1. Bài đọc 1: Cv 2, 42-47
Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.
2. Đáp ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở
Xướng:
1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
3. Bài đọc 2: 1 Pr 1, 3-9
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.
4. Tin Mừng: Ga 20, 19-31
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !”
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.
25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.”
27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”
29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.
5. Suy niệm:
5.1 Đức tin và lòng thương xót - TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Tuyên xưng Đức Ki-tô Phục sinh là thành phần cốt lõi của đức tin Ki-tô giáo, đến nỗi có thể khẳng định Ki-tô giáo là một tôn giáo khởi đi từ biến cố Phục sinh của Đức Ki-tô. Trong xã hội tục hoá và vô thần hôm nay, việc nói đến một người đã chết, đã chôn trong mồ, rồi ba ngày sau sống lại, sẽ bị coi là ảo tưởng viển vông và nhảm nhí. Tuy vậy, bất chấp mọi con sóng ác liệt của sự vô tín, Giáo Hội Công giáo vẫn vững vàng tuyên xưng: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, chúng con tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.
Xét theo khía cạnh loài người, việc một người đã chết ba ngày rồi sống lại đúng thật là một điều không tưởng. Tuy vậy, nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng, thì việc làm cho một người đã chết rồi sống lại là một điều đơn giản và bình thường đối với Ngài, bởi lẽ “đối với Chúa, không có gì là không làm được”. Thiên Chúa là Chúa của những điều không thể. Ngài làm cho những điều không thể, thành những điều có thể. Đức tin của chúng ta không đặt nền trên những nhân vật trần thế hoặc những quy luật của thế giới vật chất, nhưng đặt nền tảng trên chính Thiên Chúa là Đấng quyền năng.
Đối với người Ki-tô hữu, chúng ta không đặt vấn nạn “Đức Ki-tô sống lại như thế nào?”, mà là vấn nạn “Đức Ki-tô sống lại để làm gì?”, tức là chúng ta đi tìm ý nghĩa và mục đích của biến cố Phục sinh.
Tông đồ Tô-ma là người đại diện cho trường phái “hiện thực – Realism”, tức là chỉ tin vào những điều mình cảm nhận bằng giác quan, như nhìn thấy, nghe thấy và chạm tới. Chính vì thế, ông đòi bằng được các chứng từ cụ thể của giác quan, như thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa và xỏ ngón tay vào lỗ đinh ở bàn tay Người. Tô-ma cũng như các anh em, đã trực tiếp nhìn thấy Thầy mình bị tra tấn và giết chết. Có thể ông cũng đã chứng kiến (hoặc đã nghe nói) về vết thương ở cạnh sườn Chúa. Những điều kiện ông yêu cầu rất thiết thực và chính đáng. Chúa Giê-su chấp nhận bước vào cuộc thách đố của con người. Người đã hiện ra và đáp ứng những điều kiện của ông Tô-ma. Một số bức tranh nghệ thuật trình bày ông Tô-ma lấy ngón tay trỏ thọc vào vết thương ở cạnh sườn Chúa Giê-su. Tuy nhiên chi tiết này không thực, vì như chúng ta nghe trong Tin Mừng thánh Gio-an, ông Tô-ma chẳng còn tâm trạng nào khi thấy Chúa. Ông run rẩy sợ hãi. Ông có ngờ đâu những thách thức của mình lại được Chúa đáp ứng. Ông chỉ còn lắp bắp thưa với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin, vừa là lời thú tội để xin Chúa tha thứ cho sự cứng lòng của mình. Sự tự tin trước đây đã bị thay thế bằng tâm trạng hoảng sợ và thành kính van xin.
