Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật Tuần 29 - Năm A (Mt 22,15-21)

  • 21/10/2023 19:35
  • Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).

     

    1. Bài đọc 1: Is 45, 1. 4-6

    “Ta đã cầm tay hữu của Cyrô để bắt các dân suy phục trước mặt nó”.

    Trích sách Tiên tri Isaia.

    Đây Chúa phán cùng Cyrô, kẻ xức dầu của Chúa mà Ta đã cầm tay hữu nó, để bắt các dân suy phục trước mặt nó, bắt các vua quay lưng lại, mở các cửa trước mặt nó, và các cửa không được đóng lại:

    Nhân vì Giacóp tôi tớ Ta, và Israel kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta là Chúa, và chẳng còn chúa nào khác: ngoài Ta ra, không có Thiên Chúa nào nữa. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác.

    Đó là lời Chúa.

     

    2.  Đáp ca:  Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c

    Đáp:  Hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang (c. 7b).

    Xướng:

    1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

    2) Vì Thiên Chúa, Người hùng vĩ và rất đáng ngợi khen, Người khả uý hơn mọi bậc chúa tể. Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác tạo trời xanh.

    3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa.

    4) Mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

     

    3. Bài đọc 2: 1 Tx 1, 1-5b

    “Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em”.

    Khởi đầu thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

    Phaolô, Silvanô và Timôthêu kính gửi giáo đoàn thành Thêxalônica trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.

    Tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa cho mọi người anh em, trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em không ngừng; tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự vững lòng trông cậy của anh em vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta. Hỡi anh em là những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với quyền năng, với Thánh Thần và với lòng xác tín.

    Đó là lời Chúa.

     

    4.  Tin Mừng:  Mt 22,15-21

    Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho ông Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”.

    Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

    15 Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy. 16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không ?”

    18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! 19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” 21 Họ đáp: “Của Xê-da.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

    Đó là lời Chúa.

     

    5. Suy niệm: 

    5.1  Thiên Chúa và Trần gian - +TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

    “Hãy trả cho Xê-da điều thuộc về Xê-da, hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Lời tuyên bố của Chúa Giê-su đã quyết định một ranh giới giữa Thiên Chúa và thế gian. Người tín hữu sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian (x. Ga 15,19). Như đóa sen giữa bùn lầy, vẫn vươn cao và tỏa hương thơm ngát, Ki-tô hữu hòa mình vào cuộc sống trần thế đầy bon chen và gian dối, nhưng không để mình bị lây nhiễm những thói xấu của cuộc đời trần tục. Nói như thế không có nghĩa là coi thường những giá trị trần thế hoặc guồng máy lãnh đạo xã hội. Bởi lẽ tham gia xây dựng một xã hội nhân ái và công bằng chính là điều kiện để trở nên Ki-tô hữu đích thực.

    Xê-da là hoàng đế La mã. Tên đầy đủ của ông là Gaius Julius Caesar (sinh năm 100 TCN, và bị ám sát năm 44 TCN). Ông được coi như người khai sinh ra đế quốc, vì vậy hình của ông được đúc nổi trên đồng tiền trong nhiều thế kỷ. Trong ngôn ngữ thời Chúa Giê-su, nói đến Xê-da là nói đến quyền lực và của cải trần thế. Những người Biệt phái tìm cách gài bẫy Đức Giê-su, khi đặt ra câu hỏi này. Bởi lẽ dù câu trả lời là có nộp thuế hay không nộp thuế, thì vẫn có cớ để làm to chuyện. Không nộp thuế tức là chống lại nhà nước; có nộp thuế thì chẳng có gì khác những người theo phe ủng hộ nhà nước, tức là làm chính trị. Câu trả lời của Chúa Giê-su không dừng lại ở chuyện tiền thuế, nhưng còn đi xa hơn. Người không trực tiếp chống lại hoàng đế, mà nêu rõ quan điểm của Người: Phải trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, vì Thiên Chúa là Chủ của mọi sự, kể cả quyền lực thế gian. Sau này, khi đứng trước tòa Phi-la-tô, Chúa Giê-su khảng khái nói: “Ngài chẳng có quyền gì đối với tôi, nếu Trời không ban cho ngài” (Ga 19,11).

