1. Bài đọc 1: Cv 10, 34a. 37-43
“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.
Đó là Lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.
3. Bài đọc 2: Cl 3, 1-4
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
4. Ca tiếp liên:
(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
5. Tin Mừng: Ga 20, 1-9
“Ông đã thấy và đã tin”.
✠ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3 Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.
Đó là Lời Chúa.
5. Suy niệm:
Suy niệm 1:
Sau những ngày chay thánh, đặc biệt là Tam Nhật Thánh, chúng ta được sống lại với Chúa Giêsu trong những ngày cuối cùng của Ngài trên dương thế, trong sứ vụ cứu chuộc con người; Hôm nay toàn thể Giáo hội hân hoan mừng Chúa Phục Sinh như Ngài đã tiên báo. Đấng đã chịu biết bao đau khổ, đón nhận nhục hình chỉ vì yêu thương nhân loại. Nếu con người nhìn cái chết của Chúa là một sự thất bại, thì hôm nay chính Đấng ấy đã mặc khải cho nhân loại về Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Ngài đã chiến thắng tử thần và đã thật sự sống lại vinh quang.
Chiếu theo Tin Mừng hôm nay, những con người thân cận của Chúa đã có những phản ứng khác nhau trước biến cố ngôi mộ trống. Nỗi đau buồn vì sự ra đi của Thầy đã khiến các môn đệ hoang mang, lo lắng, sợ hãi. Ngay sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần bà Maria Mácđala đã đi ra để xức dầu thơm cho Chúa, vì giờ Chúa chết vào áp lễ vượt qua của người Do Thái nên việc chôn cất khá vội vàng. Đứng trước sự việc lạ lùng: “tảng đá đã lăn khỏi mộ” (Ga 20,1), bà lập tức chạy về báo tin cho các môn đệ rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (Ga 20,2). Bà không nhận ra Chúa đã sống lại. Yêu Chúa càng nhiều, sự mất mát lại càng lớn khi chứng kiến cái chết tang thương, cái chết “mất xác”. Nỗi đau đè nặng, bà hy vọng các môn đệ có thể tìm thấy xác Người. Khi được báo tin, hai môn đệ thân tín của Chúa cũng vội vàng chạy ra mộ. Ông Phêrô vào trước và ngỡ ngàng khi thấy mọi thứ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; không giống như vừa “mất trộm” (x.Ga 20,6-7). Bấy giờ ông Gioan, người môn đệ Chúa yêu cũng đi vào, “ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Vì yêu Chúa, vì cảm nhận được Chúa yêu nên ông Gioan đã theo sát Chúa đến tận đồi Calvario, đã ở cùng Chúa trong những giờ khắc cô đơn nhất; nhưng có lẽ đến giờ này, khi đứng trước mộ Chúa, ông mới nghiệm thấy lời Chúa Giêsu đã tiên báo về cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của Ngài. Ngài phải trỗi dậy từ cõi chết đúng như lời Kinh Thánh (x.Ga 20,9).
Nhìn vào ba nhân vật nói trên, chúng ta rút ra được bài học gì trong cuộc sống? Mỗi người chúng ta, trong bao năm qua đã cùng nhau sống hành trình của người kitô hữu, đặc biệt cùng nhau cử hành cách long trọng Tuần Thánh và hôm nay chúng ta mừng Chúa Giêsu Phục Sinh: mối bận lòng của chúng ta với Chúa như thế nào? Niềm tin của tôi và bạn đã đủ vững vàng? Đời sống thường hằng của chúng ta có trở nên dấu chứng phục sinh của Chúa?
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hai nền tảng thiết yếu của đức tin phục sinh: Kinh Thánh mạc khải chương trình của Thiên Chúa và chứng từ của các tông đồ; Dựa trên kinh nghiệm mồ trống và các lần Chúa hiện ra sau này, chúng ta xác quyết rằng: ý định của Thiên Chúa đã được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chúa đã sống lại thật. Alleluia là lời được tung hô thể hiện niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Mỗi người kitô hữu được mời gọi trở nên chứng nhân về điều này trong đời sống. Với cuộc sống lữ hành trên trần gian, mỗi ngày sống của chúng ta là một cuộc chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, là cuộc chiến đấu giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Trong mỗi chọn lựa của ta, ta đang chết đi cho tội lỗi để phục sinh với Chúa. Với ơn của Chúa phục sinh, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và sức mạnh để vượt qua những ngang trái của cuộc đời, vượt qua những đam mê bất chính, những gông cùm của ghen ghét, thù hận, ích kỷ, hẹp hòi để trở dấu chứng của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã chết để đem sự sống mới và niềm vui đến trong tâm hồn chúng con. Xin thêm sức cho lòng tin yếu kém của chúng con, cho từng người chúng con biết nhận ra Chúa trong từng biến cố thăng trầm của cuộc đời. Từ đó, luôn biết làm mới cuộc đời mình bằng một lối nhìn tích cực, bằng con tim yêu thương để sức sống của Chúa Phục Sinh lan tỏa trong cuộc đời chúng con, để trong niềm hy vọng mỗi người chúng con sẽ được phục sinh với Ngài trong ngày sau hết.
