Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật tuần XV Thường niên - năm C (Lc 10, 25-37)

  • 12/07/2025 19:35
  • “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Lc 10, 25).

    1. Bài đọc 1: Đnl 30, 10-14

    Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành.

    Bài trích sách Đệ nhị luật.

    10 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng: “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.

    11 “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. 12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”

    Đó là Lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca: Tv 68, 14 và 17. 30-31. 33-34. 36ab và 37

    Ðáp: Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh (c. 33).

    Xướng:

    1) Lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi, xin nhìn đến tấm thân con. 

    2) Phần con, con đau khổ cơ hàn, lạy Chúa, xin gia ân phù trợ bảo toàn thân con. Con sẽ xướng bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân.

    3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. 

    4) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. 

     

    3. Bài đọc 2: Cl 1, 15-20

    “Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người”.

    Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

    Ðức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

    Ðó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Lc 10, 25-37

    “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.

     Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

    25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

    26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

    27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”

    28 Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

    29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

    30 Đức Giêsu đáp: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

    31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi.

    32 Rồi một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi.

    33 Nhưng một người Samari kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương.

    34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.

    35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”

    36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

    37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

    Đó là Lời Chúa.


    5. Suy niệm:  

    Hạnh phúc chính là niềm khao khát của con người, nhưng như thế nào là hạnh phúc và đâu là hạnh phúc đích thực? phải làm gì để được sự sống đích thực. Đó là những vấn nạn của con người trong hành trình sống đặc biệt nơi những kito hữu, con cái của Chúa. Trong trình thuật tin mừng hôm nay thánh Luca cho ta một sự đảo ngược trong cuộc nói chuyện giữa Chúa Giêsu và người thông luật. Chúa thấu rõ tâm tư của con người, hôm nay người thông luật là người chủ động để thử Chúa, là người hỏi để xem Chúa trả lời như thế nào? ông không có ý khao khát để hiểu và sống bởi ông nghĩ rằng ông đã biết tất cả. Chúa đã không trả lời trực tiếp nhưng cách sư phạm của Chúa đã khiến ông là người tự hỏi và tự trả lời. Ông biết rất nhiều nhưng Chúa muốn ông sống những điều ông biết, ông hiểu.

    Với dụ ngôn người Samari nhân hậu, thánh Luca cho chúng ta được chiêm ngưỡng cách hành xử của những con người khác nhau trước một người bị nạn. Người do thái thường coi thường người Samari và cho rằng họ là dân ngoại, chỉ người do thái mới được là con cái của Chúa, được hưởng ơn cứu độ. Nhưng với cách hành xử của thầy tư tế và thấy Lêvi là những con người rất thông thạo luật và kinh thánh nhưng họ đã “tránh qua một bên mà đi”. Họ cũng thấy người gặp nạn nhưng họ không cảm thấy mình cần làm gì để giúp. Còn người Samaria “cũng thấy và chạnh lòng thương”. Với tình yêu người Samari đã dừng lại và tìm cách cứu bệnh nhân, ông đã sống giới luật yêu thương cách cụ thể không phân biệt họ là ai.

    Nhìn vào xã hội ngày hôm nay, một xã hội đang ở mức báo động với cách sống dửng dưng vô cảm, biết bao người đang bị cô đơn ngay trong chính gia đình, cộng đoàn của mình, sự ích kỷ ngày càng gia tăng, sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Đứng trước thực trạng của xã hội và nhìn vào cách hành xử của 3 nhân vật trong bài tin mừng, mỗi người chúng ta là những kito hữu, người sống đời thánh hiến ta cần nhìn lại cách sống của mình. Phải chăng đâu đó có ta nơi đó. Phải chăng đã hơn một lần chúng ta cũng chưa quan tâm đến người thân trong gia đình với những lý do mải bận học, bận làm kiếm tiền và trong các cộng đoàn cũng với vô số lý do mà có những thành viên cô đơn giữa cộng đoàn. Thiết nghĩ hơn bao giờ hết mỗi người kito hữu nói chung và người sống đời thánh hiến nói riêng cần xin Chúa ban cho ơn biết “chạnh lòng thương” với mọi người để thực thi điều Chúa nói với người thông luật “hãy đi và làm như vậy”.

    Lạy Chúa ai trong chúng con cũng mong muốn mình được quan tâm được yêu thương nhất là trong những lúc mà chúng con gặp khó khăn thử thách, nhưng đã nhiều lần do vô tình hay cố ý mà chúng con chưa quan tâm giúp đỡ tha nhân của mình. Đôi khi chúng con mới chỉ nói yêu bằng môi miệng mà thiếu hành động. Xin Chúa tha thứ và biến đổi con tim của chúng con để chúng con biết thực thi giới răn yêu thương mà Chúa dạy hy vọng thế giới của chúng con, gia đình, cộng đoàn của chúng con mọi người được xích lại gần nhau hơn, được sống trong tình Chúa và tình người trong hành trình lữ hành và Nước Trời mai sau.

    Tập viện ĐMTB

    Bài viết liên quan