1. Bài đọc 1: Is 60, 1-6
“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
Trích sách Tiên tri I-sai-a.
Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha; tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
Ðó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13
Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa.
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.
2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.
3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.
4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.
3. Bài đọc 2: Ep 3, 2-3a. 5-6
“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giê-su Ki-tô.
Ðó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Mt 2, 1-12
“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua“.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”
3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.
4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.
5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.
8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”
9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.
10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.
11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.
12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Ðó là lời Chúa.
5. Suy niệm: Ánh sáng muôn dân
“Ánh sáng muôn dân”, đó là nội dung Hiến chế tín lý về Giáo hội của Công đồng Vaticano II, được công bố vào năm 1964. Văn kiện này được mở đầu như sau: “Chúa Ki-tô chính là ánh sáng muôn dân, vì vậy Thánh Công đồng tha thiết mong muốn soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Người, đang chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo hội, để Tin Mừng được loan báo cho mọi loài thụ tạo” (số 1).
Danh xưng “Ánh sáng muôn dân” không phải do Giáo hội gán cho Chúa Giê-su, nhưng đây là lời tuyên bố của Đức Chúa trong sách Ngôn sứ I-sai-a: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6) Xin lưu ý là những lời này được vị ngôn sứ tuyên bố vào lúc dân Do Thái đang lưu đày ở Ba-bi-lon, khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Đây là lời khích lệ động viên dân lưu đày, cho họ biết chắc sẽ có ngày trở về cố hương. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta nghe Bài đọc I của Thánh lễ hôm nay. Vào cuối thời lưu đày, ngôn sứ I-sai-a được say sưa chiêm ngắm thị kiến về một Giê-ru-sa-lem là trung tâm của thế giới. Đó là một thành phố tỏa sáng, mà ánh sáng này là vinh quang của Đức Chúa. Vào ngày đó, muôn dân sẽ tuôn đổ về đây, mang theo những sản vật địa phương để cung tiến Đức Chúa. Người người đều vui mừng rạng rỡ. Đây là ngày của Đức Chúa. Đây cũng là ngày hạnh phúc đong đầy đối với ai tin vào Chúa và phó thác nơi Ngài.
Ánh sáng của Giê-ru-sa-lem, dù có chói lọi, cũng chỉ là ánh sáng hữu hạn. Ánh sáng mà Giáo hội muốn giới thiệu với chúng ta hôm nay là Ánh Sáng muôn dân, là chính Đức Giê-su Ki-tô. Người là Con Thiên Chúa, đã sinh hạ tại Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm. Người vẫn đang sống trong Giáo hội, để qua các thành viên của Giáo hội tỏa sáng khắp mọi miền thế giới. Ngày lễ hôm nay được gọi là lễ “Hiển Linh”. Từ này dịch từ chữ Epiphany (tiếng Anh), là một thuật ngữ diễn tả việc Thiên Chúa tỏ mình trong Cựu ước. Tuy vậy, nếu trong Cựu ước, Thiên Chúa tỏ mình qua các dấu chỉ biểu tượng như bụi gai cháy bừng, đám mây, cột lửa hay lời nói từ trời, thì đã đến thời Thiên Chúa tỏ mình qua chính Con của Ngài. Ba vua hay ba nhà đạo sĩ từ phương Đông đã nhìn thấy điều ấy qua điềm triệu là ngôi sao lạ. Các ông là những học giả, chuyên nghiên cứu về thiên văn. Ngôi sao lạ năm xưa đã chuyển tới các ông lời mời gọi, hãy đến để thờ lạy Vua mới sinh. Các ông đã lên đường, rời bỏ quê hương, chấp nhận những bất tiện cho một hành trình dài. Khi đến Giê-ru-sa-lem, các ông không còn nhìn thấy ngôi sao, nhưng các ông không nản. Các ông đã gặp vua Hê-rô-đê, nhờ các chuyên viên Kinh Thánh tìm tòi. Chúa đã ban thưởng cho sự kiên nhẫn của các ông. Vừa ra khỏi Giê-ru-sa-lem, ngôi sao lạ lại hiện ra dẫn đường. Nhiều nhà chú giải đã cắt nghĩa sự vắng bóng ngôi sao trên nền trời Giê-ru-sa-lem: có thể là tại thủ đô đã có Đền thờ và kho tàng mạc khải. Người ta có thể sưu tầm và tìm kiếm để thấy những chỉ dẫn trong các sách ngôn sứ. Những chuyên viên Kinh Thánh tại cung điện hoàng gia đã tìm thấy lời ngôn sứ Mi-kha: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt dân Ta sẽ ra đời” (x. Mk 5,2-5). Các nhà đạo sĩ đã tìm thấy câu trả lời và các ông tiếp tục lên đường.
