1. Bài đọc 1: Is 55, 6-9
“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.
Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.
Đó là lời Chúa.
2. Đáp ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18
Đáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
Xướng:
1) Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.
2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.
3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.
3. Bài đọc 2: Pl 1, 20c-24. 27a
“Đối với tôi, sống là Đức Kitô”
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô.
Đó là lời Chúa.
4. Tin Mừng: Mt 20, 1-16a
1 “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” 7 Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”
8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12 ”Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
5. Suy niệm: Thiên Chúa công minh
Thoạt đầu, khi mới đọc dụ ngôn những người thợ được mướn vào giờ thứ mười một, nhiều người cảm thấy khó chấp nhận, vì xem ra những nguyên lý thông thường về công bằng xã hội bị hủy bỏ. Người ta thường nêu cao khẩu hiệu “hãy làm việc nhiều hơn để lợi nhuận nhiều hơn”. Thú thực, chúng ta cũng đã từng có cái nhìn phê phán ông chủ giống như những người thợ đã đến làm việc từ giờ đầu tiên, khi chúng chỉ ta quan sát mọi việc theo cái nhìn trần tục.
Thiên Chúa không nhìn mọi việc cùng một cách như chúng ta. Thánh ý của Ngài khác xa tư tưởng con người. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I). Con người nhận định theo tiêu chuẩn công bằng; Thiên Chúa lại nhìn mọi việc theo ánh mắt của tình thương. Nơi Thiên Chúa, vừa có sự công bằng (trả lương như đã hứa), vừa có tình thương (trả lương người cho người đến sau cũng như người đến trước). Ngài là Đấng công minh, tức là vừa công bằng vừa sáng suốt, hiểu thấu lòng con người và những nỗi niềm của họ. Tác giả Mát-thêu đặt câu chuyện dụ ngôn này vào ngữ cảnh các bài giảng của Chúa Giê-su về Nước Trời như một thực tại đã gần đến. Vì thế, nội dung dụ ngôn cũng hướng chúng ta về ngày cánh chung. Người đến trước hay người đến sau, sẽ có lúc phải trình diện trước nhan Chúa, và phải trả lẽ về cung cách sống và làm việc trong vườn nho của Chúa là chính cuộc đời này.
Để giúp chúng ta hiểu thực tại Nước Trời, Chúa Giê-su đảo ngược lý luận của chúng ta về công bằng xã hội. Một sự công bằng xã hội chỉ dừng lại ở những tính toán khắt khe không thể dẫn con người tới hạnh phúc và không thể xây dựng một xã hội huynh đệ, vì nó bỏ rơi những người không có khả năng làm việc và coi họ như không xứng đáng được hưởng những nhu cầu cần thiết.
Sự công bằng của Nước Trời cũng không giống quan niệm về công trạng nơi chúng ta. Đó là sự công bằng xen lẫn với tình yêu, một tình yêu đi đến tận cùng và có thể bị coi như “bất công” theo cái nhìn nhân loại. Đó là điều ông chủ vườn nho đã làm: ông là một người tốt. Ông trả cho mỗi người, không phải theo công lao, nhưng theo nhu cầu của họ. Ông cho đi với lòng rộng rãi bao la, tới mức “hoang phí”. Ông không chỉ dựa trên sản phẩm người thợ làm ra, mà còn nghĩ tới sự công lao khó nhọc của họ. Và, ai là người có thể phán xét và xác định được nỗi khó nhọc, nếu không đó là Vị Thầy nhân lành, khiêm nhường và dịu dàng trong lòng? Đối với Thiên Chúa, mỗi cá nhân trong số những người đang làm việc vì Nước Trời đều xứng đáng nhận được thù lao Tình yêu. Nếu Thiên Chúa công minh như thế, thì nơi Vương quốc của Ngài phải là một nơi không còn sự ghen tị, hiềm thù và cũng chẳng có ai bị lãng quên.
Hãy trở lại với lời mở đầu trình thuật của thánh Mát-thêu: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm trong vườn nho của mình”. Sống trên đời, hết thảy chúng ta đều là những người thợ được ông chủ là Thiên Chúa trao cho công việc phải làm. Chúng ta làm việc bởi công trình sáng tạo, tức là thế giới này, được trao cho chúng ta canh tác và giữ gìn. Từ khởi thủy, con người đã ý thức được trách nhiệm này. Tác giả sách Sáng thế đã viết: “Đức Chúa dẫn con người vào vườn Ê-đen để anh canh tác và giữ gìn” (St 2,15). Chúng ta thường chỉ nhớ đến chữ “canh tác” mà quên chữ “giữ gìn”, nên chỉ biết khai thác mà không biết bảo vệ. Như vậy, vấn đề làm lâu giờ hay ít giờ xem ra không quan trọng. Đó là thời gian và cơ hội để con người vươn tới vĩnh cửu, trong khi chờ đợi Thiên Chúa, Đấng Cứu độ con người. Cũng vậy, làm việc này hay việc nọ; ở nơi này hay nơi kia; được nhận biết hay quên lãng; được tôn vinh hay coi thường… cũng không quan trọng đối với người tín hữu. Đối với thánh Phao-lô, điều quan trọng là được ở với Đức Ki-tô, và như thế, “anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Người”.
Nước Trời là quà tặng miễn phí. Lòng thương xót của Thiên Chúa thì vô biên. Ân sủng của Chúa dồi dào như dòng suối. Điều quan trọng là chúng ta có trân trọng đón nhận món quà Nước Trời Chúa ban, có tín thác nơi Lòng Thương Xót của Ngài và có chủ động đến kín nước thiêng liêng nơi dòng nước ân sủng chứa chan ấy.
“Không có người cha, người mẹ, người con, hoặc bất kỳ người nào khác có thể ấp ủ đối tượng họ yêu dấu bằng một tình yêu lớn lao như tình yêu Thiên Chúa ấp ủ một linh hồn”
(Chân phúc Angela Foligno)
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: https://www.tonggiaophanhanoi.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 221 | Tổng lượt truy cập: 4,164,270