Tập sinh Đa Minh Thái Bình
Suy niệm 2: Đấng chiến thắng
Một chi tiết nhỏ trong trình thuật thương khó của Thánh sử Gioan đáng chúng ta lưu ý: ngôi mộ Chúa Giêsu được an táng là một ngôi mộ mượn của người khác. Tác giả viết như sau: “Nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai”. Thánh sử rất cẩn thận và chi tiết, khi nói đến một ngôi mộ mới, lại còn nhắc thêm: “chưa chôn cất ai”. Sự kiện Chúa Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn của người khác diễn tả sự nghèo khó đến tột cùng của Con Thiên Chúa làm người. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa không có đến một mảnh vải che thân. Hơn thế nữa, những kỳ lão, biệt phái và người dân thành Giêrusalem đi qua còn buông lời chế diễu Người. Trên thập giá, Người trở nên người nghèo hơn hết trong số những người nghèo. Không chỉ nghèo về vật chất, khái niệm “nghèo” còn được thể hiện qua sự tín trung và phó thác nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Việc Chúa Giêsu được an táng trong một ngôi mộ mượn, cũng cho chúng ta thấy một góc cạnh khác của mạc khải. Thông thường, khi ta mượn của ai cái gì, ta chỉ dùng tạm, sau đó trả lại cho người có quyền sở hữu. Đức Giêsu được an táng trong ngôi mộ mượn, và Người cũng chỉ ở đó một thời gian ngắn. Đến ngày thứ ba, Người đã phục sinh, vinh quang sáng láng bước ra khỏi mồ. Ngôi mộ này chỉ là mượn. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới con lừa Chúa cưỡi khi tiến vào thành Giêrusalem, cũng là con lừa đi mượn (x Lc 19,28-34). Phòng tiệc ly nơi Chúa mừng lễ Vượt Qua cũng là phòng đi mượn (x. Lc 22,7-13). Thân xác của Người không nằm yên trong mồ tối và chịu hư nát do tác động của thời gian. Ngôi mộ mượn ấy chỉ là điểm tạm dừng, chỉ là thời gian lắng đọng để giúp chúng ta suy tư về sự chết và sự sống nơi Thiên Chúa cũng như nơi con người. Đức Giêsu phục sinh đã chứng minh với chúng ta quyền năng Thiên Chúa nơi kiếp sống nhân sinh. Giây phút Chúa sống lại là một thời khắc quan trọng của lịch sử. Đó cũng là một điều phi thường của đức tin.
Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự sống đã chiến thắng sự chết. Khi bị bắt ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã nói với những người lính Do Thái: “Đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm” (Lc 22,53). Những gì xảy ra liên tiếp sau đó, cho thấy có vẻ như quyền lực tối tăm đã chiến thắng. Những kinh sư và người biệt phái, thậm chí cả thày Thượng tế, đều hả hê trước cái chết của Chúa Giêsu, vì họ đã diệt được một đối thủ. Đối thủ này dám lên án họ với những lời lẽ gay gắt. Sự phục sinh của Chúa đã đảo ngược tình thế. Sự sống đã chiến thắng sự chết. Đức Giêsu đã sống lại như Người đã nói trước đó. Cái chết và quyền lực của tối tăm đã thất bại. Sau này, thánh Phaolô đã mạnh dạn thách thức: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15,55).
Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, sự thiện đã chiến thắng sự ác. Trước những lời vu khống của một số kỳ lão Do Thái, trước sự hành hạ phỉ nhổ của quân lính Rôma, Chúa Giêsu vẫn khiêm nhường đón nhận. Người không dùng bạo lực để đối lại với bạo lực. Người như con chiên hiền lành bị đem đi xén lông. Chúa Giêsu là nạn nhân của bạo lực, của ghen ghét và hận thù. Cái chết trên thập giá và nhất là lời Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình chính là sự chiến thắng của sự thiện trên sự ác. Qua cái chết trên thập giá, Chúa nói với chúng ta: ở đời này, không phải lúc nào sự chết cũng là một thất bại, và không phải lúc nào kẻ mạnh hơn cũng là người chiến thắng. Đem hận thù đối lại với hận thù, chỉ làm cho hận thù càng chồng chất. Đem tình yêu vào nơi oán thù, sẽ làm cho hận thù tiêu tan. Đời sống cụ thể của chúng ta đã hơn một lần chứng minh điều ấy.