Các đạo sĩ không phải là người Do Thái. Các ông là “dân ngoại”. Qua sự kiện này, Chúa Giê-su tỏ mình cho các dân tộc. Cuộc tỏ mình này như một khẳng định: ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua Đức Giê-su Ki-tô là ơn cứu độ có tính hoàn vũ, như mặt trời chiếu ánh sáng tới mọi dân. Không một dân tộc nào bị loại trừ. Tình thương của Thiên Chúa trải rộng đến mọi thế hệ và đến tận cùng thế giới. Đến lúc này, lời Chúa phán trong ngôn sứ I-sai-a năm xưa đã thành hiện thực: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”.
Như trên đã nói, Ánh sáng được ngôn sứ I-sai-a tiên báo chính Đức Giê-su. Trước sự ngỡ ngàng của những người đồng bào, Người đã quả quyết: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Để chứng minh điều này, Đức Giê-su đã chữa lành cho người mù bẩm sinh. Anh này vừa được chữa lành con mắt thể xác, vừa được sáng con mắt tâm hồn, để nhận ra Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và tin vào Người (x. Ga 9,1-41). Ngày hôm nay, Đấng Cứu thế vẫn tiếp tục chiếu tỏa ánh sáng của Người vào những góc khuất trong cuộc đời và trong tâm hồn chúng ta. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa sẽ giúp chúng ta bước ra khỏi tăm tối và đến với ánh sáng ngàn đời, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).
Người mù bẩm sinh trong Tin Mừng thánh Gio-an đã được chữa lành và tin vào Đức Giê-su. Cũng vậy, trải dài qua bề dày của lịch sử, rất nhiều người đã đón nhận ánh sáng của Đức Giê-su, và cuộc đời họ đã được canh tân. Họ đã bước ra khỏi bóng tối để sống như con cái của sự sáng. Ánh sáng thần thiêng là Đức Giê-su đã bao bọc và ban cho họ sức mạnh phi thường. Tuy vậy, nếu người mù bấm sinh được chữa lành và mở rộng trái tim để tôn nhận Chúa Giê-su, thì một số người Do Thái lại căm ghét Chúa và tìm cớ để bắt bẻ Người. Trường hợp vua Hê-rô-đê cũng tương tự. Hơn ai hết, ông hiểu ý nghĩa của lời ngôn sứ Mi-kha, nhưng tham vọng mù quáng đã dẫn ông tới những quyết định tội lỗi, đó là âm mưu giết hại các trẻ vô tội ở vùng Bê-lem. Ánh sáng vẫn quảng đại chiếu soi, nhưng con người đón nhận lại ở nhiều cách thức khác nhau. Có những người trung thành thiện chí, nhưng cũng có những người cứng lòng mưu mô. Vua Hê-rô-đê nói với ba nhà đạo sĩ: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Những lời xem ra rất trân trọng ấy lại chứa đựng một âm mưu nham hiểm. Hê-rô-đê sợ vị vua mới sinh sẽ chiếm đoạt ngai vàng, nên ông đã muốn tiêu diệt ngay từ trong trứng nước để trừ hậu hoạ. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa vượt lên tất cả mọi mưu mô của người đời. Các nhà đạo sĩ đã nhận được điềm báo đi lối khác để về quê hương mình.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong khi thế giới chào đón vị Vua Hòa bình, thì đây đó trên thế giới, chiến tranh và bạo loạn xảy ra liên tiếp, nhất là tại hai quốc gia Ucraina và Israel. Nguyên nhân của chiến tranh đến từ sự ích kỷ, tự mãn và cố chấp của con người. Lời cầu chúc bình an tại cánh đồng Bê-lem năm xưa, dường như bị át đi bởi tiếng bom đạn và tiếng kêu la của những thường dân vô tội. Chúng ta cầu nguyện cho hòa bình được tái lập tại hai quốc gia này và trên toàn thế giới. Xin cho thế giới nhận ra Đức Giê-su là Hoàng tử Bình an. Ai đón nhận và thực thi giáo huấn của Người, sẽ thực sự tìm thấy an bình. Vương quốc hòa bình mà Chúa Giê-su loan báo, để thành hiện thực, cần có nỗ lực và thiện chí.
