1. Bài đọc 1: Xh 34, 4b-6. 8-9
Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.
Chúa đi qua trước mặt ông và hô: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành”. Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: “Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa”.
2. Đáp ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời
Xướng:
1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.
2) Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
3) Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
4) Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
5) Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
3. Bài đọc 2: 2 Cr 13, 11-13
Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.
4. Tin Mừng: Ga 3, 16-18
16Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
5. Suy niệm: Thiên Chúa quyền năng và yêu thương
Mầu nhiệm “Chúa Ba Ngôi” không phải là một “sản phẩm” của Ki-tô giáo, như nhận định của một số học giả thiếu thiện cảm với Ki-tô. Khi tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi, Giáo hội Ki-tô dựa trên chính Mạc khải, tức là Lời Chúa.
Các tác giả Tin Mừng đều trình bày với chúng ta về cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giê-su. Người là Ngôi Lời nhập thể. Người là Thiên Chúa quyền năng. Nhiều lần Người đã khẳng định điều này. Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, Chúa Giê-su nói đến Chúa Cha là cội nguồn và là Đấng sai Người đến trần gian. Chúa Giê-su cũng nói đến Chúa Thánh Thần là Đấng Phù trợ đến từ nơi Chúa Cha để hướng dẫn và nâng đỡ các môn đệ. Như thế, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được dàn trải trong chính lời giáo huấn của Chúa Giê-su trong Tin Mừng.
Khi diễn giải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Giáo hội Ki-tô không chỉ dựa trên chứng từ của Tân ước, mà còn trong Cựu ước. Quả vậy, giáo huấn về Chúa Ba Ngôi đã tiềm ẩn trong Giao ước cũ. Cựu ước mạc khải Thiên Chúa là Cha, vì Ngài đã lập giao ước và ban Lề luật cho dân được gọi là “Israel con đầu lòng của Ta” (Xh 4,22). Ngài cũng được gọi là “Cha của vua Israel” (x. 2 S 7,14). Khi ngỏ lời với ông Môi-sen để mạc khải ý định cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã tỏ cho thấy, Ngài là Chúa của Abram, của Issac và của Giacóp. Ngài cũng là Cha yêu thương, có ý định can thiệp để giải phóng dân riêng của Ngài.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được tuyên xưng từ thời Giáo hội sơ khai, như chúng ta thấy trong Kinh Tin Kính thường được gọi là “của các tông đồ”. Trong kinh này, người tín hữu tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha là “Đấng phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”; Chúa Giê-su là “Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi”; và cuối cùng là lời tuyên xưng Chúa Thánh Thần. Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, Giáo hội hiện hữu và phát triển dựa trên nền tảng đức tin được tuyên tín từ thời các tông đồ. Trong khoảng bốn thế kỷ đầu, Giáo hội đối diện với nhiều trào lưu quan điểm khác nhau, bất đồng về thiên tính của Đức Giê-su, về vai trò của Chúa Thánh Thần và về Đức Trinh nữ Maria. Tất cả những tranh luận này, đều kết thúc bằng lời tuyên tín chính thức của Giáo hội qua các công đồng, và đều quy về Chúa Ba Ngôi.
Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy chúng ta: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Đây là mầu nhiệm của Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài. Vì đây là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý” đức tin” (SGLCG, số 234).
Dựa trên những gì được trích dẫn trong sách Giáo lý trên đây, chúng ta thấy tầm quan trọng nền tảng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đối với đời sống đức tin Ki-tô giáo. Từ mầu nhiệm nền tảng này, mà Giáo hội hiểu và cắt nghĩa những mầu nhiệm khác, vì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đứng đầu trong “phẩm trật các chân lý”.
Giáo hội muốn khuyên chúng ta điều gì, khi long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi? Thực ra, mỗi Thánh lễ chúng ta dâng, mỗi giờ kinh cầu nguyện, mỗi việc chúng ta làm, đều nhắc tới mầu nhiệm nền tảng Chúa Ba Ngôi, như chúng ta đọc trong lời kinh đơn giản, vẫn gọi là “dấu thánh giá”: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen”. Khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ nhắc chúng ta tái khám phá quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa, trong lịch sử cứu độ và lịch sử cá nhân chúng ta và sống xứng đáng với tình yêu vô biên của Ngài. Ông Môi-sen trong sách Xuất Hành (Bài đọc I) đã được gặp gỡ Chúa và Ngài ký kết giao ước với dân. Việc ký giao ước vừa cho thấy tình thương của Thiên Chúa, vừa diễn tả sự khiêm tốn hạ mình của Ngài. Thiên Chúa gần gũi dân, chăm sóc và hướng dẫn họ và mong cho họ được những điều tốt lành.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng để được sống muôn đời”. Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô là thành viên của Công nghị Do Thái, Chúa Giê-su đã mặc khải về Chúa Cha và về chương trình cứu độ của Ngài. Cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giê-su chính là hiện thân của tình thương Chúa Cha. Người đến trần gian để thực hiện ý của Chúa Cha. Ý định đó là muốn cho con người được cứu độ và được hạnh phúc. Con đường dẫn tới hạnh phúc và ơn cứu độ là chính Chúa Giê-su. Ai tin vào Chúa Giê-su, sẽ được Người dẫn tới gặp gỡ Chúa Cha và được kết hợp với Ngài.
Ki-tô hữu là người tin vào Chúa Giê-su và tin vào Chúa Cha. Chính Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ chúng ta, để chúng ta có thể đón nhận một mầu nhiệm lòng trí con người không thể thấu đạt. Bởi lẽ “Không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần” (1Cr 12,3).
“Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con”. Ước mong cuộc đời của mỗi Ki-tô hữu là lời chúc tụng Chúa Ba Ngôi, được thể hiện qua lời nói và nghĩa cử yêu thương hằng ngày, để bất kể làm điều gì, chúng ta đều làm “Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 43 | Tổng lượt truy cập: 3,035,921