Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên năm B (Mc 16, 15-20)

  • 10/05/2024 11:03
  • “Chúa Giêsu được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi có Chúa cùng hoạt động với họ”.

     

    1. Bài đọc 1:  Cv 1, 1-11

    “Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.

    Trích sách Tông đồ Công vụ.

    Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.

    Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.

    Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.

    Ðó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

    Ðáp:  Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang.

    Hoặc đọc: Alleluia.

    Xướng:

    1)  Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

    2)  Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa’ hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!

    3)  Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

     

    3. Bài đọc 2: Ep 1, 17-23

    “Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.

    Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

    Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

    Ðó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Mc 16, 15-20

    “Chúa Giêsu được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi có Chúa cùng hoạt động với họ”.

    Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

    Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

    Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa.

    Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

    Ðó là lời Chúa.

     

    5. Suy niệm:  

    Bài Tin Mừng hôm nay của thánh Mác-cô thuật lại việc Chúa Giêsu trở về trời sau khi hoàn tất sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó. Nếu biến cố Chúa lên Trời khép lại cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu; thì đồng thời lại mở ra một giai đoạn mới cho Giáo hội, đánh dấu một sự khởi đầu, một hiện diện mới cho các môn đệ, sự hiện diện tích cực đem lại vô vàn hiệu quả cho hoạt động truyền giáo của các ông, "Có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (x. Mc 16,20). Như thế, các môn đệ sẽ tiếp nối công việc của Thầy. Chính trong sự đan kết đó mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay: vừa mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên, nhưng lại vừa mời gọi chúng ta đào sâu trách nhiệm Tông đồ, trách nhiệm Truyền giáo, trách nhiệm Rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

    Sự kiện Đấng Phục Sinh hiện ra và sai nhóm Mười Một đi thi hành sứ vụ được nhắc lại trong cả bốn sách Tin Mừng. Tin Mừng Mác-cô nhấn mạnh rõ chiều kích phổ quát của sứ mạng này: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin, thì sẽ bị kết án ”(Mc16,15-16).  Lệnh truyền được ban ra sau khi Chúa Phục Sinh, điều này chứng tỏ biến cố phục sinh của Người là nền tảng cho việc rao giảng Tin Mừng của các Tông đồ và của Giáo hội sau này. Sứ mạng của các môn đệ rất rõ ràng - đó là làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa, làm cho nhiều người trở thành Kitô hữu, và giảng dạy họ tuân giữ những điều Chúa đã truyền dạy. Hay như trong bài đọc một, sách Công vụ Tông đồ, đó là để “các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).

    Làm chứng nhân và làm người rao giảng Tin Mừng, là một lời mời gọi và là một sứ vụ dành cho tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Đây là một sứ vụ Chúa trao phó cho tất cả những ai đã được tháp nhập vào Giáo hội qua phép rửa. Chúng ta được mời gọi sống tinh thần truyền giáo, đó là trách nhiệm tiên khởi của chúng ta. Bởi vì, đây là ý muốn của Thiên Chúa, Người muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giêsu Kitô (x. 1Tm 2,4).

    Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời” (Mc16: 19a). Biến cố Thăng Thiên không mở ra một giai đoạn vắng mặt của Chúa Giêsu, nhưng khai mạc một cách thế hiện diện mới của Ngài. Từ nay, với cách thế hiện diện mới này, Ngài không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian nữa, nhưng Ngài hiện diện với các ông ở mọi nơi và mọi lúc, thậm chí ở trong các ông. Đây là một sự hiện diện gần gũi nhất, mật thiết nhất, và trọn vẹn nhất. Sự hiện diện của Ngài giờ đây không còn nhìn thấy được bằng con mắt thường, con mắt của thể xác; nhưng được nhìn bằng con mắt đức tin, và bằng đức mến. Bởi vì, giờ đây Ngài không hiện diện ở ngoài chúng ta nữa – mà Ngài hiện diện ở trong mỗi người, nơi gia đình, nơi cộng đoàn; Ngài hiện diện trong vũ trụ, trong thế giới hôm nay. Chúa không hiện diện theo lối địa lý nhưng Ngài hằng có mặt cách linh thiêng huyền nhiệm. Ngài hiện diện qua Chúa Thánh Thần và trong các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành khi dâng Thánh lễ mỗi ngày. Đã đến lúc tình yêu cần phải lớn lên để cảm thấu mọi thứ bằng một con tim có Chúa; để nói, để nghĩ, để làm như thể: “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