Sự kính sợ cũng là tâm trạng của các tín hữu sơ khai. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã viết: “Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ là nhiều điềm thiêng dấu lạ”. Đây không phải là tâm trạng hoang mang, mà là sự ngưỡng mộ và tôn kính của các tín hữu, vì họ tin Đức Giê-su phục sinh đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu. Chính Người ban cho các Tông Đồ quyền năng và sức mạnh thần thiêng, để các ông có thể làm được những phép lạ, như Chúa Giê-su đã làm trước đây. Nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh mà lời giảng dạy của các ông có sức thuyết phục người nghe, thúc đẩy họ gia nhập Đạo Chúa. Những ai đã tin Chúa thì sống trong hân hoan vui mừng và hăng say thực thi bác ái.
Chúa nhật II Phục sinh cũng là Chúa nhật của Lòng Thương Xót của Chúa. Cầu nguyện và tôn vinh Lòng Thương Xót của Chúa là một hình thức đạo đức bình dân, khởi đi từ sáng kiến của Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng, dựa trên những mạc khải tư Chúa đã tỏ cho thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938), một nữ tu người Ba Lan, thuộc Dòng Các Nữ tu Ðức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của lòng Thương xót. Chúa Giê-su đã nhiều lần hiện ra với nữ tu Faustina và nhận bà là “Thư ký của Lòng Thương Xót”. Trong một lần hiện ra, Chúa Giê-su đã nói với bà:“ Hỡi thư ký của Cha, con hãy viết rằng: Cha rộng lượng với các tội nhân hơn với người công chính. Vì họ, Cha đã từ trời xuống thế; vì họ Cha đã đổ máu ra. Chớ gì họ đừng sợ hãi khi đến gần Cha; họ rất cần đến Lòng Thương Xót của Cha (Nhật ký, số 1275). Trong Nhật ký tâm hồn của mình, chính thánh Faustina thuật lại những điều Chúa đã thực hiện nơi thánh nữ vì ơn ích của tất cả mọi người: lắng nghe Chúa, Đấng là Tình yêu và Thương xót, thánh Faustina hiểu rằng sự khốn khổ của con người không thể sánh với lòng thương xót không ngừng tuôn tràn từ trái tim của Chúa Ki-tô. Do đó, thánh nữ đã trở thành nguồn cảm hứng cho một phong trào loan báo và cầu khẩn Lòng Chúa thương xót trên toàn thế giới.
Một số người đã hiểu tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa là một phương pháp chữa những chứng bệnh hiểm nghèo. Do đó mà có sự lạm dụng, làm lệch lạc ý nghĩa của hình thức đạo đức này. Tôn vinh Lòng Thương Xót của Chúa giúp ta cảm nhận tình yêu thương vô biên của Ngài, thể hiện qua công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc, đồng thời mời gọi chúng ta hãy thực thi lòng thương xót với anh chị em. Đã có rất nhiều người được ơn, khi họ thành tâm cầu nguyện với Lòng Thương Xót của Chúa. Điều đó thật chính đáng và hợp lý, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.
“Phúc thay những người không thấy mà tin”. Xin Chúa cho chúng ta niềm xác tín vào sự Phục sinh của Đức Ki-tô Con Chúa. Qua Đấng Phục sinh, chúng ta đón nhận muôn ơn lành do lòng Thương Xót của Chúa Tình Yêu. Amen.
5. 2 Vết thương của Đấng Phục Sinh - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Tin Mừng thánh Gio-an (Ga 20, 19-31) mô tả, Chúa Ki-tô Phục Sinh hiện ra tỏ cho các Tông Đồ, đặc biệt thánh Tô-ma đã tận mắt thấy những vết thương của đôi tay, chân và cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh.
Câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao Chúa Giê-su sống lại rồi mà trên thân thể vẫn con mang những vết thương?
Thưa: Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh mang những vết thương. Chỉ có một mình Chúa Giê-su Phục Sinh mang những vết thương mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Những vết thương ấy là của chúng ta, vì tội lỗi chúng ta đã gây ra cho Chúa, và cả sự cứng lòng cũng như sự thù hận anh em của chúng ta. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giê-su Phục Sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và sống trong bình an.