    “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!”. Chúa Giê-su biết rõ tư tưởng và mưu mô của họ. “Hãy trả cho Xê-da điều thuộc về Xê-da, hãy trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa”. Chúa Giê-su không trốn tránh trách nhiệm của người công dân, đồng thời Người cũng khẳng định Thiên Chúa là Chủ tuyệt đối của các dân tộc. Nếu hình của một hoàng đế được khắc trên đồng tiền, thì, hình ảnh Thiên Chúa lại được khắc sâu nơi mỗi tâm hồn con người. Vì thế, con người phải chủ toàn những bổn phận đối với Ngài, không chỉ là đóng thuế Đền thờ, mà còn là tâm tình thờ lạy, tạ ơn và cầu nguyện bằng trái tim trọn vẹn. Mưu mô của đám biệt phái đã thất bại, thánh Mát-thêu viết: “Và họ để Người lại đó mà đi”.

    Thiên Chúa là Đấng Tối cao và là Đấng duy nhất đáng tôn thờ. Đó cũng là khẳng định của chính Chúa qua ngôn sứ I-sai-a. Vua chúa trần gian suy cho cùng cũng là do Thiên Chúa ban cho quyền lãnh đạo. Ông Ky-rô là vua Ba-tư đã giải phóng dân Ít-ra-en lưu đày, cho họ trở về quê cha đất tổ, theo giáo huấn của vị ngôn sứ, là vị vua được chính Thiên Chúa sai đến. Ông là hình ảnh của Đấng Ki-tô sau này. Người đến để giải phóng nhân loại khỏi lầm than tội lỗi. Chúa Giê-su đã chiến thắng mưu mô của con người. Người đã chiến thắng tử thần, chiến thắng ma quỷ, giải thoát và cho nhân loại được hưởng tự do của những con cái Chúa.

    Ki-tô hữu là công dân của vương quốc vĩnh cửu, đồng thời cũng là công dân của vương quốc trần gian. Họ phải chu toàn những bổn phận công dân, nhưng không buộc phải làm những gì trái ngược với luật Chúa và luật Giáo Hội. Ví dụ chính phủ một số quốc gia cho phép ly dị, phá thai, người công giáo vẫn phải coi ly dị là sự phản bội lời cam kết trong bí tích Hôn nhân và phá thai là giết người, xúc phạm đến Thiên Chúa là chủ sự sống.

    Cách đây vài tuần, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi thư cho các tín hữu Công giáo Việt Nam. Đây là một đặc ân mà người kế vị Thánh Phê-rô dành cho dân tộc chúng ta. Dựa trên nội dung được gửi cho ông Diognetus ở thế kỷ thứ hai, Đức Thánh Cha viết: “Như vậy, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Ki-tô hữu tốt và là công dân tốt. Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước ”Cũng trong Thư này, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI nhân dịp Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam vào năm 2009: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”. Khẳng định này nhằm xóa tan những nghi ngờ và thành kiến, muốn coi Giáo Hội của Chúa Ki-tô như một tổ chức chính trị.

    Chúa nhật hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, hay còn gọi là Chúa nhật truyền giáo. Sứ vụ truyền giáo đích thực là giúp con người nhận ra Đức Giê-su là Đường, là Sự thật và là Sự sống, đồng thời nhiệt tâm đón nhận và chuyên cần thực hành giáo huấn của Người. Xin cho mỗi tín hữu ý thức bổn phận của mình đối với việc loan báo Đức Giê-su bằng chính đời sống thường ngày.

