1. Bài đọc 1: St 9, 8-15
"Giao ước giữa Thiên Chúa và ông Nôe sau khi ông này được cứu khỏi nướt lụt".
Trích sách Sáng Thế.
Đây Thiên Chúa phán cùng ông Nôe và con cái ông rằng: "Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi, những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa". Và Thiên Chúa phán: "Đây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất. Khi Ta quy tụ mây lại trên trời, mống sẽ xuất hiện trên mây, và Ta sẽ nhớ lại giao ước đã ký kết giữa Ta với các ngươi và mọi sinh vật, và không khi nào nước lụt tiêu diệt mọi loài như thế nữa!"
Đó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Đáp: Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa (x. c. 10).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
3. Bài đọc 2: 1 Pr 3, 18-22
"Hiện giờ phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em giống như thể thức ấy".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại. Với Thần Linh, Người đã đến rao giảng cho những tâm hồn bị giam cầm, cho những kẻ xưa kia có lúc không tin, đang khi lòng nhân từ Chúa còn khoan giãn lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, sau khi về trời, đã bắt các thiên thần, các quyền thần và các đạo binh suy phục Người.
Đó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Mc 1, 12-15
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Ðó là lời Chúa.
5. Suy niệm: Tội lỗi và tình thương
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Đối với người tín hữu, đây là “thời Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2). Sống tinh thần Mùa Chay là khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều tội lỗi, đồng thời nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Nhờ tình thương, chúng ta được canh tân đổi đời và nên giống Chúa Giêsu trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta được mời gọi thực hành những việc đạo đức truyền thống như chay tịnh, hãm mình, hy sinh, cầu nguyện. Thoạt nghĩ đến những thực hành này, chúng ta thường coi đó là những ràng buộc nặng nề, làm giảm tự do ngăn cản ham muốn hưởng thụ của chúng ta. Tuy vậy, những việc đạo đức của Mùa Chay, nếu được thực hiện có ý thức, sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, sống đẹp lòng Chúa và sống tốt với anh chị em mình.
Bài đọc I trích sách Sáng thế giúp chúng ta rút ra bài học từ một biến cố trong quá khứ. Đây cũng là một kinh nghiệm về lòng từ bi hay thương xót của Thiên Chúa, mặc dù con người tội lỗi phản nghịch. Vào thời xa xưa, đã có lúc nhân loại trở nên xấu xa và đầy tội lỗi. Chúa đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi cả dòng giống con người. Tác giả sách Sáng thế diễn tả với nỗi đau đớn: “Thiên Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 5,6). Ngài đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi loài người và mọi loài thụ tạo, để thiết lập một dòng giống mới, tinh tuyền thánh thiện hơn. Dòng giống này phát sinh từ gia đình ông Nôê, người sống đạo đức và kính sợ Chúa. Bằng con tàu khổng lồ ông đã chuẩn bị theo lệnh truyền của Chúa, gia đình ông và các loại có cây, súc vật, chim trời đã trở thành những nhân tố đầu tiên của cuộc sáng tạo mới sau khi nước hồng thủy rút đi. Nước vừa có sức mạnh hung dữ nhấn chìm mọi tạo vật, vừa có khả năng làm sinh ra một thế hệ mới. Các hiền sĩ Do Thái đều nhìn nhận biến cố này diễn tả thân phận tội lỗi của con người và lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Đoạn sách Sáng thế chúng ta được nghe hôm nay là kế hoạch của Thiên Chúa sau khi nước hồng thủy đã rút đi. Thiên Chúa hứa với ông Nôê và các con ông: từ nay về sau sẽ không bao giờ tái diễn sự hủy diệt tàn khốc như vậy. Lời hứa của Chúa được gọi là giao ước, và được đánh dấu bằng cầu vồng trên các tầng mây. Sau này, thánh Phêrô và các nhà thần học đầu tiên của Giáo Hội đều giải thích Đại hồng thủy là hình bóng của bí tích Thánh tẩy (Bài đọc II). Thánh nhân còn diễn tả: “Lãnh nhận phép Rửa, không phải để được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô”. Nhờ dòng nước tái sinh, con người cũ của chúng ta đã chết đi để nhường chỗ cho con người mới, tức là con người được ân sủng của Chúa nâng đỡ và thánh hóa. Nhờ tình thương của Chúa, nhất là nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người một giao ước mới. Đây là giao ước được ký kết trong máu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, để quy tụ muôn dân về một mối, làm thành gia đình của Thiên Chúa có Chúa Giêsu là trưởng tử.
Việc cảm nhận thân phận tội lỗi sẽ dẫn chúng ta tới sự sám hối chân thành để cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay sẽ giúp chúng ta lãnh nhận ơn tha tội, được trở nên con người mới. Chúa nhật đầu tiên này của Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng vào sa mạc với Chúa Giêsu để tìm lại chính mình. Bởi lẽ, giữa biết bao bon chen giành giật của cuộc sống, nhiều khi chúng ta trở thành vong bản, tức là đánh mất bản thân, sống trong lầm lạc, không có định hướng và tương lai. Khi diễn tả Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú” trong sa mạc, Thánh Máccô giúp chúng ta liên tưởng tới khung cảnh vườn địa đàng thuở ban sơ, ở đó, mối tương quan Thiên Chúa – Con người và Tạo vật rất hài hòa êm đẹp, niềm vui và hạnh phúc luôn tràn trề viên mãn. Nếu biết sống tinh thần sa mạc giữa lòng đời, chúng ta sẽ được gặp Chúa, được tâm sự với Ngài và được Ngài hướng dẫn, giúp chúng ta bước theo đường ngay nẻo chính. Thực hành tốt những việc đạo đức của Mùa Chay (cầu nguyện, chay tịnh và bác ái) chính là sống tinh thần sa mạc, nhờ đó, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, để cùng với Người đem phần rỗi cho anh chị em. Tinh thần sa mạc giúp ta có sức mạnh để chiến thắng cám dỗ đang bủa vây xung quanh chúng ta.
“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đó là lời rao giảng mở đầu trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Hai ngàn năm đã qua, lời kêu gọi này vẫn mang tính cấp bách. Bởi lẽ con người khước từ lời Chúa, chuộc sống gian dối hơn là sự thật; thích chiều theo lối sống thế gian hơn là hy sinh để nên trọn lành. Nhờ sám hối, chúng ta được hòa giải với Chúa và với anh chị em, để cùng nhau tiến bước trên con đường về nhà Cha, Đấng luôn yêu thương và chúc phúc cho chúng ta.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 230 | Tổng lượt truy cập: 4,164,622