Vết thương mang lại bình an
Tin Mừng mô tả: Khi các môn đệ đang khóa mình sau những cánh cửa đóng kín, đầy sợ hãi, đau khổ. Bỗng Chúa Giê-su hiện ra đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Chúng ta tự hỏi: Các môn đệ Chúa Giê-su đang cần gì? Thế giới đang cần gì? Nước Việt nam cần gì? Bản thân chúng ta cần gì? Thưa: Bình an!
“Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Ðây không phải là một lời chào, cũng không phải là một lời cầu chúc đơn sơ, nhưng là ơn quí trọng Chúa Ki-tô Phục Sinh cống hiến cho các mộn đệ sau khi đã trải qua cái chết thương đau.
“Bình an cho các con!” (Ga 20, 19-21). Đây là hồng ân phát sinh từ những vết thương vinh quang, mà Tô-ma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau. Thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Người trao ban bình an cho các môn đệ như lời Người đã hứa: “Thầy ban bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban” (Ga 14,27). Bình an này là chiến thắng của Chúa Ki-tô Phục Sinh, hoa trái tình yêu của Thiên Chúa trên sự dữ và tha thứ. Các môn đệ hết sức vui mừng khi Chúa trao ban bình an. Sợ hãi cũng biến mất nơi các ông.
Hơn một năm qua, trên các phương tiện truyền thông báo chí, chúng ta vẫn nghe chiến tranh tại Ucraina. Vậy nhân loại cần gì? Thưa: Bình an, chỉ có Chúa Ki-tô Phục Sinh mới cứu con người khỏi chiến tranh và ban bình an cho thế giới. Nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta nói riêng đều cần bình an. Nếu con người biết yêu thương nhau, thì con người mới xứng đáng lãnh được bình an của Chúa Ki-tô, và chiến tranh mới lui dần. Con người càng thương xót nhau, càng yêu thương nhau, thì chiến tranh càng bị đẩy lùi. Vì vậy chúng ta phải thành thật nhận lỗi của mình thì chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới hòa bình. Chúng ta hãy xin với Chúa Giê-su Phục Sinh xót thương và ban bình an cho thế giới.
Vết thương của sự tha thứ
Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23). Chúa Giê-su trao phó cho các ông hồng ân “tha thứ các tội lỗi” diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ và tha thứ đổ xuống trên toàn thế giới, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho thế giới niềm hy vọng. Cử chỉ trao ban bình an của Chúa cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những được thứ tha và thành thừa tác viên của Bí tích Hòa giải.
Từ sợ hãi đến niềm vui
“Những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái” (Ga 20,19). Không phải sợ. Hầu như sợ hãi là không thể nhưng chúng tồn tại và có thật. Sợ hãi làm cho cửa lòng mình đóng lại với người khác. Sau khi Chúa chết, nhà các môn đệ giống như ngôi mộ, họ sống với sự sợ hãi, sợ chết. Chúa Giê-su không còn ở trong Mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Đấng hằng sống“ (Kh 1,8), Đấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Cái chết đã bị đánh bại: vậy thì còn gì phải sợ? “Họ vui mừng khi thấy Chúa” : các môn đệ từ sợ hãi đến vui mừng.
Chúa vui, các môn đệ vui, niềm vui của tình Thầy trò bén dễ sâu trong tình yêu. Niềm vui này không tách rời khỏi Thập Giá, nhưng trong khả năng của mình, con người có thể hiểu được Thập Giá và thảm kịch của con người. Bình an và niềm vui là những “món quà” của Chúa Ki-tô, đồng thời “dấu chỉ” để nhận biết Người. Sự bình an và niềm vui nảy nở trong tự do và hy sinh.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ của lòng nhân từ và hay thương xót, xin giúp chúng con là con cái Mẹ duy trì lòng tin vào Con Mẹ, Đấng cứu chuộc chúng con. Amen.
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 232 | Tổng lượt truy cập: 4,164,535