    Sau khi đã chứng kiến xong việc Chúa Giêsu về trời, các Tông đồ bắt đầu thi hành lệnh Chúa đã truyền là “ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông” (Mc16: 20). Đây là lời mà thánh Mác-cô có ý xác quyết rằng: trong mọi hoạt động truyền giáo của các Tông đồ và của Giáo hội sau này đều có sự hiện diện vô hình nhưng hữu hiệu của Chúa Giê-su. Sự hiện diện vô hình của Ngài cũng được thánh Mát-thêu diễn tả trong cùng một bài tường thuật song song, khi nhắc lại những lời sau cùng của Chúa Giê-su với các Tông đồ của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20).

    Mừng lễ Chúa lên Trời hôm nay, chúng ta xác tín một niềm tin vững vàng vào sự hiện diện của Chúa Giêsu; và tin rằng Ngài đang hoạt động trong Giáo hội, Ngài cũng hoạt động với từng người chúng ta. Người Kitô hữu được mời gọi để sống cho những giá trị trường tồn vĩnh cửu, quy hướng về Nước Trời mai sau.

    Như một dịp để xem xét lại bản thân, có lẽ rất nhiều khi chúng ta phớt lờ sự có mặt của Chúa trong cuộc đời, sống nhạt mờ, hời hợt trước sứ mạng truyền giáo. Chúa lên Trời nhưng những giá trị Tin Mừng vẫn rất cần chúng ta sống và làm lan tỏa. Song thực tế, thay vì sống chứng tá, chúng ta lại lao mình vào những chạy tìm vô bổ. Dường như ta không ngại để cho những trào lưu, chủ nghĩa thực dụng gặm nhấm hay ăn mòn đi các giá trị đạo đức, xóa đi bóng dáng của Chúa trong đời và cả khát vọng chân chính về một quê hương vĩnh cửu nơi thiên quốc.

    Qua đây, tôi được mời gọi để xem lại những giá trị và những tiêu chuẩn tôi đang kiếm tìm là gì? Nó thuộc giá trị nào khi sự kiện Chúa về Trời nhắc nhở tôi về một thực tại thiêng liêng siêu việt, đó là hạnh phúc đời sau?

    Ước gì mọi người Kitô hữu không chỉ mừng lễ Chúa Thăng Thiên như một biến cố được hiện tại hoá, nhưng cử hành lễ này với tinh thần của đức tin; tức là biết thăng hoa những giá trị cuộc sống hằng ngày, để sống cho đời sống vĩnh cửu mai sau.

     

    Ý lực sống:

    Lạy Chúa, xin Chúa hãy là đối tượng tuyệt đối của lòng con. Xin giúp con biết phân định rõ được chân giá trị của việc làm vì sứ vụ và việc theo ý riêng. Xin cho tất cả mọi nẻo đường chúng con đi, đều dẫn chúng con về quê Trời. Xin giúp con mở cánh cửa tâm hồn, vượt lên sự nhút nhát và sợ hãi, thanh thoát và tự do sống theo những giá trị của Tin Mừng, sống những điều mình đã tuyên hứa. Xin ban cho chúng con lòng can đảm để làm chứng cho Chúa giữa thế gian, hầu Tin Mừng được rao giảng và người ta tìm được đường vào Nước của Thiên Chúa. Amen.

    Tập sinh Đa Minh Thái Bình

    Bài viết liên quan