Khi tuyên xưng Đức Ki-tô là ánh sáng đời ta, ta phải luôn bước theo con đường Người chỉ dẫn. Người tin Chúa cũng được chính Chúa Giê-su gọi là “con cái ánh sáng”. Chúa cũng nói với chúng ta: “Các con là ánh sáng thế gian”. Như thế, đời sống Ki-tô hữu phải rập khuôn theo mẫu gương Chúa Giê-su, để mỗi ngày trở nên giống như Người. Như Đức Ki-tô đã và đang tỏa ánh sáng của Người trên khuôn mặt Giáo hội, mỗi tín hữu cũng phải tỏa sáng bằng những việc làm thiện hảo, và bằng phong cách sống xứng hợp với Tin Mừng.
Lạy Chúa Ki-tô là Ánh sáng trần gian, xin soi sáng chúng con, và xin làm cho chúng con trở thành những ngọn nến thiêng tỏa sáng giữa đời. Kính chúc quý vị và anh chị em một năm mới an bình, hạnh phúc.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://tgpsaigon.net/
6. Suy niệm: "Thờ lạy" là một đòi hỏi của đức tin
Trong bài giảng Lễ, Đức Thánh Cha giải thích bài Tin Mừng, đặc biệt về cử chỉ thờ lạy của Ba vị Đạo sĩ trước Hài Nhi Giêsu.
Ngài nói:
Audio
Trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Mt 2,1-12), Ba vị Đạo sĩ bắt đầu bằng việc thể hiện ý định của họ: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện và chúng tôi đến để thờ lạy Người” (câu 2). Thờ lạy là mục tiêu hành trình của họ, là đích đến của chuyến đi. Thật vậy, khi họ đến Bêlem, “họ thấy Hài Nhi với thân mẫu, họ liền sấp mình thờ lạy Người” (câu 11). Nếu chúng ta mất đi cảm thức về thờ lạy, thì chúng ta cũng sẽ mất ý nghĩa lữ hành của đời sống Kitô hữu, vốn là một hành trình hướng về Chúa, chứ không phải hướng về chúng ta. Đây là một nguy cơ mà Tin Mừng cảnh báo chúng ta, khi trình bày bên cạnh các đạo sĩ, những nhân vật mà họ không thể thờ lạy.