Trong sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, niềm hy vọng chiến thắng sự thất vọng. Kể từ khi Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, cây gỗ gồm một thanh ngang và một thanh dọc đã trở thành biểu tượng của hy vọng đối với các Kitô hữu. Đây không phải là sự ru ngủ, mua chuộc hay mị dân. Trái lại, niềm hy vọng đến từ quyền năng của Thiên Chúa. Hãy nhìn xem hai người trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu: một người khước từ tin vào Chúa và thậm chí phê phán thách thức Người; trái lại, người kia lại cầu xin với lòng thành tín cậy trông. Người “trộm lành” đã được Chúa hứa ban thiên đàng ngay ngày hôm đó. Sự kiện này nhắc nhở chúng ta: dù tội lỗi đến đâu cũng không mất niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến gặp những ai đang mang gánh nặng cuộc đời, Người mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28),
Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến nâng đỡ những ai đang kiếm tìm chân lý và ý nghĩa cuộc đời, nhất là các bạn trẻ. Người khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,16).
Ngày hôm nay, Đức Giêsu Phục sinh đến đổi mới tâm hồn những ai tin vào Người, với niềm xác tín “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16.16).
Ngày hôm nay, thế giới Kitô giáo đứng trước ngôi mộ trống và mang tâm trạng như tông đồ Gioan: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Ngôi mộ mượn của người khác chỉ là một điểm dừng chân của Chúa Giêsu. Người đã sống lại. Người đã chiến thắng tử thần và lòng hận thù ghen ghét. Người cũng đem lại niềm hy vọng cho những ai đang đau khổ chán chường do sức ép của gánh nặng cuộc đời. Ngôi mộ của người tín hữu cũng chỉ là nơi ở tạm, đợi ngày thân xác được phục sinh trong ngày tận thế. Mỗi chúng ta, khi mừng lễ Phục Sinh, hãy cùng với Chúa chiến thắng những tội lỗi bủa vây xung quanh chúng ta. Như thế chúng ta sẽ trở thành những người tự do, nhờ ân sủng của Đấng Phục sinh.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Suy niệm 3:
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bóng tối ảm đạm còn bao phủ địa cầu, và cũng bao phủ trái tim của bà Maria Mađalêna và các tông đồ. Họ là những người đã theo Chúa Giêsu ba năm, hoàn toàn hy vọng và yêu mến kính phục vị ngôn sứ thành Nazareth. Họ đã nghĩ rằng Người sẽ thiết lập một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên của tự do, của công chính và yêu thương. Nhưng, tất cả đã đổ vỡ. Niềm hy vọng của họ chợt vụt tắt. Đức Giêsu, người mà họ đặt để niềm hy vọng, nay đã bị hành hình và bị treo trên thập giá cho tới chết. Trong sự đau đớn khôn nguôi, các tông đồ tháo xác Chúa khỏi thập giá và an táng trong một ngôi mộ. Tâm sự của hai môn đệ trên đường đi Emmau đã diễn tả sự thất vọng chán chường này.
Trong đời sống của chúng ta, đôi khi cũng có những ảm đạm trong lòng, giống như tâm trạng của các tông đồ và của những người phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu sau biến cố thập giá. Có thể đó là thất nghiệp, mâu thuẫn gia đình, bệnh tật, tai nạn. Có những lúc chúng ta muốn buông xuôi tất cả, mặc cho cuộc đời trôi nổi theo số phận trước những bế tắc.
Bầu khí ảm đạm trầm buồn không phải là định mệnh, và cũng không thống trị mãi mãi. Cùng với ánh nắng ban mai của ngày mới đầu tuần, một ánh sáng kỳ diệu khác đã bừng lên từ nơi nấm mộ ảm đạm tăm tối. Từ đây, những điều mới mẻ đã khởi đầu. Chúa Giêsu không còn trong ngôi mộ nữa. Sự ngăn nắp trong ngôi mộ minh chứng đây không phải là một vụ trộm cắp. Tấm khăn liệm vẫn còn đó, như một lời chứng về sự phục sinh. Nhờ những dấu chỉ này, tông đồ Gioan đã tin tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói trước đó. Sau đó là các tông đồ khác, bà Maria Mađalêna và một số người cũng được gặp gỡ Đấng Phục sinh. Họ đã gặp Người khi còn sống, đã chứng kiến cái chết đau thương của Người trên thập giá và giờ đây họ được gặp Người bằng xương bằng thịt, hoàn toàn mới mẻ. Từ nấm mồ, niềm hy vọng đã bừng lên. Niềm vui vỡ òa.
