống lại mang lại bình an thật sự sâu thẳm trong tâm hồn. Đức Ki-tô Phục Sinh hiện đến với các môn đệ khi các ông đang xôn xao tranh luận, bàn cãi, người tin kẻ ngờ về câu chuyện của hai môn đệ khác vừa thuật lại, rằng các ông đã gặp Đức Giê-su trên đường trở về làng Emmau. Có lẽ vì phần lớn các môn đệ không tin những gì hai bạn hữu của mình vừa kể lại, nên khi Đức Ki-tô Phục Sinh hiện đến các ông đã kinh hồn bạt vía; hoặc cũng có thể các môn đệ vừa phải đối diện, chứng kiến cái chết của vị Thầy đã bị đóng đinh, đã chết và chôn táng trong mồ khiến cho tâm hồn các ông bị hoảng hốt “tưởng là thấy ma”. Dẫu vậy, Chúa Giê-su không chút trách móc, bực bội hay khó chịu; trái lại, Ngài đã kiên nhẫn làm hết cách để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng. Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.

    Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ không phải để nhắc nhở về sự vong ân bội nghĩa, về sự thất tín bất trung của các ông; nhưng Ngài đến để mở trí, gợi nhớ lại cho các ông “tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều được ứng nghiệm”; và nhờ vậy mà đức tin của các ông được củng cố. Đức Ki-tô Phục Sinh đã không hiện diện với các môn đệ như một người xa lạ; nhưng Ngài hiện hữu với các ông giống như khi Ngài đang sống với các ông: vẫn giọng nói ấm áp hiền từ, gương mặt thân thương, gần gũi cùng những cử chỉ quen thuộc để qua đó các ông tin nhận Ngài. Đồng thời, Đức Ki-tô Phục Sinh không ngự giữa các môn đệ bằng một thân hình bất động – thân hình được cuốn bằng vải liệm khi mai táng; nhưng Ngài ngự giữa các ông với một thân hình sống động, hiển vinh. Ngài làm cho tâm hồn các môn đệ được đổi mới, được sống lại hầu các ông có thêm sức mạnh, sự can đảm mà bước ra khỏi những yếu đuối lỗi lầm của bản thân.

    Cũng như Đức Ki-tô Phục Sinh đã bước ra khỏi ngôi mộ - nơi giam hãm thân xác đã chết thế nào, thì mỗi người chúng ta cũng được mời gọi bước ra khỏi chính mình như vậy. Ra khỏi những trói buộc của tham, sân, si, danh, lợi, thú; ra khỏi mọi lo âu, những mong cầu, những toan tính và ước muốn sở hữu; ra khỏi cái tôi bành trướng đang ngự trị trong tâm hồn. Và để làm được như vậy đòi buộc chúng ta phải mở rộng lòng mình để cho Đức Ki-tô Phục Sinh tác động, đánh thức. Hãy để cho Ngài giải thoát ta khỏi những đam mê, giải phóng ta khỏi cảnh nô lệ và giải cứu ta khỏi ràng buộc của kiếp người, của tội lỗi và khổ đau. Có vậy ta mới có thể bước ra khỏi chính mình và lên đường để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho muôn người.

    Khi đã bước ra khỏi lòng mình, khỏi những kìm kẹp, những lầm tưởng của bản thân thì tâm hồn chúng ta sẽ được thanh thoát và dễ dàng buông bỏ tất cả để lên đường, để loan báo và dám làm chứng cho Đấng Phục Sinh. Đành rằng trên con đường chúng ta được mời gọi đầy những khó khăn, thách đố, hiểu lầm hay đôi khi bị ngược đãi và thậm chí phải trả “giá cao”; song với niềm tin tưởng có Đức Ki-tô Phục Sinh luôn đồng hành thì những chông gai hay nghịch cảnh cũng không thể làm cho người môn đệ của Ngài nao núng, sợ hãi hay bỏ cuộc,.... Vậy chúng ta hãy lên đường để gặp gỡ và sẻ chia; lên đường để nâng đỡ và an ủi; lên đường để khích lệ và cảm thông cho những ai đang sống trong cảnh khổ sầu, thất vọng,... để tất cả mọi người được đón nhận ơn cứu độ, sự giải thoát và ngập tràn bình an của Đức Ki-tô Phục Sinh.

    Ý lực sống:

    Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết chiến đấu để chiến thắng những yếu đuối, những đam mê, nhát đảm và những trói buộc của sợ hãi, âu lo. Nhờ đó chúng con can đảm bước ra khỏi bản thân, can đảm lên đường, dám sống và dám làm chứng cho Đấng Phục Sinh.

    Tập Sinh Đa Minh Thái Bình

    Bài viết liên quan