     

    5.2   Mọi sự là của Chúa, hãy trả Thiên Chúa - Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

    Dịp lễ Đức Mẹ La Vang, tháng 8 năm 2017, khi đề cập đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Girelli nhận định rằng, tại một số tỉnh, nhà cầm quyền lo lắng và phàn nàn về người Công giáo và các hành động của họ. Nhưng ngài khuyên nhà cầm quyền Việt Nam nên nhận thức rằng, Giáo hội Công giáo nên được xem như một điều tích cực, thay vì một điều có vấn đề đối với đất nước.

    Trích câu nói thời danh của Chúa Giê-su rằng: “Trả cho Caesar những gì của Caesar, và trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Đức Tổng Giám mục Leopoldo nói tự do tôn giáo không phải cái gì thuộc về các quan chức chính quyền, mà phải nằm trong tay của người dân. Ngài kêu gọi “các Caesar Việt Nam hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.

    Đoạn Tin Mừng hôm nay mang đầy tính thời sự vì chúng ta đang sống trong một thế giới con người muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài, hoặc nhận tất cả về mình, không còn kể đến Thiên Chúa nữa. Câu kết của đoạn Tin Mừng hôm nay đã trở thành lời bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử, trong tương quan phân chia, sở hữu thường ngày. 

    Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa

    Chúng ta khẳng định, Chúa Giê-su là Lời sống động của Thiên Chúa, thế mà con người lại cố tìm để bắt lỗi Lời của Ngài! Con người nói: “Thầy dạy bảo đường lối Thiên Chúa“, nhưng vẫn cứ hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Caesar hay không?” (Mt 22,17). Hỏi để mà hỏi, không phải để biết cho bằng gài bẫy. Thực tế nhóm Pha-ri-siêu lại tự bẫy và trói chặt mình trong câu hỏi lưỡng nan ấy. Bằng cách từ chối đơn giản hóa vấn đề của đối phương, Chúa Giê-su đặt ra vấn đề căn bản mới và thiết yếu là: ai đứng vào vị trí Thiên Chúa?

    Chính vì họ hỏi con đường của Thiên Chúa, “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy … dạy bảo đường lối Thiên Chúa” (Mt 22,16), nên Người dẫn họ đi theo hướng đó, đây là tất cả giáo lý của Chúa. Thấu hiểu tâm tư của họ, Chúa bảo họ đưa cho xem đồng tiền, xem xong, thấy có khắc hình của một hoàng đế trên đồng tiền, họ khẳng định đó là hình của Caesar, Chúa nói: “Cái gì của Caesar thì hãy trả cho Caesar” ( Mt 22, 21). 

    Thực tế, người Do thái không nhận biểu tượng hình ảnh này, dù Caesar được biết đến là một hoàng đế tự cọi mình là thần đi chăng nữa, ông cũng chỉ là một con người. Theo Lời Chúa trong sách Sáng Thế, chỉ có Thiên Chúa làm ra con người giống hình ảnh Chúa cách sống động: “Chúng ta làm ra con người giống hình ảnh chúng ta và giống chúng ta” (St 1, 26). Hãy trả đồng tiền này cho chủ nhân của nó và hãy trả cho Thiên Chúa linh hồn chúng ta.

    Linh hồn chúng ta thuộc về Chúa

    Đồng tiền mang hình ảnh của Caesar, nhưng linh hồn chúng ta là chính hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, thể theo Thánh Vịnh: ”Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Người trên chúng tôi”. (Tv 4, 7) … Ánh tôn nhan Thiên Chúa là ánh của ân sủng ghi dấu trên chúng ta hình ảnh Ngài, làm cho chúng ta giống Ngài, ánh tôn nhan Chúa còn là ấn tích được ghi trong trí chúng ta, chúng ta nhận biết ai đó nhờ khuôn mặt của người ấy, thì Thiên Chúa cũng nhận biết chúng ta nhờ tấm gương của lý trí. Nhưng lý trí này đã bị biến dạng do tội lỗi con người, vì tội lỗi khiến con người chống lại Thiên Chúa. Ân sủng Đức Ki-tô sửa chữa lại lý trí chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Tông đồ Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô rằng: ”Hãy đổi mới tinh thần” (Ep 4,23). Ánh sáng ở đây còn là ân sủng, nhằm phục hồi hình ảnh Thiên Chúa ghi khắc trong chúng ta.