Nội dung chính của sách Tông đồ Công vụ là chứng minh Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết và Người đang hiện giữa các cộng đoàn tín hữu. Chính sự hiện diện của Đấng Phục sinh đã làm nên sức mạnh và sự gắn kết giữa các Kitô hữu. Lời giảng của tông đồ Phêrô (Bài đọc I) là lời chứng hùng hồn về Đấng Phục sinh của một người đã mắt thấy tai nghe. Phêrô là người đã gặp Chúa Giêsu trước cuộc khổ nạn, trong cuộc khổ nạn và sau cuộc khổ nạn. Ông can đảm làm chứng: Chúa Giêsu chịu chết và ngày thứ ba sống lại đúng như lời Kinh Thánh. Từ nay, những ai tin và kêu cầu danh Chúa Giêsu thì sẽ được ơn tha tội.
Sự kiện Phục sinh là một tin vui và nguồn hy vọng đối với chúng ta hôm nay, vì nó khẳng định: Những thất bại và khó khăn của cuộc sống không thể chặn bước chúng ta nếu chúng ta gắn bó với Chúa trong vinh quang cũng như đau khổ; trong thành công cũng như thất bại. Các tông đồ đã thực sự trải nghiệm điều này. Phêrô trước đó đã chối Thầy mình đến ba lần. Có thể ông tự nhủ: “Thế là hết. Từ nay còn ai tin tôi nữa?”. Tuy vậy, Chúa Giêsu, nạn nhân của sự từ chối, vẫn tin tưởng ông và trao cho ông nhiệm vụ lãnh đạo đàn chiên của Người. Phêrô đã lấy lại sự tự tin và ông can đảm rao giảng mà không hề mặc cảm về quá khứ. Các tông đồ khác cũng vậy. Trong cuộc thương khó, vào lúc Chúa Giêsu cần đến các ông nhất, thì các ông lại bỏ Người một mình. Đức Giêsu phục sinh đã đến gặp các ông không phải để khiển trách, mà để ban bình an và giúp các ông kiên vững lòng tin. Hơn nữa, Người đã trao phó cho các ông sứ mạng lên đường để loan báo cho muôn dân tộc tình thương của Chúa Cha, thể hiện qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Các ông đã vượt lên những mặc cảm tội lỗi, hân hoan lên đường theo lệnh truyền của Thầy mình.
Tin vào Đức Giêsu phục sinh, là tin vào ơn phù trợ của Người để khởi đầu một cuộc lên đường mới, dù còn nhiều bất xứng. Từ ngôi mộ tăm tối, ánh sáng đã bừng lên. Mỗi chúng ta, dù trong hoàn cảnh bi đát nào, cũng có thể hy vọng vào sự phục hồi và vào tương lai tươi sáng phía trước. Sống mầu nhiệm Phục sinh, là tin cậy phó thác vào Thiên Chúa quyền năng. Đó cũng là xác tín rằng cuộc đời không đang tiến dần đến sự chết, nhưng đến với sự sống. Bởi lẽ Thiên Chúa yêu thương hết thảy chúng ta, dù chúng ta như thế nào đi chăng nữa. Hãy cùng nói như thánh Phao-lô: “Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Giêsu”.
“Anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự”, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta. Đây là sự trỗi dậy mang tính quyết định, để rồi dù sống giữa thế gian đầy thử thách chông gai, tâm hồn chúng ta vẫn hướng về quê trời, như đích điểm tối hậu của cuộc sống nhân sinh. Đấng Phục sinh đang nâng đỡ và khích lệ chúng ta trong hành trình này.
Giống như các môn đệ, sau khi gặp Đấng Phục sinh, đã mạnh dạn lên đường để loan báo Tin Mừng, chúng ta, Kitô hữu, khi mừng lễ Phục sinh được mời gọi đến với những người chưa biết Chúa, những người đang chán nản và thất vọng, để nói với họ rằng: Thiên Chúa yêu thương các bạn, vì hết thảy chúng ta đều là con cái của Ngài. Ngài luôn mời gọi các bạn trỗi dạy và bước đi theo ánh sáng Chân lý, để đạt tới sự hoàn thiện.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 345 | Tổng lượt truy cập: 6,571,703