Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật tuần 20 - Thường niên - Năm C (Lc 12,49-53)

  • 15/01/2023 18:39
  • Thầy không đến để ban hoà bình, nhưng là đem sự chia rẽ (Lc 12, 51).

     

    1. Bài đọc 1:  Gr 38, 4-6. 8-10

    Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.

    Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: “Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn”. Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết”.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 39, 2. 3. 4. 18

    Ðáp:  Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).

    Xướng:

    1)  Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu.

    2)  Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi. 

    3)  Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa. 

    4)  Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ. 

     

     3. Bài đọc 2: Dt 12, 1-4

    Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

     

    4.  Tin Mừng:  Lc 12, 49-53

    49 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!

    50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

    51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.

    52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.

    53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

     

    5. Suy niệm:   Lửa và gươm

    Tổ chức Open Doors làmột tổ chức quốc tế hơn 60 năm qua dấn thân hỗ trợ các Kitô hữu bị bách hại. Trong cuộc họp ngày 19-1-2022 tại Roma, Tổ chức này đã đưa ra các con số liên quan đến các cuộc bách hại Kitô hữu trên toàn thế giới. Theo đó, trong khoảng thời gian từ ngày 01-10-2020 đến 30-9-2021, có hơn 360 triệu Kitô hữu, ở 76 quốc gia đã bị “bách hại và phân biệt đối xử mạnh mẽ”, so với 340 triệu vào năm 2020. Từ 9 năm qua, bách hại tôn giáo ngày càng gia tăng. Năm 2021, gần 6 nghìn (chính xác là 5.898) Kitô hữu bị giết, tăng 24% so với năm 2020 (4.761 trường hợp) (Nguồn: Vatican News, bản tin điện tử ngày 20-1-2022). Những Kitô hữu này là nạn nhân của những xung đột và kỳ thị tôn giáo. Họ bị ngược đãi và giết chết, chỉ vì họ tin vào Đức Giêsu. Lửa và gươm mà Chúa Giêsu đã nói vẫn đi ngang qua Giáo Hội và qua cuộc đời của mỗi tín hữu. Thập giá vẫn đi ngang qua xã hội hôm nay.

    Đức Giêsu đã dùng hình ảnh lửa và gươm để diễn tả những gian nan thử thách mà những ai tin vào Người sẽ phải trải qua. Khi nói đến lửa và gươm là người ta nghĩ đến chiến tranh, bạo lực, chia rẽ và xung đột. Những ai tin vào Đức Giêsu, phải dành cho Người một mối tình chung thuỷ và ưu tiên, đôi khi phải vượt lên những mối liên hệ huyết thống thiêng liêng. Trong thực tế, một số anh chị em trưởng thành xin gia nhập Đạo gặp chống đối gay gắt từ phía gia đình, anh chị em, vì những người này có thành kiến với Giáo Hội Công giáo. Có những người can đảm chấp nhận những mâu thuẫn để theo Đức Giêsu. Lửa và lưỡi gươm đang đi ngang qua cuộc đời của họ. Tuy vậy, với thời gian, lòng đạo đức và thiện chí tuân theo giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ thuyết phục những người còn nghi ngại, và hoà bình đã trở lại. Niềm vui đong đầy khi việc theo Chúa Giêsu không còn là một mối nghi kỵ.

    Nếu hôm nay chúng ta thấy những người tin vào Chúa bị bách hại, thì đây không phải là điều gì mới mẻ. Từ xa xưa trong lịch sử, các ngôn sứ, là những người được sai đi để nói lời Chúa cũng đã bị bách hại và bạc đãi. Ngôn sứ Giêrêmia là một trong những trường hợp đó. Ông sống ở thế kỷ thứ Sáu trước Công nguyên, trong một bối cảnh vô cùng phức tạp. Đó là thời dân Do Thái sắp sửa bị bắt đi đày ở Babylon. Thay vì những mưu đồ chính trị của vua và triều đình, Giêrêmia chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa, kêu sám hối và canh tân. Vì việc này, các thủ lãnh đã âm mưu giết ông, vì cho ông là người phản loạn, làm nản chí các binh sĩ. Giêrêmia là hình ảnh Đấng Cứu thế. Những gì đã diễn ra đối với ông, sau này cũng đã xảy đến với Chúa Giêsu. Các thượng tế và kỳ mục Do Thái đã tố cáo Chúa là phản loạn và âm mưu chính trị. Nếu ông Giêrêmia được kéo lên khỏi giếng, thì Đức Giêsu đã sống lại ra khỏi mồ, chiến thắng vinh quang. Qua đó, Chúa khẳng định với chúng ta, những ai trung tín với Người sẽ được vinh quang với Người.

    Không chỉ nhìn lửa và gươm với khía cạnh tiêu cực. Lửa mà Chúa Giêsu đem đến trần gian là lửa tình yêu. Vì vậy mà Người khao khát mong cho lửa ấy bùng lên. Người mời gọi chúng ta cộng tác với Người để làm cho lửa yêu thương bừng cháy trong tâm hồn con người và nơi mọi nẻo đường xã hội. Gươm không chỉ để chém giết, nhưng còn để chúng ta biết phân định xấu tốt, để chúng ta sống trung tín với Chúa. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh lưỡi gươm để so sánh với sức mạnh của Lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Nội dung Lời Chúa không phải chỉ khen ngợi mà còn phê phán. Chúa Giêsu khen ngợi những người có lòng tin vững vàng như người đàn bà goá, vị sĩ quan Rôma, nhưng cũng kịch liệt lên án sự giả hình khoe khoang nơi các luật sĩ và biệt phái. Người không ngại ngần gọi quận vương Hêrôđê là “con cáo già” khi ông này đe doạ trục xuất và giết Chúa (x. Lc 13,32). Người tuyên bố sẵn sàng lên Giêrusalem, dù biết rằng nơi đó những đau khổ đang chờ đợi Người.

    Nếu Chúa Giêsu đã đi trên con đường thập giá, và đã cứu độ con người bằng cái chết trên thập giá, thì chông gai thử thách là điều đương nhiên đối với các môn đệ Người. Thánh Phaolô khuyên giáo dân Híp-ri: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em không sờn lòng nản chí”.

    Hành trình Đức tin là hành trình theo Chúa. Đây là một hành trình liên lỉ suốt đời. Hình ảnh lửa và gươm không làm chúng ta nhụt chí, nhưng giúp chúng ta kiên trì trong Đức tin. Bởi lẽ chúng ta biết trước những gì sẽ chờ đợi chúng ta trước mắt: đó là gian nan thử thách, là những chông gai trong cuộc đời. Thế gian là bãi chiến trường. Đã bước vào trần gian là phải qua cuộc chiến đấu khốc liệt, không chỉ để mưu sinh, nhưng còn để nên hoàn thiện. Trong cuộc chiến này, người tín hữu không đơn lẻ, vì có Chúa ở cùng chúng ta. Hãy cùng tác giả Thánh vịnh hát lên lời kinh phó thác: “Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới. Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con”. Xin đừng quên rằng sau thập giá là phục sinh. Sau những cố gắng hy sinh là phần thưởng cao quý Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài cách trọn vẹn.

    +TGM Giuse Vũ Văn Thiên

    Nguồn tin:  https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    Bài viết liên quan