Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm B (Mt 28, 16-20)

  • 25/05/2024 07:55
  • “Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).

    1. Bài đọc 1:  Ðnl 4, 32-34. 39-40

    Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác“.

    Trích sách Ðệ Nhị Luật.

    Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.

    Ðó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22

    Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).

    Xướng:

    1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa.

    2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu.

    3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn.

    4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.

     

    3. Bài đọc 2: Rm 8, 14-17

    “Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!“.

    Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

    Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

    Ðó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng: Mt 28, 16-20

    Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

    Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

    16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

    Đó là Lời Chúa.

     

    5. Suy niệm: Chúa Giêsu trao sứ mệnh cho các môn đệ.

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu ghi lại việc Chúa Giêsu, sau khi sống lại, đã hiện ra với mười một Tông đồ ở Galilê. Người đã trao cho các ông sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho muôn dân nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

    “Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilê, đến núi mà Chúa Giêsu đã chỉ định trước” (Mt 28, 16). Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã chọn điểm hẹn với các môn đệ không phải ở Giêrusalem, thủ đô, thành thánh, như trong Tin Mừng Luca, mà là một ngọn núi ở Galilê. Theo thánh Matthêu, núi là nơi đặc biệt Chúa tỏ mình ra: nơi Chúa bị Satan cám dỗ (Mt 4,8), nơi Chúa biến hình (Mt 17,1), nơi Chúa trao quyền cho các Tông đồ (Mt 28,16) và trên núi các bản văn, lề luật quan trọng đều được ban ra như Tám mối Phúc (Mt 5,1-12),... Trong Tin Mừng Matthêu, núi cũng là một dấu hiệu Mạc khải của Thiên Chúa và tên của núi không được nêu rõ. Và cũng chính nơi đây, Người đã gặp gỡ Thiên Chúa, giảng dạy và hoá bánh ra nhiều.

    “Hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28, 18). Chúa Giêsu đã chính thức trao quyền hành và sứ mạng của Người cho các môn đệ, để các ông tiếp tục hoàn thành. Ngày Chúa Giêsu ra đi, cũng chính là ngày các môn đệ lên đường, họ lên đường đem Tin mừng của Chúa đến tận cùng trái đất để chinh phục thế giới. Chinh phục bằng đời sống, bằng lời giảng dạy, bằng phép rửa tội nhân danh Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

    “Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chính trong lúc ra đi, Người hứa ở lại. Người ở lại để đảm cho việc thi hành sứ vụ của các Tông đồ là xây dựng Giáo Hội và làm cho Giáo hội ngày thêm vững mạnh. Đó là chóp đỉnh của lời Chúa Giêsu tuyên bố: Bảo đảm một hiện diện tích cực, hiệu quả, không giới hạn… để kết thúc Tin Mừng của mình, Matthêu đã lặp lại tư tưởng đã đề cập ở đầu sách: “Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1, 23). Ngày nay, Ngài ở cùng chúng ta trong Thánh Thể, trong Lời Chúa, nơi các vị thừa tác của Người, nơi những người nghèo khổ, bé mọn,… nơi tất cả mọi người sống bên cạnh chúng ta và Người hiện diện ở khắp mọi nơi.

    Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để người Kitô hữu ý thức được sự hiện diện của mầu nhiệm này trong đời sống chúng ta. Đây là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống kitô hữu. Đồng thời, Giáo hội muốn chúng ta suy niệm và chiêm ngưỡng Ba Ngôi chí thánh như Chúa Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta biết. Người đã mặc khải rằng Thiên Chúa là tình yêu, “không phải là trong sự duy nhất của một Ngôi vị, nhưng là trong Tam vị đồng bản thể” (Kinh Tiền tụng). Và cả ba đều hành động theo một mục tiêu duy nhất: Làm cho tất cả con cái loài người cùng toàn thể vũ trụ được chia sẻ sự sống đời đời và hạnh phúc bất tận của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mầu nhiệm ấy cũng mời gọi chúng ta tân trang sứ mạng thông hiệp với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau theo gương mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

    Ý Lực Sống:

    Lạy Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm tuyệt đối cao cả. Xin hãy dạy chúng con biết thánh ý Chúa và phương thế để thực hiện. Vì chúng con đã nghe mà không giữ, biết mà không theo, hiểu nhưng đã làm được rất ít. Xin Chúa thương rửa chúng con lại trong tình yêu Chúa và ban ơn giúp chúng con vững bước trên đường phụng sự Chúa.

    Lạy Mẹ Maria, hơn ai hết, Mẹ là Ðấng đã nhận biết, tôn thờ, yêu mến mầu nhiệm Ba Ngôi, xin Mẹ hãy cùng đồng hành và giúp chúng con nhận ra những dấu chỉ của Ba Ngôi trong đời sống chúng con và trong các biến cố của thế giới. Amen.

    Tập sinh Đa Minh Thái Bình

    Bài viết liên quan