1. Bài đọc 1: 2 V 4, 8-11. 14-16a
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó”.
Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): “Bà muốn chúng ta làm gì cho bà ?” Giêzê nói rằng: “Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già”. Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”.
Đó là lời Chúa.
2. Đáp ca:
Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19
Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (c. 2a).
Xướng:
1) Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.
2) Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.
3) Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Đấng Thánh của Israel.
3. Bài đọc 2: Rm 6, 3-4. 8-11
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Đức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Đức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Đó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Mt 10, 37-42
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
5. Suy niệm: Đức ái trọn hảo
Nội dung các Bài đọc Lời Chúa của Chúa nhật 13 Thường niên có thể tóm gọn trong hai từ, đó là “đón tiếp”. “Đón tiếp” là nghĩa cử của yêu thương, của lòng bao dung và bác ái. Ý nghĩa của từ “đón tiếp” không chỉ dừng lại ở việc “cho khách đỗ nhờ”, mà còn được hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Khi có tâm tình đón tiếp, là chúng ta thực hiện Đức Ái ở mức hoàn hảo.
Nội dung Bài sách thánh thứ nhất, trích trong sách Các Vua quyển thứ hai, tương tự như một trình thuật về ông A-bra-ham và bà Sa-ra trong sách Sáng thế. Hai ông bà đã cao niên mà không có con nối dòng. Trong một lần được đón tiếp chu đáo, các vị Sứ thần của Thiên Chúa đã hứa với ông bà: “Bằng giờ sang năm, bà Sa-ra sẽ sinh con trai”. Điều này thật khó tin, đến nỗi bà Sara bật cười (x. St 18,1-15). Sau này, bà đã sinh hạ Isaac vào lúc ông A-bra-ham đã 100 tuổi. Cũng tương tự như vậy, cặp vợ chồng ở Su-nêm đã đón tiếp ngôn sứ Ê-li-sa, là người của Thiên Chúa, và ông này đã nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng”. Lời tuyên bố của vị ngôn sứ sau đó đã được thực hiện. Như thế, sự niềm nở đón tiếp là một trong những lý do để nhận được lời chúc phúc đến từ Thiên Chúa và các vị sứ giả của Ngài. Khi A-bra-ham và bà Sa-ra, cũng như cặp vợ chồng ở Su-nêm, đã đón tiếp “Người của Thiên Chúa”. Họ đã thể hiện một lòng mến hoàn hảo.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng nhấn mạnh đến sự đón tiếp. Nếu hai cặp vợ chồng trong Cựu Ước nhờ sự đón tiếp nồng hậu mà được Chúa thưởng cho sinh con nối dòng, thì đối với những ai đón tiếp Chúa Giê-su sẽ đạt phần thưởng cao quý là được gặp Chúa Cha.
Phần đầu của bài Tin Mừng trong Chúa nhật này có thể làm cho chúng ta cảm thấy “sốc”. Bởi lẽ Chúa mời gọi dành cho Người một tình yêu vượt lên mọi mối tương quan huyết nhục thiêng liêng là cha mẹ anh em họ hàng. Hãy tìm hiểu đôi chút bối cảnh xã hội của bài Tin Mừng. Vào thời đó, một số người Do Thái tin Đức Giê-su là Đấng Thiên sai và thành tâm đón nhận giáo huấn của người. Những người này gặp rất nhiều khó khăn đến từ phía các chức sắc Do Thái giáo và từ phía gia đình. Nhiều người thậm chí bị cha mẹ và gia đình tẩy chay. Chúng ta nhớ lại trường hợp Chúa Giê-su chữa lành người mù bẩm sinh, được trình bày trong Tin Mừng thánh Gio-an. Cha mẹ anh cũng không dám can thiệp vì sợ bị đuổi ra khỏi hội đường. Qua lời giáo huấn trong Tin Mừng, Chúa Giê-su muốn khẳng định: những ai muốn tin theo Người, phải dành cho Người một lòng mến ưu tiên. Phải can đảm chấp nhận vượt lên mọi ràng buộc và đôi khi phải chấp nhận hy sinh đối với những mối liên hệ thiêng liêng thân thiết. Những lời Chúa Giê-su không thể được coi như sự miệt thị hoặc khinh thường những người thân. Bởi lẽ liền sau đó, Chúa dạy chúng ta phải yêu thương kể cả những người bé mọn. Một chén nước lã rất đơn giản, nhưng cũng có giá trị nếu chúng ta cho đi vì lòng mến. Như thế, tình yêu mến dành cho Chúa là nền tảng cho những mối liên hệ khác. Người tin vào Chúa Giê-su không chỉ giới hạn tình yêu của mình nơi những người thân, mà còn trải rộng và lan tỏa đến mọi người, kể cả những người bé mọn vô danh trong cuộc sống.