Trước hết là vua Hêrôđê, người sử dụng động từ thờ lạy, nhưng theo một cách thức lừa lọc. Thật vậy, ông yêu cầu các Đạo sĩ thông báo cho ông về nơi ở của Hài Nhi “để Ta cũng đến để bái thờ Người” (câu 8). Trong thực tế, Hêrôđê chỉ tôn thờ chính mình và do đó muốn gạt bỏ Hài Nhi bằng những lời giả dối. Điều này dạy chúng ta điều gì? Rằng con người, khi không tôn thờ Thiên Chúa, sẽ đi đến chỗ tôn thờ chính mình. Và ngay cả đời sống Kitô hữu, mà không tôn thờ Thiên Chúa, thì có thể trở thành một cách thức giáo dục để khẳng định mình và các kỹ năng của bản thân: đó là những Kitô hữu không biết thờ phượng. Đó là một nguy cơ nghiêm trọng: phục vụ chúng ta hơn là phục vụ Chúa. Đã bao nhiêu lần chúng ta tráo đổi lợi ích của Tin Mừng với lợi ích của bản thân, bao nhiêu lần chúng ta khoác áo tôn giáo để mình được dễ dàng, bao nhiêu lần chúng ta nhầm lẫn quyền năng Thiên Chúa nhắm phục vụ người khác, với sức mạnh thế gian để phục vụ chính mình!
Ngoài Hêrôđê, Tin Mừng còn kể những người khác đã không thể thờ lạy: họ là các thượng tế và kinh sư. Họ chỉ cho Hêrôđê biết chính xác nơi Đấng Mêsia được sinh ra: tại Bêlem, miền Giuđê (x. câu 5). Họ biết những lời tiên tri và trích dẫn chính xác. Họ biết nơi phải đi, nhưng họ không đi. Cũng từ điều này chúng ta có thể rút ra một bài học. Trong đời sống Kitô hữu, biết thôi thì không đủ: không ra khỏi chính mình, không gặp gỡ, không thờ phượng, thì bạn chưa biết Chúa. Thần học và hiệu quả mục vụ sẽ ích lợi rất ít hoặc không ích gì nếu bạn không quỳ gối; nếu bạn không làm như những vị Đạo sĩ, những người không chỉ là những nhà tổ chức tài ba cho một chuyến đi, mà còn lên đường và thờ lạy.
Khi thờ phượng, người ta nhận ra rằng đức tin không thu gọn trong một tập hợp các giáo lý tốt đẹp, nhưng là một mối tương quan với một Con Người sống để yêu. Bằng việc gặp gỡ diện đối diện với Chúa Giêsu để chúng ta biết khuôn mặt của Ngài. Bằng việc tôn thờ, chúng ta khám phá ra rằng đời sống Kitô hữu là một câu chuyện tình yêu với Thiên Chúa, nơi những ý tưởng tốt thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta phải đặt Ngài lên hàng đầu, như một người yêu làm đối với người mình yêu. Đây là cách mà Giáo hội phải trở thành, một người yêu tôn thờ của Chúa Giêsu, Hiền Phu của mình.
Khởi đầu năm mới, chúng ta tái khám phá việc thờ phượng như một đòi hỏi của đức tin. Nếu chúng ta biết quỳ xuống trước Chúa Giêsu, chúng ta sẽ vượt thắng cám dỗ thiết lập con đường cho riêng mình. Thật vậy, thờ lạy là để thực hiện một cuộc thoát ly khỏi sự nô lệ lớn nhất, đó là của chính mình. Thờ lạy là đặt Chúa làm trung tâm để chúng ta không còn là trung tâm của chính mình. Là trả mọi sự đúng lại trật tự của chúng, để vị trí đầu tiên cho Chúa. Thờ lạy là đặt kế hoạch của Chúa lên trước thời gian của tôi, quyền lợi của tôi, không gian của tôi. Là chấp nhận lời dạy của Kinh thánh: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4:10). Thiên Chúa của bạn: thờ lạy là cảm thấy rằng bạn với Thiên Chúa thuộc về nhau. Là cho Ngài làm “bạn” trong sự thân mật, là mang lại sự sống bằng việc cho phép Ngài bước vào cuộc sống của chúng ta. Là để mang lại niềm an ủi của Ngài cho thế giới. Thờ lạy là khám phá ra rằng cầu nguyện chỉ cần nói: “Lạy Chúa của tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20,28), và để mình được chi phối bởi sự dịu dàng của Ngài.
