Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật tuần 28 - Thường niên - Năm C (Lc 17, 11-19)

  • 15/01/2023 18:39
  • Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?

     

     

    1. Bài đọc 1:  2 V 5, 14-17

    Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.

    Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: “Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

    Tiên tri trả lời rằng: “Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu”. Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: “Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác”.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

    Ðáp:   Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).

    Xướng:

    1)  Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. 

    2)  Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. 

    3)  Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! 

     

    3. Bài đọc 2: 2 Tm 2, 8-13

    Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.

    Ðây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

     

    4.  Tin Mừng:  Lc 17, 11-19

    11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”. 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

     

    5. Suy niệm:  Lòng biết ơn

    Có một thời, người ta có khuynh hướng bỏ hẳn lời cám ơn trong mối tương quan hằng ngày. Trong thời bao cấp, những nghi thức giao tế bị coi là những hủ tục và tàn dư của thời phong kiến. Người ta chủ trương cuộc sống sòng phẳng, không ai mắc nợ ai, cho nên không ai phải cám ơn ai. Hậu quả là những gương mặt khô như ngói ở những văn phòng hành chính, những cái nhìn lạnh nhạt ở nơi công cộng và những lời nói trống không trong giao tiếp với những người lớn tuổi hơn mình. Cuộc sống thiếu lời cám ơn sẽ trở nên khô khan, đơn điệu, giống như vườn thiếu cây xanh. Lược bỏ phép lịch sự sẽ biến cuộc sống này thành sa mạc hoang dã. Có lẽ vì đã nhận ra hậu quả đáng tiếc của quan niệm này nên gần đây, một số cơ quan mở những lớp dạy cười, dạy nói lời cám ơn và chào hỏi cho nhân viên của mình.

    Biết nói lời cám ơn nhau, con người cũng cần thể hiện lòng biết ơn đối với Thượng Đế. Đó là một trong những mục đích quan trọng của các tôn giáo. Đó cũng là nội dung của lời cầu nguyện Kitô giáo. Thông thường, chúng ta đến với Chúa chỉ để xin ơn. Ít khi chúng ta bày tỏ lòng khâm phục, tri ân và mến mộ đối với Chúa và các thánh. Chúa Giêsu hôm nay khiển trách những người cùi đã được ơn mà không biết cảm tạ Thiên Chúa. Trong mười người cùi được ơn chữa lành, duy nhất có một người quay lại tạ ơn Chúa Giêsu mà người đó lại là người ngoại. Khi ghi lại lời phàn nàn của Chúa, chắc hẳn Thánh Luca cũng nhằm phê phán những người Do Thái luôn cậy mình là dân riêng của Chúa nhưng lại không sống đúng với danh dự cao quý đó. Không những thế, họ lại coi thường những người ngoại. Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, một người ngoại lại mang một tâm hồn đạo đức và biết tạ ơn Chúa. Và như thế, người ấy không còn phải là “người ngoại” nữa, vì đã biết dâng lời tạ ơn Chúa và nhận ra quyền năng của Ngài. Ý tưởng này, chúng ta cũng thấy trong sách Các Vua quyển thứ hai, với trường hợp ông Naaman, một vị tướng của Syria. Sau khi được chữa khỏi, dù là người ngoại, ông đã trở thành một “tín hữu” vì ông tuyên xưng Thiên Chúa của người Ítraen là Thiên Chúa thật: “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ítraen”. Việc xin một khối lượng đất đủ hai con la chở được để đem về quê hương đã chứng minh niềm tin chân thành ấy.

    Nhờ biết sống tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta luôn nhận ra Ngài hiện diện trong cuộc đời. Việc tạ ơn Chúa cũng giúp chúng ta nhìn cuộc sống lạc quan hơn, bởi vì vũ trụ và cuộc sống này là do Chúa tạo dựng. Ngài kêu gọi chúng ta bằng khả năng của mình, cộng tác với Ngài để tô điểm cho trần gian thêm tươi đẹp. Nếu cuộc sống trần gian còn nhiều khiếm khuyết là do con người chưa thiện chí cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Thậm chí có người còn đi ngược với chương trình sáng tạo của Chúa, phá vỡ sự hài hòa của môi trường cuộc sống và gây tai họa cho đồng loại cũng như cho thiên nhiên. Một khi sống tâm tình tạ ơn và tôn thờ Chúa, chúng ta sẽ được Chúa ban những ơn cần thiết phần hồn phần xác. Thiên Chúa như người cha yêu thương con cái. Ngài biết chúng ta cần thiết những gì. Ngài cũng biết rõ những gì đem lại ích lợi đích thực và lâu dài cho chúng ta. Chính Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn lành, theo ý của Ngài và nhằm đến những điều tốt đẹp cho mỗi chúng ta. Cách đây vài ngày (ngày 4-10), chúng ta vừa mừng kính thánh Phanxicô thành Átsidi, cũng gọi là thánh Phanxicô khó khăn. Thánh nhân là người yêu thiên nhiên vũ trụ, vì qua thiên nhiên, ngài khám phá ra sự hiện diện quyền năng của Chúa. Nếu những loài cỏ cây, những bông hoa vô danh nhỏ bé mà còn được Chúa trang điểm yêu thương săn sóc như thế, huống chi con người chẳng lẽ Chúa không thương. Dưới cái nhìn của vị thánh nghèo, mọi vật mọi loài đều luôn cất tiếng ca tụng Chúa, làm thành một bản giao hưởng bất tận tuyệt vời.

    Lòng biết ơn đối với Chúa không chỉ dừng lại ở ngôn từ nơi môi miệng, nhưng phải thể hiện qua việc tuân giữ giáo huấn của Người. Cũng như trong mối tương quan trong gia đình, con cái không thể chỉ biết ơn cha mẹ bằng những lời khuôn sáo, mà lòng biết ơn và yêu mến cha mẹ cần phải được chứng tỏ bằng những việc làm đích thực. Tuân giữ Lời Chúa là cách thể hiện lòng biết ơn tốt đẹp nhất. Một khi chú tâm tuân giữ Lời Chúa, chúng ta mới có khả năng thông truyền Lời Chúa cho anh chị em mình.

    Tin vào lòng thương của Chúa giúp chúng ta kiên vững trong gian nan đau khổ. Thánh Phaolô, một tù nhân vì Chúa Giêsu, đã khích lệ con thiêng liêng của mình là Timôthê. Ngài khẳng định: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa luôn trung thành.

    “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Lời cầu xin thống thiết kèm theo sự xác tín của những người cùi đã được Chúa nhận lời. Họ đã được lành bệnh sau khi đi trình diện với các tư tế theo Luật ông Môisen đã quy định. Người tín hữu khi đến với các linh mục là những tư tế của Tân Ước để thú nhận mọi tội lỗi nơi tòa giải tội cũng được Chúa tha thứ và chữa lành. Qua hành động trung gian của các linh mục, chính Chúa Giêsu chúc lành và nâng đỡ chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể trở lại hòa nhập với đời sống cộng đoàn, nhất là chúng ta được nối kết trong mối tình thân thiêng liêng với Chúa, nhờ lòng yêu mến thiết tha mà chúng ta bày tỏ với Người.

    +TGM Giuse Vũ Văn Thiên

    Nguồn tin:  https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    Bài viết liên quan