    Thiên Chúa Ba Ngôi đã khắc ghi vào con người hình ảnh giống Ngài. Con người giống Chúa Cha ở điểm trí nhớ, giống Chúa Con ở trí hiểu, giống Chúa Thánh Thần ở chỗ biết yêu mến… khi tạo dựng, con người được dựng lên ”giống hình ảnh Chúa” (St 1,26). Hình ảnh trong sự nhận biết chân lý, tương tự trong nhân đức yêu thương. Ánh tôn nhan Thiên Chúa chính là ân sủng công chính hóa chúng ta và một lần nữa cho thấy hình ảnh được tạo ra. Ánh sáng này là tất cả những điều tốt đẹp nơi con người, được ghi dấu, như hình ảnh của nhà vua trên đồng tiền. Đó là lý do tại sao Chúa nói: “Cái gì của Caesar thì hãy trả cho Caesar” (Mt 22,21). Điều này ý nói: phải trả cho Caesar hình ảnh của Caesar, trả cho Thiên Chúa linh hồn anh em, đã được điểm tô và ghi dấu ánh sáng tôn nhan Thiên Chúa. Chúng ta không thể trao cho Caesar linh hồn của chúng ta, nó luôn thuộc về Chúa. 

    Mọi sự là của Chúa

    Lời Chúa Giê-su nói: “Cái gì của Caesar thì hãy trả cho Caesar, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa“( Mt 22,21) xác lập một sự khác biệt sâu xa giữa thiêng liêng với thế trần, làm nền tảng cho sự tìm kiếm của các Ki-tô hữu trên mặt đất này. Con người là trung tâm và tột đỉnh của sự sáng tạo, phẩm giá con người hiện nay được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó, chúng ta phải phân biệt hai chủ quyền khác nhau của Thiên Chúa trên thế giới. Caesar và Chúa không ở cùng một cấp độ, Chúa là Đấng Sáng Tạo, Chúa tể trời đất, Caesar là hoàng đế, những ông cũng chỉ là một thụ tạo, một con người, ông phải phụ thuộc vào Chúa và cũng phải trả lẽ trước mặt Chúa, đây không phải là Thiên Chúa hoặc Caesar mà là Thiên Chúa và Caesar, mỗi vị trong cấp độ xứng hợp riêng của mình.

    Vậy “Trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar” nghĩa là trả cho Caesar những gì chính Chúa muốn trao cho Caesar. Chúa thống trị trên tất cả, kể cả Caesar, nên Thiên Chúa làm chủ quyền thiêng liêng. Nước Chúa được thực thi trong Chúa Ki-tô qua Giáo hội của Người. Đương nhiên, Ngài làm chủ cả thế tục và thể chế chính trị mà Chúa thực hiện gián tiếp qua các quyền bính thế gian. Về vấn đề này, Chúa Giêsu đã từng nói rõ với Phi-la-tô khi ông nói với Chúa: “Ông không biết rằng ta có quyền tha ông, mà cũng có quyền đóng đinh ông hay sao?” (Ga 19,10)  Chúa Giê-su đáp: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho” (Ga 19,11). Thánh Phao-lô là người đầu tiên nhìn thấy hiệu quả của giáo huấn này nên viết: “Mọi người hãy phục tùng chính quyền bởi vì không có quyền bính nào mà không đến từ Chúa. Ai chống lại quyền bính thì chống lại trật tự Thiên Chúa đã đặt ra… đó là lý do tại sao anh em phải nộp thuế bởi vì chính quyền chịu trách nhiệm như những người phục vụ Chúa” (Rm13,1).

    Trước khi vâng lời con người, chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa và lương tâm chúng ta. Đó cũng là nghĩa vụ của chúng ta phải nói với Caesar, cụ thể với quyền bính thế gian rằng: “hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa“. 