Thờ lạy là gặp gỡ Chúa Giêsu mà không có một danh sách những đòi hỏi, nhưng với yêu cầu duy nhất là được ở với Người. Là khám phá ra rằng niềm vui và sự bình an phát triển với lời khen ngợi và tạ ơn. Khi chúng ta thờ lạy, chúng ta cho phép Chúa Giêsu chữa lành và thay đổi chúng ta. Bằng việc tôn thờ, chúng ta cho Chúa cơ hội biến đổi chúng ta bằng tình yêu của Ngài, để thắp sáng những bóng tối của chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh trong sự yếu đuối và can đảm trong những thử thách.
Thờ lạy là đi đến điều cốt yếu này: đó là cách thức giải độc khỏi những thứ vô ích, khỏi lệ thuộc vào cơn nghiện làm tê liệt trái tim và đầu độc tâm trí. Thật vậy, bằng việc thờ lạy, chúng ta học cách từ chối những gì không được tôn thờ: thần tiền bạc, thần tiêu thụ, thần khoái lạc, thần thành công, cái tôi tự xưng thần. Thờ lạy là làm cho mình trở nên nhỏ bé trước sự hiện diện của Đấng tối cao, để khám phá trước mặt Ngài rằng sự vĩ đại của cuộc sống không phải trong việc mình có, nhưng trong việc mình yêu. Thờ lạy là sự khám phá ra anh chị em trước mầu nhiệm tình yêu vượt trên mọi khoảng cách: là rút ra những điều tốt đẹp từ nguồn cội, là tìm thấy nơi Thiên Chúa gần gũi sự can đảm để đến gần người khác hơn. Thờ lạy là biết thinh lặng trước Ngôi Lời Thiên Chúa, để học cách nói những lời không làm tổn thương, nhưng mang lại an ủi.
Thờ lạy là một cử chỉ của tình yêu làm thay đổi cuộc sống. Là như các Đạo sĩ: mang đến cho Chúa vàng, để nói với Ngài rằng không có gì quý hơn Ngài; là dâng cho Ngài nhũ hương, để nói với Ngài rằng chỉ với Ngài, cuộc sống của chúng ta mới được nâng lên cao; là dâng cho Ngài mộc dược, thường xức lên cơ thể bị tổn thương và đau khổ, để hứa với Chúa Giêsu sẽ giúp những người lân cận của chúng ta đang chịu thiệt thòi và đau khổ, bởi vì nơi họ có Chúa.
Chúng ta thường biết cầu nguyện để cầu xin và tạ ơn Thiên Chúa, nhưng Giáo hội phải đi xa hơn nữa với lời cầu nguyện thờ lạy. Chúng ta phải lớn lên trong việc thờ phượng. Đây là sự khôn ngoan mà chúng ta phải học mỗi ngày: Cầu nguyện thờ lạy.
Anh chị em thân mến, hôm nay mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: “Tôi có phải là một Kitô hữu tôn thờ không?”. Nhiều Kitô hữu cầu nguyện nhưng không biết thờ lạy. Hãy tự hỏi mình câu hỏi này. Chúng ta có tìm thời gian để thờ lạy trong ngày sống của chúng ta và tạo không gian để thờ lạy trong cộng đoàn của chúng ta không. Với tư cách là Giáo hội, chúng ta có thực hành những lời Thánh Vịnh chúng ta cầu nguyện hôm nay: “Lạy Chúa, muôn dân trên mặt đất sẽ tôn thờ Ngài.” Bằng cách thờ lạy, như các Đạo sĩ, chúng ta cũng sẽ khám phá ra ý nghĩa cuộc hành trình của chúng ta. Và, giống như Đạo sĩ, chúng ta sẽ nghiệm thấy một “niềm vui khôn tả” (Mt 2,10).
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va/vi/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 184 | Tổng lượt truy cập: 4,164,136