Là Ki-tô hữu, chúng ta được Chúa đón tiếp vào gia đình của Người. Thánh Phao-lô (Bài đọc II) suy tư về ý nghĩa của Bí tích Thanh Tẩy. Nhờ được “dìm mình trong sự chết của Đức Giê-su”, chúng ta trở nên tạo vật mới và được Người đón nhận vào Giáo Hội. Chúng ta trở nên nghĩa thiết với Người và nghĩa thiết với tất cả anh chị em Ki-tô hữu trên toàn thế giới. Chính vì thế mà chúng ta thường gọi Giáo Hội là “gia đình của Chúa”. Cộng đoàn giáo xứ cũng được gọi là một gia đình. Bởi lẽ mọi thành viên đều được mời gọi sống chan hòa yêu thương nhau, noi gương tình yêu hy sinh của Chúa Giê-su.
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy”. Hành trình của người môn đệ Đức Giê-su cũng là hành trình thập giá. Nói cách khác, người môn đệ khước từ thập giá, sẽ không phải là môn đệ đích thực. Chúa Giê-su đã khẳng định điều đó. Lời Chúa không khuyên chúng ta đi tìm thập giá cho mình, cũng không chủ trương một thứ bệnh hoạn thích đi tìm đau khổ hoặc thích làm cho người khác đau khổ. Chúa không bao giờ tạo ra thập giá rồi đặt trên vai chúng ta, vì bản chất của Người là tốt lành và yêu thương. Thập giá là gánh nặng, là khổ đau, là mâu thuẫn, là những bất đồng trong cuộc sống nhân sinh. Có những khi thập giá đến từ bên ngoài; có những lúc thập giá đến do những bất cẩn của bản thân. Vác thập giá là đón nhận những thử thách gian nan và những đau khổ với tâm tình của Chúa Giê-su. Trong hành trình thập giá cuộc đời, có Chúa Giê-su cùng vác với chúng ta. Người thêm sức để chúng ta có thể vượt qua thập giá mà đến vinh quang.
“Khi hiến thân, là khi được nhận lãnh; khi thứ tha, là khi được tha thứ, khi quên mình, là lúc gặp lại bản thân; khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Nội dung “Kinh Hoà Bình” mà chúng ta vẫn hát là lời cầu nguyện của Thánh Phan-xi-cô khó khăn. Lời kinh này diễn tả một triết lý xem ra trái ngược với lối suy nghĩ thực dụng của người đời. Tuy vậy, đó lại là tinh thần Tin Mừng, thể hiện lời dạy của Chúa Giê-su.
Lời Chúa hôm nay lưu ý chúng ta: chúng ta đã đón tiếp Chúa vào cuộc đời như thế nào? Đón Chúa đến trong cuộc đời không chỉ thể hiện qua lòng đạo đức cá nhân, mà còn hệ tại ở việc đón tiếp tha nhân. Cuộc sống gia đình hay cộng đoàn là một chuỗi những khác biệt: khác biệt về quan điểm, về sở thích, về nguồn gốc, về lối sống. Đón tiếp anh chị em mình, như trên đây đã nói, không phải chỉ là “cho khách đỗ nhờ”, mà còn là chấp nhận những khác biệt của người khác để tạo nên một cuộc sống hài hoà.
Ông A-bra-ham và bà Sa-ra đã được Chúa cho sinh con ở tuổi già. Cặp vợ chồng ở Su-nêm cũng thế. Họ đã được ơn lạ, nhờ quảng đại đón tiếp các vị sứ giả của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đang đi ngang qua cuộc đời của chúng ta. Hãy mở rộng tâm hồn để đón tiếp Người. hãy dành cho Người một “cõi riêng tư” trong tâm hồn chúng ta. Chúa Giê-su tự đồng hóa với những người cô thế cô thân, chúng ta có thể gặp Người ở bất cứ môi trường và hoàn cảnh nào, qua những anh chị em bất hạnh. Nguyện xin Chúa rộng mở con tim chúng ta để chúng ta được gặp gỡ và đón tiếp Người. A-men.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 220 | Tổng lượt truy cập: 4,164,215