    Lạy Chúa là Đấng tạo thành trời đất và là chủ muôn loài, tất cả thuộc về Chúa, xin cho chúng con biết luôn hướng lòng về Chúa và tôn thờ Chúa là Chúa chúng con. Amen.

    ​​​​​​​

    5.3  Mỗi người đều mắc nợ về sự hiện hữu của mình - Đức Thánh Cha Phanxicô

    Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (x. Mt 22, 15-21) cho chúng ta thấy Chúa Giêsu phải đối diện với thói đạo đức giả của những kẻ thù nghịch với Người. Lúc đầu thì dành cho Ngài nhiều lời khen nhưng sau đó họ lại hỏi một câu gài bẫy, gây khó khăn cho Ngài và làm cho Ngài mất uy tín trước dân chúng. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?” (câu 17). Vào thời đó, đế quốc Roma thống trị vùng Palestine. Đối với dân chúng, việc sùng bái hoàng đế, cũng được thể hiện qua hình ảnh của hoàng đế trên đồng tiền, là một sự xúc phạm đối với Thiên Chúa của Israel.

    Những người chất vấn Chúa Giê-su tin chắc rằng không có một cách trả lời nào khác cho câu hỏi của họ ngoài “có” hoặc “không”. Họ chờ đợi, bởi vì với câu hỏi này, họ chắc chắn đã dồn Chúa Giê-su vào chân tường và khiến Ngài rơi vào bẫy. Nhưng Ngài biết được ác ý của họ và đã thoát khỏi cạm bẫy. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem đồng tiền, đồng tiền nộp thuế. Ngài cầm đồng tiền trên tay và hỏi ai là hình ảnh được in trên đồng tiền. Người ta trả lời, đó là của Xê-da, tức là, hoàng đế. Rồi Chúa Giê-su đáp: “Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (câu 21).

    Với câu trả lời này, Chúa Giê-su vượt lên trên cuộc tranh luận. Một mặt, Ngài công nhận rằng phải nộp thuế cho Xê-da – cũng như đối với tất cả chúng ta, thuế thì phải nộp - vì hình ảnh trên đồng tiền là của hoàng đế; nhưng trên tất cả, hãy nhớ rằng mỗi người mang trong mình một hình ảnh khác, mà chúng ta mang trong trái tim, trong linh hồn, đó là hình ảnh của Thiên Chúa, và do đó nó thuộc về Ngài, và chỉ thuộc về Ngài, như thế mỗi người đều mắc nợ về sự hiện hữu của mình, về sự sống của chính mình.

    Trong câu trả lời của Chúa Giê-su, chúng ta không chỉ tìm thấy tiêu chuẩn phân biệt giữa lãnh vực chính trị và tôn giáo, mà còn có những hướng dẫn rõ ràng cho sứ mạng của các tín hữu trong mọi thời đại, ngay cả đối với chúng ta ngày nay. Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân, cũng như tuân thủ luật pháp của nhà nước. Đồng thời, cần khẳng định quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống con người và trong lịch sử, tôn trọng quyền của Thiên Chúa đối với những gì thuộc về Ngài.

    Do đó, sứ mạng của Giáo Hội và của các Kitô hữu là nói về Thiên Chúa và làm chứng về Ngài cho những người nam nữ trong thời đại của mình. Mỗi người chúng ta, nhờ Bí tích Rửa tội, được mời gọi trở thành một sự hiện diện sống động trong xã hội, làm cho nó sống động bằng Tin Mừng và bằng nhựa sống của Chúa Thánh Thần. Đó là việc dấn thân với lòng khiêm nhường và với lòng can đảm, góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu, nơi công lý và tình huynh đệ ngự trị.

    Xin Đức Maria rất thánh giúp tất cả chúng ta thoát khỏi mọi thói đạo đức giả và trở thành những công dân chân thực và xây dựng. Và xin Mẹ nâng đỡ chúng ta là những môn đệ của Chúa Kitô trong sứ mạng làm chứng rằng Thiên Chúa là trung tâm và ý nghĩa của cuộc sống.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Bài viết liên quan